Căn cứ tiến hành kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ Năm, 29/05/2014, 16:01 [GMT+7]
Hỏi: Xin cho biết các căn cứ để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng?
Trả lời: Theo Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17-6-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra để xem xét, đánh giá và có biện pháp nhằm bảo đảm việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình.
Việc kiểm tra được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau: 1) Kế hoạch kiểm tra hằng năm đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt. 2) Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Khi có một trong những căn cứ nói trên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải ra quyết định kiểm tra và gửi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được kiểm tra. 
Quyết định kiểm tra phải được công bố chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ra quyết định kiểm tra. Thời hạn tiến hành cuộc kiểm tra là 10 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp cuộc kiểm tra liên quan đến nhiều đối tượng, địa bàn kiểm tra rộng, tính chất việc kiểm tra phức tạp thì thời hạn kiểm tra có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc kiểm tra, sau khi xem xét báo cáo kết quả kiểm tra của trưởng đoàn kiểm tra hoặc người kiểm tra và giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được kiểm tra, người ra quyết định kiểm tra phải ban hành kết luận kiểm tra.
Kết luận kiểm tra phải có các nội dung sau: Kết luận về việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định khác có liên quan của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được kiểm tra.  Kết luận về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được kiểm tra, trong đó phải có kết luận về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra hoặc cá nhân được kiểm tra. Yêu cầu đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được kiểm tra về các biện pháp phải thi hành nhằm bảo đảm việc thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng và các quy định khác có liên quan của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Biện pháp xử lý cụ thể đối với hành vi vi phạm (nếu có). 
Ban Nội chính Tỉnh uỷ Quảng Ninh kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại huyện Đông Triều
Ban Nội chính Tỉnh uỷ Quảng Ninh kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại huyện Đông Triều
P.V
;
.