Những giải pháp có tính đột phá trong công tác phòng ngừa tham nhũng

Thứ Hai, 19/10/2015, 15:40 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết những giải pháp có tính đột phá trong công tác phòng ngừa tham nhũng ở Việt Nam hiện nay?
 
    Trả lời: Hiện nay, tham nhũng diễn ra có tính chất phổ biến, trên nhiều lĩnh vực bằng những thủ đoạn tinh vi, thì cần có những giải pháp mang tính chất đột phá nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Trên hương diện phòng ngừa tham nhũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và công khai, minh bạch tài sản, thu nhập. 
 
    Đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính góp phần hạn chế, xóa bỏ những điều kiện nảy sinh tham nhũng.
 
    Cải cách hành chính là chủ trương lớn của Đảng ta, được đề ra ngay từ Đại hội VIII của Đảng nhằm mục tiêu: Xây dựng một nền hành chính dân chủ, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu quả theo nguyên tắc pháp quyền của Nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng được công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Để đạt được mục tiêu đó, cải cách hành chính cần hướng vào trọng tâm:
 
    - Cải cách thể chế: Xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế;
 
    - Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: Điều chỉnh, xác định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp từ Trung ương tới địa phương phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước vừa có hiệu lực, vừa có hiệu quả hơn;
 
    - Đổi mới cơ chế, chính sách về tổ chức, cán bộ: Đổi mới chế độ quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; cải cách chế độ tiền lương; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức về trình độ chuyên môn cũng như đạo đức, phẩm chất;
 
    - Cải cách tài chính công: Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách; bảo đảm quyền quyết định ngân sách địa phương; đổi mới cơ chế tài chính đối với khu vực dịch vụ công;
 
    Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và những nguyên nhân chủ quan, cho đến nay tiến trình cải cách hành chính diễn ra chậm chạp và có nhiều hạn chế, bất cập, đó là: Bộ máy quản lý cồng kềnh, chồng chéo, thủ tục hành chính thiếu công khai, minh bạch; đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng không mạnh… Tình trạng đó đã tạo điều kiện nảy sinh, phát triển tham nhũng, gậy hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển về chính trị, kinh tế, xã hội. Vì vậy, cải cách hành chính là vấn đề hết sức cấp bách, tập trung vào các trọng tâm: Cải cách bộ máy nhà nước cũng như bộ máy quản lý hành chính theo hướng tinh gọn, chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp hợp lý, công khai, minh bạch; chú trọng cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các ngành, các cấp bảo đảm tính thống nhất theo cơ chế một cửa; công khai hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính đối với những công việc phát sinh tham nhũng như: Cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, nhà ở, thủ tục thu phí, lệ phí, đăng ký kinh doanh, cấp quota, hàng hóa xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, xét duyệt cấp phát vốn ngân sách, thủ tục vay vốn ngân hàng, xét duyệt phân bổ các dự án lớn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ…
 
    Tổ chức thực hiện nghiêm, triệt để quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
 
    Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, chính sách pháp luật quan trọng của Nhà nước ta. Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị không những tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước cũng như nhân dân thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình mà còn có ý thức trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ, thực hiện quyền giám sát của mình.
 
    Công khai, minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp… một mặt góp phần ngăn chặn các hành vi sách nhiễu, cửa quyền, lợi dụng chức quyền để tham nhũng và mặt khác góp phần hạn chế, khắc phục tệ hối lộ vì động cơ, mục đích vụ lợi.
 
    Minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ có chức vụ, quyền hạn, nhất là những cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng như ở những lĩnh vực nhạy cảm như: Tài chính, ngân hàng, hải quan, thuế, đầu tư xây dựng, tổ chức cán bộ, thừa hành pháp luật… là một trong những biện pháp rất quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng. Quy định này còn có ý nghĩa đối với việc giáo dục, quản lý, ngăn ngừa cán bộ, đảng viên tham nhũng.
Thanh An
;
.