Các dạng tham nhũng phổ biến

Thứ Hai, 09/11/2015, 14:19 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết các dạng tham nhũng phổ biến là những dạng tham nhũng được xác định như thế nào?
 
    Trả lời: Các dạng tham nhũng phổ biến gồm:
    
    - Tham nhũng vật chất: Là dạng tham nhũng nhằm thỏa mãn những nhu cầu về vật chất của cá nhân như tiền, tài sản…
 
    - Tham nhũng quyền lực: Là dạng tham nhũng mà người tham nhũng lợi dụng quyền lực cá nhân để đưa những người thân tín vào bộ máy công quyền cũng như vào các tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị kinh tế, tài chính… vì động cơ vụ lợi. Thường được thể hiện ở các mức độ khác nhau như: Lạm dụng, vận dụng một cách sai trái các quyền hợp pháp được Nhà nước và xã hội trao cho; tạo ra các hình thức để mở rộng quyền lực nhằm thỏa mãn những lợi ích không hợp pháp; lợi dụng quyền lực để thỏa mãn khát vọng về quyền lực nhằm duy trì quyền lực đã tham nhũng được hoặc mưu cầu cương vị quyền lực cao hơn…
 
    - Tham nhũng chính trị: Là sự lạm dụng quyền lực chính trị được giao để thu lợi riêng, với mục đích tăng quyền hoặc tăng tài sản. Biểu hiện của nó là dùng vị trí chính trị, ảnh hưởng chính trị của mình để can thiệp vào việc có hoặc không đưa ra một quyết định mang tính chính trị một cách thiên vị nhằm mục đích vụ lợi; mua bán, trao đổi các chức vụ chính trị, vị trí có quyền lực, sau đó dùng vị trí của mình để trục lợi cá nhân…
 
    - Tham nhũng hành chính: Là dạng tham nhũng xảy ra phổ biến trong các hoạt động quản lý hành chính của đội ngũ công chức hành chính. Những người thực hiện hành vi tham nhũng này là những người được giao quyền đã sử dụng quyền lực hành chính, trình tự thủ tục hành chính để gây khó khăn cho công dân hoặc tổ chức nhằm trục lợi cho bản thân. Biểu hiện là hạch sách, nhũng nhiễu trong việc thực hiện một thủ tục, một quyết định cụ thể nào đó mà công dân, tổ chức có quyền được hưởng từ cơ quan hành chính nhà nước; thiên vị trong thực hiện pháp luật…
 
    - Tham nhũng kinh tế: Là dạng tham nhũng xảy ra trong hoạt động kinh tế như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, mua sắm tài sản công, quản lý tài sản… được thực hiện bởi những người có thẩm quyền trong quản lý nhà nước về kinh tế, những người có thẩm quyền trong doanh nghiệp nhà nước. Biểu hiện của nó là chiếm đoạt trái phép các tài sản của Nhà nước, công dân nhằm trục lợi cá nhân; ra các quyết định kinh tế trái pháp luật hoặc thiên vị nhằm trục lợi cá nhân; lợi dụng sơ hở của pháp luật hoặc vi phạm pháp luật để tiến hành sản xuất, kinh doanh, trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội…
 
    Ngoài ra, tham nhũng còn biểu hiện dưới các dạng: Tham nhũng công, tham nhũng tư, tham nhũng cá nhân, tham nhũng tập thể, tham nhũng trực tiếp, tham nhũng gián tiếp, tham nhũng chủ động (đưa hối lộ), tham nhũng bị động (nhận hối lộ)…
Thu Hà 
(Theo tài liệu hỏi đáp về PCTN)
;
.