Các biện pháp chủ yếu trong phòng ngừa tham nhũng trên thế giới

Thứ Hai, 11/01/2016, 14:06 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết các biện pháp chủ yếu trong phòng ngừa tham nhũng trên thế giới hiện nay như thế nào?
 
    Trả lời: Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trên thế giới không hoàn toàn giống nhau, nhưng nhìn chung, hiện nay các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được các nước áp dụng chủ yếu là:
 
    Coi trọng công tác giáo dục nhận thức, đạo đức liêm chính cho mọi người dân, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức. Chính phủ nhiều nước đã chủ trương thực hiện các biện pháp cơ bản như: Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong các trường học để giáo dục ngay từ nhỏ về đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, cách ứng xử phi tham nhũng đối với thế hệ trẻ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tham nhũng cũng như hậu quả, tác hại của nó đến mọi người dân để người dân nhận diện được các hành vi tham nhũng, có thái độ lên án và tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; ban hành các văn bản, đạo luật quy định cụ thể về đạo đức đối với cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những viên chức cấp cao trong từng ngành, từng lĩnh vực, qua đó để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
 
Chiến dịch “bàn tay sắt” trong cuộc chiến chống tham nhũng của Chính phủ Nga
Chiến dịch “bàn tay sắt” trong cuộc chiến chống tham nhũng của Chính phủ Nga
    Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Đó là việc các nước tập trung vào ban hành các đạo luật chuyên ngành và các đạo luật có liên quan đến lĩnh vực chống tham nhũng nhằm bịt kín những sơ hở, thiếu sót của luật pháp mà các đối tượng có thể lợi dụng để tham nhũng; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật về chống tham nhũng trong nhân dân và mọi công chức, viên chức. 
 
    Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong việc soạn thảo, ban hành các quyết định, trong thu nhập của cán bộ, công chức.
 
    Hầu hết các nước đều quy định công chức, viên chức phải kê khai tài sản, nhất là đối với số công chức có vai trò lãnh đạo, quản lý. Thực chất của việc kê khai tài sản là nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được tài sản của công chức, viên chức. Trong trường hợp xảy ra tham nhũng, nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản của mình thì đó là tài sản do tham nhũng mà có. Việc quy định hình thức, thời điểm, những tài sản cần kê khai phụ thuộc vào quan điểm của từng nước, có nước yêu cầu kê khai trước khi tuyển dụng, đề bạt hoặc bầu cử nhưng có nước lại yêu cầu kê khai sau khi được tuyển dụng, đề bạt, bầu cử… nhưng có nhiều nước yêu cầu kê khai bổ sung hàng năm. Việc kê khai tài sản của công chức, viên chức được công bố công khai cho người dân biết.
 
    Sử dụng sức mạnh của người dân, các tổ chức xã hội trong việc phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng. Thực hiện chính sách bảo vệ người tố cáo tham nhũng và tăng cường năng lực kiểm toán nhà nước…
Hà Phương 
(Theo tài liệu hỏi - đáp về phòng, chống tham nhũng)
;
.