Hành vi vi phạm trong giám sát, công khai tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu

Thứ Bảy, 16/01/2016, 14:38 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết những hành vi vi phạm các quy định về giám sát, công khai tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu nào sẽ bị xử lý và kỷ luật?
 
    Trả lời: Theo Điều 19 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25-6-2013 của Chính phủ, những hành vi vi phạm các quy định về giám sát, công khai tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu sẽ bị xử lý và kỷ luật bao gồm: 
 
    1. Đối với viên chức quản lý doanh nghiệp:
    Chủ sở hữu thực hiện các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc và quyết định mức lương và các lợi ích khác đối với viên chức quản lý doanh nghiệp nếu vi phạm các quy định sau:
 
    - Không nộp, nộp không đầy đủ, không đúng hạn các báo cáo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, của chủ sở hữu; nội dung báo cáo không trung thực, không đầy đủ; không thực hiện chế độ công khai thông tin tài chính đúng thời gian, đúng các nội dung quy định thì viên chức quản lý doanh nghiệp bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo tùy theo mức độ vi phạm.
 
    - Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp của chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp, để doanh nghiệp bị thua lỗ, mất vốn nhà nước, hoặc tình hình tài chính của doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, công tác quản lý tài chính của doanh nghiệp yếu kém thì viên chức quản lý doanh nghiệp bị kỷ luật hạ bậc lương hoặc buộc thôi việc.
 
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014
    2. Đối với chủ sở hữu (Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh):
    Thủ trưởng cơ quan cấp trên áp dụng các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của Luật công chức, Luật viên chức đối với chủ sở hữu doanh nghiệp nếu vi phạm một trong các trường hợp sau:
 
    -  Không thực hiện đầy đủ các nội dung giám sát tài chính doanh nghiệp do mình làm chủ sở hữu.
 
    -  Không kịp thời đưa ra các biện pháp chấn chỉnh và xử lý sai phạm về quản lý tài chính của doanh nghiệp hoặc không báo cáo cơ quan cấp trên và cơ quan quản lý về tài chính doanh nghiệp đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn tài chính doanh nghiệp.
 
    -  Không nộp báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp cho cơ quan tài chính theo thời gian hoặc nội dung quy định.
 
    -  Không tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các kiến nghị của cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về việc xử lý các sai phạm và biện pháp tăng cường giám sát tài chính doanh nghiệp.
 
    -  Báo cáo không trung thực kết quả giám sát tài chính doanh nghiệp do mình làm chủ sở hữu.
 
    3. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong trường hợp không thực hiện giám sát, cảnh báo kịp thời theo quy định đối với các trường hợp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao giám sát trực tiếp doanh nghiệp để doanh nghiệp mất an toàn tài chính; thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Đại Anh
;
.