Các yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản

Thứ Năm, 07/04/2016, 14:18 [GMT+7]
    Hỏi: Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như thế nào về tội tham ô tài sản?
 
    Trả lời: Tham ô tài sản có thể được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. 
 
    Tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, các yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản như sau:
 
    - Chủ thể: Chủ thể của tội tham ô chiếm đoạt tài sản là người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời phải là người có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.  Người có trách nhiệm quản lý tài sản, tức là có trách nhiệm đối với tài sản được Nhà nước giao quản lý. 
 
    - Khách thể: Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cơ quan tổ chức nêu trên
 
    - Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
 
    - Mặt khách quan: Hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ quyền hạn. Hành vi phạm tội đầu tiên phải là hành vi chiếm đoạt. Đối tượng của hành vi chiếm đoạt là những tài sản mà người phạm tội được giao quản lý. Người phạm tội đã lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản được giao, chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lý. Thủ đoạn lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản này có thể khác nhau nhưng thực chất đều là sử dụng chức vụ quyền hạn được giao như điều kiện, phương tiện để có thể thực hiện hành vi tham ô tài sản, biến tài sản được giao thành tài sản của mình. 
 
    Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. 
Cù Tất Dũng
;
.