Hành vi lợi dụng chức vụ nhận tiền để chạy việc cho người khác bị xử lý như thế nào?
Thứ Tư, 13/04/2016, 15:19 [GMT+7]
Hỏi: Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như thế nào về vấn đề lợi dụng chức vụ nhận tiền chạy việc cho người khác; mức xử phạt đối với hành vi này như thế nào?
Trả lời: Đối với người có hành vi nhận tiền để chạy việc là người có chức vụ, quyền hạn liên quan, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354, Mục 1: Các tội phạm tham nhũng, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, người có hành vi sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ, hành vi này có thể trực tiếp hoặc qua trung quan (người thứ 3 hoặc nhiều người khác) để làm hoặc không làm một việc gì vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, cụ thể ở đây là việc nhận tiền để chạy việc cho người khác. Mức hình phạt đối với hành vi này có thể bị phạt tù từ 2 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình tùy thuộc vào mức độ, tính chất, hậu quả vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Hỏi: Người đưa tiền để chạy việc có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Trả lời: Người đưa tiền phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hối lộ quy định tại Điều 364, Mục 2: Các tội phạm khác về chức vụ, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, người có hành vi đưa tiền hối lộ có thể chịu truy cứu trách nhiệm hình sự bằng hình thức phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm tùy thuộc vào mức độ, tính chất, hậu quả hành vi vi phạm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người làm cầu nối giữa người đưa tiền và người nhận tiền phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội môi giới hối lộ quy định tại Điều 365, Mục 2: Các tội phạm khác về chức vụ, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, người có hành vi đưa tiền hối lộ có thể chịu truy cứu trách nhiệm hình sự bằng hình thức phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm tùy thuộc vào mức độ, tính chất, hậu quả hành vi vi phạm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200.000 triệu đồng.
Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Bộ luật hình sự 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016
Cù Tất Dũng
;