Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong tổ chức trưng cầu ý dân

Thứ Ba, 06/09/2016, 15:18 [GMT+7]
    Hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong tổ chức trưng cầu ý dân?
 
    Trả lời:
 
    Theo các Điều 18, 19, 20 Luật trưng cầu ý dân (được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2015, có hiệu lực thi hành ngày 01-7-2016), quy định như sau:
 
    Điều 18 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: (1) Quyết định ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân, bỏ phiếu sớm, hoãn ngày bỏ phiếu, bỏ phiếu lại. (2) Chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước. (3) Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân. (4) Quy định về phiếu trưng cầu ý dân, mẫu thẻ cử tri trong trưng cầu ý dân, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản khác sử dụng trong việc tổ chức trưng cầu ý dân. (5) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tổ chức trưng cầu ý dân. (6) Nhận và kiểm tra báo cáo kết quả trưng cầu ý dân do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi đến. (7) Lập báo cáo tổng hợp kết quả trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước. (8) Kiểm tra, giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân. (9) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả trưng cầu ý dân. Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là quyết định cuối cùng. (10) Xác định, công bố kết quả trưng cầu ý dân trong cả nước và báo cáo Quốc hội về kết quả tổ chức trưng cầu ý dân tại kỳ họp gần nhất.
 
Tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị phổ biến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật trưng cầu ý dân
Tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị phổ biến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND,
Luật trưng cầu ý dân
    Điều 19 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ: (1) Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các công việc trong tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật. (2) Chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình tổ chức trưng cầu ý dân. (3) Bảo đảm về kinh phí và các điều kiện cần thiết khác phục vụ việc tổ chức trưng cầu ý dân; hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí trong tổ chức trưng cầu ý dân. (4) Phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân. (5) Phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong kiểm tra, giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân.
 
    Điều 20 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp:
 
    1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: (a) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức trưng cầu ý dân trên địa bàn cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; (b) Chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân ở địa phương; (c) Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương; (d) Tổ chức in ấn thẻ cử tri, phiếu trưng cầu ý dân, biểu mẫu và các tài liệu khác phục vụ việc tổ chức trưng cầu ý dân trên địa bàn; phân bổ kinh phí và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác phục vụ việc tổ chức trưng cầu ý dân trên địa bàn cấp tỉnh; (đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong tổ chức trưng cầu ý dân theo thẩm quyền; (e) Báo cáo tình hình tổ chức việc trưng cầu ý dân với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ; (g) Nhận, kiểm tra báo cáo kết quả kiểm phiếu trưng cầu ý dân do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi đến; lập báo cáo kết quả trưng cầu ý dân tại địa phương mình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
    2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: (a) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức trưng cầu ý dân trên địa bàn cấp huyện theo quy định của pháp luật; (b) Phê chuẩn việc xác định khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân của Ủy ban nhân dân cấp xã; (c) Chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân và công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương; (d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện trưng cầu ý dân tại địa phương theo thẩm quyền; (đ) Báo cáo tình hình tổ chức việc trưng cầu ý dân với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (e) Ở huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện thực hiện cả các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều này.
 
    3. Ủy ban nhân dân cấp xã có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: (a) Xác định khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân; thành lập Tổ trưng cầu ý dân ở từng khu vực bỏ phiếu; (b) Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân và công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương; (c) Tổ chức việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở địa phương; (d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải đáp thắc mắc của cử tri và xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện trưng cầu ý dân tại địa phương theo thẩm quyền; (đ) Báo cáo tình hình tổ chức việc trưng cầu ý dân với Ủy ban nhân dân cấp huyện; (e) Nhận, kiểm tra báo cáo kết quả kiểm phiếu trưng cầu ý dân do Tổ trưng cầu ý dân gửi đến; lập báo cáo kết quả trưng cầu ý dân tại địa phương mình gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh.
Thanh An
;
.