Một số nguyên nhân, điều kiện chủ yếu nảy sinh tham nhũng

Thứ Hai, 21/11/2016, 15:15 [GMT+7]
    Hỏi: Nguyên nhân và điều kiện chủ yếu phát sinh tham nhũng là gì?
 
    Trả lời: Một số nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng đó là:
 
    - Sự phát triển của các hình thái nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế - chính trị tạo ra tiền đề khách quan cho tham nhũng nảy sinh, phát triển. Nói cách khác, tham nhũng còn được coi là “sản phẩm của sự tha hóa quyền lực”.
 
    - Tham nhũng là hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế, xã hội lỏng lẻo, yếu kém, tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế. Thực tế cho thấy, ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, quản lý công khai, minh bạch thì tham nhũng xảy ra ít hơn. Ngược lại, ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang phát triển, trình độ quản lý và dân trí chưa cao, thì ở đó tham nhũng phức tạp hơn.
 
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN của TP. Hồ Chí Minh
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN của TP. Hồ Chí Minh
    - Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và đồng bộ cũng là một nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tham nhũng. Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán có nhiều “kẽ hở” tạo cho những người có chức vụ, quyền hạn điều kiện để “lách luật” trục lợi, làm giàu bất chính.
 
    - Phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ có chức, có quyền bị suy thoái, đặc biệt là suy thoái tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức, lối sống. Họ sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung, lợi ích tập thể để trục lợi, làm giàu bất chính cho bản thân, gia đình, họ hàng mình.
 
    - Trình độ dân trí thấp, ý thức pháp luật của người dân chưa cao tạo điều kiện cho những người có chức vụ, quyền hạn có thể nhũng nhiễu, hạch sách dân chúng, vòi vĩnh nhận quà biếu, tặng hay nói cách khác là nhận hối lộ. Thực tế, ở các nước phát triển có trình độ dân trí cao thì tham nhũng ít xảy ra hơn là những nước đang phát triển và kém phát triển với trình độ dân trí thấp, người dân chưa có điều kiện tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hoặc thiếu tự tin, cam chịu, chấp nhận sống cùng với tham nhũng.
 
    - Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, với nhiều thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý tạo điều kiện cho một số cán bộ, công chức sách nhiễu, nhận hối lộ của người dân, doanh nghiệp. Một số nước tồn tại cơ chế xin - cho, là điều kiện phát sinh tham nhũng.
 
    - Chế độ, chính sách đãi ngộ, nhất là vấn đề tiền lương cho cán bộ, công chức chưa thỏa đáng. Một khi cán bộ, công chức nhà nước chưa thể sống bằng tiền lương của mình thì tất yếu họ sẽ tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập từ chính công việc, chức vụ mà nhà nước giao cho mình kể cả tham nhũng.
 
    - Mặt trái của cơ chế thị trường trong điều kiện hội nhập tác động mạnh làm thoái hóa, biến chất một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện. Sự suy thoái niềm tin, lối sống thực dụng đã chi phối hành vi của họ. Đi đôi với sự suy thoái này là công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên còn yếu kém…
Phương Anh 
(Theo Tài liệu hỏi - đáp về PCTN)
;
.