Giám định tư pháp và việc lập mới Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Chủ Nhật, 25/07/2021, 06:09 [GMT+7]
Hỏi: Xin cho biết, Luật mới về giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung về việc giám định tư pháp và việc thành lập mới Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao như thế nào?
Trả lời: Luật số 56/2020/QH14 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2012 có mở rộng phạm vi của giám định tư pháp, theo đó, các khoản 1, 2 và 3 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung về việc giám định tư pháp, người trưng cầu giám định và người yêu cầu giám định như sau:
Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng ký Quy chế phối hợp về công tác tạm giữ, tạm giam, giám định và điều tra kỹ thuật hình sự |
Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này. Phạm vi giám định tư pháp đã được mở rộng theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành (khoản 1, Điều 2). Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Và người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Theo quy định mới thì các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự sẽ bao gồm: a) Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; b) Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; c) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; d) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thêm phòng giám định kỹ thuật hình sự. Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi. Các nội dung này được quy định mới trong Luật số 56/2020/QH14 năm 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 4, 5 của Điều 12 Luật Giám định tư pháp năm 2012.
Phương Anh