Thêm trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp và sửa đổi quy định về kết luận giám định tư pháp

Thứ Tư, 28/07/2021, 05:36 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về giám định tư pháp đã quy định như thế nào về trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp và quy định về kết luận giám định tư pháp?
 
    Trả lời: Luật số 56/2020/QH14 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2012 quy định về những vấn đề này như sau:
 
    So với quy định tại Điều 10, Luật Giám định tư pháp 2012 thì Luật số 56/2020/QH14 năm 2020 đã bổ sung thêm một số trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp, đó là: Không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này; Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này; Bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính do cố ý vi phạm quy định của pháp luật về giám định tư pháp; Thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 6 của Luật này; Có quyết định nghỉ hưu hoặc quyết định thôi việc, trừ trường hợp có văn bản thể hiện nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp và cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật; Chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp; Theo đề nghị của giám định viên tư pháp. Trường hợp giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì phải được sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp; Giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm không thành lập Văn phòng hoặc sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập Văn phòng mà không đăng ký hoạt động.
 
Ảnh minh họa (internet)
Ảnh minh họa (internet)
    Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế miễn nhiệm giám định viên pháp y thuộc thẩm quyền quản lý.
 
    Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc thẩm quyền quản lý.
 
    Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ miễn nhiệm giám định viên tư pháp hoạt động tại các cơ quan ở Trung ương ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp.
 
    Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp sau khi thống nhất ý kiến với Giám đốc Sở Tư pháp.
 
    Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp và điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung về giám định viên tư pháp.
 
    Theo Khoản 1, Điều 15, Luật Giám định tư pháp năm 2012, giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ điều kiện sau đây: Có từ đủ 5 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng; Có Đề án thành lập nêu rõ mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện.
 
    Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021 khi Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp có hiệu lực, việc thành lập Văn phòng giám định tư pháp sẽ được nới lỏng điều kiện. Cụ thể là, giám định viên tư pháp cần có từ đủ 3 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng thay vì phải hoạt động từ đủ 5 năm trở lên trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng.
 
    Để khắc phục một số hạn chế về kết luận giám định tư pháp trong thực tiễn hiện nay, Điều 32, Luật Giám định tư pháp năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung kết luận giám định tư pháp phải bằng văn bản, bao gồm các nội dung sau đây: Họ, tên người giám định tư pháp; tổ chức thực hiện giám định tư pháp; Tên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, họ, tên người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp; số văn bản trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định; Thông tin xác định đối tượng giám định; Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; Nội dung yêu cầu giám định; Phương pháp thực hiện giám định; Kết luận rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.
 
    Trong trường hợp trưng cầu, yêu cầu cá nhân thực hiện giám định tư pháp thì bản kết luận giám định tư pháp phải có chữ ký và ghi rõ họ, tên của người giám định tư pháp. Trường hợp yêu cầu tổ chức cử người giám định thì bản kết luận giám định tư pháp phải có đầy đủ chữ ký, ghi rõ họ, tên của người giám định tư pháp và có xác nhận chữ ký của tổ chức cử người giám định.
 
    Trường hợp trưng cầu, yêu cầu tổ chức thực hiện giám định tư pháp thì ngoài chữ ký, họ, tên của người giám định, người đứng đầu tổ chức còn phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp phải chịu trách nhiệm về kết luận giám định tư pháp.
Trường hợp Hội đồng giám định quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này thực hiện giám định thì người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng giám định.
 
    Trong trường hợp việc giám định được thực hiện trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, theo đúng trình tự, thủ tục do Luật này quy định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể sử dụng kết luận giám định đó như kết luận giám định tư pháp.
 
    Như vậy, việc sửa đổi quy định về kết luận giám định theo hướng cụ thể hơn, kết luận giám định phải rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định; bỏ quy định về chứng thực chữ ký của người giám định theo quy định của pháp luật về chứng thực khi trưng cầu, yêu cầu giám định đích danh cá nhân người giám định.
Thanh An
.