Sửa đổi, bổ sung một số nội dung về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động
Thứ Năm, 09/09/2021, 05:53 [GMT+7]
Hỏi: Xin cho biết quy định mới về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động?
Trả lời: Vấn đề bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động được quy định trong Thông tư mới nhất (Thông tư số 09/2021/TT-BLĐTBXH) ban hành ngày 07/9/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH, ngày 15/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, sửa đổi Điều 4 về trình tự, thủ tục bảo vệ được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI Luật Tố cáo năm 2018, bao gồm các điều từ 50 đến điều 55.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tố cáo ngày 12/06/2018 |
Như vậy, về trình tự, thủ tục bảo vệ cần đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ như: Khi có căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 47 của Luật Tố cáo thì người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ với các nội dung theo quy định của Luật. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
Việc xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo được quy định: Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 47 của Luật Tố cáo thì người giải quyết tố cáo kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo.
Việc quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ với các nội dung được quy định trong Luật Tố cáo. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ được gửi cho người được bảo vệ, người giải quyết tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ phải tổ chức thực hiện ngay việc bảo vệ; trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện việc bảo vệ. Thời gian bảo vệ được tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ cho đến khi việc áp dụng biện pháp bảo vệ được chấm dứt theo quy định tại Khoản 2, Điều 54 của Luật Tố cáo.
Đối với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cụ thể là: Cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ có trách nhiệm sau đây: Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức việc áp dụng các biện pháp bảo vệ; chịu trách nhiệm về quyết định của mình; Lập, quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật; Theo dõi, giải quyết những vướng mắc phát sinh; gửi báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ có trách nhiệm sau đây: Thực hiện kịp thời, đầy đủ yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp không thực hiện được yêu cầu, đề nghị đó thì phải báo cáo hoặc thông báo ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do đến cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; Báo cáo hoặc thông báo bằng văn bản về kết quả thực hiện việc bảo vệ cho cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
Ngoài ra, Luật Tố cáo cũng quy định về việc thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ; việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp bảo vệ.
Về việc sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 1, Điều 8 của Thông tư số 09 quy định như sau: Trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban lãnh đạo của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp mà người lao động đó là thành viên phải có ý kiến bằng văn bản với người sử dụng lao động, đồng thời báo ngay sự việc với cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và báo cáo tổ chức đại diện cấp trên trực tiếp của người lao động (nếu có) để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.
Theo đó, khi doanh nghiệp không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ, bên cạnh việc có ý kiến bằng văn bản với doanh nghiệp thì Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban lãnh đạo của tổ chức của người lao động phải báo cáo ngay sự việc với cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; báo cáo tổ chức đại diện cấp trên trực tiếp của người lao động (nếu có). Như vậy, Thông tư mới không còn yêu cầu Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban lãnh đạo của tổ chức của người lao động phải báo cáo với công đoàn cấp trên trực tiếp như trước đây.
Đồng thời, Thông tư số 09 cũng quy định việc bãi bỏ các điều 5 (Quyết định, thay đổi, bổ sung và chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ) và điều 6 (Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp).
Thanh An