Các hành vi tham nhũng và hình thức xử lý công chức tham nhũng

Thứ Hai, 01/11/2021, 07:04 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết các hành vi nào được coi là hành vi tham nhũng và nếu công chức tham nhũng thì sẽ bị xử lý như thế nào?
 
    Trả lời: Theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì các hành vi tham nhũng bao gồm: Hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện và hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện. 
 
 Họp Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí” lần thứ ba.
Họp Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí” lần thứ ba.
    Theo đó, các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
 
    Nếu cán bộ, công chức tham nhũng thì theo Khoản 1, Điều 92 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Như vậy, theo quy định này, dù công chức đã nghỉ hưu, thôi việc hay chuyển công tác và giữ bất kỳ chức vụ nào thì khi phát hiện có hành vi tham nhũng đều bị xử lý nghiêm. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, công chức tham nhũng sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu công chức tham nhũng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì sẽ bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
 
    Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019 quy định, nếu công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm và theo Khoản 4, Điều 82, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng sẽ không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, tùy theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi khi công chức có hành vi tham nhũng sẽ bị xử lý kỷ luật các hình thức: Khiển trách: Vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng. Cảnh cáo: Đã bị kỷ luật bằng khiển trách mà còn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng. Giáng chức: Đã bị kỷ luật cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng. Cách chức: Đã bị giáng chức mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị buộc thôi việc; công chức tham nhũng có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Buộc thôi việc: Đã bị cách chức mà tái phạm; vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các hình thức này được quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, ngày 18/9/2020 của Chính phủ.
 
    Như vậy, tùy vào từng hành vi cùng mức độ (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng) để áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp công chức tham nhũng.
 
    Không chỉ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức tham nhũng, mà người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị do mình quản lý nếu để cơ quan mình có vụ, việc tham nhũng xảy ra thì có thể bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức. Các nội dung này được quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Chính phủ.
 
    Bên cạnh đó, công chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi tham nhũng vi phạm một trong các tội theo quy định của Bộ luật hình sự tại các điều từ 353 đến 359.
Thanh An
.