Các quy định về xử lý công chức tham nhũng
Thứ Bảy, 30/04/2022, 06:40 [GMT+7]
Hỏi: Xin cho biết quy định của pháp luật về tham nhũng và việc công chức nếu tham nhũng sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời: Tại Khoản 1, Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Theo quy định này: Cán bộ, công chức, viên chức là một trong những đối tượng của người có chức vụ, quyền hạn. Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng.
Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng - thực trạng và giải pháp” |
Các hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức được nêu tại Điều 2 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Với công chức là người đứng đầu nêu tại Khoản 3, Điều 10, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có nghĩa vụ: “Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”.
Khoản 1 Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ: “Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác”. Theo quy định này, dù công chức đã nghỉ hưu, thôi việc hay chuyển công tác và giữ bất kỳ chức vụ nào thì khi phát hiện có hành vi tham nhũng đều bị xử lý nghiêm. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, công chức tham nhũng sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, nếu công chức tham nhũng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì sẽ bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
Việc công chức tham nhũng bị xử lý kỷ luật như sau: Nếu công chức bị Tòa án kết án tội phạm tham nhũng sẽ bị buộc thôi việc theo Khoản 15, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng sẽ không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý (theo Khoản 4, Điều 82, Luật Cán bộ, công chức năm 2008: Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý).
Đồng thời, theo Điều 7, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, nếu công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi tham nhũng thì dựa vào tính chất của hành vi mà bị kỷ luật như sau: Khiển trách. Cảnh cáo. Hạ bậc lương. Buộc thôi việc; đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ bị xử lý kỷ luật như sau: Khiển trách. Cảnh cáo. Giáng chức. Cách chức. Buộc thôi việc. Như vậy, tùy vào từng hành vi cùng mức độ (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng) để áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp đối với công chức có hành vi tham nhũng.
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị do mình quản lý nếu để cơ quan mình có vụ, việc tham nhũng xảy ra thì có thể bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật nêu tại Điều 78, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Chính phủ như sau: Hình thức khiển trách được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng. Hình thức cảnh cáo được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Hình thức cách chức được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Bên cạnh hình thức kỷ luật, nếu hành vi tham nhũng vi phạm một trong các tội quy định tại Điều 353 đến Điều 359 Bộ luật hình sự hiện hành như sau: Tội tham ô tài sản nêu tại Điều 353; Tội nhận hối lộ tại Điều 354; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại Điều 355; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Điều 356; Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại Điều 357; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi tại Điều 358; Tội giả mạo trong công tác tại Điều 359.
Phương Anh