Trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, thành viên cấp ủy, tổ chức đảng trong việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Sáu, 19/01/2024, 19:30 [GMT+7]
Hỏi: Xin cho biết những quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, thành viên cấp ủy, tổ chức đảng trong việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?
Trả lời: Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị quy định về nội dung này như sau:
Không thực hiện 22 hành vi quy định tại Điều 4 của Quy định số 131-QĐ/TW, đồng thời có các trách nhiệm là:
Đối với cấp ủy: (1) Lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; quy định của pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm toán. (2) Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát theo kế hoạch; phối hợp chặt chẽ giữa đoàn kiểm tra, giám sát của cấp ủy với ủy ban kiểm tra cấp trên trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. (3) Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng thuộc thẩm quyền quản lý; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và ủy ban kiểm tra của cấp uỷ thực hiện nghiêm quy định của Đảng, chỉ đạo của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên, kịp thời chấn chỉnh hạn chế, khuyết điểm trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. (4) Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.
Đối với ủy ban kiểm tra các cấp: (1) Chỉ đạo cụ thể hoá hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Quy định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. (2) Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên của tổ chức mình và cấp dưới thực hiện đầy đủ quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật. Kịp thời chấn chỉnh hạn chế, khuyết điểm, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. (3) Không bố trí theo dõi địa bàn, lĩnh vực hoặc tham gia, chỉ đạo các đoàn kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đối với người có quan hệ gia đình hoặc có quyền, lợi ích liên quan với đối tượng kiểm tra. (4) Điều động hoặc chuyển đổi vị trí công tác đối với người đã phụ trách, theo dõi một địa bàn, lĩnh vực từ đủ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của ngành, lĩnh vực hoặc khi thấy cần thiết. (5) Bảo vệ, khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.
Đối với tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm toán: (1) Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định của Đảng, pháp luật, chương trình, kế hoạch và quy trình nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. (2) Chỉ đạo hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình hoạt động thanh tra, kiểm toán và các quy định khác có liên quan, bảo đảm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. (3) Phối hợp với cấp uỷ cùng cấp trong việc tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh hạn chế, khuyết điểm và xử lý nghiêm vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm toán. (4) Chỉ đạo việc bảo vệ, khen thưởng tổ chức, cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; thường xuyên chỉ đạo hoặc phối hợp chỉ đạo kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. (5) Điều động hoặc chuyển đổi vị trí công tác đối với người đã phụ trách, theo dõi thanh tra, kiểm toán tại một địa bàn, lĩnh vực từ đủ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của ngành, lĩnh vực hoặc khi thấy cần thiết.
Tọa đàm “Tăng cường kiểm soát quyền lực, PCTNTC - Giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” |
Đối với người đứng đầu, thành viên cấp ủy, tổ chức đảng: (1) Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng: Chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm quy định về kiểm soát quyền lực, tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Triệu tập đầy đủ, đúng thành phần, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong thảo luận và quyết định các vấn đề theo thẩm quyền; không được vận động, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, quyết định theo ý mình. Báo cáo kịp thời, trung thực, khách quan, đầy đủ ý kiến của tập thể lãnh đạo với cấp có thẩm quyền, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Công khai thông báo, kết luận về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán theo quy định. Cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. (2) Thành viên cấp ủy, tổ chức đảng: Chấp hành các nghị quyết, quyết định của tập thể; cùng chịu trách nhiệm với tập thể về các quyết định được thảo luận, biểu quyết. Được kiến nghị, đề xuất và bảo lưu ý kiến. Chịu trách nhiệm về kiến nghị, đề xuất thuộc địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách. Chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm liên quan đến kiểm soát quyền lực, tham nhũng, tiêu cực thuộc địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách.
Phương Anh