Một số lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng

Thứ Tư, 30/05/2012, 15:31 [GMT+7]

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ,

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về phòng, chống sai phạm, tham nhũng

trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó một phần do công tác phát hiện tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn. Trong bài viết này, tác giả xin trao đổi một số hành vi vi phạm ở một số lĩnh vực đang được coi là điểm nóng, dễ xảy ra tham nhũng.

1. Công tác cán bộ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước

Thời gian qua, công tác tổ chức cán bộ là lĩnh vực được dư luận nói nhiều về những tiêu cực, tham nhũng. Qua tìm hiểu cho thấy, một số biểu hiện, đó là:

- Một số cán bộ, công chức dù không được đào tạo theo đúng chuyên môn của đơn vị hoặc trình độ chuyên môn không đáp ứng, nhưng do có quan hệ quen biết, được người có thẩm quyền giới thiệu (bảo lãnh) nên vẫn được tuyển dụng. Thậm chí dư luận cho rằng, còn có hiện tượng mỗi vị trí tuyển dụng phải có “giá” mới qua được kỳ thi tuyển công chức.

- Một số cán bộ, công chức, viên chức có năng lực và trình độ chuyên môn thấp, không đáp ứng được yêu cầu trong công tác, nhưng số này thường tìm cách “tiến thân” bằng con đường “chạy chọt”. Họ tìm mọi cách gây cảm tình với lãnh đạo cấp trên bằng nhiều hình thức, như: tìm hiểu sở thích, nhu cầu cá nhân của cấp trên và gia đình lãnh đạo, tìm cách lo lót, đáp ứng thú ăn chơi, sở thích mua sắm, nhu cầu chùa chiền, mừng nhà mới, sinh nhật, việc cưới, tang, giỗ tết…

- Tặng quà, nhận quà tặng là một nét văn hóa đẹp thể hiện thái độ trân trọng và lòng biết ơn, tuy nhiên nhiều trường hợp đã lợi dụng việc tặng quà, đưa quà biếu có giá trị lớn “trên mức tình cảm” (như: nhà, đất, cổ phần trong các dự án, công ty...) để đạt được mục đích. Như vậy, loại hành vi này thực chất là hành vi đưa, nhận hối lộ. Mặt khác, một số cán bộ lãnh đạo coi việc nhận “quà” tặng (có giá trị lớn) là một “tiêu chuẩn” để tuyển dụng, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Vì có hiện tượng một số cán bộ được tuyển dụng, đề bạt bằng hình thức như vậy, dẫn đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thấp và không đồng đều, ảnh hưởng tới hiệu quả công tác và uy tín của cơ quan, đơn vị. Những biểu hiện đưa và nhận hối lộ dưới hình thức quà tặng, quà biếu (trong công tác cán bộ) rất khó phát hiện và xử lý. Lĩnh vực này đang phải đối mặt với dư luận là mọi thứ đều có giá từ tuyển dụng đến phân công, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Tuy nhiên cho đến nay, trên phạm vi cả nước chưa có trường hợp nào bị cơ quan chức năng phát hiện, do đó, chưa xử lý vụ việc tham nhũng nào trong lĩnh vực này.

2. Lĩnh vực tín dụng, ngân hàng

Đây là một lĩnh vực “nóng” đã và đang xảy ra khá nhiều vụ việc vi phạm, tội phạm, được dư luận đặc biệt quan tâm. Một số vụ án mà cơ quan chức năng phát hiện và xử lý cho thấy một số thủ đoạn phạm tội như sau:

- Thỏa thuận trái pháp luật, ép buộc khách hàng phải cắt lại phần trăm hoặc chi “hoa hồng” từ 3% - 10% số tiền cho vay (thực chất là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ), điển hình như vụ án Đoàn Tiến Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, nhận của khách hàng 5 tỷ đồng.

Đoàn Tiến Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam

- Nhận hối lộ của khách hàng để hợp thức hóa hồ sơ xin vay không đúng quy định như không có tài sản thế chấp, tài sản không đủ đảm bảo, điển hình như vụ án Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông, nhận 92 tỷ đồng, 100 ngàn USD, một ô tô BMW, một nhẫn kim cương của Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân.

- Thông đồng với đối tượng bên ngoài ngân hàng lập hợp đồng khống, nâng giá tài sản thuê mua để rút tiền của ngân hàng chuyển đến các Công ty sân sau hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân, điển hình như vụ Vũ Quốc Hảo, nguyên Giám đốc Công ty cho thuê tài chính thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gây thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng; vụ một số cán bộ ngân hàng câu kết với một nhóm đối tượng ngoài ngành ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt 215 tỷ đồng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Thái Bình và Chi nhánh Đông Đô, Hà Nội.

- Lợi dụng chức vụ, nghề nghiệp, kỹ thuật và nghiệp vụ ngân hàng để chiếm đoạt tiền của ngân hàng và khách hàng, điển hình như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Ngân hàng Công thương, Chi nhánh Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, chiếm đoạt trên 3.000 tỷ đồng.

3. Lĩnh vực quản lý đất đai và xây dựng cơ bản

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư tìm cách móc nối, câu kết với một số cán bộ Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực cấp phép đầu tư dự án; dùng nhà, đất, tiền, tài sản để “bôi trơn” nhằm xin được cấp phép, cấp đất dự án. Loại hành vi này (thực chất là đưa, nhận hối lộ, nhưng là “luật bất thành văn”) xảy ra khá phổ biến trong nhiều dự án có tính chất “xin - cho” ở nước ta hiện nay, đã tạo thành tâm lý phải có tiền thì mới giải quyết được việc. Ngoài ra, một số cán bộ Nhà nước có thẩm quyền đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, có hành vi trái phép, làm trái nguyên tắc trong việc cấp, sử dụng, thu hồi đất làm thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân. Thực tế cho thấy, nhiều dự án được duyệt, nhưng không thực hiện theo mục đích ban đầu, mà chỉ để mua đi, bán lại để kiếm lời. Điển hình là các vụ án: vụ án xin cấp đất Dự án của Công ty Phát triển nhà tỉnh Bạc Liêu; vụ Phan Văn Khỏe, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh nhận hối lộ; vụ sai phạm tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội; vụ Đồng Nò, TP Đà Nẵng; vụ Tổng Công ty Mía đường II; vụ Đất Đồ Sơn, vụ Đất Quán Nam, TP Hải Phòng...

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, cũng có nhiều loại hành vi tham nhũng của cán bộ cơ quan Nhà nước như nhận hối lộ, tham ô. Một số vụ án điển hình như vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, nhận hối lộ trong Dự án xây dựng hành lang Đông -Tây tại TP Hồ Chí Minh; các vụ tham ô tại PMU18, tại Dự án cầu Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh; tại Cảng Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...

4. Lĩnh vực quản lý tài sản công và hoạt động trong doanh nghiệp Nhà nước

Lợi dụng chủ trương của Nhà nước trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, thời gian qua, có không ít doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa đã gây ra thất thoát một lượng lớn tài sản của Nhà nước. Một số cán bộ trong các doanh nghiệp này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô, chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Một số thủ đoạn phạm tội phổ biến trong lĩnh vực này là:      

- Tẩu tán tài sản, hạ thấp giá trị tài sản để chiếm đoạt thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp, điển hình là vụ án xảy ra tại Công ty Vifon - TP Hồ Chí Minh: Nguyễn Bi, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc; Nguyễn Thanh Huyền, nguyên Phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng, lập chứng từ khống chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng; để lại, không thu về Công ty số tiền 59,9 tỷ đồng nhằm chiếm đoạt khi cổ phần hóa.

- Lấy tài sản công sử dụng vào mục đích cá nhân (vụ Bùi Tiến Dũng, PMU18 đã dùng tiền của Dự án PMU18 để mua hàng chục ô tô đắt tiền, sau đó cho một số cá nhân, cơ quan mượn sử dụng). Hành vi chuyển hóa tài sản Nhà nước thành tài sản riêng thông qua lập các hợp đồng mua bán, vận chuyển khống để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng (vụ Trần Văn Khánh, Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp; Vụ Công ty xăng dầu Hàng không).

- Lợi dụng việc mua sắm tài sản công để nâng khống, gửi giá nhằm trục lợi, điển hình như vụ Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: các bị can trong vụ án đã nâng khống giá thiết bị tàu lặn từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng để chiếm đoạt.

5. Trong lĩnh vực thuế

Cán bộ Thuế với doanh nghiệp đã thông đồng để giảm thuế, không tính thuế nhằm chia nhau số tiền này, gây thất thoát cho ngân sách, điển hình như các vụ trốn thuế ở các tỉnh Đồng Nai, Cà Mau gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

6. Trong hoạt động tư pháp

Cán bộ cơ quan tư pháp lợi dụng chức vụ, quyền hạn đòi hối lộ trong quá trình thực thi công vụ (hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án). Loại hành vi này không những ảnh hưởng đến tính đúng đắn trong hoạt động công vụ, làm sai lệch bản chất vụ án, vụ việc, mà còn gây mất uy tín của cơ quan tư pháp, giảm sút niềm tin của nhân dân, điển hình như vụ Vũ Văn Lương, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận hối lộ 70 triệu đồng; vụ Vũ Đức Hùng, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình nhận hối lộ 70 triệu đồng; vụ Hà Công Tuấn, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhận hối lộ 200 triệu đồng; vụ Trần Văn Chính, nguyên Chi cục trưởng Thi hành án dân sự huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nhận hối lộ 20 triệu đồng; vụ 07 cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (trong đó có hai phó trưởng phường thuộc hai phường Thanh Nhàn và Quỳnh Lôi) đã làm ngơ, tiếp tay cho tội phạm; nhận tiền hối lộ để bảo kê cho đối tượng buôn bán ma túy...

Một số kiến nghị đề xuất

1. Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định nhằm hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, như: Bổ sung một số hành vi tham nhũng thuộc tội phạm tham nhũng; ban hành các quy định về bảo vệ, khen thưởng người có thành tích trong công tác PCTN, nhất là người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trước mắt quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong công tác giám định, phục vụ kịp thời công tác điều tra, truy tố, xét xử.

2. Nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trên phạm vi cả nước; hướng dẫn về công tác xét xử đối với tội phạm tham nhũng. Chúng ta đã xác định tham nhũng là loại tội phạm nguy hiểm, là giặc “nội xâm” nên đường lối xét xử phải thấm nhuần quan điểm đó; hình phạt phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hại của tội phạm. Có như vậy mới đủ sức răn đe, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Khắc phục tình trạng các bị cáo phạm tội tham nhũng lại được hưởng án treo có tỷ lệ cao so với các loại tội phạm khác trong thời gian vừa qua.

3. Trên cơ sở các quy định của Đảng, Nhà nước hiện hành và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các cơ quan chức năng thực hiện tốt chế độ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo về xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Không đẩy những vụ việc thuộc thẩm quyền của mình lên cấp trên giải quyết và ngược lại, cấp trên cũng không can thiệp sâu vào công việc của cấp dưới trái thẩm quyền. Chế độ xin ý kiến và cho ý kiến chỉ đạo cần được vận dụng phù hợp, tuân thủ các quy định hiện hành, rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là mối quan hệ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh với các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương.

4. Thông qua xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, các cấp, các ngành cần đánh giá một cách sâu sắc, từ đó rút ra nguyên nhân dẫn đến tham nhũng để có các giải pháp khắc phục, kịp thời bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

5. Cần xây dựng cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về PCTN theo hướng có thẩm quyền chỉ đạo trực tiếp các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trong phát hiện và xử lý tham nhũng. Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, thẩm định, xác minh thu thập tài liệu và kiến nghị xử lý trực tiếp. Chỉ thành lập các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng ở Trung ương, có thẩm quyền tương đối độc lập, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương, thụ lý những vụ việc tham nhũng gây thiệt hại lớn (từ 50 tỷ đồng trở lên), người có hành vi tham nhũng là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý, vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài; các vụ án, vụ việc tham nhũng ở địa phương do cơ quan tố tụng địa phương tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

6. Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có văn bản nghiêm cấm mọi hành động can thiệp dưới mọi hình thức vào hoạt động của các cơ quan chức năng khi kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng.

7. Lãnh đạo cơ quan, tổ chức Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực sự có quyết tâm chính trị với thái độ kiên quyết khi đối diện tham nhũng, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giúp các cơ quan chức năng trong xử lý, vì đối tượng tham nhũng là cán bộ nhà nước, là người có chức vụ, quyền hạn, là đồng chí hoặc người thân, nếu không nghiêm khắc trong xử lý thì không đủ sức mạnh nhằm răn đe hoặc phòng ngừa chung.

Nguyễn Thế Bình

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)

;
.