Mô hình tổ chức tiếp công dân ở Việt Nam

Chủ Nhật, 04/05/2014, 06:49 [GMT+7]

Tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Qua đó, giúp cho Đảng và Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác này, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân; trong đó, có quy định về mô hình tổ chức tiếp công dân.

1. Mô hình tổ chức tiếp công dân trước khi Quốc hội ban hành Luật tiếp công dân
Ngày 23-9-1989, Ban Bí thư có Thông báo số 164-TB/TW về việc tiếp công dân và bảo vệ Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước. Trong đó, quy định Trụ sở tiếp công dân chung của Trung ương Đảng, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng (tại Hà Nội) được thành lập “để tiếp cán bộ, đảng viên, nhân dân lên Trung ương khiếu tố, kiến nghị và phản ánh tình hình. Văn phòng Trung ương, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng cử cán bộ có đủ năng lực, thẩm quyền đến Trụ sở để tiếp, xử lý phần việc thuộc cơ quan mình”. Trụ sở được đặt tại số 1 phố Mai Xuân Thưởng, năm 1993 thành lập Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 07-8-1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/CP kèm theo Quy chế tổ chức tiếp công dân, trong đó đã quy định Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước được đặt tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; còn tại các bộ, ngành, thủ trưởng các bộ, ngành tổ chức nơi tiếp công dân tại trụ sở làm việc của cơ quan mình. Ở địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm bố trí nơi tiếp công dân của cấp mình. Nghị định số 89/CP cũng quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng các cấp, các ngành.
Trên thực tế, trước năm 2010 (trước khi có Đề án 858 về Đổi mới mô hình tổ chức tiếp công dân), ở Trung ương, việc tiếp công dân tập trung được tổ chức tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước; tại các bộ, ngành có Phòng Tiếp công dân hoặc bộ phận tiếp công dân do Thanh tra Bộ hoặc Văn phòng Bộ phụ trách. Ở địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập các Phòng Tiếp công dân là nơi tiếp công dân tập trung của tỉnh. Tuy nhiên, Phòng Tiếp công dân được thành lập ở các tỉnh, thành phố có sự khác nhau: Tại nhiều địa phương, Phòng Tiếp công dân của các tỉnh, thành phố trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, thành phố (tỉnh Điện Biên, Hải Dương, Bạc Liêu, Kiên Giang, Kon Tum, Lạng Sơn, Sơn La, Bình Phước…). Trong khi đó, một số nơi, Phòng Tiếp công dân trực thuộc Thanh tra tỉnh (tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Trị, Tiền Giang). Ngoài ra, tại một số địa phương, Phòng Tiếp công dân trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, Thường trực HĐND quản lý.
Bên cạnh việc tổ chức tiếp công dân tập trung như trên, một số cơ quan, tổ chức (các bộ, ngành, các sở, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)… cũng tổ chức tiếp công dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 16-6-2010 về việc phê duyệt Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân. Đề án đã quy định cụ thể về mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của trụ sở tiếp công dân. Theo đó, ở Trung ương, việc tiếp công dân tập trung được tổ chức tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước; ở địa phương, được tổ chức tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh và Văn phòng UBND cấp huyện.
Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước làm nhiệm vụ tiếp công dân, nhận các đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo cho Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bao gồm đại diện của các cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trước đây. Trụ sở tiếp công dân được đặt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh do Thanh tra Chính phủ trực tiếp quản lý. Ở cấp tỉnh, thực hiện Quyết định 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các tỉnh, thành phố đã xây dựng Trụ sở tiếp công dân của tỉnh là nơi tiếp công dân cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội. Riêng thành phố Hà Nội thành lập Ban tiếp công dân trực thuộc Văn phòng UBND thành phố, gồm 2 phòng chuyên môn, nghiệp vụ là Phòng Tiếp dân và xử lý đơn; Phòng Tổng hợp. Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh thành lập Văn phòng tiếp công dân, cơ quan này có vị trí tương đương cấp sở, có con dấu riêng, hoạt động độc lập. Ở cấp huyện, hầu hết các địa phương bố trí nơi tiếp công dân tại trụ sở UBND do Văn phòng UBND phụ trách làm nhiệm vụ tiếp công dân cho Huyện ủy, HĐND và UBND; có nơi bố trí từ 02 đến 03 cán bộ tiếp dân chuyên trách, có nơi bố trí cán bộ thuộc các phòng, ban (Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra…) tiếp công dân. Ở cấp xã, việc tiếp công dân do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phân công, không có cán bộ chuyên trách làm công tác tiếp công dân. Chủ tịch UBND xã chủ yếu giao bộ phận Tư pháp, Văn phòng, Địa chính - Xây dựng phân công tiếp công dân thường xuyên theo quy định.

2. Mô hình tiếp công dân theo quy định của Luật tiếp công dân
Ngày 25-11-2013, Quốc hội đã thông qua Luật tiếp công dân (có hiệu lực kể từ ngày 01-7-2014). Theo Luật tiếp công dân, việc tiếp công dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do đó, Luật quy định rất cụ thể về mô hình tổ chức tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trụ sở tiếp công dân chỉ là địa điểm để công dân có thể trực tiếp đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo với lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Trung ương hoặc lãnh đạo Đảng và chính quyền ở địa phương. Do đó, Trụ sở tiếp công dân không phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như tiếp thu, xử lý đối với các kiến nghị, phản ánh; không thể thay thế các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nhà nước khác trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Trên cơ sở kế thừa các quy định về tiếp công dân còn phù hợp trong các nghị định của Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là nội dung của Quyết định 858/QĐ-TTg ngày 14-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác tiếp công dân, Chương III của Luật tiếp công dân đã quy định về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và việc tiếp công dân tại cấp xã.
Luật tiếp công dân quy định Trụ sở tiếp công dân là nơi để công dân trực tiếp đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Trung ương hoặc lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương; có đại diện của một số cơ quan, tổ chức tại Trung ương hoặc địa phương tham gia tiếp công dân thường xuyên và là nơi để lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Trung ương hoặc địa phương trực tiếp tiếp công dân trong những trường hợp cần thiết (Điều 10). Trụ sở tiếp công dân bao gồm:
- Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương, được đặt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, là nơi tiếp công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo với các cơ quan Trung ương của Đảng, Chủ tịch nước, các cơ quan của  Quốc hội, Chính phủ. Ban tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm quản lý Trụ sở này. Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử đại diện phối hợp cùng Ban tiếp công dân Trung ương thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương (Điều 11).
- Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, đây là nơi tiếp công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo với Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh. Để quản lý Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, Luật quy định thành lập Ban tiếp công dân cấp tỉnh, trực thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh, do một Phó Chánh Văn phòng phụ trách. Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh cử đại diện phối hợp cùng Ban tiếp công dân cấp tỉnh thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh (Điều 12).
- Trụ sở tiếp công dân cấp huyện, đây là nơi tiếp công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo với Huyện ủy, HĐND, UBND cấp huyện. Ban tiếp công dân cấp huyện do UBND cấp huyện thành lập, trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, do một Phó Chánh Văn phòng phụ trách, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý Trụ sở tiếp công dân cấp huyện. Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy cử đại diện phối hợp cùng Ban tiếp công dân cấp huyện thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện (Điều 13).
Như vậy, lần đầu tiên trong mô hình tổ chức tiếp công dân ở nước ta thành lập Ban tiếp công dân tại các Trụ sở tiếp công dân các cấp, với mục đích nhằm giúp các hoạt động tiếp công dân tại các Trụ sở tiếp công dân ngày càng được tổ chức một cách quy củ, hiệu quả hơn. Đây là cơ quan được thành lập để trực tiếp quản lý Trụ sở tiếp công dân ở mỗi cấp; phối hợp cùng đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân. Cơ quan này có nhiệm vụ giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; phân loại, xử lý đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo được tiếp nhận tại Trụ sở tiếp công dân; thực hiện việc chuyển đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đã được tiếp nhận nhưng không thuộc phạm vi, trách nhiệm xử lý của các cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân; theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý, trả lời về việc giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo mà Ban tiếp công dân đã chuyển đến; tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân; báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Như vậy, Ban tiếp công dân là đơn vị độc lập trực tiếp quản lý và hoạt động thường xuyên tại các Trụ sở tiếp công dân ở từng cấp. Việc tổ chức các Ban tiếp công dân sẽ tạo điều kiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác tiếp công dân, góp phần vào quá trình xây dựng và kiện toàn chính quyền gần dân, sát dân, vì nhân dân, tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Ở cấp xã, việc tiếp công dân của cấp ủy, HĐND, UBND cấp xã được thực hiện tại trụ sở UBND. Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân.

- Tiếp công dân tại cơ quan hành chính nhà nước, tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước
Cơ quan hành chính nhà nước là cơ quan thường xuyên tiếp xúc, làm việc với công dân. Do đó, việc quy định về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan này có vai trò rất quan trọng. Chính vì thế, Luật tiếp công dân quy định rất cụ thể về việc tiếp công dân của các cơ quan này. Điều 16 của Luật quy định: Bộ, cơ quan ngang Bộ thành lập bộ phận tiếp công dân hoặc bố trí công chức thuộc Thanh tra Bộ làm công tác tiếp công dân. Việc tiếp công dân của các tổ chức trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định phù hợp với yêu cầu, tính chất tổ chức và hoạt động của từng tổ chức. Ở địa phương, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh bố trí công chức thuộc Thanh tra cơ quan làm công tác tiếp công dân. Việc tiếp công dân của cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định phù hợp với yêu cầu, tính chất tổ chức và hoạt động của từng cơ quan. Cùng với việc quy định về việc tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước, Luật còn quy định về trách nhiệm tiếp công dân của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước (Điều 17). Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước khu vực có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân và bố trí địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Luật cũng giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định cụ thể việc tổ chức tiếp công dân của cơ quan mình, của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, của Kiểm toán Nhà nước khu vực.

- Tiếp công dân của các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội, của HĐND và đại biểu HĐND
Để nâng cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp công dân, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân khi muốn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo tới các chủ thể này, Luật tiếp công dân quy định trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội trong việc tiếp công dân. Điều 20 của Luật quy định các cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội hoặc nơi tiếp công dân do các cơ quan của Quốc hội lựa chọn khi cần thiết để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp và tổ chức việc tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; đại diện cho các cơ quan của Quốc hội thực hiện tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương và địa điểm tiếp công dân của Quốc hội.
Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phân công đại diện Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban tiếp công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phụ trách; phối hợp với Ban Dân nguyện và các cơ quan hữu quan trong việc tiếp công dân khi cần thiết.
Về hình thức tổ chức tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, khi xây dựng dự thảo Luật, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng ngoài Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương thì Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan đại diện của nhân dân cũng cần bố trí một nơi để các cơ quan của Quốc hội thực hiện trách nhiệm tiếp công dân. Vì vậy, tại Điều 20 của Luật, Quốc hội đã quyết định có địa điểm tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội. Các Đoàn đại biểu Quốc hội tùy theo điều kiện cụ thể tổ chức để đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn thực hiện việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh hoặc tại địa điểm tiếp công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội bố trí theo lịch tiếp công dân do Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội sắp xếp (Điều 21).
Đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cùng cấp hoặc tại nơi tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử theo sự bố trí của Thường trực HĐND cùng cấp. Đại biểu HĐND cấp xã thực hiện việc tiếp công dân tại Trụ sở UBND cùng cấp. Thường trực HĐND cấp tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện, Chủ tịch HĐND cấp xã có trách nhiệm tổ chức để các đại biểu HĐND cấp mình tiếp công dân; sắp xếp lịch tiếp công dân của đại biểu HĐND; cử công chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức để đại biểu HĐND tiếp công dân tại nơi tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử (Điều 22).
 

- Tiếp công dân của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội
Theo quy định của Luật tiếp công dân, không chỉ các cơ quan nhà nước mà các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cũng có trách nhiệm tiếp công dân. Để bảo đảm tính đặc thù trong hoạt động tiếp công dân của các tổ chức này, Điều 4 Luật tiếp công dân quy định: Việc tiếp công dân của các tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội sẽ do cơ quan Trung ương của các tổ chức này quy định trên cơ sở mục tiêu, nguyên tắc và quy trình được quy định trong luật này, phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống mình. Luật tiếp công dân là một văn bản pháp luật đầu tiên, quy định một cách toàn diện và bao quát về mô hình tổ chức tiếp công dân ở Việt Nam hiện nay, qua đó xác định trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Rõ ràng mô hình tổ chức tiếp công dân này tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Ths. Phạm Thị Phượng
(Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính Phủ)

;
.