Quy định của một số nước về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát/Viện công tố trong giai đoạn điều tra

Chủ Nhật, 11/05/2014, 07:03 [GMT+7]
Pháp luật một số nước quy định Viện kiểm sát có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn điều tra. Ucraina, Hungary, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... đều quy định Viện kiểm sát là cơ quan chỉ đạo, giám sát chặt chẽ hoạt động điều tra, đảm bảo quá trình điều tra tuân thủ trình tự, thủ tục luật định, khách quan, toàn diện nhằm đảm bảo việc buộc tội có căn cứ, chính xác. Trong những trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát có quyền trực tiếp điều tra nhằm xác định rõ tội phạm và người phạm tội. 
Luật tổ chức Viện kiểm sát Trung Quốc quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc điều tra vụ án hình sự; quyết định việc bắt giữ, có quyền khởi tố vụ án và tiến hành các hoạt động để hỗ trợ truy tố, quyết định truy tố hoặc miễn tố đối với các vụ án do cơ quan công an điều tra. Ngoài ra, pháp luật Trung Quốc cho phép Viện kiểm sát Trung Quốc có quyền điều tra đối với án tham nhũng và các tội phạm khác do cán bộ, công chức nhà nước gây ra, có quyền yêu cầu cơ quan công an và các cơ quan chuyên môn khác hỗ trợ khi cần thiết.. Trong cơ cấu tổ chức Viện kiểm sát mỗi cấp đều có một bộ phận làm nhiệm vụ điều tra tội phạm tham nhũng, do các Kiểm sát viên trực tiếp điều tra. 
Hungary, Pháp đều quy định Viện kiểm sát/Viện công tố có quyền kiểm tra, giám sát, chỉ đạo quá trình điều tra tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo việc buộc tội. Viện Công tố Pháp có trách nhiệm tiếp nhận và quyết định việc xử lý tin báo, tố giác về tội phạm. Cảnh sát tư pháp phải thực hiện những yêu cầu điều tra của Công tố viên. 
Ở Nhật Bản, tất cả các vụ án do Cảnh sát điều tra tội phạm phải được chuyển tới Viện công tố, trừ vụ án ít nghiêm trọng. Công tố viên chỉ huy cảnh sát điều tra bổ sung, hoặc tự tiến hành các hoạt động điều tra bổ sung, thu thập thêm chứng cứ, thẩm vấn bị can hoặc người tham gia tố tụng khác… Trong quan hệ với Cơ quan điều tra, Công tố viên vừa đóng vai trò là người chỉ đạo, giám sát điều tra, vừa phối hợp với Điều tra viên. Công tố viên không những được quyền chỉ huy, chỉ thị đối với Điều tra viên mà còn có thẩm quyền yêu cầu xử lý kỷ luật Điều tra viên nếu Điều tra viên không tuân theo chỉ đạo của Công tố viên. Đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khác (Thanh tra viên Cục thuế nhà nước; cán bộ thuế của cơ quan hành chính tỉnh, thành phố; nhân viên Hải quan; nhân viên Uỷ ban theo dõi giao dịch chứng khoán; Uỷ ban giao dịch công chính…), Công tố viên phối hợp và có trách nhiệm chỉ đạo, trợ giúp các cơ quan này tiến hành hoạt động điều tra, hoàn thiện hồ sơ chuyển Viện công tố truy tố. Về nguyên tắc, Công tố viên Nhật Bản có thẩm quyền điều tra tất cả các vụ án hình sự, nhưng trên thực tế, họ chỉ thực hiện các hoạt động điều tra bổ sung sau khi cảnh sát chuyển hồ sơ vụ án đến Viện công tố đối với các vụ án nghiêm trọng, vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, tội phạm về kinh tế quy mô lớn. 
Ở Hàn Quốc, Công tố viên được trao quyền hạn và trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn cảnh sát thực hiện quá trình điều tra hình sự, khắc phục những thiếu sót trong quá trình điều tra hoặc trực tiếp điều tra đối với một số vụ án có tác động quan trọng đối với trật tự xã hội và cuộc sống bình thường của các công dân như: những vụ án lừa đảo, kinh tế, tham nhũng, các tội phạm ma tuý và tội phạm có tổ chức v.v….. Cảnh sát có nghĩa vụ tuân thủ hướng dẫn của Công tố viên trong suốt cuộc điều tra và chuyển những vụ án đó cho Công tố viên để ra quyết định cuối cùng. 
Ở Liên bang Đức, Công tố viên có quyền ra chỉ thị, mệnh lệnh cho cơ quan điều tra của cảnh sát và các cơ quan điều tra khác (Thuế vụ, Hải quan…) và cơ quan này phải có nghĩa vụ thực hiện. Trong giai đoạn điều tra, Công tố viên có quyền tự mình hoặc yêu cầu cảnh sát tiến hành các hoạt động điều tra, có quyền quyết định điều tra ngay khi có nghi ngờ về một hành vi phạm tội. 
Đối với các quốc gia theo truyền thống án lệ như Anh, Mỹ, cơ quan công tố chỉ thực hiện chức năng truy tố tội phạm. Hoạt động điều tra tội phạm hoàn toàn do cảnh sát đảm nhiệm, cơ quan công tố không chỉ đạo điều tra. Trên cơ sở kết quả điều tra của Cảnh sát chuyển đến, cơ quan công tố quyết định truy tố hay không truy tố. Trường hợp nếu không đủ chứng cứ thì trả lại Cơ quan điều tra, yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp thêm hồ sơ hoặc đình chỉ vụ án. Trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, tạm giam, Điều tra viên sẽ phải đề xuất với Công tố viên để Công tố viên đề nghị Toà án quyết định. Nếu thấy không có cơ sở, Công tố viên có thể từ chối đề nghị của cảnh sát về việc bắt hay tạm giam. Tuy nhiên, giữa cơ quan điều tra và Cơ quan công tố vẫn có quan hệ phối hợp chặt chẽ. Trong suốt quá trình điều tra, Cảnh sát có thể nhận được sự tư vấn từ phía cơ quan công tố như: hướng dẫn việc tìm kiếm bằng chứng, hướng dẫn thủ tục bắt giam, đảm bảo việc thu thập chứng cứ theo đúng thủ tục pháp luật để chứng cứ có giá trị sử dụng tại phiên toà sau này. 
Như vậy, kinh nghiệm của một số nước cho thấy, dù theo mô hình Viện kiểm sát hay Viện công tố thì vai trò cơ quan công tố trong hoạt động điều tra đều được ghi nhận và khẳng định trong Luật tổ chức cơ quan công tố/kiểm sát. Kết quả hoạt động điều tra là cơ sở cho việc truy tố tội phạm của Viện kiểm sát. Do đó, để phục vụ mục đích truy tố chính xác, có căn cứ, đúng pháp luật, Viện kiểm sát phải nắm được toàn bộ tiến trình điều tra vụ án để bảo đảm quá trình điều tra toàn diện, khách quan, tuân thủ đúng trình tự luật định, bảo đảm quyền con người. Mặc dù cơ quan điều tra và Viện kiểm sát/Viện công tố thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình một cách độc lập nhưng mối quan hệ điều tra- công tố là quan hệ chế ước - phối hợp, gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Viện kiểm sát cũng có những thẩm quyền nhất định trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện một số biện pháp tố tụng do luật định, đồng thời trong quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, có thẩm quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, điều tra bổ sung để hỗ trợ cho việc điều tra vụ án có kết quả tốt. Ngoài ra, Viện kiểm sát/Viện công tố còn được quyền điều tra độc lập đối với những loại án nhất định do luật định, đó thường là các tội phạm có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội và đời sống bình thường của công dân như tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, tội phạm có tổ chức quy mô lớn…
Nguyễn Phương Thảo
;
.