Quy định về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên trong dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)
Thứ Năm, 08/05/2014, 10:09 [GMT+7]
Theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) và Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND hiện hành, kiểm sát viên được bổ nhiệm có kỳ hạn; nhiệm kỳ của kiểm sát viên (đối với tất cả các ngạch kiểm sát viên) là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên. Quy định này trong thời gian qua đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần xây dựng đội ngũ kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định này không còn phù hợp với tính chất của chức danh tư pháp này, tạo ra nhiều khó khăn cho việc tuyển chọn, bổ nhiệm Kiểm sát viên; mặt khác tạo ra tư duy nhiệm kỳ, tâm lý ngại va chạm, né tránh trách nhiệm vì e ngại sẽ ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm lại. Mặt khác, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã định hướng "Tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn". Do đó, cần sửa đổi quy định về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên VKSND trong Luật tổ chức VKSND (sửa đổi).
Một Hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) |
Hiện nay, còn có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: Kiểm sát viên là một chức danh tư pháp, không phải là chức danh quản lý nên cần được bổ nhiệm không thời hạn.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đối với Kiểm sát viên VKSNDTC thì được bổ nhiệm không thời hạn. Còn Kiểm sát viên các ngạch khác thì phải quy định nhiệm kỳ. Theo đó, bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm; bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm.
Loại ý kiến thứ ba cho rằng nên quy định nhiệm kỳ của Kiểm sát viên các ngạch như nhau, không phân biệt là Kiểm sát viên VKSND tối cao với Kiểm sát viên các ngạch khác. Theo đó, tất cả các Kiểm sát viên đều được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì không thời hạn.
Loại ý kiến thứ nhất mặc dù nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia, nhà khoa học, song lại vấp phải sự phản đối khá mạnh mẽ từ các nhà quản lý. Bởi quy định như vậy dễ làm phát sinh tâm lý chủ quan của Kiểm sát viên, sau khi được bổ nhiệm không cố gắng phấn đấu, rèn luyện vì không phải lo ngại sẽ không được bổ nhiệm lại, không phù hợp với đặc điểm Việt Nam.
Đối với loại ý kiến thứ hai, quy định có sự phân biệt nhiệm kỳ giữa Kiểm sát viên VKSND tối cao và Kiểm sát viên các ngạch khác cho thấy có sự phù hợp với tính chất của Kiểm sát viên VKSND tối cao. Đây là ngạch Kiểm sát viên đặc biệt, do Chủ tịch Nước bổ nhiệm, gồm Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số chuyên gia đầu Ngành, có trình độ, kinh nghiệm chuyên sâu, đã được sàng lọc qua nhiều ngạch, bậc Kiểm sát viên, nên được bổ nhiệm không thời hạn. Còn đối với Kiểm sát viên các ngạch khác, quy định kéo dài nhiệm kỳ sẽ cho phép khắc phục một phần tâm lý ngại va chạm, né tránh trách nhiệm vì ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm lại; đồng thời, bảo đảm thận trọng trong việc lựa chọn, bổ nhiệm Kiểm sát viên, tạo động lực để Kiểm sát viên phải thường xuyên nâng cao ý thức rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm trong công việc.
Đối với loại ý kiến thứ ba, nếu quy định tất cả Kiểm sát viên các ngạch được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại thì thời hạn là 10 năm thì cũng phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả các ngạch Kiểm sát viên, nhưng chưa phản ánh được tính chất đặc biệt của ngạch Kiểm sát viên VKSND tối cao.
Loại ý kiến thứ hai và thứ ba mặc dù bảo đảm thận trọng trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, tạo động lực phấn đấu, rèn luyện cho Kiểm sát viên trong thực thi nhiệm vụ nhưng lại chưa thực sự phù hợp với tính chất nghề nghiệp của Kiểm sát viên, bởi vì, Kiểm sát viên là một chức danh tư pháp, không phải là chức vụ quản lý; do đó, người đã đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm làm nghề Kiểm sát viên để thực hiện hoạt động nghề nghiệp thì họ phải được công nhận chức danh nghề nghiệp đó cho đến khi họ thôi không còn thực hiện nghề nghiệp đó; trừ trường hợp họ bị miễn nhiệm, cách chức khi vi phạm các quy định về hoạt động nghề nghiệp, không còn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định hoặc khi thôi không làm nghề đó.
Tham khảo kinh nghiệm một số nước cho thấy, có nước không quy định nhiệm kỳ Kiểm sát viên/Công tố viên (Hàn Quốc, Pháp, Anh, Nhật Bản), có nước quy định nhiệm kỳ của Kiểm sát viên (Trung Quốc, Liên bang Nga, Ucraina) hoặc có nước quy định Kiểm sát viên/Công tố viên bổ nhiệm lần đầu từ 3 đến 5 năm, sau đó không quy định thời hạn (Đức, Hunggary).
Như vậy, quy định về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên cũng tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi nước. Không có một tiêu chuẩn nào cho việc nên hay không nên quy định nhiệm kỳ cho chức danh này. Đối với nước ta, xuất phát từ thực trạng chất lượng một bộ phận cán bộ kiểm sát viên hiện nay còn hạn chế; cũng để tránh tình trạng Kiểm sát viên có tư tưởng ỷ lại, không chịu phấn đấu, đồng thời để bảo đảm cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả các Kiểm sát viên thì cần thiết phải quy định nhiệm kỳ của Kiểm sát viên trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Do đó, dự thảo Luật đã đưa ra 02 phương án quy định về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên:
- Phương án 1: Kiểm sát viên VKSNDTC được bổ nhiệm không thời hạn. Kiểm sát viên các ngạch khác được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm. Trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm.
- Phương án 2: Kiểm sát viên các ngạch được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì không thời hạn./.
Nguyễn Phương Thảo
;