Vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong giải quyết tin báo, tố giác tội phạm thực trạng và một số giải pháp

Chủ Nhật, 04/05/2014, 18:52 [GMT+7]

1. Vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm
Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự nhằm phát hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở tiếp nhận tin báo, tố giác, cơ quan có thẩm quyền xác định có dấu hiệu tội phạm hay không để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác này là kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Cơ quan điều tra đúng pháp luật, đầy đủ; bảo đảm mọi tội phạm đều được phát hiện, khởi tố, điều tra và xử lý.
Hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Viện kiểm sát có vị trí, vai trò và ý nghĩa tiên quyết để bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội đều được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật. Thực tiễn thực hành quyền công tố cho thấy, kiểm sát tốt việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm sẽ quyết định chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử những bước quan trọng để có thể khẳng định có hay không có hành vi tội phạm xảy ra, người nào thực hiện hành vi phạm tội, tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội đó gây ra như thế nào. Đồng thời, thông qua hoạt động này để có cơ sở khẳng định việc khởi tố là đúng người, đúng tội và bảo đảm các căn cứ để xử lý tội phạm, bảo đảm cho mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý theo quy định của pháp luật, tránh làm oan, sai và không bỏ lọt tội phạm. Kiểm sát tốt việc giải quyết tin báo và tố giác tội phạm sẽ giúp cho việc đồng ý hoặc hủy bỏ quyết định không khởi tố của Viện kiểm sát đối với Cơ quan điều tra chính xác và có căn cứ. Như vậy, có thể khẳng định hoạt động kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình tố tụng hình sự vì nó bảo đảm cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm.
Ở Việt Nam, pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định rõ các quyền năng, biện pháp của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Mặc dù Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định Viện kiểm sát kiểm sát tin báo, tố giác tội phạm, nhưng chưa có thông tư hướng dẫn làm như thế nào, các ngành cung cấp tin báo cho Viện kiểm sát ra sao, nên nhiều địa phương khó khăn, lúng túng trong hoạt động kiểm sát tin báo, tố giác tội phạm. Nhiều hành vi có dấu hiệu tội phạm ở các lĩnh vực kinh tế, sở hữu, môi trường chậm được khởi tố, điều tra; một số vụ chuyển xử lý hành chính dẫn đến bỏ lọt tội phạm…

Thực tế hiện nay, ngoài quy định tại Điều 103 của BLTTHS, chưa có bất cứ một văn bản pháp lý nào của Liên ngành Trung ương hướng dẫn cho việc thực hiện vai trò nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm, để hoạt động này được thực hiện một cách đồng bộ, dẫn đến cách hiểu về hoạt động này còn nhiều bất cập và tỷ lệ giải quyết còn hạn chế.
Tại khoản 3 và 4 Điều 103 BLTTHS năm 2003, quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với hoạt động này như sau: “Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp…” (khoản 3 Điều 103 BLTTHS); và “Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố” (khoản 4 Điều 103 BLTTHS). Như vậy, được hiểu là các cơ quan nhà nước khi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm chỉ phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp (tương đương cấp huyện trở lên); Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của cơ quan điều tra về tội phạm và kiến nghị khởi tố (được hiểu như tương đương cấp huyện trở lên).
Vậy, các quy định trên đã thu hẹp vai trò, chức năng của Viện kiểm sát so với vai trò, chức năng mà Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) đã giao cho Viện kiểm sát đó là “Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Theo Hiến pháp 1992 ở đâu có hoạt động tư pháp thì ở đó phải được kiểm sát để bảo đảm tính thống nhất trong việc giám sát quyền lực và bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân.
Hiện nay, Cơ quan điều tra còn có cơ quan cấp dưới đó là Công an cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là Công an cấp xã), một số hoạt động của Công an cấp này là hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp. Tại khoản 6 Điều 9 Pháp lệnh Công an xã của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 06/2008/PL-UBTVQH12 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Công an xã đó là “Tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã…”. Tại Chương 2, Thông tư số 12/2010/TT-BCA của Bộ công an quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Công an xã đó là: “Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã”. Như vậy, hoạt động phân loại, xử lý các tin báo, vụ việc nêu trên của Công an xã là hoạt động tư pháp nhằm phân loại xử lý, tin báo và tố giác tội phạm thuộc lĩnh vực hình sự. Nhưng cho đến nay chưa có quy định nào giao cho Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát hoạt động nêu trên của Công an cấp xã nhằm bảo đảm cho việc tuân theo pháp luật và tránh bỏ lọt tội phạm.

2. Những kiến nghị và giải pháp Kiến nghị chung
Một là, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và hướng dẫn của các vụ nghiệp vụ, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động kiểm sát việc phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Đặc biệt, để làm tốt công tác phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, phải tranh thủ được sự đồng tình của cấp ủy địa phương, hỗ trợ trong việc chỉ đạo UBND và các ngành liên quan cùng vào cuộc.

Hai là, việc kiểm sát phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm phải được thực hiện từ cấp phường, xã, thị trấn, nhằm hạn chế việc bỏ lọt tội phạm ngay từ cơ sở.

Ba là, đưa chỉ tiêu cụ thể về kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm vào kế hoạch công tác hàng năm, như: Tỷ lệ giải quyết tin báo, số cuộc kiểm sát trực tiếp việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm của cơ quan chức năng, số vụ Viện kiểm sát trực tiếp khởi tố, yêu cầu khởi tố, kiến nghị khắc phục vi phạm, không để tin báo quá hạn giải quyết... coi đây là chỉ tiêu bắt buộc trong xét thi đua.

Bốn là, khi tổ chức thực hiện phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân. Thường xuyên quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho kiểm sát viên nhất là kỹ năng kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn giữa Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới, giữa Lãnh đạo với kiểm sát viên, chuyên viên trong từng đơn vị; định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, năm ra thông báo rút kinh nghiệm để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót.

Năm là, định kỳ sơ, tổng kết, đánh giá kết quả, xác định các vấn đề còn tồn tại, tìm ra nguyên nhân, xác định trách nhiệm, rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý tin báo.

Một số giải pháp Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, trong công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo các đơn vị, các Viện kiểm sát địa phương cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của khâu công tác này. Chỉ đạo sâu sát, quyết liệt để từng bước nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Cần nắm, quản lý chặt chẽ, chính xác số liệu về tố giác, tin báo tội phạm; phân công cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm chuyên
trách làm công tác này.

Thứ hai, Viện kiểm sát các cấp cần xác định công tác kiểm sát tố giác, tin báo về tội phạm phải được thực hiện từ khâu tiếp nhận đến xác minh, giải quyết và việc ra các quyết định giải quyết của Cơ quan điều tra. Phải thường xuyên cập nhật số liệu, nghiên cứu các hồ sơ tiếp nhận, phối hợp hoặc trực tiếp xác minh, kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra. Để việc nắm, quản lý tố giác, tin báo về tội phạm được đầy đủ, cần phải quan tâm nắm tình hình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm ở tất cả các cơ quan tiếp nhận, trong đó chú ý đến hoạt động tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp phường, xã. Bởi vì, thực tế cho thấy hầu hết các tố giác của công dân, tin báo của cơ quan, tổ chức về tội phạm được báo cho Công an cấp phường, xã tiếp nhận. Tuy nhiên, những tố giác, tin báo về tội phạm này có được gửi đầy đủ đến Cơ quan điều tra hay không thì hiện nay không cơ quan nào và không ai khẳng định được. Thực tế, còn khá nhiều trường hợp các tố giác, tin báo về tội phạm không được chuyển đến Cơ quan điều tra. Phải kiểm sát chặt chẽ, thường xuyên việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra, bảo đảm sự tuân thủ đúng quy định của BLTTHS. Nếu hết thời hạn xác minh giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (20 ngày đối với những tố giác, tin báo thông thường, 02 tháng đối với những tố giác, tin báo có nhiều tình tiết phức tạp), Cơ quan điều tra phải ra một trong hai quyết định: Quyết định khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu tội phạm, Quyết định không khởi tố vụ án nếu không có dấu hiệu tội phạm và phải trả lời, thông báo cho công dân, tổ chức đã chuyển tố giác, tin báo về tội phạm đến Cơ quan điều tra. Không để xảy ra tình trạng có tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, nhưng hết thời hạn giải quyết vẫn không ra quyết định giải quyết thế nào, không trả lời cho người chuyển tố giác, tin báo tội phạm đến.

Thứ ba, BLTTHS có hiệu lực từ tháng 7-2003 đến nay, nhưng nội dung tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm vẫn chưa có văn bản, thông tư hướng dẫn của các ngành, nên việc áp dụng pháp luật trong thực tế gặp không ít khó khăn. Trong khi chờ sửa đổi BLTTHS và xây dựng Thông tư hướng dẫn liên ngành của Trung ương, các đơn vị làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát địa phương các cấp cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của những nơi đã làm tốt, chủ động đẩy mạnh việc xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp liên ngành với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, lấy đó làm cơ sở quan trọng để tổ chức thực hiện.
Đối với việc ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện các quy định của BLTTHS về tố giác, tin báo tội phạm, các đơn vị có thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và trình lãnh đạo liên ngành ký kết Thông tư liên tịch hướng dẫn quy trình, mối quan hệ phối hợp, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan trong việc thực hiện các quy định của BLTTHS năm 2003 về công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và tổ chức triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định trong Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong
điều tra các vụ án hình sự theo hướng quy định cụ thể, đầy đủ hơn các quy trình, thao tác nghiệp vụ, trách nhiệm và quyền hạn của kiểm sát viên khi kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Thứ tư, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định của BLTTHS liên quan đến tố giác, tin báo về tội phạm. Việc sửa đổi nên tập trung giải quyết một số nội dung sau:
- Làm rõ khái niệm tố giác, tin báo về tội phạm để thống nhất nhận thức chung. Quy định rõ trình tự, thủ tục tiếp nhận, trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; việc chuyển các tin báo, tố giác đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Quy định cụ thể những cơ quan có nhiệm vụ xác minh đối với tố giác, tin báo về tội phạm; trình tự, thủ tục, thời hạn xác minh; các hoạt động tố tụng được phép tiến hành khi xác minh, văn bản cần lập trong quá trình xác minh và phải coi các tài liệu thu thập được trong quá trình xác minh là nguồn đánh giá chứng cứ. Quy định cụ thể, rõ ràng về các quyết định tố tụng phải ban hành sau khi tiến hành xác minh; căn cứ ban hành quyết định; trách nhiệm của cơ quan ra quyết định, việc trả lời đối với những người có tố giác và cung cấp tin báo về tội phạm.
- Quy định cụ thể về công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm theo hướng xác định rõ trách nhiệm, phạm vi kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Viện kiểm sát; các phương thức tiến hành kiểm sát, nhất là phương thức kiểm sát trực tiếp; trách nhiệm và quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc đề ra các yêu cầu xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; việc trực tiếp tiến hành một số hoạt động xác minh trong các trường hợp cần thiết hoặc khi Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu xác minh của Viện kiểm sát; trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố vụ án trong trường hợp Cơ quan điều tra thụ lý, tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm nhưng không giải quyết, không ra quyết định khởi tố vụ án và cũng không ra quyết định không khởi tố vụ án; trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc cung cấp thông tin, tài liệu về tố giác, tin báo tội phạm cho Viện kiểm sát; trách nhiệm của Cơ quan điều tra khi thực hiện các yêu cầu của Viện kiểm sát. Để bảo đảm tính thống nhất trong việc giám sát quyền lực và bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân, ngoài việc liên ngành Trung ương cần có một văn bản quy định rõ về Quy chế phối hợp và tuân thủ các quy định việc kiểm sát việc giải quyết tố giác và tin báo tội phạm của Viện kiểm sát, thì cần sửa đổi khoản 3 và 4 Điều 103 BLTTHS như sau:
Khoản 3 Điều 103 BLTTHS nên sửa lại là: “Mọi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước kể cả Công an cấp xã phải được gửi cho Viện kiểm sát cấp huyện (Khu vực) và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết. Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm”; Khoản 4 Điều 103 BLTTHS nên sửa lại như sau: “Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, kể cả việc phân loại xử lý tin báo, tố giác tội phạm của Công an cấp xã trên địa bàn”.

Ths. Nông Xuân Trường
(Viện Kiểm sát nhân dân tối cao)

;
.