Biểu hiện độc đáo bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ Bảy, 28/06/2014, 07:06 [GMT+7]
Cách đây vừa tròn 60 năm (07-5-1954 07-5-2014), Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, ngoan cường; quân và dân ta đã giáng đòn quyết định, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta và đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện đặc sắc “làm thay đổi số phận thế giới”. Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam với những biểu hiện rất độc đáo.   
 
    1. Bản lĩnh và trí tuệ Việt nam trong chiến thắng điện Biên phủ in đậm dấu ấn những quyết định đúng đắn, sáng tạo của trung ương đảng, Bác Hồ và tổng tư lệnh làm chuyển hóa thế trận đưa chiến dịch tới thắng lợi
Trung ương Đảng và Bác Hồ là hạt nhân lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tiêu biểu cho bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử nói riêng. 
Ngay những ngày đầu kháng chiến, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã xác định đường lối kháng chiến chống Pháp đúng đắn: “Toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”, dẫn dắt nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để đi tới thắng lợi. Đường lối kháng chiến đã thấm nhuần sâu sắc truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta và vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự mác-xít: “Một dân tộc muốn giành độc lập thì không được tự hạn chế trong những phương thức tiến hành chiến tranh thông thường, khởi nghĩa của quần chúng, chiến tranh cách mạng, những đội du kích ở khắp nơi. Đó là phương thức duy nhất nhờ đó mà một dân tộc nhỏ có thể đánh thắng một nước lớn, nhờ đó một quân đội không mạnh có thể chống chọi lại một quân đội mạnh hơn”(1)
Trong kháng chiến chống Pháp, so sánh lực lượng ban đầu bất lợi cho ta, có lợi cho địch, nhưng nhờ có ưu thế tuyệt đối về sức mạnh nhân tố chính trị tinh thần của cuộc chiến tranh chính nghĩa, tự vệ mà tương quan đó đã từng bước chuyển hóa sang thế có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Từ thế phòng ngự ban đầu, quân ta đã dần lớn mạnh chuyển sang thế cầm cự, phản công và tổng phản công, tiến tới giành thắng lợi quyết định. Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử giành thắng lợi quyết định làm thay đổi cục diện chiến tranh. Trong thắng lợi đó, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện rõ qua những quyết định đúng đắn, sáng tạo, kịp thời của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Tổng Tư lệnh chiến dịch. 
Trung ương Đảng, Bác Hồ và Tổng Quân ủy đã điều tra nắm vững âm mưu, ý đồ tác chiến của địch để hạn chế, làm thay đổi kế hoạch Nava đưa quân đánh ra các vùng tự do, tìm diệt chủ lực ta (như mở các
cuộc hành quân đánh ra vùng tự do Ninh Bình, Hòa Bình; đánh lên vùng Tây Nguyên...). Từ đó, Trung ương đã đồng thời chỉ đạo quân và dân ta đánh địch trên khắp các chiến trường ba nước Đông Dương, buộc địch bị động đối phó. Trong đó, có quyết định sáng suốt đưa quân chủ lực của ta cơ động lên Tây Bắc, giải phóng tỉnh Lai Châu, mở rộng vùng tự do xây dựng địa bàn chiến lược liên thông nước ta với vùng Thượng Lào. Quân Pháp bị động đối phó, cơ động lực lượng chủ lực, tăng quân xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có thế trận liên hoàn vững chắc, thách thức quân chủ lực của ta. Tướng Nava - Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương ngạo mạn tuyên bố sẽ biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp tại Đông Dương để thu hút, “nghiền nát chủ lực đối phương” và nuôi giấc mộng thành công, coi đây là giải pháp quyết định thắng lợi cho chiến tranh Đông Dương của Pháp và Mỹ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc đối đầu lịch sử giữa quân chủ lực Pháp và quân chủ lực ta thực hiện trên tất cả các lĩnh vực: Quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật... Trung ương đã kêu gọi tất cả mọi lực lượng dồn sức cho chiến dịch đặc biệt này. 
Trung ương Đảng và Bác Hồ đặt niềm tin vững chắc vào bản lĩnh và tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và giao trọng trách làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực tế chiến dịch diễn ra và những quyết định đúng đắn, sáng suốt của Tổng Tư lệnh chiến dịch - Vị tướng văn - võ song toàn đã chỉ huy bộ đội làm nên chiến thắng khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ.
Một quyết định lịch sử mà Tổng Tư lệnh chiến dịch đưa ra được sử sách ghi nhận bản lĩnh và trí tuệ của vị danh tướng đó là: Quyết định thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh’’ sang “đánh chắc, tiến chắc”. Để ra được quyết định quan trọng đó đòi hỏi người chỉ huy chiến dịch phải có bản lĩnh và trí tuệ sáng suốt, dũng cảm, dám chịu trách nhiệm trước thắng lợi của chiến dịch, xương máu của bộ đội và nhân dân, cùng với tư duy quân sự sáng suốt, đủ sức thuyết phục Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch về quyết định chuyển phương án tác chiến chiến dịch của mình. Đó còn là trách nhiệm mà người Tư lệnh chiến dịch phải chịu trước Bộ Chính trị và Bác Hồ. Hơn nữa, điều làm cho Đại tướng luôn trăn trở là sinh mệnh của bộ đội và nhân dân tham gia chiến dịch đã buộc ông phải bao đêm thao thức để đưa ra được quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân.
Nhận rõ tầm quan trọng của công tác hậu cần, thực hiện “Hậu cần đi trước một bước”, Trung ương đã chỉ huy thống nhất tất cả mọi lực lượng đều được huy động tham gia làm công tác hậu cần chiến dịch. Thực hiện “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Những đoàn dân công hỏa tuyến kéo dài vô tận đã ngày đêm vận chuyển cung cấp đủ đạn, gạo cho quân ta đánh thắng.
 
    2. Bản lĩnh và trí tuệ Việt nam biểu hiện độc đáo ở tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến sĩ xung kích trong các trận chiến với quân thù
Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, tổ chức và rèn luyện của Đảng, Bác Hồ, nguồn sức mạnh tinh thần vô địch của cả dân tộc đã được khơi dậy, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để chiến thắng kẻ thù. Chính sách giảm tô, cải cách ruộng đất, chia ruộng đất cho dân nghèo trong đó có nhiều gia đình của các cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận đã khơi dậy lòng biết ơn và niềm tin tuyệt đối của bộ đội vào Trung ương Đảng, Bác Hồ và quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi. Quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” của cả dân tộc đã được các cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch thấm nhuần sâu sắc. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” được Bác Hồ trao tặng nhân dịp kỷ niệm chín năm Ngày thành lập quân đội (22-12-1953) cho các đại đoàn, liên khu đã trở thành biểu tượng thiêng liêng trong chiến dịch, thúc giục các chiến sĩ xung kích thi đua giết giặc lập công. 
Thông qua các đợt học tập, chỉnh quân chính trị, phát động căm thù và đặc biệt là sau khi được học tập, quán triệt các mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh chiến dịch về tăng cường ý thức chấp hành kỷ luật chiến trường, thực hiện tốt nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Bộ đội các đơn vị chiến đấu, nhất là các đơn vị pháo binh đã dân chủ thảo luận thống nhất kế hoạch cơ động lực lượng kéo pháo ra, củng cố thế trận bao vây đánh địch không cho chúng còn cơ hội thoát thân. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng được nâng cao trong cán bộ, chiến sĩ đã tạo nên ưu thế tuyệt đối sức mạnh chính trị tinh thần làm nên thắng lợi của chiến dịch. Trong mỗi đợt chiến đấu đã xuất hiện những tấm gương chiến đấu dũng cảm hiến dâng cả cuộc đời thanh xuân cho đất nước.
Đó là các anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, hy sinh để cứu pháo. Trong trận mở đầu chiến dịch đồi Him Lam, đồng chí Phan Đình Giót dũng cảm lấy thân mình lấp lỗ châu mai tạo điều kiện cho đồng đội xung phong diệt lô cốt địch. 
 
    3. Bản lĩnh và trí tuệ Việt nam có sự kết nối và phát huy cao độ các giá trị truyền thống của dân tộc trong lịch sử đánh giặc giữ nước vào trận quyết chiến chiến dịch điện Biên phủ, kết thúc chiến tranh
Trong Lễ kỷ niệm 10 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Điện Biên Phủ mãi mãi sẽ được ghi vào sử sách của dân tộc ta, một dân tộc anh hùng, có truyền thống đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm, giữ gìn độc lập cho đất nước, đã từng viết nên những trang vô cùng oanh liệt: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ”. Đó là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được phát huy cao độ trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Lòng yêu nước, chí căm thù giặc đã kết thành một khối đoàn kết, thống nhất, cả nước đồng lòng, chung sức, tất cả cho chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Đó còn là sức mạnh của Quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra vì nhân dân mà chiến đấu. Một quân đội bách chiến, bách thắng, luôn nêu cao tinh thần: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Chủ nghĩa yêu nước kết thành ý chí quyết chiến, quyết thắng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nên những chiến công rực rỡ. Đó là tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết thắng. Mặc dù lần đầu tiên quân đội ta đối đầu với một đội quân chủ lực trong một trận đánh công kiên, nhưng nhờ có quyết tâm, kỷ luật và thế trận hợp lý đã phát huy được thế mạnh của ta khắc chế được sức mạnh của địch. Thung lũng Điện Biên Phủ đã biến thành mồ chôn quân xâm lược, làm tiêu tan cả ý chí xâm lược của kẻ thù.
Đoàn kết một lòng giữa các dân tộc anh em, đoàn kết giúp đỡ quốc tế, sự phối hợp của quân và dân ta với quân và dân hai nước bạn Lào và Campuchia đã góp phần làm nên thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Để có thể tác chiến tấn công tập đoàn Tạp chí Nội chính - 31 cứ điểm địch thắng lợi, đòi hỏi chúng ta phải có vũ khí trang bị đủ sức tổ chức tấn công, lương thực thực phẩm, thuốc men chiến đấu dài ngày... Tất cả những nhu cầu đó trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã có các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ vô tư và đầy hiệu quả. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ - biểu hiện độc đáo bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
(1) Ph.Ăngghen-V.I.Lênin-J.Stalin, Bàn về chiến tranh nhân dân, Nxb Sự thật, H.1970, tr.72.

Đại tá, PGS, TS. Phạm Văn Nhuận
(Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự)

;
.