Khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng - Thực trạng và giải pháp
Chủ Nhật, 06/07/2014, 07:00 [GMT+7]
Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của nhân dân, nhiều vụ án tham nhũng đã được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, có tác dụng răn đe, ngăn chặn và góp phần kiềm chế tham nhũng.
Nhiều tấm gương có thành tích xuất sắc trong PCTN đã được biểu dương, tôn vinh. Các hình thức khen thưởng về tinh thần, vật chất đối với người có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng được quy định cụ thể và triển khai thực hiện khá tích cực. Tuy nhiên, qua đánh giá công tác PCTN, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Chính phủ và nhiều địa phương, cơ quan chức năng đều cho rằng việc khen thưởng người có thành tích trong PCTN thời gian qua hiệu quả còn thấp, chưa thực sự động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân dũng cảm tố giác hành vi tham nhũng.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng năm 2010 |
Hiện nay, một số nước trên thế giới đang thực hiện chính sách khen thưởng đối với người tố cáo hành vi tham nhũng khá hiệu quả. Tại Hoa Kỳ có quy định thưởng tới 30% giá trị tiền, tài sản thu hồi được về ngân sách nhà nước cho người tố cáo hành vi tham nhũng. Thực tế, có những cá nhân đã được thưởng hàng trăm triệu đô la do thành tích tố cáo tham nhũng. Ở Hàn Quốc, mặc dù không quy định việc khen thưởng cho người tố cáo hành vi tham nhũng nhưng quy định việc Nhà nước sẽ đền bù cho những thiệt hại mà người tố cáo có thể gặp phải do việc tố cáo đó với mức đền bù tính theo tỷ lệ phần trăm số tiền thu hồi được, tối đa có thể lên đến 2 tỷ won (khoảng 40 tỷ đồng Việt Nam). Tuy nhiên, cũng có quốc gia thực hiện công tác PCTN đạt hiệu quả cao như Singapore nhưng lại không có chính sách khen thưởng cho người tố cáo vì quốc gia này coi việc tố cáo tham nhũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân.
Trong bối cảnh tình hình tham nhũng và điều kiện thực tiễn ở nước ta hiện nay, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng là biện pháp có thể mang lại hiệu quả tích cực trong công tác PCTN nói chung và việc phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân trong PCTN nói riêng. Kết quả khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ công bố năm 2012 cho thấy, có 42,9% số người được hỏi đã cho biết: Ít có khả năng họ sẽ báo cho người có thẩm quyền mặc dù họ biết chắc chắn về một hành vi tham nhũng; “không được khen thưởng” cũng là một trong những yếu tố không khuyến khích các cá nhân sẵn sàng tố cáo hành vi tham nhũng.
Thật vậy, qua thực tiễn công tác biểu dương, tôn vinh, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng thời gian qua cho thấy, việc được cấp có thẩm quyền khen thưởng luôn có ý nghĩa quan trọng đối với người tố cáo hành vi tham nhũng cũng như tác động tích cực đối với các cá nhân khác trong xã hội, thể hiện ở những khía cạnh sau:
Một là, tố cáo hành vi tham nhũng, là người tố cáo chỉ ra những sai phạm xảy ra trong nội bộ, liên quan đến trách nhiệm, ảnh hưởng đến quyền lợi của đồng nghiệp, của người lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương mình. Do vậy, việc tố cáo thường gặp phải rất nhiều trở ngại, khó khăn như không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi người xung quanh, chịu nhiều áp lực về tinh thần, thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập, trù dập, trả thù… Việc được cơ quan chức năng khen thưởng do có thành tích tố cáo tham nhũng chính là sự ghi nhận, khẳng định rõ ràng nhất, vừa có tác dụng khích lệ, động viên mạnh mẽ về tinh thần đối với người tố cáo vừa có thể làm thay đổi cách đánh giá, nhìn nhận của mọi người xung quanh, tạo động lực để người tố cáo vững vàng vượt qua những khó khăn, trở ngại.
Hai là, người tố cáo hành vi tham nhũng được khen thưởng cũng có nghĩa là những nỗ lực, thành tích, công trạng của người đó được biểu dương, tôn vinh, trở thành tấm gương để các cá nhân khác học tập, noi theo. Thực tế tại nước ta kể từ khi có Luật PCTN đến nay, các cơ quan chức năng ở Trung ương và một số địa phương đã tổ chức được nhiều buổi lễ vinh danh những cá nhân có thành tích trong PCTN, trong đó có nhiều tấm gương điển hình dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng trong nội bộ, nỗ lực đấu tranh, cùng với cơ quan chức năng đưa các vụ việc tham nhũng ra ánh sáng. Các buổi lễ vinh danh xúc động và đầy tự hào đó đã có tác động tích cực đối với dư luận, góp phần khích lệ các cá nhân khác trong xã hội nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong PCTN.
Ba là, việc khen thưởng người có thành tích tố cáo hành vi tham nhũng gắn với việc khuyến khích bằng lợi ích vật chất, tạo động lực để các cá nhân tích cực, nỗ lực tố cáo tham nhũng. Theo quy định của pháp luật thi đua khen thưởng hiện nay thì mỗi hình thức khen thưởng sẽ tương ứng với một mức thưởng cụ thể bằng tiền. Trong khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng thì ngoài mức thưởng chung theo quy định của pháp luật về khen thưởng, người tố cáo còn được động viên bằng vật chất với mức thưởng cao hơn nhiều lần. Ví dụ như: Người lập thành tích xuất sắc được khen tặng Huân chương Dũng cảm thì được thưởng tiền bằng 4,5 lần hệ số lương tối thiểu chung. Nhưng người tố cáo hành vi tham nhũng được khen tặng Huân chương Dũng cảm thì ngoài khoản thưởng trên còn được thưởng thêm 30 lần mức lương tối thiểu chung từ Quỹ khen thưởng PCTN.
Việc triển khai thực hiện quy định cụ thể về khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng hơn 02 năm qua cho thấy công tác này đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, cụ thể như sau:
- Việc ban hành, thực hiện Thông tư Liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP của Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương cũng như sự hưởng ứng rộng rãi của quần chúng nhân dân. Ngay sau Thông tư Liên tịch được ban hành, các bộ, ngành, địa phương đã giao cho cơ quan thanh tra và đơn vị phụ trách công tác cán bộ, thi đua khen thưởng phối hợp để phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện; một số đơn vị đã ban hành những quyết định đặc thù để cụ thể hóa hơn những nội dung của Thông tư này trong quá trình thực hiện;
- Đã có 35 cá nhân được khen thưởng theo Thông tư Liên tịch số 03/2011/TTLT-BNVTTCP, trong đó 02 cá nhân được các cơ quan Trung ương khen, 33 cá nhân được các địa phương khen (Bình Thuận: 12 người, Cao Bằng: 14 người; Lạng Sơn: 04 người; Nghệ An: 02 người; Quảng Ninh: 01 người).
Bên cạnh đó, còn một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định về khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo, phát hiện tham nhũng đó là: Chủ yếu mới là Giấy khen, Bằng khen của đơn vị cơ sở, địa phương mà chưa có các hình thức khen thưởng cao như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc Huân chương Dũng cảm; số người tố cáo tham nhũng được khen thưởng chưa nhiều. Những quy định về trình tự, thủ tục khen thưởng hiện nay có nội dung chưa phù hợp nên khó khăn trong việc thực hiện ở cấp cơ sở, nhất là về thủ tục trình khen thưởng, việc bảo đảm bí mật thông tin về người tố cáo trong quá trình xét, trao tặng các hình thức khen thưởng… Đặc biệt là, Quỹ khen thưởng về PCTN chưa được hình thành nên việc khen thưởng chủ yếu mới thực hiện theo quy định chung về thi đua, khen thưởng mà chưa có các khoản động viên thêm về vật chất theo quy định của Thông tư Liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP. Mức thưởng hiện nay cũng có nhiều ý kiến cho rằng còn thấp, chưa thực sự khuyến khích, động viên người tố cáo hành vi tham nhũng nhất là trong việc tố cáo những vụ tham nhũng lớn.
Để việc khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng thực sự trở thành một biện pháp hiệu quả trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN và tích cực giúp cơ quan chức năng ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tác giả xin được kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt các quy định về khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng, gắn với việc tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật về tố cáo, cơ chế bảo vệ người tố cáo, đặc biệt là quy định về vai trò, trách nhiệm của xã hội và mỗi công dân trong PCTN;
Thứ hai, khẩn trương lập Quỹ khen thưởng về PCTN từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, đồng thời huy động thêm các nguồn lực, sự đóng góp, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để bảo đảm điều kiện cần thiết thực hiện tốt chính sách động viên về vật chất, gắn với khen thưởng về tinh thần đối với người dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng;
Thứ ba, hoàn thiện quy định hiện hành về khen thưởng người có thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng nhằm khắc phục triệt để những hạn chế, vướng mắc thời gian vừa qua, trong đó một số nội dung cụ thể cần điều chỉnh, bổ sung như sau:
- Nâng mức khen thưởng, động viên bằng vật chất đối với người tố cáo hành vi tham nhũng. Về cơ bản, mức thưởng sẽ tính theo hệ số lương tối thiểu chung, nhưng trong trường hợp thành tích của người được khen thưởng giúp thu hồi được về ngân sách nhà nước số tiền lớn thì có thể áp dụng mức thưởng tính theo tỷ lệ phần trăm của số tiền thu hồi được, bảo đảm động viên về vật chất thiết thực hơn cho người có thành tích PCTN. Cụ thể như: Hình thức khen thưởng cao nhất hiện nay là Huân chương Dũng cảm, từ kinh nghiệm của một số nước cho thấy có thể áp dụng tỷ lệ thưởng 30% số tiền thu được và khống chế số tiền thưởng tối đa không quá 10 tỷ đồng;
- Quy định thủ tục xét tặng, trao thưởng người được khen thưởng trong trường hợp cần bảo đảm bí mật danh tính về người tố cáo;
- Quy định trách nhiệm của các cơ quan giải quyết tố cáo, cơ quan chức năng PCTN về việc phải chủ động, kịp thời đề xuất và thực hiện thủ tục cần thiết để thực hiện việc khen thưởng cho người tố cáo hành vi tham nhũng theo đúng thành tích mà họ lập được;
- Quy định cụ thể những trường hợp người tố cáo mặc dù đã có công tố cáo, giúp cơ quan chức năng phát hiện hành vi tham nhũng nhưng sẽ không được xét thưởng;
- Nghiên cứu, quy định cụ thể việc người có chức vụ, quyền hạn khi tố cáo hành vi đưa hối lộ cho chính mình thì cũng được xét khen thưởng và tiền thưởng trong trường hợp này được trích theo tỷ lệ phần trăm của số tiền, tài sản đã dùng làm của hối lộ.
Ngô Mạnh Hùng
(Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng)
(Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng)
;