Chống tham nhũng thời Lê sơ

Thứ Tư, 06/08/2014, 16:44 [GMT+7]
Quan liêm là phúc nước nhà, quan tham là tai họa của nhân dân
Tham nhũng luôn là mối họa lớn với dân, với nước, ảnh hưởng tới sự tồn vong của dân tộc.
Nhà Lê sơ được coi là một đỉnh cao mới trong lịch sử phong kiến nước ta nhưng cũng chính từ xã hội này nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực. Đặc biệt những hành vi tham nhũng. Điều này thể hiện rõ qua những câu nói của bình dân đến quan lại. Cao Sư Đăng, một thợ nề chùa Báo Thiên nói: Thiên tử không có đức… đại thần ăn của đút, cử dung kẻ vô công”. Nguyễn Trãi cũng từng nói: “Bọn các người là hạng bề tôi vơ vét”, vua Lê Thánh Tông nói: “khoảng năm Thái Hoà, Diên Ninh – thời Lê Nhân Tông, trên thì tể tướng, dưới thì trăm quan mưu lợi lẫn nhau, bừa bãi hỗi lộ”. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn thời Lê sơ. Các quan vì mục tiêu tư lợi mà đe doạ đến sự tồn tại của nhà nước. Để phòng, chống tham nhũng, Lê Thánh Tông đã có nhiều biện pháp và hình thức khác nhau: tuyên truyền, khuyến dụ, răn đe, trừng phạt… thể hiện trong các sắc chỉ, Quốc triều hình luật và những biện pháp cụ thể khác.
Trong 38 năm trị vì của mình, Lê Thánh Tông có nhiều sắc chỉ thể hiện thái độ kiên quyết đấu tranh chống tội phạm tham nhũng. Từ năm 1475 đến năm 1487 nhà vua đã ban hành hơn mười sắc chỉ để chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý các quan lại nhà nước vi phạm các quy định về tội tham nhũng. Các sắc dụ đáng chú ý:
– Năm 1475, định lệnh cấm vơ vét xoay tiền trong các việc xây dựng sửa chữa, kẻ nào mượn cớ và vơ vét xoay tiền thì trị tội như luật xoay tiền.
– Năm 1478, trong sắc chỉ cho các địa phương xét quan lại trong địa hạt, người nào tham ô lười biếng thì tâu lên để định việc giáng chức.
– Năm 1487, xét quan lại thấy tham nhũng thì bãi chức sung quân ở Quảng Nam.
– 1483, trong sắc chỉ ân xá của nhà vua những kẻ tham nhũng xếp cùng tội đại nghịch không được hưởng khoan hồng của nhà vua. Như vậy, Lê Thánh Tông đã coi nạn quan tham ngang hàng với tội đại nghịch. Những tội làm tổn hại đến nền móng nhà nước phong kiến.
Lê Tiến Dũng
;
.