Có nên hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp?

Thứ Ba, 21/10/2014, 09:24 [GMT+7]

Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp là một trong những đề xuất quan trọng khi sửa đổi Bộ luật hình sự năm 1999 trong giai đoạn hiện nay. Quy định này nhằm nội luật hóa Công ước quốc tế về chống tham nhũng và góp phần phòng chống các tội phạm tham nhũng và tội phạm rửa tiền trong bối cảnh hiện nay.
Điều 20 Công ước quốc tế về chống tham nhũng quy định: “Trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy”.
Hiện nay, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2012 và Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập đã quy định về các biện pháp phòng ngừa nhằm phát hiện hành vi làm giàu bất hợp pháp. Theo đó, tại Mục 4 Chương II Luật PCTN quy định rõ đối tượng phải kê khai tài sản, các loại tài sản phải kê khai, thủ tục kê khai, thủ tục xác minh tài sản kê khai, kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản và công khai kết luận đó, xử lý người kê khai tài sản không trung thực. Điều 46 Luật PCTN quy định: "Người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm theo quy định tại Khoản 2 Điều 44". Đồng thời, Điều 44 Luật này cũng quy định: "Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên" và "Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai".
Cũng theo quy định của Luật này, khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý, thì người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ kê khai tài sản ra quyết định xác minh tài sản. Trên cơ sở xác minh tài sản, thu nhập, thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải ra kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Nếu người kê khai tài sản không trung thực sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương và hạ ngạch). Quyết định kỷ luật đối với người kê khai tài sản không trung thực được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc. Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử, người dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn các chức vụ đã dự kiến. Nghị định 78/2013/NĐ-CP quy định chi tiết hơn về người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về nguồn gốc phần tài sản tăng thêm khi tăng về số lượng hoặc thay đổi về cấp nhà, công trình, loại đất hoặc khi có tài sản ở nước ngoài, động sản, tiền tăng thêm có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên so với kỳ kê khai trước đó. Nghị định cũng quy định về trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai…
Từ những quy định nêu trên, có thể thấy, pháp luật Việt Nam đã có quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm; quy định về trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập nhằm làm rõ tính trung thực của người có nghĩa vụ kê khai trong quá trình kê khai tài sản. Trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập, các cơ quan có thẩm quyền cũng đã tiến hành đối chiếu giữa tài sản, thu nhập thực tế với tài sản, thu nhập được kê khai để đánh giá tính trung thực trong kê khai. Những biện pháp hành chính để xử lý những đối tượng thiếu trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản đã thể hiện rõ quan điểm, thái độ của nhà nước ta đối với việc phòng ngừa, phát hiện hành vi làm giàu bất hợp pháp. Hệ thống thông tin về tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cũng đã bước đầu được hình thành và đưa vào quản lý, làm căn cứ cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc khai thác, sử dụng cho công tác PCTN, đặc biệt là kiểm soát biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai để phát hiện nguy cơ tham nhũng.
Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù chưa có một báo cáo chính thức của cơ quan, tổ chức nào về vấn đề này nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng làm giàu bất hợp pháp đang diễn ra nghiêm trọng và không được kiểm soát tại Việt Nam; do đó, cần thiết phải hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp trong Bộ luật hình sự Việt Nam. Mặc dù vậy, việc hình sự hóa hành vi này sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trên thực tế:
- Thứ nhất, hiện còn nhiều tranh cãi cãi cả về khía cạnh lập pháp lẫn áp dụng trên thực tiễn về cấu thành tội làm giàu bất hợp pháp. Về mặt khách quan của tội phạm, hiện vẫn còn nhiều tranh luận, chưa thống nhất về việc chỉ cần làm rõ, chứng minh được tính bất hợp pháp của tài sản tăng thêm hay phải chứng minh có hay không có việc công chức đã thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản tăng thêm đáng kể ấy. Ngay trong việc xác định tính bất hợp pháp của tài sản tăng thêm cũng còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ vì tài sản tăng thêm có thể phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật khác, không phải là hành vi tham nhũng và cũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xác định thời gian làm căn cứ đánh giá về tài sản tăng thêm của công chức; căn cứ so sánh, đối chiếu và xác định có tài sản tăng thêm; hạn mức tăng lên bao nhiêu thì được coi là đáng kể; thế nào là tài sản hợp pháp hoặc bất hợp pháp cũng là những vấn đề khó, chưa được đề cập cụ thể trong Công ước chống tham nhũng.
- Thứ hai, về cả truyền thống pháp lý và trong pháp luật, hành vi làm giàu bất hợp pháp chưa được coi là vi phạm pháp luật và không phải là tội phạm trong BLHS năm 1999. Do đó, việc hình sự hóa hành vi này sẽ vấp phải sự phản đối không nhỏ từ nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp từ chính sách.
- Thứ ba, việc yêu cầu công chức phải chứng minh nguồn gốc, lý do thu nhập của mình là hoàn toàn không khả thi và không phù hợp với thực tiễn lịch sử và điều kiện vật chất, kỹ thuật của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Việc kiểm soát thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức nói riêng và dân cư nơi chung vẫn còn là thách thức lớn khi các giao dịch vẫn sử dụng phương thức thanh toán tiền mặt; chưa có hệ thống quản lý, kiểm soát thu nhập của người dân. Điều này sẽ dẫn đến những khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc thu thập chứng cứ để xử lý hành vi làm giàu bất chính. Ở khía cạnh khác, việc quy định là tội phạm đối với hành vi này cũng tiềm ẩn những nguy cơ lợi dụng hoặc lạm dụng vì các mục đích trái pháp luật.
- Thứ tư, việc quy định nghĩa vụ của công chức phải chứng minh nguồn gốc thu nhập của mình theo quy định của công ước là trái với nguyên tắc và nghĩa vụ chứng minh trong TTHS Việt Nam do chuyển dịch nghĩa vụ chứng minh từ cơ quan tiến hành tố tụng sang bị can, bị cáo. Theo quy định của BLTTHS Việt Nam thì chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng mới có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, công dân không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội.
- Thứ năm, đây là quy định mang tính tùy nghi, mỗi quốc gia cần xem xét, quyết định việc thực hiện trên cơ sở Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình để áp dụng cho phù hợp. Khi phê chuẩn Công ước, Việt Nam cũng đã tuyên bố không bị ràng buộc bởi quy định tại Điều 20 của Công ước: “Phù hợp với nguyên tắc của pháp luật Việt Nam, Cộng hòa XHCN Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi các quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp và quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân”.
Với những phân tích nêu trên cho thấy, mặc dù việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp được coi là một công cụ hữu hiệu trong kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức; góp phần PCTN hiệu quả, song việc hình sự hóa hành vi này không khả thi tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, trước mắt chưa nên quy định tội làm giàu bất chính trong BLHS mà chỉ nên xử lý về kỷ luật và xử lý về tài sản bất chính theo trình tự tố tụng dân sự.
 

Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)

;
.