Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng
Thứ Tư, 18/02/2015, 04:23 [GMT+7]
Càng gần đến Đại hội Đảng các cấp, các thế lực thù địch, phản động lại tiếp tục đẩy mạnh các chiêu trò nhằm thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây nên các “điểm nóng”. Tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa được chúng coi là “mũi đột phá”, hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra “những ly kỵ” để dần đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập vào nội bộ cán bộ, đảng viên và nhân
dân, từng bước chuyển hóa, xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phủ nhận Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
|
Thời gian từ nay đến trước thềm Đại hội XII của Đảng, cuộc đấu tranh tư tưởng chắc chắn sẽ diễn ra ngày càng gay go, quyết liệt. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, chúng ta cần phải tiến hành hàng loạt các giải pháp trên mặt trận tư tưởng, lý luận; trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh và đối ngoaị,... Trong đó, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận Chủ nghĩa Máclênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản phương Tây là vấn đề rất quan trọng.
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch đã và đang tăng cường chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, trá hình. Cùng với các hoạt động phá hoại vào nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước trên các phương diện khác, chúng ra sức sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, các blog để chuyển tải thông tin, quan điểm sai trái, thù địch và móc nối, tổ chức lực lượng chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thực tế đã và đang khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin từ khi ra đời đến nay đã thể hiện rõ bản chất khoa học và cách mạng, giá trị và sức sống bền vững của nó. Nhiều chính khách, nhà khoa học ở cả trong và ngoài nước có những bài thuyết trình, bài viết, công trình nghiên cứu khoa học khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Một số học giả tư sản đã thừa nhận, tinh thần của Các Mác vẫn tỏa sáng và dù muốn hay không người ta vẫn phải dựa vào Các Mác mới có thể phân tích đúng chủ nghĩa tư bản đương đại.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Vào năm 1927, Hồ Chí Minh đã viết: “…Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(1). Theo Người, chủ nghĩa Mác-Lênin không những là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sác-lơ Phuốc-niô ngày 15-7-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi giành được thắng lợi là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác-Lênin”(2).
Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 đến nay cho thấy, sở dĩ dân tộc ta giành được những thành quả lớn lao trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, một mặt vì nhân dân ta giàu lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh tính mạng và của cải của mình, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; mặt khác là nhờ vào đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh chính trị và bản lĩnh lãnh đạo thể hiện ở đường lối, chính sách, ở chiến lược và sách lược trong suốt chiều dài lịch sử 85 năm qua.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ tiếp tục khẳng định con đường xã hội chủ nghĩa, mà đưa vào Văn kiện này những nội dung mới phù hợp với xu thế lớn của thời đại. Đó là xu thế “hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển”, đồng thời, Cương lĩnh cũng chỉ ra những thách thức đang diễn ra gay gắt trên thế giới và khu vực. Đó là gần đây đã xuất hiện nhiều loại hình chiến tranh mới, rất đa dạng, như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, chiến tranh ủy nhiệm, can thiệp quân sự từ bên ngoài kết hợp với các hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ từ bên trong,... Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ tiếp tục diễn ra quyết liệt; tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo diễn ra phức tạp, khó lường. Đối với nước ta, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Những nguy cơ, thách thức mà Đảng ta đã cảnh báo vẫn tồn tại. Các thế lực thù địch cấu kết với bọn phản động trong nước và nước ngoài tăng cường các hoạt động chống phá nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn, hình thức mới hết sức thâm độc, nguy hiểm.
Thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội, có cá nhân, thậm chí có những người dưới danh nghĩa đảng viên “trung thành” viết và phát tán trên mạng internet “Thư ngỏ” với những hình thức khác nhau, nhiều quan điểm sai trái, phê phán, thậm chí xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ cho rằng: “Công cuộc đổi mới gần 30 năm… vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc”. Họ “kiến nghị” thay đổi Cương lĩnh của Đảng, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ, đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng…
Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn có thể khẳng định, “những kiến nghị” mà một số người đưa ra không có gì mới và xa lạ với thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước suốt 30 năm qua của nhân dân ta. Chúng ta cũng không phủ nhận, trong nhiều năm qua, xã hội ta vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề kinh tế, xã hội chưa được giải quyết như xu hướng phân hóa giàu - nghèo chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, công nhân ở nhiều khu công nghiệp còn nhiều khó khăn; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên các cấp dẫn đến làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Nghị quyết Đại hội Đảng XI, Đảng ta chỉ rõ: Nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, diễn biến phức tạp.
Tình trạng suy thái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng,… Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”,
gây bạo loạn, sử dụng các chiêu bài “dân chủ, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”(3). Điều đặc biệt chú ý là trong xây dựng chỉnh đốn Đảng cần xác định, chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng được xem như một nội dung liên quan trực tiếp tới vận mệnh của Đảng và quyết định đến thành công của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm”, một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”(4). Người khẳng định: “Người cán bộ có bản lĩnh là người rất trung thành, kiên định với sự nghiệp cách mạng, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi. Đó cũng là người biết tùy cơ ứng biến, hết sức sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Sự gương mẫu đi đầu, lời nói đi đôi với việc làm mẫu mực là sự thuyết phục, cảm hóa để lôi cuốn nhân dân vào các phong trào cách mạng. Theo Bác, cán bộ, đảng viên phải làm gương cho nhân dân cả về lời nói và việc làm, để cho dân tin, dân phục, dân yêu, từ đó làm cho dân tin Ðảng, yêu Ðảng và làm theo chính sách của Ðảng và Chính phủ. Ðảng lãnh đạo, Ðảng cầm quyền thì người lãnh đạo cấp cao, người có chức vụ càng cao phải thể hiện là tấm gương càng sáng, để cấp dưới và quần chúng noi theo”(5). Người yêu cầu, mọi cán bộ, đảng viên đều phải tự phê bình và phê bình, sửa chữa khuyết điểm của mình, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà phê bình, hoặc “chờ xem”, coi như mình không có khuyết điểm gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng là một bộ phận của xã hội, cũng không tránh khỏi những tập tục, tính nết, khuyết điểm, thói xấu của xã hội lây ngấm vào. Thực tế cho thấy, trong Đảng không phải là người người đều tốt, việc việc đều hay. Người chỉ rõ: Đảng Cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí; cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm bệnh tật trong mình không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng. “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”(6).
Nếu ai đó cho rằng, thể chế hiện nay là “độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ, chia rẽ dân tộc” và kiến nghị thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội thì chẳng những họ đã xuyên tạc lịch sử, mà còn là một sai lầm nghiêm trọng về tư tưởng, chính trị. Như chúng ta đều biết, sở dĩ Việt Nam trụ vững sau sự kiện Liên Xô tan rã, Hoa Kỳ bao vây, cấm vận, đời sống của tuyệt đại đa số nhân dân được cải thiện, chủ quyền quốc gia được giữ vững là nhờ có đường lối chính trị đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Về tư tưởng, chính trị, việc một số người kêu gọi thay đổi Cương lĩnh có nghĩa là xóa bỏ mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một xã hội “…Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là xóa bỏ chế độ xã hội do “nhân dân làm chủ” với “Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Hơn nữa, điều này cũng có nghĩa là xóa bỏ cả quyền con người và quyền công dân được Cương lĩnh năm 2011 ghi nhận, đặc biệt được quy định tại Chương II, Hiến pháp năm 2013. Về kinh tế, việc kêu gọi xóa bỏ Cương lĩnh cũng có nghĩa là xóa bỏ: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối...”.
Về đối ngoại và quốc phòng, an ninh, họ kêu gọi xóa bỏ Cương lĩnh cũng có nghĩa là xóa bỏ đường lối “Đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế…”; là xóa bỏ đường lối quốc phòng - an ninh “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” mà Cương lĩnh năm 2011 đã xác định. Nếu đi theo con đường mà một số người kiến nghị: “Chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ”… thì kịch bản và hậu quả sẽ như thế nào? Họ không hề quan tâm đến sự khác biệt về văn hóa, chính trị, kinh tế, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền. Bằng văn hóa và lối sống phương Tây, họ đang muốn phủ lên các quốc gia, dân tộc đang phát triển “làn sóng văn hóa dân chủ, nhân quyền phương Tây”, buộc mọi người phải thừa nhận rằng, chỉ có văn hóa dân chủ, nhân quyền phương Tây mới là hình mẫu chuẩn mực nhất. Sự giáo điều về lý luận ấy đã và đang hợp lý hóa các hành vi bạo lực “đánh trước”, “đánh phủ đầu” nhằm “phòng,
chống, ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố để bảo vệ các giá trị dân chủ, nhân quyền phương Tây”, kể cả chiến lược “diễn biến hòa bình”.
Sự thật về lòng “trung thành” của những ai đó đã và đang tung ra luận thuyết “dân chủ không biên giới”, “nhân quyền cao hơn chủ quyền” và coi đó là chuẩn mực để thực hiện “chủ nghĩa can thiệp mới” và sẵn sàng đổi trắng thay đen. Trong những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến một số thành công của mô hình “thúc đẩy xã hội dân sự” lật đổ chế độ chính trị ở một số quốc gia Đông Âu, Trung Đông,... bằng các cuộc “cách mạng màu”. “cách mạng hoa”, “cách mạng đường phố” bắt nguồn từ các “xã hội dân sự”. Lợi dụng quyền tự do lập hội để lập ra nhiều hội, nhóm không đúng quy định pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, thậm chí trá hình, hoạt động chống Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thử hỏi, nếu họ là những cán bộ, đảng viên “trung thành” thì tại sao có ý kiến khác hoặc trái với đường lối, quan điểm của Đảng lại không trình bày tại các hội nghị nội bộ Chi bộ, Đảng bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng mà lại tùy tiện phát tán tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước; đảng viên phải chấp hành Điều lệ Đảng và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
Những việc làm trên có thể chứng minh rõ ràng rằng, họ tìm mọi phương cách nhằm kích động những phần tử phản động, bất mãn với Đảng, Nhà nước, chế độ ta; tập hợp, tạo dựng phe cánh, gây “điểm nóng” về xung đột, gây rối loạn tình hình chính trị, xã hội và khi có điều kiện thì xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Việc can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thể hiện ở việc, họ viện dẫn với các màn kịch nhiều hồi, nhiều lớp, với lý do “chăm lo cho xây dựng nền dân chủ, đem lại hạnh phúc cho người dân Việt Nam,...”.
Chúng ta hiểu rằng, chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” chỉ là một trong những âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình mà các thế lực thù địch đã và đang áp dụng nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì thế, hai trong nhiều vấn đề then chốt của các học thuyết “dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây cần áp dụng đối với Việt Nam” là xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng và vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản. Họ sử dụng chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” nhằm mục đích từng bước phá hoại Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, không thừa nhận chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang đồng tâm gắng sức xây đắp nên. Họ cũng cố tình xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “thiếu nền dân chủ”, “vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, lấy đó làm cớ để tuyên truyền sai lệch, nhằm kích động những phần tử bất mãn, phản động chống đối Đảng, Nhà nước ta, tiến tới phủ nhận con đường, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Nhân dân Việt Nam đã đi qua hai cuộc chiến tranh thần thánh để tự bảo vệ mình, tự giải phóng mình nên càng thấu hiểu thế nào là tự do độc lập, thế nào là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Vì vậy, đương nhiên, nhân dân Việt Nam sẽ biết nhìn nhận ai là bạn, ai là thù. Sự thật vẫn là sự thật và bản thân nó chứa đựng chân lý, không ai có thể dùng ý muốn chủ quan để áp đặt. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ở Việt Nam do Đảng Cộng sản khởi xướng và lãnh đạo gần 30 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vị thế của đất nước Việt Nam ngày càng được nâng cao, đời sống của gần 90 triệu người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện. Khách quốc tế, bạn bè khắp năm châu đến Việt Nam đều thấy một sự thật: Đất nước Việt Nam đã thay da đổi thịt, dù còn nhiều việc phải làm, đời sống chưa thật sự khá giả, song chính trị - xã hội của đất nước luôn ổn định, cuộc sống thật sự có hòa bình, tự do, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, nhân dân thực sự là chủ nhân của đất nước.
Ngày nay, các thế lực thù địch tiếp tục không từ một thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta. Còn đối với những cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng, đây là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, chúng ta cũng phải đấu tranh, phê phán, làm rõ đúng - sai thông qua đối thoại, trao đổi, tọa đàm, thuyết phục trên tinh thần đồng chí, tăng cường đoàn kết, đồng thuận, không đẩy họ về phía các thế lực thù địch mà cố gắng lôi kéo họ về phía chúng ta; chúng ta phê phán quan điểm sai chứ không phê phán con người, xúc phạm, đả kích cá nhân.
Đấu tranh với các quan điểm sai trái, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chúng ta cũng phải xem lại mình, xem lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có chỗ nào không đúng, còn khiếm khuyết cần phải sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện; những nội dung nào thực hiện chưa tốt cần phải chấn chỉnh, thực hiện tốt hơn để giải tỏa bức xúc của nhân dân và cán bộ, những nội dung nào có vấn đề hoặc chưa rõ cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, qua đó hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Như vậy, sự phê phán đã chuyển thành tự phê phán, sự phê phán tiêu cực đã chuyển thành phê phán tích cực.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, t.2. tr.268.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12. tr.476, 554.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.29, 173.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, t.5, tr.238-239.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2001, t.5, tr.253.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.239.
|
Đại tá, PGS, TS. Trần Nam Chuân
(Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng)
;