Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu Cải cách Tư pháp, phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013
Thứ Năm, 19/02/2015, 02:08 [GMT+7]
Bộ luật hình sự là một đạo luật lớn, quan trọng, có tính đặc thù trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Sau 15 năm thi hành, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 đã có những đóng góp quan trọng, thể hiện khá toàn diện chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, các cá nhân.
Tuy nhiên, trước yêu cầu thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là để phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013 thì việc phải sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 là rất cần thiết. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào BLHS (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015). Với mong muốn được đóng góp một phần vào việc sửa đổi, bổ sung BLHS, trong bài viết này sẽ đưa ra và phân tích một số nội dung cơ bản đề xuất sửa đổi, bổ sung BLHS.
1. giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không tước quyền tự do
Giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không tước quyền tự do là hai nội dung có liên quan hữu cơ với nhau, thể hiện rõ tính nhân đạo, hướng thiện trong chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước. Tính nhân đạo trong chính sách hình sự được thể hiện trước hết ở việc giảm nhẹ các hình phạt có tính hà khắc đối với người phạm tội, giảm bớt hình phạt tù đối với người phạm tội. Theo đó, muốn giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, thì cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng hình phạt tù chủ yếu áp dụng đối với các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đối với các tội phạm nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng thì chỉ nên áp dụng hình phạt này khi xét thấy nếu để người phạm tội ở ngoài xã hội sẽ còn gây hại cho xã hội và những trường hợp còn lại thì xem xét áp dụng các hình phạt không tước quyền tự do.
Từ cách đặt vấn đề như trên, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu loại bỏ khả năng áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với các tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng với lỗi vô ý. Đồng thời, cần quy định theo hướng mở rộng khả năng áp dụng hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ, mở rộng khả năng áp dụng hình phạt tiền đối với các nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội xâm phạm sở hữu. Mặt khác, nghiên cứu sửa đổi quy định của BLHS về hình phạt cải tạo không giam giữ theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng, tăng tính cưỡng chế và việc tổ chức quản lý, giám sát thi hành loại hình phạt này.
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương |
2. giảm quy định hình phạt tử hình trong BLHs và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình
Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng là tiếp tục giảm hình phạt tử hình theo định hướng: "Thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân". Việc tiếp tục thực hiện chủ trương hạn chế hình phạt tử hình cần phải được thực hiện trên tinh thần quán triệt quan điểm bảo đảm sự cân đối, hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền sống theo quy định tại Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Nhìn từ góc độ pháp luật hình sự, việc giảm quy định hình phạt tử hình trong BLHS (sửa đổi) và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình cần được thực hiện một cách toàn diện trên một số mặt sau đây:
Một là, giảm số lượng các tội danh có quy định hình phạt tử hình trong BLHS (sửa đổi) bằng cách rà soát, đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với một số trong số 22 tội danh có quy định hình phạt tử hình. Việc giữ hay bỏ hình phạt tử hình đối với một tội phạm cụ thể cần được cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng và phải xuất phát từ 05 tiêu chí cơ bản sau đây: (1) Tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm cũng như đặc điểm nhân thân của người phạm tội; (2) yêu cầu bảo vệ khách thể bị xâm hại; (3) yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; (4) khả năng trấn áp tội phạm bằng các biện pháp ngoài tử hình; (5) thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình trong điều kiện nội luật hóa các công ước, luật pháp quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Hai là, hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội danh còn giữ lại hình phạt tử hình theo hướng quy định rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể các điều kiện áp dụng để Tòa án cân nhắc, áp dụng trong từng trường hợp cụ thể, mở rộng các trường hợp không áp dụng hoặc không thi hành hình phạt tử hình. Đồng thời, cần nghiên cứu thiết kế khung hình phạt có quy định hình phạt tử hình theo hướng có thể tách riêng trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và tù chung thân thành một khung độc lập với các điều kiện chặt chẽ để hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình. Ví dụ: Đối với tội phạm về ma túy cần tăng định lượng chất ma túy trong khung có quy định hình phạt tử hình; giảm bớt các tình tiết định khung hình phạt tại khung có hình phạt tử hình ở tội sản xuất trái phép chất ma túy; tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; tội giết người,...
Ba là, nghiên cứu bổ sung thêm điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm hạn chế đến mức tối đa khả năng áp dụng hình phạt này theo hướng hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với một số ít trường hợp phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất dã man, tàn bạo xâm phạm tính mạng của con người; đe dọa sự tồn vong của Nhà nước; các tội phạm mang tính toàn cầu, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Trên cơ sở đó nghiên cứu giảm bớt số lượng các điều khoản của BLHS về từng tội phạm cụ thể có quy định hình phạt tử hình.
Bốn là, quy định về hoãn thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân, hình phạt chung thân không có ân giảm, nhằm hạn chế việc thi hành án tử hình trên thực tế. Sửa đổi, bổ sung Điều 35 của BLHS hiện hành theo hướng tiếp tục hoàn thiện quy định về hoãn thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân, quy định bổ sung hình phạt chung thân không có ân giảm
(như một hình thức miễn thi hành án tử hình có điều kiện) nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế. Theo đó, khi quyết định áp dụng hình phạt tử hình đối với người bị kết án, Hội đồng xét xử có thể tuyên ngay trong bản án về việc cho hoãn thi hành án tử hình trong một thời gian nhất định (có thể là hai năm), kể từ ngày tuyên án và nếu trong thời gian đó người bị kết án đã chứng tỏ sự hối cải, tiến bộ, không cố ý phạm tội mới, có những hành động tích cực để khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, khám phá, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì hình phạt tử hình sẽ được chuyển thành tù chung thân. Các trường hợp đã tuyên án tử hình nhưng được Chủ tịch nước chấp nhận đơn tha tử hình và các trường hợp xét cần thiết không tuyên tử hình vì mục đích nhân đạo thì áp dụng hình thức tù chung thân không có ân giảm.
3. nghiên cứu sửa đổi BLHs theo hướng quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Đây là một vấn đề không mới với luật pháp quốc tế, nhưng lại là vấn đề mới và khá phức tạp ở Việt Nam. Tùy vào điều kiện cụ thể và ở những mức độ khác nhau, pháp luật hình sự một số nước có quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Ở nước ta, vấn đề này đã được đặt ra từ khi xây dựng BLHS năm 1999. Đặc biệt, trong lần sửa đổi, bổ sung BLHS vào năm 2009 nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đã đến lúc cần bổ sung chế định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân để xử lý đối với các trường hợp pháp nhân vì chạy theo lợi ích cục bộ, đã có sự thông đồng từ người phụ trách đến nhân viên, thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế như đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu hoặc vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, về bảo hộ lao động gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong bối cảnh chung của tình hình kinh tế xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, nhất là đáp ứng những đòi hỏi của các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, nhất là Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc, phục vụ cho nhiệm vụ đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực kinh tế thì việc nghiên cứu bổ sung các quy định về TNHS của pháp nhân trong BLHS là cần thiết. Việc nghiên cứu bổ sung nên theo hướng xác định rõ chính sách xử lý hình sự đối với các pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội; những loại tội phạm nào thì pháp nhân sẽ phải chịu TNHS (các tội phạm về kinh tế, thuế, chứng khoán, môi trường…); các chế tài áp dụng đối với pháp nhân cũng như loại pháp nhân nào có thể bị truy cứu TNHS (có thể chỉ những pháp nhân là tổ chức kinh tế mà không điều chỉnh các pháp nhân khác như cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội).
Tuy nhiên, để thận trọng và phù hợp với điều kiện thực tiễn, trước mắt, chỉ nên đặt vấn đề quy định TNHS đối với các pháp nhân kinh tế, đồng thời nghiên cứu bổ sung các hình phạt hợp lý áp dụng với loại pháp nhân này.
4. Hoàn thiện chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên
Với quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội là nhằm giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, trở thành người có ích cho xã hội, hệ thống chế tài áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của BLHS hiện hành tương đối đa dạng và chủ yếu là các chế tài không mang tính chất giam giữ. Tuy nhiên, thực tiễn xử lý người chưa thành niên phạm tội cho thấy, các chế tài áp dụng đối với họ còn tương đối nghiêm khắc. Do vậy, việc sửa đổi BLHS lần này liên quan đến xử lý người chưa thành niên phạm tội nên tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, hoàn thiện các nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ, đồng thời có cơ chế bảo vệ tốt hơn người chưa thành niên bị tội phạm xâm hại;
Hai là, nghiên cứu khả năng hạn chế phạm vi truy cứu TNHS đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo hướng chỉ coi là tội phạm khi người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện một số tội phạm cụ thể và được quy định trực tiếp trong phần các tội phạm.
Ba là, nghiên cứu hạn chế khả năng áp dụng hình phạt tù trên cơ sở quy định chặt chẽ hơn điều kiện áp dụng hình phạt này đối với người chưa thành niên; tăng cường áp dụng các hình phạt không tước tự do đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng; người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.
Bốn là, bổ sung quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội để đưa người chưa thành niên bị kết án phạt tù sớm trở về với cộng đồng; đồng thời, quy định trách nhiệm của gia đình, xã hội, chính quyền cơ sở trong việc tạo điều kiện, quản lý, giám sát việc thực hiện.
Năm là, nghiên cứu bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý thay thế biện pháp hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.
5. nghiên cứu nội luật hóa những quy định của điều ước quốc tế mà Việt nam là thành viên
Thứ nhất, nghiên cứu hình sự hóa hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức đáp ứng yêu cầu của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Theo quy định hiện hành, BLHS chỉ duy nhất có một điều luật (Điều 79) trừng trị hành vi thành lập hoặc hành vi tham gia tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy hiện nay đã xuất hiện nhiều tổ chức tội phạm được thành lập dưới dạng băng, nhóm xã hội đen. Thành viên tham gia tổ chức có sự phân công rõ ràng, do đó có nguy cơ gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, cần thiết phải hình sự hóa hành vi này nhằm đề cao tính phòng ngừa theo hướng bổ sung một tội danh độc lập thuộc chương các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính. Tuy nhiên, cần làm rõ các yếu tố chủ quan, khách quan để tránh việc chồng chéo trong xử lý trách nhiệm hình sự giữa tội phạm mới với phạm tội có tổ chức.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung tội mua bán người và tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo hướng quy định rõ các hành vi phạm tội trên tinh thần quy định của Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng, chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đồng thời, nghiên cứu bổ sung các hành vi mua bán, môi giới mua bán, chiếm đoạt thai nhi hoặc các bộ phận cơ thể người; nghiên cứu tiếp tục hình sự hóa một số hành vi trong luật phòng, chống mua bán người trong BLHS.
Thứ ba, nghiên cứu để hợp nhất tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có và tội rửa tiền vì về bản chất thì đây đều là hành vi rửa tiền, đồng thời, tiếp tục hoàn thiện để tội rửa tiền đáp ứng đầy đủ hơn các yêu cầu của 40 Khuyến nghị về chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS về tội phạm tham nhũng nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng và yêu cầu thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tham nhũng, cần sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS về các tội tham nhũng theo hướng hình sự hóa các hành vi tham nhũng theo yêu cầu của Công ước, như: Hành vi hối lộ công chức nước ngoài; hành vi hối lộ trong lĩnh vực tư; hành vi tham ô tài sản trong lĩnh vực tư. Đồng thời, quy định cụ thể điều kiện miễn hoặc giảm hình phạt đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội.
Nguyễn Doãn Khánh
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương
;