Một số vấn đề về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong phòng, chống tham nhũng

Thứ Bảy, 21/02/2015, 01:53 [GMT+7]
    1. Dưới góc độ lãnh đạo, quản lý thì kiểm tra, giám sát nói chung được tiến hành bởi nhiều chủ thể khác nhau; là hoạt động có ở tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị, như hoạt động kiểm tra của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới, của thủ trưởng đối với nhân viên…
 
    Trong hai năm (2013 và 2014), Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã ban hành 02 kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp với 11 đoàn công tác kiểm tra, giám sát; một số ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương cũng đã tổ chức hàng chục đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại địa phương(1). Vấn đề đặt ra là, trong PCTN, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tiến hành như thế nào, dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý nào. Tác giả bài viết xin được trao đổi một số nội dung về vấn đề này, từ đó liên hệ đến hoạt động kiểm tra, giám sát trong PCTN của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Nội chính Trung ương, Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
 
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
    2. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua ngày 19-01-2011 ghi rõ: “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức Đảng
phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát.
    
    Tổ chức Đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng. Các cấp ủy Đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng”(2). Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định: Kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức Đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tổ chức Đảng và đảng viên phải thường xuyên tự kiểm tra. Tổ chức Đảng cấp trên kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên. Giám sát của Đảng là việc các tổ chức Đảng theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động nhằm kịp thời tác động để cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Tổ chức Đảng cấp trên giám sát tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên. Tổ chức Đảng và đảng viên thực hiện nhiệm vụ giám sát theo sự phân công. Giám sát của Đảng có giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề; giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp. Chủ thể kiểm tra và giám sát: Chi bộ, Đảng ủy bộ phận, Đảng ủy cơ sở; cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; Ủy ban Kiểm tra; các ban Đảng, văn phòng cấp ủy, cơ quan Ủy ban Kiểm tra (là cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy); Ban cán sự đảng, đảng đoàn (là chủ thể kiểm tra). 
 
    Đối tượng kiểm tra và giám sát: Chi bộ, Đảng ủy bộ phận, Đảng ủy cơ sở; cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; Ủy ban Kiểm tra; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; Ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng viên. Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI quy định về công tác kiểm tra: “Các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy phối hợp với Ủy ban Kiểm tra cùng cấp tham mưu, giúp cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra hằng năm thuộc lĩnh vực phụ trách; tham gia các cuộc kiểm tra của cấp ủy hoặc chủ trì kiểm tra khi được cấp ủy giao; xây dựng chương trình, kế hoạch và chủ động sử dụng bộ máy của mình tiến hành kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên hoặc phối hợp với Ủy ban Kiểm tra và các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của cấp ủy (theo sự chỉ đạo của cấp ủy) để tiến hành công tác kiểm tra; giúp cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy theo dõi, đôn đốc tổ chức Đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra; tham gia ý kiến và giúp cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy kết luận các nội dung kiểm tra thuộc lĩnh vực được giao”. Về công tác giám sát: “Các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy phối hợp với Ủy ban Kiểm tra cùng cấp tham mưu, giúp cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy  xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hằng năm thuộc lĩnh vực phụ trách; xây dựng chương trình, kế hoạch và sử dụng bộ máy của mình tiến hành giám sát tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên hoặc phối hợp với Ủy ban Kiểm tra và các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của cấp ủy (theo sự chỉ đạo của cấp ủy) để tiến hành công tác giám sát.
 
    Ngoài các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, Luật PCTN đã chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị (bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước - khoản 6 Điều 2 Luật PCTN) trong PCTN. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về PCTN; tiếp nhận, xử lý kịp thời báo cáo, tố giác, tố cáo và thông tin khác về hành vi tham nhũng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng; chủ động phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ thể tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát trong PCTN hiệu quả.
 
    3. Tại khoản 2 Điều 1 của Luật PCTN năm 2005 quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.
 
    Như vậy, tham nhũng có dấu hiệu đặc trưng cơ bản là phải được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước hoặc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị xã hội nói chung. Nói cách khác, chủ thể của tham nhũng chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn. Trong điều kiện thể chế chính trị Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền, có thể thấy hầu hết những người bị xử lý về hành vi tham nhũng đều là đảng viên, vì những người có chức vụ, quyền hạn sẽ chủ yếu là đảng viên. Thực tế công tác phát hiện, xử lý tham nhũng thời gian qua đã chứng minh điều này.
 
    Kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, Đảng kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên với nhiều nội dung cụ thể khác nhau, trong đó có nội dung về PCTN. Từ cách tiếp cận trên về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, có thể rút ra một số vấn đề về hoạt động kiểm tra, giám sát trong công tác PCTN của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Nội chính Trung ương, Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương như sau:
 
    Thứ nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cao nhất trong công tác PCTN. Quy định số 163-QĐ/TW, ngày 01-02-2013 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ghi rõ: “Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trong phạm vi cả nước”. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công tác PCTN thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc hoặc trực tiếp ban hành và tổ chức thực hiện các kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc theo chuyên đề (về công tác phòng ngừa tham nhũng; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng…).
 
    Ngoài ra, Quy định số 163-QĐ/TW đã nêu: Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN có quyền yêu cầu các đảng đoàn, Ban cán sự đảng, Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền báo cáo về một số nhiệm vụ: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả thực hiện công tác PCTN; việc xử lý một số vụ, việc tham nhũng; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Yêu cầu các đảng đoàn, Ban cán sự đảng, Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ các vụ, việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; chỉ đạo việc phúc tra khi cần thiết. Chỉ đạo, phối hợp các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong trường hợp cần thiết, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đề ra chủ trương, hướng xử lý đối với một số vụ, việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định hoặc trực tiếp chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác, sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy theo phân cấp quản lý khi cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động PCTN. Chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy các cấp xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên thuộc phạm vi quản lý; yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xử lý kỷ luật về chính quyền đối với cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
    Do đó, trong kiểm tra, giám sát công tác PCTN với đối tượng là cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN. Chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra trong PCTN. Chỉ đạo, đôn đốc điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và xử lý các thông tin về vụ, việc tham nhũng do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp. 
 
    Chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương và các cơ quan có liên quan báo cáo về công tác PCTN; việc xử lý những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. 
 
    Thứ hai, dưới góc độ là Cơ quan tham mưu của Đảng, Ban Nội chính Trung ương có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong PCTN; đồng thời, với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát của Đảng trong PCTN; trực tiếp chủ trì, phối hợp kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN (Quyết định số 159-QĐ/TW, ngày 28-12-2013 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương). 
 
    Thứ ba, Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trực tiếp hoặc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong PCTN theo quy định của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) ghi rõ: “Ở địa phương, không tổ chức ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về PCTN. Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương”(3). Như vậy, ở cấp tỉnh, Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát trong PCTN theo quy định; nội dung, hình thức, phương pháp kiểm tra, giám sát nói chung, kiểm tra, giám sát trong PCTN nói riêng của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương với tư cách là một cấp ủy trong hệ thống tổ chức của Đảng thực hiện theo quy định chung trong các văn bản của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát. 
 
    Thứ tư, Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát trong PCTN với vai trò là cơ quan tham mưu của cấp ủy; đồng thời, trực tiếp tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát trong PCTN theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Quy định số 183-QĐ/TW, ngày 08-4-2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, tại Điều 2 quy định Ban Nội chính có nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh ủy thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính và PCTN ở địa phương; phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính địa phương thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính và PCTN.
(1) Năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp (số 16-KH/BCĐTW ngày 05-8-2013) đã triển khai tại 11 tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương và Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao. Năm 2014, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại một số địa phương (số 90-KH/BCĐTW ngày 12-7-2014) đã triển khai tại 8 tỉnh ủy. 
(2) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H.2011, tr.50-51.
(3) Nguyễn Xuân Trường: Hệ thống các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác PCTN, Nxb Công an nhân dân, H.2014, tr.104.

Ts. Nguyễn Xuân Trường (Ban Nội chính Trung ương)
Ths. Nguyễn Thùy Dung (Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ, Hà Nội)

;
.