Chính sách, chính quyền và pháp luật phòng, chống tham nhũng ở Phần Lan

Thứ Năm, 30/04/2015, 01:58 [GMT+7]
(tiếp theo kỳ trước)
    Chính sách phòng, chống tham nhũng
 
    Nguyên tắc hướng dẫn công tác chống tham nhũng tại Phần Lan là tham nhũng không phải là một hiện tượng độc lập. Nó không yêu cầu có các luật hoặc cơ quan giám sát riêng, có chiến lược hoặc kế hoạch hành động riêng. Thay vào đó, chống tham nhũng được lồng ghép vào chính sách chung vì tham nhũng được xem là một phần của tội phạm, của việc điều hành, quản lý không tốt. Việc ngăn chặn tham nhũng cũng liên quan đến việc ban hành và thực thi những chuẩn mực đạo đức, tăng cường minh bạch, giảm thiểu cơ hội tham nhũng và tăng cường hiệu quả giám sát.
 
    Phần Lan đã thành lập một mạng lưới chống tham nhũng chính thức. Mạng lưới này được thiết lập theo những khuyến nghị được đưa ra trong vòng đánh giá đầu tiên của các nước chống tham nhũng thuộc Hội đồng châu Âu - GRECO. Mạng lưới chống tham nhũng trực thuộc Bộ Tư pháp, nó không chỉ liên kết chính quyền quốc gia, chính quyền địa phương mà còn cả khu vực tư, cộng đồng nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ. Nhiệm vụ của mạng lưới chống tham nhũng là:
 
    - Đẩy mạnh các hoạt động chống tham nhũng và đề xuất các sáng kiến về vấn đề này;
    - Nâng cao nhận thức về tham nhũng trong cộng đồng và đẩy mạnh hướng dẫn về chống tham nhũng cho khu vực công và tư;
    - Theo dõi và đẩy mạnh việc thực hiện các nghĩa vụ trong thỏa thuận chống tham nhũng quốc tế (Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Công ước của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, Luật hình sự và Luật dân sự về chống tham nhũng của Hội đồng châu Âu cũng như nghĩa vụ của các tổ chức quốc tế OECD và GRECO);
    - Theo dõi và thúc đẩy các nghiên cứu về tham nhũng.
 
    Chính quyền
 
    Phần Lan không có cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm chính cho việc chống tham nhũng. Bộ Tư pháp có trách nhiệm điều phối việc phối hợp chống tham nhũng trong nước và quốc tế. Giống như các loại tội phạm khác, cảnh sát chịu trách nhiệm điều tra tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ là đầu mối chống tham nhũng của Phần Lan cho các vấn đề liên quan đến Liên minh châu Âu và Cục Điều tra quốc gia cũng có công chức đảm nhiệm các vấn đề liên quan đến tham nhũng tại Phần Lan.
 
    Cảnh sát địa phương thường tiến hành các cuộc điều tra. Cục Điều tra quốc gia sẽ điều tra các vụ án nghiêm trọng hoặc phức tạp, như các vụ liên quan đến tội phạm có tổ chức, liên quan đến các quan chức cấp cao hoặc có sự kết nối quốc tế. Trong những năm gần đây, quyền sử dụng các biện pháp khác nhau trong điều tra tội hối lộ trước khi xét xử đã được mở rộng như theo dõi và nghe lén từ xa. Thêm vào đó, luật pháp cho phép tăng cường việc phối hợp quốc tế.
 
    Một ví dụ mới đây là sự mở rộng phạm vi áp dụng của Luật hình sự Phần Lan. Trước đây, Luật hình sự Phần Lan không được áp dụng trong trường hợp tội hối lộ khi tội hối lộ đó không bị xử lý tại nước xảy ra hành vi hối lộ (gọi là yêu cầu của tội phạm kép). Quy định này được bãi bỏ đối với hầu hết tất cả tội hối lộ. Hơn nữa, tội hối lộ đã bao gồm trong những loại tội phạm khác theo lệnh bắt giữ của châu Âu.
 
    Pháp luật liên quan đến tham nhũng của phần Lan
 
    Pháp luật Phần Lan không có định nghĩa về tham nhũng, cũng không có luật riêng về chống tham nhũng. Các điều khoản về tham nhũng nằm trong Luật hình sự Phần Lan là các điều khoản về hối lộ trong khu vực công và tư. Các điều khoản này được sửa đổi vào năm 1989 cùng với các sửa đổi Luật hình sự Phần Lan.
 
    Sau đó, các điều khoản này có những sửa đổi nhỏ để thống nhất với các văn bản châu Âu và thỏa thuận quốc tế về hối lộ và tham nhũng. Ví dụ, phạm vi giới hạn của các quan chức nước ngoài trong Luật hình sự Phần Lan đã mở rộng và tội hối lộ ở khu vực tư nằm trong phạm vi khởi tố công khai (khởi tố không cần yêu cầu tố cáo từ người bị hại). Các điều khoản của Luật hình sự liên quan đến chống tham nhũng là rửa tiền và các vi phạm tài chính, kế toán cũng được sửa đổi trong những năm gần đây để bảo đảm luật Phần Lan thống nhất với các chính sách chống tham nhũng của Liên minh châu Âu. Rửa tiền được coi là một tội phạm riêng, và phạm vi của hành vi phạm tội được mở rộng bao gồm cả tội hối lộ. Các điều khoản của Luật hình sự về việc tham gia vào nhóm tội phạm có tổ chức cũng được áp dụng, ví dụ một nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến việc rửa tiền thu được từ tham nhũng, hoặc các hình thức hối lộ khác. 
 
    Hối lộ ở khu vực công được quy định trong Chương 16 khoản 13, 14 và 14 (a) (hối lộ chủ động/đưa hối lộ) và Chương 40 khoản 1 đến 4 (hối lộ bị động/nhận hối lộ) của Bộ luật hình sự. Các điều khoản trong Chương 16 về đưa hối lộ và các điều khoản trong Chương 40 về nhận hối lộ là hình ảnh phản chiếu của nhau. Cả hai loại tội phạm đều có người đưa hối lộ và người nhận hối lộ có thể bị pháp luật trừng trị. Điểm khác biệt chính của hai loại hình này là tiêu chuẩn đạo đức của quan chức được yêu cầu cao hơn. Đơn cử một người có thể bị xử lý vì đưa hối lộ chỉ khi người đó có ý định ảnh hưởng đến công chức, bản thân công chức có thể bị kết án khi nhận hối lộ ngay cả khi không có liên hệ cụ thể giữa quyết định hoặc hành động khác của công chức sau khi nhận hối lộ.
 
    Luật công chức cấm công chức nhận hối lộ khi thi hành công vụ. Theo đạo luật này, công chức không được đòi hỏi, chấp thuận hoặc nhận các lợi ích tài chính hoặc các lợi ích khác nếu việc nhận đó làm giảm niềm tin vào công chức. Không có gì khác biệt nếu việc nhận hối lộ có ảnh hưởng thật sự đến việc thi hành công vụ của công chức hay không. Nếu việc nhận (hoặc hứa) hối lộ ảnh hưởng đến việc thi hành công vụ của công chức, làm giảm độ tin cậy, tính công bằng trong thi hành công vụ thì được xác định là hối lộ.
 
    Các điều khoản/quy định riêng (Chương 16 khoản 14 (a) và Chương 40 khoản 4) áp dụng đối với hối lộ chủ động và hối lộ bị động của các đại biểu Quốc hội. Tiêu chí để xác định hối lộ là việc đưa ra hoặc nhận của hối lộ có gây ảnh hưởng đến việc xem xét một vấn đề trong Quốc hội hay không. Tiêu chí này hiện đang được xem xét để hoàn thiện thêm. 
 
    Công chức phải bảo đảm tính công bằng của mình trong việc thi hành công vụ và do đó không nên chấp nhận bất kỳ lợi ích nào. Không có định nghĩa đơn giản giải thích về lợi ích tài chính hoặc các lợi ích khác trái pháp luật; luật pháp và các quy định cũng không xác định cụ thể một giá trị tài chính “bất hợp pháp” là gì. Khái niệm lợi ích tài chính bao gồm tiền bạc, quà tặng, nhưng cũng bao gồm những đề nghị hào phóng ở nhiều hình thức dịch vụ khác nhau (du lịch, khách sạn, ăn uống, giải trí…), hoặc các ưu đãi quá mức về những khoản trên. 
 
    Tùy từng trường hợp, việc nhận một lợi ích nhỏ cũng có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự. Giá trị lợi ích được xem xét ở khía cạnh nó là ngoại lệ và có ảnh hưởng đến hành động của người nhận. Các lợi ích trong phạm vi xã giao bình thường không được xem là hối lộ.
 
    Trong các vụ án nghiêm trọng, hình phạt cho tội hối lộ có thể bị kết án tù đến 04 năm. Trong trường hợp đó, công chức có thể bị đuổi việc. Những biện pháp kỷ luật cũng có thể được áp dụng. Trên thực tế, hình phạt thông thường cho hành vi phạm tội hối lộ là phạt tiền hoặc tạm giữ có điều kiện. Các điều khoản tại Chương 40 về hối lộ bị động áp dụng không chỉ đối với công chức, mà còn cho những người được cơ quan công quyền tuyển dụng, người thi hành công vụ và nhân viên của các công ty nhà nước. Các điều khoản áp dụng chung cho công chức nước ngoài và các đại biểu Quốc hội nước ngoài (Chương 40 khoản 12). 
 
    Chương 40 khoản 11 định nghĩa những phạm trù như sau: (1) Công chức là người làm việc hoặc giữ các chức vụ trong các cơ quan nhà nước, chính quyền cấp tỉnh, Quốc hội, công ty nhà nước hoặc các Giáo hội Lutheran Evangelical hoặc Giáo hội Ortho-dox; (2) Người được bầu vào các cơ quan nhà nước, là thành viên của Hội đồng thành phố và các thành viên khác đại diện cho nhà nước; (3) Nhân viên của cơ quan nhà nước, là người ký kết hợp đồng lao động với cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức được đề cập ở mục (1); (4) Công chức nước ngoài là người được bổ nhiệm hoặc tuyển chọn vào văn phòng hành chính, tư pháp hoặc giữ chức vụ trong cơ quan, Tòa án nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế Chính phủ, hoặc những người thực thi công vụ thay mặt cho cơ quan, Tòa án của nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế công; (5) Người thi hành công vụ là người có quyền ra lệnh hoặc quyết định quyền lợi, nghĩa vụ của người khác, hoặc tham gia vào sự quyết định đó theo pháp luật; (6) Thành viên của Quốc hội nước ngoài là thành viên Quốc hội của ngoại quốc hoặc Hội đồng Quốc hội quốc tế.
 
    Hối lộ ở khu vực tư được quy định trong  Chương 30 khoản 7 và 8 của Bộ luật hình sự. Các điều khoản này quy định việc cấm cho hoặc nhận hối lộ khi người nhận hối lộ có hành động mang lại lợi ích cho người đưa hối lộ, hoặc để trả công cho người nhận hối lộ vì những lợi ích đã mang lại. Ở Phần Lan,
doanh nghiệp cũng có thể phạm tội hối lộ và phải nộp phạt đến 850.000 euro (Chương 9 của Bộ luật hình sự). Trong những trường hợp cụ thể, lệnh cấm hoạt động kinh doanh có thể áp dụng đối với một người bị kết tội hối lộ trong kinh doanh (Luật về cấm các hoạt động kinh doanh 1059/1985). Ngoài ra, theo Luật đấu thầu (348/2007), một ứng cử viên hoặc nhà thầu sẽ bị loại khỏi đấu thầu cạnh tranh nếu các ứng cử viên hoặc nhà thầu, giám đốc điều hành hoặc người có chức vụ tương đương vi phạm nghiêm trọng như hối lộ trong khu vực tư nhân hoặc khu vực công. Các lý do như sai phạm nghiêm trọng trong công việc cũng có thể bị loại trừ khỏi đấu thầu cạnh tranh.
 
    Luật pháp về hình phạt tài chính trong vi phạm hối lộ của doanh nghiệp chưa được phát triển vì các vụ vi phạm này không phổ biến. Các điều khoản khác của Luật hình sự áp dụng cho tham nhũng trong khu vực công. Chương 40 của Bộ luật hình sự quy định hình sự hóa các hành vi như lạm dụng quyền hạn công chức và vi phạm công quyền. Tại thời điểm hiện tại, những sửa đổi của các điều khoản này đang được cân nhắc bởi một nhóm chuyên trách của Bộ Tư pháp.
 
    Luật pháp phần Lan về tài trợ chính trị
 
    Ở Phần Lan, các đảng chính trị được nhận nhiều nguồn trợ cấp, quan trọng nhất là hỗ trợ tài chính nhà nước theo Đạo luật các đảng (10/1969). Các đảng phái chính trị kêu gọi hỗ trợ tài chính từ nhiều nguồn khác nhau. Người được bầu trong các cuộc bầu cử được yêu cầu phải báo cáo các nguồn tài trợ cho chiến dịch tranh cử của họ. Phần Lan không có hệ thống tài trợ địa phương cho các đảng chính trị. Tuy nhiên, theo Luật đô thị (578/2006), một đô thị có thể hỗ trợ cho hoạt động của các nhóm trong Hội đồng thành phố để thúc đẩy khả năng người dân thành phố đó có thể tham gia và ảnh hưởng đến các vấn đề chính trị.
 
    Hiện tại đang có cuộc tranh luận đáng kể ở Phần Lan về kinh phí tài trợ từ các doanh nghiệp và cá nhân cho các đảng chính trị khác nhau. Các cuộc tranh luận cho thấy rằng, với khu vực tư và công và cả đối với các đảng phái chính trị, việc hợp pháp và không hợp pháp rất mơ hồ. Năm 2009, một nhóm được Bộ Tư pháp bổ nhiệm đã đề nghị sửa đổi các điều khoản về tài trợ chính trị. Đề xuất của nhóm này là cung cấp thông tin cho người dân về người hỗ trợ các ứng viên Chính phủ và cũng giới hạn việc tăng chi phí cho các chiến dịch bầu cử. Hội đồng châu Âu xem xét các đề xuất về kinh phí các chiến dịch bầu cử ở Phần Lan. Theo đề xuất này, những ai tham gia ứng cử vào bộ máy chính quyền và người thay họ đều phải báo cáo nguồn kinh phí được tài trợ của họ. 
 
    Quy định này cũng áp dụng cho các đảng phái chính trị và các hội có đề cử ứng viên tham gia trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Các quy định này sẽ tiếp tục được mở rộng. Nhóm này đề xuất định mức chi tiêu cho các chiến dịch tranh cử. Nếu cần, ứng viên phải tạo tài khoản cho tất cả các nguồn tài trợ cũng như chi tiêu. Văn phòng Kiểm toán Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm giám sát các báo cáo tài chính và các thông báo chi tiêu. Kiểm toán Nhà nước sẽ duy trì công khai những thông báo này và bảo đảm các báo cáo đầy đủ thông tin. Vi phạm việc nộp báo cáo sẽ bị phạt tiền.
 
    Các chuẩn mực đạo đức liên quan đến tham nhũng
 
    Ngoài pháp luật, các chuẩn mực đạo đức cũng đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực hành chính ở Phần Lan. Chuẩn mực này nằm trong các hướng dẫn được ban hành, tập trung vào các giá trị, đạo đức và giám sát nội bộ của cơ quan nhà nước, cơ quan địa phương và các tổ chức công.
 
    Ngoài ra, Phòng Thương mại Trung ương đã ban hành một số khuyến nghị về công tác chống tham nhũng ở khu vực tư.
 
    Cam kết quốc tế của phần Lan trong công tác chống tham nhũng
 
    Trên thế giới, tham nhũng được xem như một vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó được xem là vấn đề mà mỗi quốc gia phải tự đối phó. Gần đây, quan điểm về vấn đề này đã thay đổi rõ rệt. Tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế đã được công nhận. Sự hợp tác này không chỉ bao gồm các vấn đề liên quan đến các trường hợp cụ thể, mà còn bao gồm việc trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và các hỗ trợ kỹ thuật. Các dấu hiệu rõ ràng nhất của sự thay đổi quan điểm này là một loạt các Công ước quốc tế về chống tham nhũng đã ra đời kể từ giữa những năm 1990. Phần Lan đã tham gia vào các công ước sau:
 
    - Công ước năm 1997 của OECD về chống hối lộ của quan chức nước ngoài trong giao dịch kinh doanh quốc tế (Phần Lan phê chuẩn năm 1998);
    - Công ước năm 1998 về đấu tranh chống tham nhũng có sự tham gia của quan chức Cộng đồng châu Âu hoặc quan chức của các nước thành viên Liên minh châu Âu;
    - Công ước Luật dân sự về tham nhũng và Công ước Luật hình sự về tham nhũng của Hội đồng châu Âu năm 1999 (Phần Lan phê chuẩn vào năm 2001 và 2002);
    - Công ước năm 2003 của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Phần Lan phê duyệt năm 2006).
 
    Phần Lan đã tham gia rất tích cực trong việc thực hiện các công ước trên với tư cách là quốc gia giám sát và được giám sát. Các khuyến nghị Phần Lan nhận được trong việc giám sát đã được thực hiện nghiêm túc và góp phần tạo nên những thay đổi trong luật pháp và thực tiễn. Việc Liên minh châu Âu thành lập mạng  lưới chống tham nhũng, các dự án chống tham nhũng song phương và đa phương và các dự án hỗ trợ kỹ thuật chống tham nhũng là những ví dụ về sự phát triển của hợp tác quốc tế.
 
    Đối với Phần Lan, phạm vi phối hợp quốc tế đòi hỏi sự liên quan của nhiều cơ quan. Điều này thể hiện ở vai trò của Bộ Nội vụ là đầu mối, Bộ Tư pháp trong các dự án chống tham nhũng song phương (hiện tại với Cộng hòa Liên bang Nga và Trung Quốc), cả Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các công ước quốc tế và Bộ Ngoại giao trong việc lập kế hoạch, kinh phí, thực hiện và giám sát các dự án hỗ trợ kỹ thuật.
 
    Chống tham nhũng là một phần của công tác quản trị dân chủ trong chính sách phát triển của Phần Lan. Vì lý do này, Bộ Ngoại giao cùng với Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp đã tích cực thúc đẩy công tác chống tham nhũng trong chính sách phát triển của Phần Lan. Phần lớn công tác này được thực hiện tại các diễn đàn đa phương và ở cấp độ châu Âu, như trong quan hệ song phương với tám nước đối tác lâu dài của Phần Lan. Phần Lan đã tham gia tích cực vào các dự án quốc tế ở nhiều quốc gia khác nhau được Liên minh châu Âu tài trợ, bao gồm các dự án kép. Trong các diễn đàn đa phương, Phần Lan đã tăng cường quản lý và các chương trình nghị sự chống tham nhũng trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các ngân hàng quốc tế và khu vực như Ngân hàng Thế giới. Chính sách phát triển của Phần Lan nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn quốc tế mà các nước cam kết là nền tảng quy phạm của công tác quản trị dân chủ. Điều này được áp dụng trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, cùng với Công ước nhân quyền quốc tế, là cốt lõi của nền tảng quy phạm này.
 
    Phần Lan sử dụng nhiều biện pháp khác nhau trong các hoạt động chống tham nhũng. Khuynh hướng mới nhất là tập trung vào quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc khai thác các nguồn tài nguyên có thể đem lại lợi ích cao để thúc đẩy tăng trưởng và xóa đói nghèo với việc quản trị tốt. Phần Lan vừa gia nhập Sáng kiến minh bạch ngành khai khoáng (EITI). EITI hỗ trợ cải thiện công tác quản trị ở các nước giàu tài nguyên thông qua việc xác minh và công bố đầy đủ các khoản thanh toán doanh nghiệp và các khoản thu của Chính phủ từ dầu, khí đốt và khai thác mỏ. Các sáng kiến tương tự được hỗ trợ trong lĩnh vực lâm nghiệp. Phần Lan hiện đang tập trung sự chú ý nhiều hơn đến quản trị ngành và theo cách này sẽ nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong môi trường chính trị phức tạp. Phần Lan cũng là thành viên của các đối tác châu Âu về chống tham nhũng (EPAC), tổ chức hợp tác với cảnh sát quốc gia và các cơ quan chống tham nhũng của Liên minh châu Âu.
 
    Cốt lõi của việc chống tham nhũng ở Phần Lan là hỗ trợ xã hội dân sự. Phần Lan sử dụng một số công cụ (hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức phi chính phủ địa phương, quốc gia và quốc tế, các quỹ hợp tác địa phương v.v...) để hỗ trợ xã hội dân sự ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Trong các hợp tác đa phương và song phương, Phần Lan hỗ trợ trực tiếp các chương trình chống tham nhũng trong công tác PCTN. Các chương trình này bao gồm hỗ trợ cho các ủy ban chống tham nhũng, cải cách tư pháp, tăng cường vai trò của Quốc hội và tăng cường tiếp cận thông tin.
 
    Trong Liên hợp quốc, các vấn đề liên quan đến tham nhũng được xử lý bởi cả hai Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). UNODC và UNDP đã ký kết thỏa thuận hợp tác để đưa nội dung PCTN vào các dự án toàn cầu của UNDP. Phần Lan cũng tham gia vào nhiều dự án quản trị tốt của UNDP.
 
    Phần Lan cũng tích cực hoạt động trong công cuộc đàm phán các công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và việc thực hiện Công ước sau khi được thông qua. Phần Lan là nhà tài trợ chính cho các nỗ lực xây dựng cơ chế tăng cường công tác PCTN. Phần Lan là nước hỗ trợ tích cực cho các công tác của Ngân hàng Thế giới liên quan đến các chương trình quản trị tốt, các mạng lưới của OECD về Quản trị chống tham nhũng trong công tác chống tham nhũng theo nhóm, Tổ chức Minh bạch quốc tế, Diễn đàn Kinh tế thế giới về PCTN và của Hiệp hội quốc tế chống tham nhũng mới được thành lập IAACA.
 
    Tham nhũng và phòng, chống tham nhũng ở phần Lan
 
    Như đã nói ở phần đầu của ấn phẩm này, Phần Lan nổi tiếng là một đất nước ít tham nhũng. Có rất ít dữ liệu về tham nhũng tại Phần Lan, nhưng số lượng nghiên cứu không ngừng gia tăng. Ấn phẩm này đã cho thấy thực trạng tham nhũng tồn tại ở Phần Lan và nó đang và sẽ tiếp diễn trong tương lai ở nhiều cấp độ và khu vực khác nhau của Chính phủ, địa phương và khu vực tư. Lợi ích tức thì của người quyết định dựa vào tiền tài, danh vọng hoặc các lợi ích khác sẽ lấn át mối quan tâm đạo đức của họ về việc bị bắt và kết án. Tất cả mọi người, kể cả người Phần Lan, đều dễ rơi vào cám dỗ đó. Tuy nhiên, uy tín vững chắc của Phần Lan là xứng đáng vì ít có tham nhũng ở đất nước này.
 
    Công chức Phần Lan, người làm trong khu vực tư và khu vực công đều bài trừ tham nhũng và cho rằng tham nhũng không được xã hội dung thứ. Trong xã hội Phần Lan, tội hối lộ được coi là tội rất nghiêm trọng. Vì lý do này, truyền thông đặc biệt quan tâm và chú ý những loại tội phạm này. Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện tham nhũng. Thay vì một hoặc hai yếu tố duy nhất, tình trạng tham nhũng dường như là kết quả tương tác phức tạp giữa các yếu tố khác nhau. Kinh nghiệm từ thực tế của Phần Lan là tăng cường tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người, tăng cường dân chủ ở cả cấp quốc gia và địa phương, cởi mở trong hành chính công, hạn chế phân cấp cơ quan Chính phủ, chuyển giao quyền ra quyết định cho công chức và tăng cường trách nhiệm của họ, không chính trị hóa các vị trí liên quan đến cung cấp dịch vụ công then chốt và trên tất cả, các nỗ lực để bảo vệ giá trị của một xã hội cởi mở.
 
    Vì cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt trong xã hội phương Tây, con người dường như nhạy cảm hơn với các giá trị đạo đức. Các cuộc tranh luận về giá trị ngày càng phổ biến hơn. Các đề xuất ở tầm quốc  tế liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang được bàn thảo. Chuẩn mực đạo đức cho các nhóm công việc khác nhau đang được xây dựng và khẳng định. Thái độ tích cực đối với nhân quyền và phong trào phổ biến trách nhiệm đối với các nước đang phát triển và các câu hỏi về môi trường có thể được xem như là những dấu hiệu của một ý thức trách nhiệm toàn cầu. Phần Lan tự hào với danh tiếng của mình về sự trung thực và sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế vì mục tiêu một thế giới không khoan nhượng với tham nhũng.
Người dịch: Ts. Phan Văn Tâm
(Vụ trưởng - Ban Nội chính Trung ương)

 

;
.