Hai năm thành lập Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy - Kết quả và một số vấn đề đặt ra

Thứ Bảy, 02/05/2015, 00:47 [GMT+7]
    Ngày 08-4-2013, Ban Bí thư ban hành Quy định số 183-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là ban nội chính tỉnh ủy). Theo đó, chức năng của ban nội chính tỉnh ủy là cơ quan tham mưu của tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy về công tác nội chính và PCTN. Trải qua hai năm hoạt động, các ban nội chính tỉnh ủy đã nỗ lực phấn đấu, đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần khẳng định chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng về việc tái lập Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm tháo gỡ để giúp các ban nội chính tỉnh ủy hoạt động hiệu quả hơn. Bài viết này sẽ điểm lại một số kết quả chủ yếu mà các ban nội chính tỉnh ủy đã làm được và nêu lên một số vấn đề đặt ra cần tháo gỡ để thúc đẩy hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy.
 
    1. Một số kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và kinh nghiệm
 
    Một là, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, các ban nội chính tỉnh ủy đã cơ bản triển khai đồng bộ 05 nhóm nhiệm vụ được giao theo Quy định số 183-QĐ/TW, ngày 08-4-2013 (sau đây viết tắt là Quy định 183), bao gồm: (1) Nghiên cứu, đề xuất; (2) hướng dẫn, kiểm tra; (3) thẩm định; (4) tham gia với các ban tổ chức tỉnh ủy về công tác cán bộ theo phân cấp; tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm một số chức danh tư pháp theo quy định; (5) thực hiện một số nhiệm vụ khác do ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy giao. Trong đó, công tác nghiên cứu, đề xuất được triển khai tương đối đồng đều, có hiệu quả rõ nét, góp phần tích cực phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về công tác nội chính và PCTN; tích cực phát hiện, tham mưu xử lý các vụ việc, vụ án về nội chính và tham nhũng, các vấn đề phức tạp nảy sinh trên địa bàn. Công tác hướng dẫn, kiểm tra được chú trọng, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần cảnh tỉnh, răn đe vi phạm và chấn chỉnh công tác nội chính và PCTN đi vào nề nếp.
 
    Công tác thẩm định, tham gia về công tác cán bộ theo quy định đã có bước khởi đầu tương đối tốt ở  một số ban nội chính tỉnh ủy. Một số ban nội chính tỉnh ủy đã chủ động, mạnh dạn tham mưu, đề xuất về mô hình, tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc về công tác nội chính và PCTN ở cấp quận, huyện, thành, thị ủy trực thuộc tỉnh ủy. Các nhiệm vụ khác khi được cấp ủy địa phương giao, các ban nội chính tỉnh ủy đều đã hoàn thành tốt. 
 
    Hai là, các ban nội chính tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với các cơ quan nội chính tham mưu và thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, xử lý các vấn đề phức tạp phát sinh trên địa bàn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, PCTN. Việc xây dựng và gửi các báo cáo đột xuất, báo cáo chuyên đề đã được quan tâm. Nhiều ban nội chính tỉnh ủy thực hiện tốt vai trò thường trực cho ban thường vụ cấp ủy về công tác cải cách tư pháp. 
 
    Ba là, sau khi thành lập, các ban nội chính tỉnh ủy đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy. Đến thời điểm cuối năm 2014, tổng số cán bộ, công chức, người lao động của 63 ban nội chính tỉnh ủy trong toàn quốc là 1.210/1.317 biên chế được duyệt, trong đó có: 63 đồng chí trưởng ban (có 40 đồng chí là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy), 125 đồng chí phó trưởng ban (một số tỉnh ủy bổ nhiệm 3 phó trưởng ban; một số nơi mới bố trí được một phó trưởng ban); trưởng phòng và tương đương (chánh văn phòng) 157/174 đồng chí, phó trưởng phòng và tương đương là 223 đồng chí. Có địa phương, cấp ủy chủ động lập thêm phòng theo dõi xử lý các vụ án thuộc ban nội chính tỉnh uỷ(1). Có ban nội chính tỉnh ủy  chủ động tham mưu ban thường vụ tỉnh ủy cơ chế, chính sách thu hút cán bộ biệt phái về công tác ở ban nội chính tỉnh ủy(2). 
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương tặng Cờ thi đua, Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng năm 2014
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương tặng Cờ thi đua cho tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng năm 2014
    Ngoài ra, các ban nội chính tỉnh ủy đã thực hiện nhiều công việc khác như: Nhiều ban nội chính tỉnh ủy đã trình ban thường vụ tỉnh ủy ban hành quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Đảng ủy Công an, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân và Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh. Một số ban nội chính tỉnh ủy còn ký quy chế phối hợp với một số cơ quan khác như: Thanh tra, Đảng ủy khối các cơ quan, Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, cơ quan báo chí, một số ban đảng tỉnh…; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định về khen thưởng đối với người cung cấp thông tin về tham nhũng. Một số ban nội chính tỉnh ủy đã tích cực, chủ động xây dựng, ban hành quy định, quy chế tiếp công dân và xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến ban nội chính tỉnh ủy.
 
    Nhìn chung, hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy ngày càng có chuyển biến tích cực; số lượng, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy được nâng lên. Bên cạnh hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, các ban nội chính tỉnh ủy đã tiếp tục củng cố, hoàn thiện việc xây dựng cơ quan, đơn vị, từng bước bảo đảm các điều kiện để cán bộ, công chức, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hoạt động tích cực của các ban nội chính tỉnh ủy đã góp phần quan trọng giúp cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tốt nhiệm vụ công tác nội chính và PCTN, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong thời gian qua.
 
    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trên, hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy từ ngày thành lập đến nay vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, khó khăn chủ yếu sau: (1) Một số ban nội chính tỉnh ủy chưa thực sự chủ động tham mưu xử lý kịp thời những vấn đề nóng, nổi cộm, bức xúc về công tác nội chính, đặc biệt là việc khiếu kiện đông người, phức tạp xảy ra trên địa bàn; một số nội dung tham mưu chưa sâu, chưa đủ căn cứ, chưa đủ sức thuyết phục để cấp ủy chỉ đạo xử lý (nhất là việc xử lý các vụ án phức tạp, có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương); (2) Một số ban nội chính tỉnh ủy còn lúng túng trong một số hoạt động như: Công tác kiểm tra, giám sát; tham gia công tác cán bộ; nghiên cứu xây dựng đề án về công tác nội chính và PCTN; xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, mua tin tố giác tham nhũng, nắm tình hình công tác nội chính và PCTN ở cơ sở; (3) Một số ban nội chính tỉnh ủy gửi báo cáo về công tác nội chính và PCTN và hoạt động của ban nội chính tỉnh ủy cho Ban Nội chính Trung ương còn chậm, các báo cáo chuyên đề phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa nhiều, có nơi chủ thể báo cáo chưa đúng quy định.
 
    Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu sau đây:
    Một là, phạm vi công tác nội chính rất  rộng, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều cấp, nhiều ngành, diễn ra đa dạng, phức tạp. Hệ thống văn bản hướng dẫn cụ thể hóa về công tác nội chính và PCTN chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ. Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan nội chính Trung ương được ban hành chậm.
 
    Hai là, do mới thành lập nên đội ngũ cán bộ các ban nội chính tỉnh ủy còn mỏng về lực lượng, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác chưa đồng đều, nhiều cán bộ trẻ thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong công tác nội chính và PCTN. Việc tuyển  chọn, tiếp nhận, thu hút cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm về ban nội chính tỉnh ủy còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế tuyển dụng và chế độ đãi ngộ cán bộ còn bất cập.
 
    Ba là, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu thốn, kinh phí được phân bổ hàng năm còn thấp so với dự toán, đa phần không đủ để bảo đảm hoạt động, dẫn đến nhiều ban nội chính tỉnh ủy phải xin bổ sung.
 
    Bên cạnh những nguyên nhân chủ yếu nêu trên, có những nguyên nhân khác, đó là: (1) Một số ban nội chính tỉnh ủy chưa thực sự mạnh dạn, chủ động trong tham mưu và tổ chức hoạt động, trong trao đổi, đúc rút kinh nghiệm; một số nơi còn tâm lý e ngại về vị thế của trưởng ban khi chưa được bầu vào ban thường vụ tỉnh ủy; (2) Một số ban nội chính tỉnh ủy chưa chủ động đề xuất, đề nghị bổ sung đủ cán bộ, cơ chế hoạt động và các điều kiện để bảo đảm hoạt động có hiệu quả; (3) Năng lực một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác nội chính và PCTN ở địa phương còn hạn chế. Hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy từ ngày thành lập đến nay cho thấy, mặc dù mỗi địa phương có nét đặc thù riêng trong hoạt động của mình, song những kinh nghiệm chung, thiết thực được nhiều ban nội chính tỉnh ủy đúc kết, đó là: Phải tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; phải duy trì được sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan; phải chủ động trong tham mưu, đề xuất; mạnh dạn, năng động trong tổ chức các hoạt động, nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường trao đổi kinh nghiệm; nắm chắc địa bàn và bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao; sự quyết tâm, quyết liệt và nhạy bén của lãnh đạo Ban, đặc biệt là đồng chí Trưởng Ban. Đây được coi là những bài học có giá trị thực tiễn, thiết thực giúp cho các ban nội chính tỉnh ủy đạt được những kết quả trong tổ chức các hoạt động hai năm qua và sẽ góp phần quan trọng vào triển khai nhiệm vụ trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
 
    2. Một số vấn đề chủ yếu đặt ra cần giải quyết
 
    Một là, về việc thực hiện quy định trưởng ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy phải là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy Công văn số 155-CV/TW, ngày 08-4-2013 của Ban Bí thư quy định: “Những địa phương có điều kiện thì bố trí đồng chí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy làm trưởng ban; những địa phương chưa có điều kiện thì bố trí đồng chí cấp ủy viên có quy hoạch tham gia ban thường vụ khóa tới làm trưởng ban”. Tuy nhiên, sau hai năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay vẫn còn 23 đồng chí trưởng ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương không phải là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Việc không cơ cấu đồng chí trưởng ban nội chính là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy nên hiệu quả tham mưu cho thường trực, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trong công tác nội chính và
PCTN ở địa phương trong thời gian qua có khó khăn, hạn chế. 
    
    Hai là, về tổ chức, bộ máy ban nội chính cấp tỉnh
    Ban Bí thư cần chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy định 183 của Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương cho phù hợp với thực tế triển khai ở các địa phương, như: (1) Quy định cụ thể mỗi ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương có không quá 03 phó trưởng ban; riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có không quá 04 phó trưởng ban; (2) Tăng thêm biên chế cho các ban nội chính tỉnh ủy vì khối lượng công việc rất lớn, lại có thêm nhiệm vụ tiếp dân theo Luật tiếp công dân; (3) Nên thống nhất mỗi ban nội chính đều có 03 đầu mối gồm: Văn phòng, phòng theo dõi công tác PCTN và phòng theo dõi công tác nội chính; đối với một số địa phương có tình hình kinh tế - xã hội phát triển hoặc thường xảy ra nhiều vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thì thành lập thêm phòng theo dõi xử lý các vụ án.
 
    Ba là, về thực hiện chế độ, chính sách cán bộ
    Ban Bí thư sớm ban hành văn bản về việc cho cán bộ, công chức các ban nội chính tỉnh ủy và cán bộ, công chức theo dõi, tổng hợp, tham mưu về công tác nội chính và PCTN cấp huyện được hưởng phụ cấp đặc thù về công tác PCTN. Thực hiện được việc này sẽ góp phần động viên, khuyến khích cán bộ làm công tác nội chính và PCTN và cũng phù hợp với chủ trương chung về tiền lương, phụ cấp và bảo đảm mối quan hệ hài hòa trong hệ thống chính trị.
 
    Ngoài ra, Ban Bí thư cần sớm có văn bản quy định đồng chí bí thư cấp ủy các cấp và bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn trực tiếp phụ trách công tác PCTN; Văn phòng Trung ương Đảng sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục thanh, quyết toán việc chi mua tin của các ban nội chính tỉnh ủy để thực hiện thống nhất trong toàn quốc, bảo đảm đúng quy định; Ban Tổ chức Trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ tham gia với ban tổ chức tỉnh ủy về công tác cán bộ theo phân cấp; tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm một số chức danh tư pháp theo quy định đối với các ban nội chính tỉnh ủy (tại Điều 2 Quy định 183); hướng dẫn thống nhất đầu mối theo dõi, tổng hợp, tham mưu về công tác nội chính và PCTN cho cấp ủy huyện.
(1) Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk.
(2) Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Ninh, Phú Yên.
TS. Phan Văn Tâm
(Vụ trưởng, Ban Nội chính Trung ương)

 

;
.