Nâng cao phẩm chất, năng lực của nhà báo

Thứ Sáu, 19/06/2015, 02:23 [GMT+7]
    Nâng cao phẩm chất, năng lực của nhà báo luôn là mối quan tâm hàng đầu của nền báo chí cách mạng nước ta. Trong công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và với sự bùng nổ thông tin toàn cầu như hiện nay, việc xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh sẽ phải có sự đóng góp rất lớn của báo chí. Và, nói đến báo chí là nói đến đội ngũ những người làm báo. Nói tới đội ngũ những người làm báo thì phải chú ý đặc biệt tới phẩm chất, năng lực của họ.
    Vậy, những yêu cầu cụ thể về phẩm chất và năng lực của nhà báo trong giai đoạn cách mạng hiện nay là gì?
 
Bác Hồ với phóng viên báo chí
Bác Hồ với phóng viên báo chí (Ảnh tư liệu)
    1. Về phẩm chất của nhà báo
 
    Khái niệm “phẩm chất” có nội hàm rất rộng. Lâu nay, khi nói tới phẩm chất, chúng ta thường đề cập tới ba khía cạnh: Phẩm chất chính trị; phẩm chất đạo đức; lối sống. Thật ra, sự phân chia như vậy cũng chỉ là tương đối bởi vì giữa phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và lối sống rất khó tách bạch. Thí dụ, bản lĩnh chính trị vững vàng cũng là biểu hiện rất quan trọng của đạo đức và lối sống. Hoặc một người nào đó có lối sống quan liêu, xa dân, xa hoa, lãng phí... thì đó cũng chính là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức. Các yếu tố của phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và lối sống luôn luôn đan xen nhau. Song, để tránh tình trạng yêu cầu về phẩm chất một cách chung
chung, trừu tượng thì việc phân chia như vậy cũng là cần thiết (mặc dù chỉ là tương đối). Vì vậy, phẩm chất đạo đức của nhà báo được phân tích ở một số nội dung cụ thể sau:
 
    - Những yêu cầu về phẩm chất chính trị của nhà báo. Báo chí cách mạng của nước ta đòi hỏi phải có đội ngũ nhà báo thật sự là những chiến sỹ cách mạng, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, chẳng những không hoang mang dao động, không chịu ảnh hưởng của những luận điệu sai trái, mà phải có ý thức tấn công quyết liệt với những luận điểm sai trái, thù địch đó; đồng thời, cũng phải tấn công quyết liệt với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của chính bản thân mình. Lúc này Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta đang rất cần những nhà báo như vậy. Khi tư tưởng chưa thông, cái nhìn chưa sáng, quan điểm thiếu vững vàng thì nhà báo không thể nào sản sinh ra được những tác phẩm có tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục lớn.
 
    - Những yêu cầu về phẩm chất đạo đức của nhà báo. Phẩm chất đạo đức của nhà báo trước hết thể hiện ở tính khách quan, công tâm, trung thực trước những sự vật, hiện tượng mà nhà báo thông tin, phản ánh. Qua các tác phẩm báo chí của mình, nhà báo phải làm cho độc giả hiểu đúng, hiểu đầy đủ về những vấn đề mình viết. Khách quan, công tâm, trung thực tức là sự vật, hiện tượng như thế nào thì nhà báo phản ánh, thông tin như thế ấy, không tô hồng hoặc bôi đen. Song, đối với một nền báo chí cách mạng thì nhà báo lại phải có tư duy, có thế giới quan của một chiến sỹ cách mạng. Thế giới quan ấy đòi hỏi nhà báo phải biết lựa chọn, chắt lọc thông tin. Thông tin đương nhiên phải đúng bản chất của sự vật,
hiện tượng, nhưng nhất thiết phải cân nhắc tới tính hiệu quả chính trị - xã hội của nó. Thông tin phải vì lợi ích chung, vì sự nghiệp chung; không thể giật gân, câu khách, rẻ tiền; không mơ hồ, mất cảnh giác, càng không được để lộ bí mật quốc gia.
 
    Tóm lại, thông tin mà mỗi nhà báo cần đạt được đó là thông tin trung thực, khách quan nhưng không trần trụi mà phải vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, tăng cường mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nước ta và bạn bè trên thế giới. Phẩm chất đạo đức của nhà báo còn thể hiện ở tính chiến đấu mạnh mẽ, ở tinh thần chủ động tấn công đối với mọi biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội và đối với âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Những biểu hiện tiêu cực trong xã hội ta hiện nay muôn hình, muôn vẻ; đáng chú ý nhất là tệ tham nhũng, hối lộ, sự thoái hóa, biến chất về nhận thức tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Những biểu hiện tiêu cực đó đương nhiên phải đấu tranh, phê phán quyết liệt, song vấn đề rất quan trọng là không để cho những kẻ xấu, các thế lực thù địch lợi dụng. Đối với âm mưu diễn biến hòa bình của địch, các nhà báo phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác và phải chủ động tấn công quyết liệt. Các bài phê phán, đấu tranh phải có tính thuyết phục, đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn; hết sức tránh tình trạng lên gân, nói lấy được.
 
    - Những yêu cầu về lối sống của nhà báo. Nhà báo phải có tư chất riêng về lối sống. Nói một cách cụ thể hơn thì yêu cầu đầu tiên về lối sống của nhà báo là phải lăn lộn với cuộc sống, hòa mình với quần chúng, sống trong dân, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh. Không có tư chất đó không thể nào có những tác phẩm báo chí có giá trị. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, chúng ta có biết bao những nhân tố tốt đẹp, những điển hình tiên tiến; đồng thời, cũng có không ít những biểu hiện tiêu cực.
 
    Đã có rất nhiều nhà báo, rất nhiều bài báo viết về những mặt tích cực và tiêu cực của đời sống xã hội. Và, thực tế cũng cho thấy những bài báo hay, có giá trị, đều là sản phẩm của những nhà báo đã từng lăn lộn với cuộc sống, không sợ gian khổ, hy sinh và có trách nhiệm với bài viết của mình. Sự hời hợt và thói vô trách nhiệm của nhà báo không thể nào làm ra được những tác phẩm báo chí có giá trị. Muốn thâm nhập cuộc sống, hòa mình vào quần chúng và sống trong dân thì nhà báo phải có lối sống giản dị, tiết kiệm. Sống xa hoa, lãng phí, kênh kiệu thì nhà báo đã tự tách mình ra khỏi dân, tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Và như vậy thì sản phẩm báo chí của họ cũng không thể tránh khỏi rơi vào tình trạng lệch lạc; bởi vì “văn là người”.
 
    2. Về năng lực của nhà báo
 
    Lao động báo chí là lao động mang tính đặc thù. Vì thế, nó đòi hỏi nhà báo phải có năng lực thật sự. Cụ thể là:
 
    - Phải có tư duy độc lập, sáng tạo. Trước mỗi sự vật, hiện tượng muốn thông tin, phản ánh, nhà báo phải phân tích đầy đủ bản chất của nó, xem nên thông tin những gì, thông tin đến mức độ nào, thông tin như thế có lợi hay có hại. Nhà báo không thể thông tin, phản ánh một sự vật, hiện tượng nào theo đơn đặt hàng, hoặc do sức ép của một tổ chức, một đơn vị hay một cá nhân nào đó với động cơ thiếu lành mạnh. Làm như thế, nhà báo đã tự biến mình thành kẻ bồi bút.
 
    - Phải am hiểu sâu sắc về lý luận Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thiếu những thứ đó, nhà báo không thể có tư duy độc lập, sáng
tạo, không thể có quan điểm, lập trường đúng đắn, càng không thể có cách nhìn biện chứng, khả năng phân tích các sự vật, hiện tượng một cách chính xác. 
 
    - Phải có trình độ nghiệp vụ chuyên môn giỏi. Nhà báo trong giai đoạn cách mạng hiện nay phải được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ báo chí; phải thông thạo những kỹ năng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Ngoài kiến thức chuyên sâu thuộc lĩnh vực phụ trách, nhà báo phải trau dồi, rèn luyện để có kiến thức rộng rãi về các lĩnh vực khác, nhất là kiến thức về kinh tế, văn hóa, pháp luật. Yêu cầu đối với nhà báo hiện nay là phải thật giỏi một lĩnh vực và làm tốt nhiều lĩnh vực khác.
 
    - Ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trong thời buổi mở cửa, bùng nổ thông tin và hội nhập quốc tế hiện nay, nhà báo cũng cần có trình độ ngoại ngữ và trình độ tin học tương ứng. Đây đang là điểm yếu, thậm chí rất yếu mà các nhà báo chúng ta cần ra sức khắc phục nếu không muốn để mình rơi vào tình trạng tụt hậu so với mặt bằng chung của giới báo chí đương đại trên toàn thế giới.
Tiến Hải
(Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản)
 
;
.