Một số kết quả thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 tại tỉnh Điện Biên
Thứ Hai, 27/07/2015, 15:38 [GMT+7]
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đã bám sát định hướng chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và ngày càng hoàn thiện, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo khuôn khổ pháp lý để duy trì trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Khả năng áp dụng pháp luật và thi hành pháp luật được tăng cường; tổ chức, bộ máy được củng cố, kiện toàn, hạn chế sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Đội ngũ cán bộ từng bước được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, kỹ năng nghề nghiệp. Hệ thống thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và công dân tiếp cận, khai thác, sử dụng, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước; vai trò giám sát, phản biện xã hội được chú trọng, chất lượng nâng cao.
Đoàn công tác số 11 của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị kiểm tra, đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kế hoạch tổng kết. |
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, được chia tách, thành lập năm 2004; có diện tích tự nhiên 9.562,9 km2. Dân số toàn tỉnh gần 54 vạn người, gồm 19 dân tộc; là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh; đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực. Trong những năm qua thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Kết quả cụ thể như sau:
Từ năm 2005 đến nay, HĐND và UBND cấp tỉnh đã ban hành 244 văn bản quy phạm pháp luật(1) để cụ thể hóa các quy định pháp luật, quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Trình tự thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND các cấp được đảm bảo theo quy định, chất lượng công tác thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật từng bước được nâng lên, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với điều kiện phát triển chung của tỉnh; các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi rộng, tác động đến nhiều đối tượng, lĩnh vực điều chỉnh phức tạp như lĩnh vực an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đất đai… đều được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các sở, ban, ngành trên phạm vi toàn tỉnh(2), đáp ứng nhu cầu quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Trong 10 năm qua, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và tiến hành kiểm tra 18.320 văn bản theo thẩm quyền; tiến hành tự kiểm tra đối với 269 văn bản, rà soát 1.445 lượt văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành. Qua kiểm tra, rà soát phát hiện 288 văn bản do HĐND, UBND cấp huyện ban hành có dấu hiệu trái pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời những văn bản chưa phù hợp; công bố tình trạng hiệu lực của 567 văn bàn QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành (trong đó xác định 219 văn bản còn hiệu lực, 348 văn bản hết hiệu lực).
Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự được đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Công tác bắt, giam, giữ, điều tra, xử lý tội phạm không để xảy ra tình trạng bức cung, nhục hình, oan, sai, bỏ lọt tội phạm; quản lý chặt chẽ can, phạm nhân, đảm bảo quyền của bị can, người bị tạm giữ, tạm giam, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo đúng quy định của pháp luật. 10 năm qua, Cơ quan điều tra đã khởi tố 6.826 vụ, 9.658 bị can; Viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 6.562 vụ, 9.286 bị can; Đình chỉ điều tra 64 vụ 85 bị can; tạm đình chỉ điều tra 111 vụ 167 bị can. Xét xử và đưa ra thi hành 5817 vụ án, trong đó có 31 bị án tuyên mức án tử hình.
Việc thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, cơ bản đi vào nề nếp; xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan, đúng thẩm quyền. Để triển khai thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 301/QĐ-UBND, ngày 16-4-2015 về Kế hoạch thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2015 trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới các tầng lớp nhân dân”; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng các hoạt động tuyên truyền về cơ sở, nhất là vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, trình độ nhận thức của nhân dân; góp phần nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân(3).
Việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin và phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường năng lực tiếp cận của nhân dân đối với hệ thống pháp luật đã được quan tâm, qua cổng thông tin điện tử của tỉnh trên các website thành viên của các sở, ban, ngành; qua hệ thống tuyên truyền của các bản tin Tư pháp, bản tin HĐND, sổ tay sinh hoạt chi bộ... Đặc biệt là hoạt động của hệ thống cơ quan Hội đồng phối hợp, giáo dục phổ biến pháp luật(4), các câu lạc bộ, đội ngũ tuyên truyền viên, các tổ hòa giải(5), tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh(6). Tăng cường năng lực của Công báo, qua hoạt động của Trung tâm Công báo Văn phòng UBND tỉnh tiếp nhận, quản lý và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện đưa thông tin pháp luật tới cơ sở.
Cùng với hoàn thiện hệ thống pháp luật, tỉnh đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách tư pháp; kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cơ quan thi hành pháp luật theo lộ trình cải cách tư pháp của Trung ương(7); các hoạt động luật sư, bổ trợ tư pháp, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý được tạo điều kiện hoạt động; tỉnh đã có có 4 tổ chức hành nghề luật sư, với 10 luật sư, 02 trung tâm trợ giúp pháp lý, 61 giám định viên tư pháp; Hội đồng phối hợp PBGD pháp luật, trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp, đã thực hiện 9.910 vụ việc cho 15.875 người có đơn yêu cầu; 279 đợt TGPl lưu động; hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện, nhằm tạo điều kiện tốt hơn để cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng với yêu cầu cải cách tư pháp.
Đã chỉ đạo làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, hoà giải viên ở cơ sở, luật sư, trợ giúp viên pháp lý làm công tác tư vấn pháp luật(8); củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở; tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai bảo đảm đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế. Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Phông SaLỳ (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) trong việc hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực tư pháp; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên và VKSND tỉnh Luông Pha Băng, Phông Sa Lỳ phối hợp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm qua biên giới, tội phạm về ma túy; Tòa án nhân tỉnh Điện Biên và Tòa án nhân dân tỉnh Luông Pha Băng phối hợp về công tác phòng chống tội phạm và tương trợ tư pháp(9). Công an tỉnh Điện Biên hợp tác với An ninh 6 tỉnh Bắc Lào trong việc trao đổi tình hình, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác đảm bảo ANTT, tình hình di cư, xuất cảnh trái phép, tình hình tội phạm ma túy; duy trì mối quan hệ với Công an tỉnh Vân Nam - Trung Quốc(10).
Tuy nhiên, qua tổng kết cho thấy, việc cụ thể hóa Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị chưa kịp thời; các cơ quan tham mưu chưa thật chủ động trong việc giúp HĐND, UBND tỉnh xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Công tác thẩm định, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao, chưa sát hợp với từng vùng, từng cơ sở, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, phù hợp với nhận thức của đồng bào dân tộc. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; đội ngũ làm công tác luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp phát triển chậm; chính sách thu hút cán bộ làm công tác pháp luật còn hạn chế. Cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhận thức của cán bộ chủ chốt ở một số cấp ủy về công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết chưa toàn diện, cho rằng thực hiện Nghị quyết chủ yếu thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan có chức năng xây dựng luật. Các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương không có hướng dẫn cụ thể để các địa phương ban hành văn bản cụ thể hóa Nghị quyết. Nhận thức về vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội còn hạn chế; chưa tích cực nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật. Công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực làm công tác pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu; mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chậm được củng cố, kiện toàn; ý thức pháp luật của một số cán bộ, công chức và bộ phận nhân dân còn hạn chế. Nguồn kinh phí hỗ trợ công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu.
(1) - Ban hành 82 nghị quyết của HĐND tỉnh; 145 quyết định của UBND tỉnh, 17 Chỉ thị của UBND tỉnh (2) - Từ 2005 đến nay UBMTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp tham gia ý kiến đối với 200 lượt văn bản QPPL của tỉnh và cơ sở. (3) - Từ năm 2005 đến nay, đã tổ chức phổ biến pháp luật cho gần 10 triệu lượt cán bộ và nhân dân ở cơ sở; phát hành trên 861.273 tài liệu tuyên truyền pháp luật; tổ chức trên 2.457 hội nghị phổ biến pháp luật; 64 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 43.148 bài dự thi tìm hiểu pháp luật; duy trì chuyên trang, chuyên mục Báo Điện Biên Phủ, chương trình phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình để tuyên truyền, giáo dục pháp luật (với chuyên mục “ Nhà nước và pháp luật, “an ninh Điện Biên”, “thuế và cuộc sống”, “quốc phòng toàn dân”, “vì chủ quyền an ninh biên giới”); Sở tư pháp xuất bản cuốn “Bản tin tư pháp”, Hội luật gia xuất bản cuốn “Luật gia Điện Biên”. (4) - Kiện toàn hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với 63 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 233 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.829 tuyên truyền viên. (5) - Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh đã tổ chức thực hiện 279 đợt TGPL lưu động với hơn 10.000 lượt người tham dự, tư ván 7.670 vụ việc cho những người có đơn yêu cầu; 1.755 tổ hòa giải với 8.486 hòa giải viên; duy trì sinh hoạt 300 câu lạc bộ pháp luật. (6) - Toàn tỉnh có 775 Tủ sách pháp luật (cấp xã có 116 tủ/130 xã; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học có 659 tủ). (7) - Tổng số điều tra viên: sơ cấp 69 người, trung cấp 58 người, cao cấp 14 người; trình độ chuyên môn: cử nhân: 126 (89%) người; thạc sỹ: 15 người (11%). Kiểm sát viên trung cấp và sơ cấp: 72 người, kiểm tra viên: 19 người, chức danh khác: 71 người; trình độ chuyên môn: cử nhân luật 142 người (87%), thạc sỹ 4 người (2,4%), chuyên ngành khác: 16 người (9,8%). Thẩm phán trung cấp và sơ cấp 71 người, thẩm tra viên: 7 người; thư ký tòa án: 71 người; trình độ chuyên môn: cử nhân luật 124 người (87%), thạc sỹ luật (2,8%), trung cấp luật 01 người (0,7%), chuyên ngành khác 12 người (8,5%). Chấp hành viên sơ cấp và trung cấp 30 người, thẩm tra viên 6 người, chuyên viên, cán sự 74 người; trình độ chuyên môn: cử nhân luật 61 người (55,4%), trung cấp luật 21 người (19%), chuyên ngành khác 28 người (25%). (8) - Sở Tư pháp đã phối hợp với Học viện Tư pháp mở 01 lớp đào tạo nghiệp vụ Luật sư tại tỉnh cho 47 học viên; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã bố trí, cử 294 lượt cán bộ đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận chính trị; Cục THADS cử 539 lượt công chức tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. (9) - Thực hiện việc ủy thác 13 hồ sơ, tiếp nhận ủy thác 01 hồ sơ. (10) - Điều tra theo ủy thác của An ninh tỉnh Bò Kẹo 01 vụ, 02 bị can; ủy thác điều tra 01 vụ, 01 bị can cho An ninh tỉnh Phông Sa Lỳ; tiếp nhận 03 đối tượng do An ninh tỉnh Bò Kẹo, Phông Sa Lỳ trao trả. Tiếp nhận 23 đối tượng phạm tội trên địa bàn huyện Mường Nhé do Công an tỉnh Vân Nam – Trung Quốc trao trả. |
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
;