Cách mạng tháng Tám - Cuộc cách mạng ghi đậm dấu ấn Hồ Chí Minh
Nếu tên tuổi Lênin gắn liền với Cách mạng Tháng Mười Nga thì tên tuổi Hồ Chí Minh gắn liền với Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam. Nếu Cách mạng Tháng Mười Nga ghi đậm dấu ấn về sự bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Ăngghen của Lênin thì Cách mạng Tháng Tám ghi đậm dấu ấn về sự bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin của Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định: Không có Lênin thì không có Cách mạng Tháng Mười Nga, không có Hồ Chí Minh thì không có Cách mạng Tháng Tám.
Khi xây dựng học thuyết của mình, Mác đã khẳng định: Cách mạng vô sản chỉ có thể thành công khi nó nổ ra đồng loạt ở các quốc gia. Nhưng xuất phát từ thực tiễn của nước Nga những năm đầu thế kỷ XX, Lênin khẳng định: Cách mạng vô sản có thể nổ ra và thành công ở mắt khâu yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc. Mắt khâu yếu nhất ấy chính là nước Nga. Xuất phát từ tư tưởng này, Lênin đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga thành công rực rỡ, hình thành nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới.
Ngay từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã xác định rất rõ ràng rằng: Học thuyết Mác là học thuyết cách mạng nhất, đúng đắn nhất và đó cũng là học thuyết duy nhất có thể soi đường cho cách mạng Việt Nam. Song, Người vẫn hết sức trăn trở, bởi vì Người nhận thấy: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(1). Từ đó Người đi đến một quyết định phải “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(2). Xuất phát từ ý tưởng đúng đắn này và xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng xúc tiến việc hợp nhất các tổ chức cộng sản riêng rẽ ở nước ta thành một đảng cách mạng duy nhất, chân chính, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên hệ với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản toàn thế giới. Đảng ấy có vững thì cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy nhanh và đúng hướng. Đảng ấy ở Việt Nam là Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin mang đậm nét phương Đông. Trong các văn kiện quan trọng của Hội nghị thành lập Đảng tháng 02-1930 như: “Chánh cương vắn tắt của Đảng”, “Sách lược vắn tắt của Đảng”, “Điều lệ vắn tắt của Đảng”, “Chương trình tóm tắt của Đảng” do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo thì tên Đảng được xác định là “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Khi Đảng được thành lập, Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú ý lãnh đạo Đảng xác định cho được đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của xã hội Việt Nam. Chính vì thế mà cách mạng Việt Nam đã phát triển đúng hướng. Đây là tiền đề rất quan trọng dẫn tới sự thành công của Cách mạng Tháng Tám - một cuộc cách mạng ghi đậm dấu ấn Hồ Chí Minh. Dưới đây xin đi sâu phân tích một số vấn đề cụ thể để chứng minh cho điều đó:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, ngày 02-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh tư liệu) |
1. Mối quan hệ giữa đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước
Lênin cho rằng: Sự ra đời của Đảng Cộng sản là quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân. Điều đó hoàn toàn đúng với thực tế ở các nước châu Âu. Còn ở Việt Nam thì khác. Yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam đã có từ lâu đời. Mỗi khi có giặc ngoại xâm thì phong trào yêu nước lại dâng cao. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời sau khi thực dân Pháp đã thiết lập nền thống trị của chúng trên đất nước ta và qua hai lần khai thác thuộc địa. Còn phong trào công nhân mới bắt đầu hình thành và phát triển từ những năm 20 của thế kỷ XX. Khi đó phong trào yêu nước vẫn là phong trào rộng lớn nhất, lôi cuốn giai cấp nông dân chiếm tới 90% dân số. Đấy là chưa kể những bộ phận hợp thành khác của phong trào yêu nước như tầng lớp tiểu tư sản, tư sản dân tộc, địa chủ vừa và nhỏ, các nhân sỹ trí thức yêu nước… Giai cấp công nhân mặc dù là giai cấp tiên tiến nhưng còn nhỏ bé, nếu không biết gắn chặt với phong trào yêu nước, làm hạt nhân của phong trào yêu nước thì cũng không thể tập hợp được lực lượng, mở rộng được cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. Nói cho thật chính xác thì ở Việt Nam vào thời điểm đó, phong trào công nhân mới chỉ là một bộ phận của phong trào yêu nước và nằm trong phong trào yêu nước. Chính vì lẽ đó, Hồ Chí Minh khẳng định: Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao phong trào yêu nước ở Việt Nam, coi nó là một thành tố không thể thiếu được cho sự ra đời của Đảng Cộng sản và chỉ có như thế thì giai cấp công nhân Việt Nam mới trở thành dân tộc như Mác- Ăngghen đã yêu cầu đối với giai cấp công nhân toàn thế giới từ khi viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Đây chính là một nội dung rất quan trọng minh chứng cho sự bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh. Quan điểm này của Hồ Chí Minh lúc đầu bị phản đối khá gay gắt. Những ý kiến phản đối cho rằng nếu xác định như Hồ Chí Minh thì sẽ dẫn đến hệ lụy là: Đánh giá thấp phong trào công nhân; đề cao vấn đề dân tộc, xem nhẹ vấn đề giai cấp; xác định không rõ kẻ thù… Nhưng Hồ Chí Minh vẫn kiên trì quan điểm của mình, từng bước uốn nắn những hạn chế và lệch lạc tả khuynh ban đầu ở trong Đảng để xác định cho được một đường lối cách mạng đúng đắn với chiến lược và sách lược phù hợp, xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc rộng rãi, hình thành cao trào cách mạng và khi tình thế cách mạng đã chín muồi thì chớp thời cơ, tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, xây dựng nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
2. Giải quyết mối quan hệ giữa giai cấp - dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; chuẩn bị lực lượng để khi tình thế cách mạng chín muồi, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân
Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa MácLênin từ chủ nghĩa yêu nước. Chính vì thế, Người đã giải quyết rất tốt, rất đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc. Hồ Chí Minh không xem nhẹ vấn đề giai cấp. Song, xuất phát từ tình hình thực tế của Việt Nam, Người đặc biệt đề cao vấn đề dân tộc. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh không phải được quán triệt ngay từ đầu. Từ tháng 10-1930 đến năm 1939, Hồ Chí Minh hoạt động ở nước ngoài, không có điều kiện trực tiếp chỉ đạo cách mạng trong nước. Cũng trong thời gian này, Đảng ta chịu sự chỉ đạo và bị chi phối rất nặng nề bởi quan điểm giáo điều và tả khuynh của Quốc tế Cộng sản do Stalin đứng đầu, vì thế vấn đề dân tộc không được coi trọng đúng mức, luôn luôn bị vấn đề giai cấp lấn át, khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện không có hiệu quả. Khi đó, Đảng không đề ra được chiến lược liên minh dân tộc và giai cấp rộng rãi trong cuộc đấu tranh chống đế quốc và tay sai. Luận cương chính trị của Đảng tháng 10-1930 (Luận cương của đồng chí Trần Phú) chỉ thừa nhận vai trò của giai cấp công nhân và nông dân; phủ nhận vai trò của các tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, tư sản dân tộc, địa chủ vừa và nhỏ. Luận cương khẳng định: “Tư sản thương nghiệp thì đứng về phía đế quốc, chống cộng sản. Tư sản công nghiệp thì đứng về quốc gia cải lương, khi cách mạng phát triển cao thì họ đứng về đế quốc. Trong giai cấp tiểu tư sản: Bộ phận thủ công nghiệp thì do dự, thành phần thương gia thì không tán thành cách mạng. Trí thức có xu hướng quốc gia, chỉ hăng hái trong thời kỳ đầu”. Xác định như vậy, tức là Đảng đã tự cô lập giai cấp công nhân và nông dân, đẩy các tầng lớp và giai cấp khác về phía đối lập với cách mạng, mặc dù họ là thành tố của phong trào yêu nước. Mãi tới năm 1941, khi Hồ Chí Minh về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng thì những sai lầm nêu trên mới được khắc phục. Với sự trở về và chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương 8 đã được triệu tập (từ ngày 10 đến 19-5- 1941). Hội nghị đã chính thức chuyển hướng chiến lược của Đảng; đặt vấn đề dân tộc và giải phóng dân tộc lên hàng đầu; coi vấn đề dân tộc là động lực lớn của đất nước. Hội nghị đã khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”(3), do vậy: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(4). Sau đó, trong “Kính cáo đồng bào”, Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”(5).
Để phát huy tối đa sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 8, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) với tuyên ngôn: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn… Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn là thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do, độc lập”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh đã làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố, không ngừng phát triển. Với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, ngọn cờ dân tộc được Đảng ta giương cao hơn bao giờ hết và trong suốt bốn năm (1941-1945), Mặt trận Việt Minh đã thật sự trở thành trung tâm quy tụ sức mạnh của các lực lượng và cá nhân yêu nước, tiến bộ. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không những được khôi phục, củng cố mà còn được nâng lên tầm cao và chiều sâu mới.
3. Nghệ thuật chớp thời cơ, phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám
Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, chính quyền Pháp thực hiện chế độ cai trị Đông Dương theo kiểu phát xít. Môi trường chính trị lúc đó hoàn toàn bất lợi cho cách mạng nước ta. Nhưng từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) bùng nổ, nhất là từ mùa hè năm 1940, nước Pháp thua trận thì tình hình đã thay đổi. Hội nghị Trung ương 8 khẳng định: Nếu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đẻ ra Liên Xô - một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa. Tháng 10-1944, Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào toàn quốc nêu rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh!”(6). Cũng vào thời điểm này, Thường vụ Trung ương Đảng nhận định cuộc xung đột Nhật - Pháp chắc chắn sẽ xảy ra. Đêm 09-3-1945, Nhật đảo chính Pháp đã chứng minh dự báo của Thường vụ Trung ương Đảng là hoàn toàn chính xác. Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng họp ở Đình Bảng (thuộc Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đã ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị nêu rõ: Cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương đã tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi, tuy vậy cũng tạo ra những tiền đề cần thiết để nhanh chóng tiến tới một cuộc tổng khởi nghĩa. Thời cơ thuận lợi đang đến rất gần nên Thường vụ Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ra Nghị quyết thành lập Ủy ban quân sự miền Bắc Đông Dương, thống nhất lực lượng vũ trang, mở trường đào tạo cán bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích phát triển rộng khắp, lập xưởng vũ khí, tích trữ lương thực, khẩn trương đón thời cơ, tiến tới tổng khởi nghĩa. Ngày 15-8-1945, Nhật tuyên bố đầu hàng các lực lượng đồng minh. Hồ Chí Minh biết được tin này qua đài BBC. Người lập tức tuyên bố: Thời cơ thuận lợi đã đến. Dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Và thế là Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập. Ủy ban đã ra Quân lệnh số 1 nêu rõ: Giờ tổng khởi nghĩa đã đến, cơ hội số một cho quân, dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập cho nước nhà. Chúng ta phải hành động cho nhanh với tinh thần quả cảm và thận trọng. Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta. Tiếp đó, Quốc dân Đại hội nhóm họp ở Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) quyết định phát lệnh tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước.
Vấn đề cần được làm rõ là nghệ thuật chớp thời cơ, phát động đúng lúc cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám của Hồ Chí Minh và của Đảng ta thể hiện ở những điểm nào? Trước ngày 15-8, khi đó quân Nhật còn mạnh nếu tiến hành tổng khởi nghĩa có khả năng thất bại. Và, sau ngày 05-9 khi quân đồng minh vào nước ta giải giáp quân Nhật mới tiến hành tổng khởi nghĩa thì cách mạng cũng sẽ gặp khó khăn rất lớn. Vì vậy, ngay sau ngày Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh (15-8) phải phát động ngay cuộc tổng khởi nghĩa và phải nhanh chóng kết thúc trước ngày quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật (05-9). Cách mạng Tháng Tám đã giành thắng lợi nhanh, gọn, ít đổ máu chỉ trong vòng 15 ngày đó là kết quả của nghệ thuật phân tích, nhận định chính xác thời cơ, biết chớp thời cơ để rồi phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền của Hồ Chí Minh và của Đảng ta. Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói: “Mau lẹ, kịp thời, nổ ra đúng lúc phải nổ đó là nét nổi bật của Cách mạng Tháng Tám”.
Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(7) . Cách mạng Tháng Tám là dấu ấn về sự bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin của Hồ Chí Minh.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t.1, tr.456. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.1, tr.456. (3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, t.7, tr.113. (4) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr.113. (5) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t.3, tr.198. (6) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.3, tr.505-506. (7) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.6, tr.159. |
Tiến Hải
(Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản)