Nghĩ về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của cán bộ kiểm tra

Thứ Bảy, 21/11/2015, 06:52 [GMT+7]
    Đạo đức nghề nghiệp là một bộ phận của đạo đức xã hội, là tổng hợp những nguyên tắc, quy tắc, những chuẩn mực đạo đức của một nghề nghiệp nhất định. Mỗi một ngành nghề trong xã hội đòi hỏi phải có chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử, Ngành Kiểm tra Đảng cũng không có ngoại lệ. Ngoài những phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, công chức, cán bộ kiểm tra cần có những phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp riêng. Đó là hành vi ứng xử của cán bộ kiểm tra trong hoạt động chuyên môn và trong mối quan hệ với đơn vị, cá nhân được kiểm tra, giám sát và là tiêu chí để mỗi cán bộ kiểm tra rèn luyện, phấn đấu. Đảng và nhân dân luôn mong muốn cán bộ kiểm tra ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, cần phải có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng và ứng xử có văn hóa. 
 
    Yêu cầu trước hết, người cán bộ kiểm tra phải trung thành với Đảng, luôn đặt lợi ích của Đảng lên hàng đầu. Nhận thức rõ trách nhiệm và vinh dự của công tác kiểm tra đối với sự nghiệp bảo vệ Đảng; tâm huyết, say mê với nghề, tận tâm với nhiệm vụ được giao, không quản ngại khó khăn, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, phải công minh, chính trực, tôn trọng sự thật, dám bảo vệ lẽ phải, có chính kiến rõ ràng; tuân thủ các quy trình, phương pháp nghiệp vụ, quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Mọi nhận xét, đánh giá, kết luận phải phản ánh đúng bản chất của sự việc, hiện tượng; chấp hành nghiêm quy định và việc phân công nhiệm vụ của đoàn, tổ kiểm tra, giám sát; giữ gìn bí mật, kỷ luật phát ngôn. Không được hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị, cá nhân được kiểm tra, giám sát. Không được thực hiện các hành vi sau: nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp, uy tín của mình trong khi thi hành nhiệm vụ để gây ảnh hưởng với người khác, bao che cho người có hành vi vi phạm, làm trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để trục lợi; giả mạo trong công tác hoặc không thực hiện nhiệm vụ vì vụ lợi; làm sai lệch hồ sơ, thông tin, tài liệu, báo cáo sai sự thật về vụ việc; cố tình bỏ sót hoặc bỏ qua không đưa vào nội dung báo cáo. Tránh các quan hệ xã hội có thể dẫn đến việc phải nhân nhượng trong kiểm tra, giám sát. Trong thực hiện nhiệm vụ, tác phong luôn chững chạc, đàng hoàng, lịch sự; giao tiếp và ứng xử có văn hóa; tiếp xúc với đối tượng được kiểm tra, giám sát cũng như thẩm tra, xác minh luôn thận trọng, công tâm, khách quan, toàn diện, bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của đối tượng, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc. Người cán bộ kiểm tra một mặt phải thận trọng, công tâm, khách quan, mặt khác phải kiên quyết, khéo léo để đối tượng được kiểm tra, giám sát luôn "tâm phục, khẩu phục". 
 
    Bên cạnh đó, đối với đồng nghiệp phải luôn tôn trọng, hợp tác với đồng nghiệp; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, thường xuyên học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác. Đối với bản thân, luôn cầu thị, khiêm tốn học hỏi; đặt lợi ích của tập thể lên trên. Có ý thức tổ chức kỷ luật, phục tùng sự phân công, điều động của tổ chức. 
 
    Thiết nghĩ cần có quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Ngành Kiểm tra Đảng để cán bộ kiểm tra phấn đấu, rèn luyện; đồng thời cũng là căn cứ để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng trong tình hình hiện nay./.
Phạm Thái Hà
(Ủy ban Kiểm tra Trung ương)
;
.