Hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính - kinh nghiệm quốc tế và khả năng vận dụng cho Việt Nam
Thứ Ba, 19/01/2016, 16:33 [GMT+7]
1. Kinh nghiệm quốc tế về hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính
Điều 20 (Làm giàu bất hợp pháp) của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng quy định: Trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy.
Trong phần 10 POBO (Đạo luật ngăn ngừa hối lộ) của Hồng Kông quy định phạm tội khi một quan chức chính phủ có một mức sống hay sở hữu hoặc kiểm soát tài sản không phù hợp với mức thu nhập chính đáng, trừ phi có thể giải thích thỏa đáng trước tòa. Quy định này nhằm xử lý các quan chức nhà nước không bị quy hoặc phạm vào một hành vi tham nhũng cụ thể, nhưng được các cơ quan điều tra cho là đã tích lũy của cải trong cả quá trình nhờ vào tiền tham nhũng.
Đồng thời, quy định trên đặt ra trách nhiệm phải chứng minh cho người bị buộc tội và đã được nhiều nước học theo đưa vào luật (trong đó có Indonesia). Quy định này có tác dụng ngăn chặn trong bối cảnh tham nhũng trở thành hệ thống và để thu thập đủ thông tin để có thể truy tố một hành vi tham nhũng cụ thể là rất khó.
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của UBND Thành phố Hồ Chí Minh |
Theo pháp luật Indonesia, trường hợp một người bị kết tội tham nhũng lớn, ngoài việc bị tịch thu tiền có được do tham nhũng, người này còn bị yêu cầu chứng minh tài sản của họ không liên quan đến vụ việc này cũng không phải là tài sản có được do tham nhũng. Việc nhận quà không phải là phạm tội nếu được báo cáo một cách chính thức. Báo cáo việc nhận quà tặng là yêu cầu bắt buộc và Ủy ban chống tham nhũng đưa ra quyết định người nhận có được giữ lại hay quà tặng trở thành tài sản nhà nước. Phần 24 trong Luật Phòng ngừa (PCA) của Singapore trao quyền cho Cục Điều tra tham nhũng (CPIB) điều tra bất kỳ người nào sở hữu nguồn tiền hoặc tài sản không phù hợp với nguồn thu nhập của họ mà không thể giải trình. Việc người đó sở hữu tiền và tài sản có thể được coi là bằng chứng rằng họ đã nhận tiền hay tài sản đó “bằng cách tham ô hay nhận đút lót dưới dạng tiền thưởng”. Tòa án cũng có thể tịch thu tiền và/hoặc tài sản như vậy.
Pháp hình sự Trung Quốc đã có quy định về tội làm giàu bất chính(1). Theo đánh giá, pháp luật hình sự Trung Quốc không chỉ đáp ứng mà còn vượt qua các yêu cầu của Công ước về xử lý hành vi làm giàu bất chính. Theo đó, pháp luật hình sự Trung Quốc còn quy định công chức có nghĩa vụ thông báo thông tin về tài khoản ngân hàng mở ở nước ngoài. Việc hình sự hóa đối với hành vi không thông báo về thông tin tài khoản mở ở ngân hàng nước ngoài cũng cho thấy, các nhà lập pháp Trung Quốc coi đây là nghĩa vụ của công chức và khi họ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, công chức có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây có thể coi là một giải pháp phù hợp nhằm loại bỏ những tranh cãi về tính hợp hiến, hợp pháp khi hình sự hóa đối với hành vi làm giàu bất chính trong hệ thống pháp luật.
Việc xử lý trách nhiệm hình sự xuất phát từ hành vi sở hữu hoặc nắm giữ những tài sản không rõ nguồn gốc hoặc không được xác lập dựa trên các căn cứ theo quy định của pháp luật hoặc hành vi vi phạm nghĩa vụ thông báo về tài khoản mở ở nước ngoài của công chức mà không dựa vào việc chứng minh về dấu hiệu tội phạm của hành vi tạo ra tài sản, thu nhập đó.
Việc chứng minh về tính bất hợp pháp của tài sản không đồng nghĩa và cũng không thay thế với việc điều tra, xác minh, làm rõ về hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi phạm tội của người đang sở hữu hoặc nắm giữ tài sản đó. Đồng thời, cách tiếp cận này giúp cho các quốc gia tránh được những quan điểm trái ngược khi cho rằng, việc quy định là tội phạm đối với hành vi làm giàu bất chính là vi phạm quyền con người vì không dựa trên các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật như nguyên tắc về trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng và nguyên tắc về giả định vô tội theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự.
2. Thực tiễn Việt Nam liên quan đến hành vi làm giàu bất hợp pháp
Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam hiện hành chưa có quy định tội danh hành vi làm giàu bất hợp pháp. Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để có thể phòng, chống các tội tham nhũng và rửa tiền nhằm thu hồi tài sản tham nhũng, tuy nhiên, Việt Nam cần xây dựng lộ trình cụ thể để bổ sung tội danh này trong BLHS. Nếu luật hóa ngay sẽ có thể “bất khả thi” với đòi hỏi các công chức, viên chức phải chứng minh nguồn gốc thu nhập của họ, các nguyên nhân như: thiếu công cụ pháp lý và hành chính để thực hiện việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; hầu hết các giao dịch ở Việt Nam đã và đang được thực hiện không qua hệ thống ngân hàng; và mô hình gia đình truyền thống trong đó tài sản không được chia tách cho từng cá nhân mà thuộc về tất cả các thế hệ trong gia đình đang sống chung với nhau; nguyên tắc ‘suy đoán vô tội’ cũng được viện tới như một lý lẽ cho việc không quy định này.
Tuy vậy, pháp luật Việt Nam có các quy định về các biện pháp phòng ngừa góp phần phát hiện hành vi làm giàu bất hợp pháp bao gồm:
- Khoản 3, Điều 2, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định “minh bạch tài sản, thu nhập là việc kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và khi cần thiết được xác minh, kết luận”.
- Mục 4, Chương II, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định rõ đối tượng phải kê khai tài sản, các loại tài sản phải kê khai, thủ tục kê khai, thủ tục xác minh tài sản kê khai, kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản và công khai kết luận đó, xử lý người kê khai tài sản không trung thực.
- Điều 53, Mục 4, Chương II, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định giao cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
- Điều 52, Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định xử lý người kê khai tài sản không trung thực: “Người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Quyết định kỷ luật đối với người kê khai tài sản không trung thực phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà kê khai tài sản không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến”.
- Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9-3-2007 về minh bạch tài sản, thu nhập đã quy định trong Điều 33, Chương IV bốn chế tài hành chính đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, thiếu minh bạch là: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương và hạ ngạch(2).
3. Kiến nghị cho Việt Nam về các phương án luật hóa hành vi làm giàu bất chính
Việt Nam đang gặp những khó khăn nhất định khi chưa có các quy định pháp luật để xử lý tài sản của cá nhân khi không chứng minh được tính trái pháp luật của hành vi vi phạm hoặc phạm tội có liên quan đến tài sản đó. Việc xác lập tội danh làm giàu bất hợp pháp có nghĩa là đảo ngược trách nhiệm chứng minh để cá nhân phải chứng minh tính hợp pháp đối với tài sản của họ. Nếu có thể giải thích tài sản đã được thủ đắc một cách hợp pháp thì sẽ không bị tịch thu. Khi áp dụng quy tắc đảo ngược trách nhiệm chứng minh đối với bị can, bị cáo phải chứng minh tính hợp pháp của tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
Để xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp, Việt Nam có thể đưa ra 03 phương án như sau(3) :
Phương án 1: Quy định tội danh làm giàu bất chính trong BLHS
Theo đó, BLHS 1999 sẽ được bổ sung một điều luật quy định về Tội làm giàu bất chính. Nếu lựa chọn phương án này, thì Việt Nam cần có lộ trình cho quá trình thực hiện, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung liên quan đến hệ thống đăng ký quyền sở hữu tài sản và quản lý dữ liệu về tài sản đăng ký; quy định về các biện pháp hạn chế giao dịch bằng tiền mặt và đảm bảo việc thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế và quản lý thông tin về người nộp thuế; tăng cường quản trị hệ thống ngân hàng và tháo gỡ khó khăn liên quan đến quy định về bí mật ngân hàng…
Đồng thời, lộ trình cũng cần đủ dài để các tổ chức, cá nhân đăng ký quyền sở hữu hoặc áp dụng các biện pháp đảm bảo quyền sở hữu của mình đối với các tài sản hiện có và với khẳng định không áp dụng quy định này đối với những tài sản được hình thành trước khi BLHS (sửa đổi) có hiệu lực pháp luật.
Phương án 2: Quy định tội làm giàu bất chính thông qua việc hình sự hoá hành vi vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình
Phương án này được đề xuất dựa trên thực tiễn pháp luật Việt Nam hiện nay khi đã quy định xử lý kỷ luật đối với hành vi kê khai tài sản, thu nhập hoặc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực. Theo đó, việc xử lý hành vi làm giàu bất chính dựa trên căn cứ là hành vi vi phạm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật. Nếu thực hiện phương án này, BLHS 1999 sẽ được bổ sung thêm 01 tội danh về kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực.
Nếu theo phương án này, thì quá trình thực hiện cũng sẽ có những thuận lợi nhất định khi có sự kết hợp giữa hoạt động xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan thanh tra nhà nước hoặc cơ quan kiểm tra các cấp với các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc phân biệt ranh giới giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự có thể căn cứ vào giá trị tài sản, thu nhập kê khai hoặc giải trình không trung thực. Đồng thời, yếu tố này cũng cần được quy định trong cấu thành cơ bản như đề cập ở trên. Bên cạnh đó, một số khó khăn khi thực hiện theo Phương án 1 cũng sẽ tương tự như đối với Phương án 2.
Phương án 3: Trước mắt chưa quy định tội làm giàu bất chính trong BLHS mà chỉ xử lý về tài sản bất chính theo trình tự tố tụng dân sự
Trường hợp các biện pháp đảm bảo thực hiện không mang tính khả thi hoặc nhận thức giữa các cơ quan còn nhiều khác biệt, đặc biệt là trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLHS, thì trước mắt chưa quy định là tội phạm đối với hành vi làm giàu bất chính. Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, thì việc xử lý đối với phần tài sản tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý cần phải được quy định. Theo đó, căn cứ kết quả xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm, có quan có thẩm quyền xác minh phải ra kết luận về tính trung thực của người có nghĩa vụ giải trình. Trường hợp kết luận người đó không trung thực, thì cơ quan đã ra quyết định xác định chuyển vụ việc sang viện kiểm sát cùng cấp để khởi kiện vụ án dân sự.
Đồng thời, cũng cần bổ sung vào Luật PCTN quy định về việc tài sản tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý thì bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu sung công quỹ nhà nước sau khi có bản án, quyết định dân sự có hiệu lực của toà án. Đồng thời, việc tịch thu tài sản bất chính cũng không thay thế hoặc loại trừ quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với người không giải trình được về nguồn gốc tài sản tăng thêm, nếu họ thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi tham nhũng khác có liên quan.
(1) Điều 395 Bộ luật Hình sự Trung Quốc quy định: Bất kỳ công chức nào có tài sản hoặc chi tiêu rõ ràng vượt quá thu nhập hợp pháp, nếu có sự khác biệt lớn, thì có thể bị yêu cầu giải thích về nguồn gốc tài sản của người đó. Nếu công chức không thể giải thích được về nguồn gốc hợp pháp của tài sản, thì phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp của họ sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp, và bị phạt tù đến 05 năm hoặc cải tạo không giam giữ và tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị tịch thu.
Công chức phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài khoản ngân hàng của mình ở nước ngoài theo quy định của pháp luật. Nếu ai có khoản tiền gửi ở các ngân hàng nước ngoài lớn mà không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì bị phạt tù đến 02 năm hoặc cải tạo không giam giữ. Trường hợp mà hành vi vi phạm ít nghiêm trọng, thì công chức đó sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật bởi cấp có thẩm quyền quản lý cao hơn.”
(2) Việt Nam giải thích rằng các biện pháp hành chính để xử lý những đối tượng thiếu trung thực, thiếu minh bạch trong kê khai tài sản đã thể hiện rõ quan điểm, thái độ của Nhà nước ta đối với việc phòng ngừa, phát hiện hành vi làm giàu bất hợp pháp. Tuy nhiên, để hình sự hóa hành vi này nhằm đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu của Công ước thì vấn đề này cần được khoa học pháp lý hình sự Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, cần được các cơ quan chức năng của Việt Nam quan tâm, cân nhắc để có thể hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp vào thời điểm thích hợp (Xem: Thanh tra Chính phủ và Cơ quan chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (2012), Báo cáo đánh giá quốc gia của Việt Nam, Đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng của Việt Nam trong Chu trình đánh giá 2011-2012 đối với các Điều từ 15-42, Chương III “Hình sự hóa và thực thi pháp luật” và các Điều từ 44-50, Chương IV “Hợp tác quốc tế” do Li-băng và Italia thực hiện, Nxb. Lao động, trang 82.
(3) Bộ Tư pháp – Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam (2013), Hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự về hình sự hóa các hành vi tham nhũng theo tinh thần Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Tài liệu hội thảo, trang 72-74.
|
Hà Thanh
;