Bính Tuất, có một mùa xuân như thế
Thứ Tư, 10/02/2016, 05:46 [GMT+7]
“Trong khi đồng bào đốt hương trầm để thờ phụng tiền nhân thì các bạn đốt thuốc súng để giữ gìn Tổ quốc. Trong khi đồng bào đốt pháo mừng Xuân thì các bạn nổ súng chống địch… Trong ba ngày Tết, đồng bào ai cũng đoàn tụ sum vầy xung quanh những bình hoa, mâm bánh. Còn các bạn thì chịu ăn gió, nằm mưa lạnh lùng ở chốn sa trường. Song hình dung các bạn thì ấm áp trong lòng thân ái của mỗi một quốc dân. Tôi thay mặt Chính phủ và toàn quốc đồng bào chúc các bạn năm mới mạnh khỏe và thắng lợi. Bao giờ kháng chiến thành công Chúng ta cùng uống một chung rượu đào Tết này ta tạm xa nhau Chắc rằng ta sẽ tết sau sum vầy”.
(Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi chiến sĩ và đồng bào nhân dịp Tết Độc lập đầu tiên - Bính Tuất năm 1946).
|
Tết Bính Tuất năm 1946 - Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã diễn ra trong một khung cảnh như vậy - một khung cảnh rối ren, phức tạp nhưng rất đỗi hào hùng. Xuân Bính Tuất về cũng là lúc mà kẻ thù hôm qua chưa kịp ra đi thì kẻ thù mới đã có mặt; kẻ nổ súng khai hỏa ở phương Nam, kẻ trắng trợn tuốt gươm ở miền Bắc hòng lợi dụng những khó khăn chồng chất mà nhân dân Việt Nam đang phải đương đầu để “bóp chết” chế độ mới dân chủ cộng hòa non trẻ. Trong “ngôi nhà độc lập” mà cả dân tộc này vừa giành được từ tay Nhật - Pháp, ngoài những con tim cháy bỏng tinh thần “Độc lập trên hết, Tổ quốc trên hết, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” ra, còn lại gần như là trống rỗng: Không ngân quỹ, cơ sở kinh tế què quặt, “giặc đói” và “giặc dốt” ra sức hoành hành; thù trong, giặc ngoài rình rập…
Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng đó, ngọn lửa chiến tranh bùng lên ở Sài Gòn một tuần sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập đã nhanh chóng cháy lan ra đến Nam Trung Bộ. Mùa Xuân Độc lập đầu tiên đến với dân tộc Việt Nam sau hơn 80 năm dài nô lệ là một mùa Xuân không trọn vẹn. Sứ mệnh lịch sử một lần nữa đã lại thử thách dân tộc ta. Bằng mọi giá phải giữ vững thành quả cách mạng, bảo vệ bằng được chế độ mới!. Dưới sự chèo lái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ non trẻ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã trải qua hơn 05 tháng đứng vững trước những phong ba thử thách của vận mệnh và thời cuộc. Với thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử (06-01-1946) nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã có cơ quan quyền lực tối cao của mình, có một Chính phủ thống nhất, một Hiến pháp tiến bộ, dân chủ, một hệ thống chính quyền từ Trung ương xuống đến các địa phương có đầy đủ danh nghĩa pháp lý cả về đối nội và đối ngoại, điều hành đất nước bằng “thần linh pháp quyền”.
Hát quan họ (Ảnh AT) |
Chỉ ba ngày sau khi tiếng súng kháng chiến rền vang ở Nam Bộ, chuyến tàu đầu tiên chở những “đoàn quân Nam Tiến” rời Thủ đô theo tiếng gọi “sơn hà nguy biến” hướng về phương Nam - mở đầu phong trào chi viện đồng bào Nam Bộ kháng chiến và rồi nhanh chóng phát triển thành một phong trào có sức lan tỏa rộng khắp chở đầy sức Xuân của Tết Độc lập đầu tiên - Bính Tuất năm 1946. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng chứng kiến nhiều mùa Xuân cả nước ra trận, nhiều chiến thắng gắn với sắc Xuân. Mảnh đất hình chữ “S” cũng đã từng không ít lần chứng kiến những cuộc thiên di tiến về phía Nam để mở cõi hoặc chạy giặc dã… nhưng có lẽ hiếm có một mùa Xuân nào căng thẳng nhưng sôi động và hào hùng như Xuân Bính Tuất năm 1946 mùa Xuân độc lập đầu tiên, cũng là mùa Xuân cả nước ra trận, mùa Xuân của những đoàn quân Nam Tiến - Xuân của hào khí Đông A, của mối tình sâu nặng Bắc - Nam, hậu phương - tiền tuyến.
Trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: Thà chết tự do hơn sống nô lệ. Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sỹ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.
Trong không khí rộn ràng ngày Xuân của Tết Độc lập đầu tiên sau đêm trường nô lệ, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam; nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ diễn ra sôi nổi khắp các phố phường Hà Nội và tại nhiều địa phương trong cả nước, với sự tham gia của đủ mọi tầng lớp. Không chỉ có các chiến sỹ Việt Nam giải phóng quân mà hàng chục vạn thanh niên, phụ nữ, thiếu niên; họ là nông dân, công nhân, là học sinh, sinh viên; là thầy thuốc, kỹ sư, nhà văn, nhà giáo; là viên chức, văn nghệ sỹ và cả những nhà sư, kiều bào vừa về nước cũng tình nguyện tham gia vào đoàn quân Nam tiến để được sát cánh cùng đồng bào Nam Bộ chiến đấu chống quân xâm lược. Tại nhiều tuyến phố Hà Nội và nhiều địa phương khác ở miền Bắc, trong không khí rạo rực của ngày Xuân, xen lẫn những cờ hoa, đèn lồng, khẩu hiệu mừng Xuân là những Phòng Nam Bộ được dựng tạm ở khắp nơi để kịp thời cho nhân dân ghi danh vào đoàn quân Nam tiến chi viện cho quân dân Sài Gòn và các tỉnh miền Nam chiến đấu. Trong tiết Xuân se lạnh, tại các nhà ga xe lửa như: Ga Hàng Cỏ, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh… đông kín người không phải đi du Xuân mà nhộn nhịp cảnh đưa tiễn người thân lên đường Nam tiến. Hầu như ngày nào cũng có những chuyến tàu xuất phát từ Hà Nội đưa các đoàn quân tình nguyện hướng về Nam. Đêm đêm tiếng chuông cầu siêu ngân vang dưới những mái chùa. Trong lòng người dân miền Bắc đi đón Xuân nặng trĩu âu lo gửi theo đoàn quân Nam tiến tình cảm dành cho nhân dân Sài Gòn, Nam Bộ những người phải “cầm súng đi trước”. Nhiều gia đình có hai, ba người đều xung phong Nam tiến. Quần áo, thuốc men, thực phẩm; rồi những khẩu súng tốt nhất, những băng đạn mới nhất đều được ưu tiên dành cho các đơn vị Nam tiến. Trên các sân ga, tại nhiều tụ điểm vui chơi ở khắp các phố phường Hà Nội hòa cùng các hoạt động du Xuân là các buổi lễ trao tặng vật phẩm và tiễn đưa bộ đội Nam tiến diễn ra hết sức trọng thị và xúc động. Hướng về Sài Gòn, về miền Nam ruột thịt không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm cao đẹp và thủy chung của mỗi người dân Việt Nam mỗi khi vận nước lâm nguy.
Cùng với các chi đội Nam tiến xuất phát sớm từ Thủ đô như Chi đội Nam Long, Chi đội Vi Dân, các địa phương ở miền Bắc và miền Trung cũng nhanh chóng thành lập và gửi các đơn vị Nam tiến của mình vào Nam chiến đấu. Các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Yên có Chi đội Bắc - Bắc Quảng; ba tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình có Chi đội Thu Sơn; Thái Bình có Chi đội Hải - Kiến - Thái… Các tỉnh còn lại cũng đều thành lập các đội quân Nam tiến. Tại Thủ đô Hà Nội, 72 cán bộ vừa mới tốt nghiệp khóa 4 Trường Quân chính Trung ương (tiền thân là Trường Quân chính kháng Nhật) tạm gác cái Tết Độc lập đầu tiên, xung phong gia nhập vào đoàn quân Nam tiến. Chính những cán bộ này sau khi vào đến Nam Bộ đã trở thành những hạt nhân nòng cốt để xây dựng và phát triển các đơn vị vũ trang cách mạng ở miền Nam về sau này.
Tạm chia tay Tết Độc lập đầu tiên, những người con ưu tú trong đoàn quân Nam tiến vào đến “trời Nam” đã được các tầng lớp nhân dân miền Nam chào đón thân thiết như những người con trong gia đình. Đích thân các cán bộ lãnh đạo cách mạng cốt cán ở Nam Bộ lúc bấy giờ như: Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Dương Bạch Mai, Đào Duy Kỳ, Bùi Công Trừng, Phạm Văn Bạch, Thanh Sơn… trực tiếp đón và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Các chi đội Nam tiến hành quân bằng đủ mọi phương tiện, vượt qua chặng đường dài hàng ngàn km, vừa đi vừa bổ sung lực lượng, vừa chiến đấu. Sự thiếu vắng họ có thể làm cho mùa Xuân Độc lập đầu tiên trên đất Bắc kém vui, nhưng sự có mặt kịp thời của họ ở mặt trận miền Nam đã góp phần cùng quân, dân Nam Bộ ngăn chặn, làm chậm bước tiến của quân xâm lược Pháp, góp phần tạo điều kiện để cả nước có thời gian chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kỳ.
Trong các đoàn quân Nam tiến năm ấy, ngoại trừ một số ít cán bộ đã được trui rèn trong Cách mạng Tháng Tám, được kinh qua các lớp huấn luyện quân chính ngắn ngày, còn lại hầu hết đều là thanh niên, học sinh và công nhân. Những người con của hậu phương miền Bắc tràn trề nhiệt huyết và tinh thần “vì miền Nam ruột thịt” nhưng hầu như còn ít kiến thức quân sự và kinh nghiệm nhà binh, vũ khí trang bị thô sơ và thiếu thốn… Trên chiến trường miền Đông Nam Bộ và khắp Nam Bộ, họ được tắm mình vào “Xuân kháng chiến”, được tiếp thêm sức mạnh, được động viên bởi tinh thần Nam Bộ kháng chiến.
Hơn ai hết, nhân dân Thủ đô nói riêng, miền Bắc nói chung hiểu rõ việc chia lửa với quân và dân Nam Bộ không chỉ đơn thuần là gửi các đoàn quân Nam tiến vào sát cánh chiến đấu; mà chia lửa bằng cả một phong trào “Vì miền Nam ruột thịt” được phát động sâu rộng với nhiều hoạt động phong phú và hiệu quả ngay trong những ngày Xuân Độc lập đầu tiên của dân tộc. Hòa cùng các hoạt động mừng Xuân Bính Tuất, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình tuần hành của hàng chục vạn nhân dân Thủ đô phản đối quân Pháp xâm lược và phản đối những kẻ tiếp tay cho chúng, ủng hộ Nam Bộ kháng chiến liên tục diễn ra. Khẩu hiệu “Nam Bộ của người Việt Nam” xuất hiện khắp phố phường Hà Nội. Để thể hiện tình cảm và chia sẻ trách nhiệm với nhân dân miền Nam ruột thịt, nhiều hình thức hoạt động thiết thực đã được tổ chức như: “Tuần lễ văn hóa Cứu quốc” nhằm quyên góp tiền và nhu yếu phẩm gửi vào Nam; “Ngày Nam Bộ”, “Chợ phiên” để lập quỹ kháng chiến; thành lập Phòng Nam Bộ để đăng ký các tình nguyện viên vào Nam chiến đấu.
Mùa Xuân của những đoàn quân Nam tiến khởi đầu từ Thủ đô Hà Nội đã nhanh chóng lan tỏa và lôi cuốn nhiều địa phương trong cả nước tham gia. Không chỉ có các địa phương miền Bắc, miền Trung mà cả trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng nhiệt liệt hưởng ứng. “Nam tiến” không chỉ đơn thuần là tiến về phương Nam mà là hướng về Nam Bộ - mảnh đất “máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”, một nghĩa cử cao đẹp của các thế hệ “con Hồng, cháu Lạc”.
Dù có mặt ở các chiến trường sớm hay muộn, lực lượng nhiều hay ít, từ Hà nội, từ các địa phương miền Bắc vào hay từ nước ngoài về thì những đoàn quân Nam tiến đều nhanh chóng hòa nhập, biến hơi thở của Xuân Độc lập thành Xuân kháng chiến và bước vào chiến đấu được ngay. Sự có mặt của họ đã động viên và góp sức cùng quân và dân tại chỗ giam chân địch, không cho chúng dễ dàng thực hiện được tham vọng “đánh chiếm và bình định miền Nam trong vòng vài ba tuần lễ”. Thực tế lịch sử cho thấy, trải qua nhiều đợt tăng viện (đầu tháng 101945 thêm hai lữ đoàn thuộc Sư đoàn Gukha của Anh; cuối tháng 10 Binh đoàn cơ giới Masu đổ bộ lên Sài Gòn; rồi tiếp đó là các đơn vị khác), mùa Xuân năm 1946, quân Pháp tuy có mở rộng được phạm vi chiếm đóng ra Nam Trung Bộ, lên Tây Nguyên, có gây cho ta những khó khăn nhất định; song mục tiêu chiến lược vẫn không đạt được. Khi quân Anh và quân Nhật rút hết về nước, quân viện binh chưa sang kịp, quân Pháp đã rơi vào tình trạng khủng hoảng. Đây là thời cơ cho chiến tranh nhân dân địa phương phát triển. Việc tạo ra được một cục diện mới có lợi cho các lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ vào đầu năm 1946 có dấu ấn đậm nét của mùa Xuân Bính Tuất với những đoàn quân Nam tiến.
Những ngày tháng cuối năm 1945 - đầu năm 1946 là quãng thời gian thử thách khắc nghiệt nhất đối với nhân dân Nam Bộ nói chung, Sài Gòn - Gia Định nói riêng. Đối với nhân dân miền Bắc, đây cũng là giai đoạn phải gồng mình giải quyết nhiều vấn đề phức tạp và hệ trọng của đất nước; vừa phải lo xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền non trẻ, phát triển lực lượng; vừa phải lo đối phó với 20 vạn quân Tưởng và các đảng phái tay sai phản động. Mặc dầu vậy, đáp lời kêu gọi “sơn hà nguy biến”, nhân dân miền Bắc đã sẵn sàng cử những người con ưu tú của mình lên đường sớm nhất vào Nam chiến đấu. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam thêm một lần chứng kiến một mùa Xuân sôi động và hào hùng - Xuân Bính Tuất năm 1946, mùa Xuân của những đoàn quân Nam tiến. Những người con ra đi từ mùa Xuân năm ấy đâu có ngờ rằng phải trải qua cuộc trường chinh kéo dài 30 năm mới tới được mùa Xuân đại thắng, mới được tận hưởng niềm vui trọn vẹn của Tết Độc lập với đầy đủ ý nghĩa của nó.
Đại tá, PGS, TS. Trần Ngọc Long
(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)
;