Phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước
Thứ Năm, 11/02/2016, 03:59 [GMT+7]
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã xây dựng được những giá trị truyền thống quý báu. Những giá trị đó đã được lưu giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nổi bật lên trong các giá trị đó là chủ nghĩa yêu nước, là lối sống tình nghĩa, là tinh thần tương thân tương ái, là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tấm lòng bao dung độ lượng. Những giá trị đó thông qua cơ chế gia đình, dòng họ, làng xã,… đã dần dần trở thành cái gen trong tính cách, tâm hồn người Việt. Nói cơ chế ở đây là nói đến những quy định, những biện pháp nhằm củng cố và khắc sâu cái đạo lý làm người cho các thế hệ công dân. Một em bé lúc ra đời đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của gia đình, của họ hàng và bà con làng xóm. Cùng với dòng sữa tươi của người mẹ, em bé thường xuyên được nuôi dưỡng bằng những lời ru đầy ân tình. Đằng sau những âm thanh dịu lắng của lời ru là cả một đạo lý làm người mà các thế hệ cha ông đang trao truyền lại cho con cháu. Lớn lên, em bé được nghe bố, mẹ, anh, em, bà con, thầy, cô giáo kể lại những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích về những sự kiện, những danh nhân của đất nước, của dòng họ,… Chính những tri thức đó đã giúp mỗi con người hình thành nên những giá trị có tính nền tảng, tạo nên cái mẫu số chung giữa hàng triệu, hàng chục triệu con người Việt Nam. Cái mẫu số đó không những làm nên bản sắc dân tộc, quan trọng hơn, là tạo nên sức mạnh của cộng đồng dân tộc trước những thời cơ và thách thức mà sự tồn tại và phát triển của đất nước thường xuyên đặt ra.
Bài học lớn nhất mà lịch sử đất nước để lại, xét đến cùng là bài học về quyết tâm, về những kinh nghiệm và sáng tạo của hàng triệu người Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Ở nước ta, có lẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên chỉ ra chân lý đó, khi Người trực tiếp viết cuốn “Lịch sử nước ta” và qua hàng loạt bài viết của Người nhằm giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân. Câu kết trong bài “Lịch sử nước ta” là:
“Dân ta xin nhớ chữ đồng,
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”(1).
Bác nhiều lần căn dặn chúng ta “dân ta có truyền thống nồng nàn yêu nước”, “các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, “dân tộc ta vốn sống với nhau có tình có nghĩa”, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”,… Đó đều là những bài học nhằm khắc sâu các giá trị truyền thống của dân tộc - cội người sức mạnh của chúng ta.
Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ mười bốn (khóa XI). Ảnh TTXVN |
Thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc do Bác Hồ và Đảng ta trực tiếp lãnh đạo, là một minh chứng cụ thể cho việc phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu, lá cờ đầu của thơ ca cách mạng nước ta, người đã nhiều năm trước đây phụ trách công tác Tuyên huấn của Đảng, đã sớm nhận thức ra điều đó. Trong bài thơ “Chào xuân 67”, nhà thơ viết:
Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu!
Trong khổ đau, Người đẹp hơn nhiều
Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng
Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng...
Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời
Gì quý hơn giá trị con người!
Ta hiểu vì sao ta chiến đấu
Ta hiểu vì ai ta hiến máu…
… Cám ơn Đảng đã cho ta dòng sữa
Bốn nghìn năm chan chứa ân tình
Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, bạo chúa
Kiếp tỳ nô vùng dậy chém nghê kình!
Tư tưởng cơ bản mà nhà thơ Tố Hữu muốn gửi gắm ở đây là khẳng định những giá trị mà dân tộc ta đã tạo nên trong suốt chiều dài của lịch sử. Nhờ những giá trị đó, dân tộc vẫn tồn tại và phát triển, bất chấp mọi thử thách gian nguy. Công lao của Đảng là đã làm sống lại các giá trị đó, biến những giá trị đó thành sức mạnh nội sinh trong cuộc chiến đấu đầy thử thách hy sinh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc hôm nay.
Ngày nay, lịch sử đã sang trang. Ba mươi năm qua, đất nước ta đang từng bước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chúng ta đã từ bỏ cơ chế quan liêu bao cấp để chuyển sang kinh tế thị trường. Từ một xã hội khép kín, bị bao vây, cô lập, chúng ta đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế trên mọi phương diện. Đó là những thời cơ đồng thời cũng là những thách thức lớn đối với đất nước. Tuy đất nước đã độc lập, tự do, nhưng do tham vọng của những lực lượng xấu trên thế giới, vấn đề quốc phòng, an ninh, vấn đề chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của nước ta cũng đang phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp. Đó là chưa nói đến những kẻ thù (ta gọi là giặc nội xâm), luôn quấy phá sự bình an, hạnh phúc của từng gia đình và của cả xã hội. Đó là tệ tham ô, lãng phí, thói quan liêu nhũng nhiễu, thói vô cảm đối với đời sống của quần chúng nhân dân, sự giả dối vô trách nhiệm,… cùng hàng loạt các tệ nạn xã hội khác đang diễn ra thường ngày trong cuộc sống. Đó là một “cuộc chiến đấu khổng lồ” như Bác Hồ đã từng cảnh báo trong “Di chúc” lịch sử của Người.
Trước những biến động của lịch sử và của đất nước, ba mươi năm qua Đảng ta đã ngày càng nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đổi mới. Chúng ta đang làm sống lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Chúng ta đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Hơn mười lăm năm trước đây, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đã vạch ra định hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và mười năm qua, Đảng đã tổ chức trong toàn Đảng, toàn dân việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là những quyết sách lớn tạo được sự đồng thuận rộng rãi trong toàn xã hội, nhằm giành thắng lợi trong “cuộc chiến đấu khổng lồ” của thời kỳ lịch sử mới. Tuy vậy, về phương diện này, những thành tựu mà chúng ta thu được, còn quá khiêm tốn. Nguy cơ suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội nói chung, đặc biệt trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi. Chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù không đội trời chung của đạo đức cách mạng, cùng với biến tướng của nó là lợi ích nhóm đang chi phối một số người có chức, có quyền. Điều đó đã dẫn tới một số chủ trương, chính sách ban hành ra không còn là “đạo nghĩa của dân tộc” như Bác Hồ đã dạy. Khi chính sách không còn là đạo nghĩa của dân tộc thì làm sao có thể tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Trong tình hình đó, làm sao chúng ta có thể thực hiện được bài học mà Bác Hồ đã chỉ ra khi tổng kết lịch sử nước nhà:
Dân ta xin nhớ chữ đồng
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.
Không thực hiện được chữ “đồng”, thì làm sao tạo nên sức mạnh nội lực của dân tộc! Nhờ có chữ “đồng” mà dân tộc ta, qua mọi biến thiên của lịch sử đã hình thành quyết tâm lớn, những kinh nghiệm và sáng kiến lớn nhằm bảo vệ và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong các bài viết, bài nói nhằm giáo dục cán bộ, đảng viên, thường xuyên căn dặn phải lấy dân làm gốc. Theo Người, khi dân đồng tình thì việc khó mấy cũng làm nên, khi dân không đồng tình thì việc dễ mấy cũng làm không xong. Bác từng dạy chúng ta: “Dân chúng biết cách giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những bậc tài giỏi, những đoàn thể lớn nghĩ mãi không ra”. Vì vậy, theo Bác, cán bộ, đảng viên phải “học dân chúng, hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng”.
Lấy dân làm gốc, là thước đo phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, bởi vì như Bác dạy thì đạo đức cách mạng là: “… Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên hết, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi mặt…”(2).
Lấy dân làm gốc còn là biện pháp vô cùng quan trọng, biện pháp không thể thiếu để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc - cái làm nên sức mạnh nội sinh của đất nước, bởi lẽ các giá trị đó đều do nhân dân trực tiếp sáng tạo ra nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Các giá trị đó thường xuyên được kiểm tra, bổ sung bởi các thế hệ kế tiếp nhau, để trở thành các chuẩn mực, thành linh hồn và sức sống của dân tộc ở mọi thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Dân tộc ta vốn sống với nhau có tình, có nghĩa. Từ ngày có Đảng lãnh đạo, tình nghĩa đó ngày càng phát triển trở thành tình đồng bào, đồng chí, tình anh em bốn biển một nhà… Học chủ nghĩa Mác-Lênin là phải biết sống với nhau cho có tình, có nghĩa. Nếu đọc bao nhiêu sách mà không sống với nhau có tình, có nghĩa thì làm sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được”(3). Câu nói đó không chỉ nhằm khẳng định một chuẩn mực, một giá trị trường tồn của dân tộc, mà còn là một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những ai đang sống buông thả, dám quay lưng lại với đạo lý làm người mà tổ tiên đã xây dựng nên. Có phải hàng loạt các biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống, mà các nghị quyết gần đây của Đảng đã chỉ ra đều có chung một gốc rễ không? Đó là sự thiếu vắng của lối sống tình nghĩa giữa con người với con người.
Sẽ là cần thiết nhắc lại ở đây quan niệm của Lênin về người đảng viên cộng sản tốt. Theo Lênin, người đảng viên cộng sản tốt, nếu là người bạn, người đồng chí, thì phải là người bạn, người đồng chí trung thành; nếu là người chồng, người vợ, phải là người chồng, người vợ thủy chung; nếu là người con, phải là người con hiếu thảo. Từ lời dạy của Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều toát lên một quan điểm chung: Các giá trị cơ bản, cốt lõi trong văn hóa truyền thống của dân tộc cần thường xuyên được tiếp thu, phát huy và phát triển trong đời sống hiện đại. Đó mãi mãi là cái giá đỡ tinh thần để dân tộc tồn tại và phát triển, đặc biệt khi chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc.
(1) Hồ Chí Minh: Lịch sử nước ta, Nxb CTQG, H.1993, tr.21. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.1996, t.9, tr.285. (3) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.554. |
GS, TS, NGND. Trần Văn Bính
(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
;