Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Tư, 10/02/2016, 10:28 [GMT+7]
    1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về nội chính và công tác nội chính
 
    Nội chính và công tác nội chính thuộc về lĩnh vực chính trị, là một vấn đề chính trị lớn, hệ trọng trong đời sống chính trị của Đảng, Nhà nước và xã hội. Lãnh đạo công tác nội chính là một phương diện hợp thành hoạt động lãnh đạo chính trị của Đảng và hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước do Đảng lãnh đạo. Thực hiện công tác nội chính còn phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó không thể thiếu sự tham gia trực tiếp của công an và quân đội, của quốc phòng và an ninh cả về mặt thiết chế - tổ chức và lực lượng con người. Ngay hoạt động đối ngoại và công tác ngoại giao cũng có sự phối hợp chặt chẽ, liên hệ mật thiết với công tác nội chính.
 
    Đảng ta đã cầm quyền liên tục 70 năm nay, trong đó có 30 năm Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên Thế và Lực mới của Việt Nam như ngày nay, đất nước đã ra khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển, đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển bền vững và hiện đại hóa. Góp phần to lớn vào những đổi thay đó, không thể không nói tới những đóng góp quan trọng của công tác nội chính, của ngành nội chính với sự dẫn dắt, soi sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng. 
 
    Quan niệm Hồ Chí Minh về nội chính và công tác nội chính thấm nhuần sâu sắc tính nhân dân và dân tộc, nhất quán với mục đích vì dân, phục vụ nhân dân, bảo vệ nhân dân là vì vậy. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, đạo đức hành động, suốt đời tu dưỡng, rèn luyện bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân, “giặc ở trong lòng”, không màng danh lợi, ở ngoài vòng danh lợi. Do đó, nội chính và công tác nội chính phải gắn liền chính trị với đạo đức. Người làm nội chính và cơ quan nội chính phải đặc biệt chú trọng đức Thanh liêm, Thanh khiết, phải “dĩ công vi thượng”, phải “tinh thành đoàn kết”, nêu cao tinh thần “trọng dân”, “trọng pháp”, “quang minh chính đại”. Vì nêu cao công lý và nhân nghĩa mà phải thẳng tay trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, ngày 22-12-2015. (Ảnh TTXVN)
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, ngày 22-12-2015. (Ảnh TTXVN)
    Đây cũng là dân chủ - pháp quyền Hồ Chí Minh cần phải được thực hành trong công tác nội chính, nhìn từ phương diện thể chế - thiết chế và con người.
 
    Trong công tác nội chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cách làm mà cũng là yêu cầu, là phương châm xử lý công việc, tổ chức và con người, phải “cần” (cần cù, tận tụy, trách nhiệm) mà còn phải “cẩn” nữa (cẩn trọng, thận trọng, không chủ quan, không khinh suất). Phải đúng và phải khéo, đúng mà không khéo cũng không được việc, thậm chí hỏng việc, nhất là những vụ việc phức tạp. Người chú trọng sự hài hòa giữa lý và tình, giữa nguyên tắc và biện pháp, cương và nhu đúng lúc, sáng suốt, tỉnh táo, mưu lược, chủ động và bình tĩnh, thiết thực, cụ thể mà vẫn nhìn xa, trông rộng (ngày nay ta gọi là tầm nhìn chiến lược). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn minh định rõ ràng chính và tà, phân biệt rõ ràng địch và ta, thận trọng mà vẫn cả quyết, táo bạo nhưng không liều lĩnh. Người còn nhấn mạnh cả thế ứng xử “bí mật, bất ngờ”, “phòng gian bảo mật”. Hoạt động giữa vòng vây của kẻ thù nên đã hình thành ở Người thói quen “bí mật”, “ngụy trang”, “nghi binh”. Ngay những cán bộ giúp việc, những đồng sự bên cạnh Người, thường được Người gọi bằng bí danh hơn là gọi tên. Tám người giúp việc được Người đặt tên, góp thành khẩu hiệu “Trường Kỳ Kháng Chiến, Nhất Định Thắng Lợi” là một ví dụ.
 
    Trong số rất nhiều cái tên, bí danh, bút danh của Người đã từng làm nên huyền thoại Hồ Chí Minh, có hai cái tên rất có ý nghĩa, đủ sức biểu đạt sự nghiệp, động cơ, mục đích và lẽ sống cao thượng của Người: Ái Quốc và Ái Dân.
 
    Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân là gốc của nước, nước là nước của dân, cả quốc dân đồng bào và các công dân của Nhà nước, của Chính phủ. Dân và nước xuyên suốt hoạt động trong cả cuộc đời của Người. Nội chính vì dân thì nội chính phải lo giữ nước, ngành nội chính, nghề nội chính và người làm nội chính, do đó phải “Thân dân” để “Chính tâm” và “Chính tâm” để “Thân dân”, tự nguyện dấn thân, “không nề hà khó khăn gian khổ”, “dẫu có phải xông pha nơi hiểm nguy, hy sinh cả tính mạng cũng không nề hà”.
 
    Nội chính vì dân, vì nước cho nên khi lợi ích cá nhân và lợi ích chung của nhân dân, của xã hội có mâu thuẫn thì phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết, phải biết hy sinh lợi ích cá nhân, riêng tư. Phải có phẩm chất, đức tính ấy thì mới toàn tâm, toàn ý, mới tận tâm, tận lực vì dân, vì việc công được, trên tinh thần “Tổ quốc trên hết”, “dân tộc trên hết”, “dân là chủ”, “bao nhiêu lợi ích là của dân”, “bao nhiêu quyền cũng thuộc về dân”, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”…
 
    Lãnh đạo dân cho nên phải giúp đỡ, nâng cao dân chúng, là đầy tớ, là công bộc trung thành, tận tụy của dân. Muốn bảo vệ vững chắc chế độ, chống lại mọi kẻ thù xâm hại tới quyền và lợi ích của dân thì phải thường xuyên dựa vào dân, nhất là ở cơ sở, sống với dân, làm việc cùng dân thì cán bộ sẽ nhờ vào sáng kiến của dân, kinh nghiệm của dân mách bảo mà mau chóng trưởng thành.
 
    Người nhắc nhở cán bộ các cấp, các ngành, trong đó có ngành Nội chính rằng, dân rất hăng hái, tháo vát, sáng suốt, việc khó mấy có dân giúp sức thì cũng giải quyết được. Dân có hàng vạn lỗ tai, con mắt, giúp ta phát hiện ra người ngay, kẻ gian.
 
    Muốn đánh địch phải dựa vào dân. Dân tham gia vào mọi công việc, dân gây dựng phong trào, lực lượng. Chỉ cần khéo động viên, khéo bày vẽ cách làm cho dân, giảng giải cho dân hiểu, gương mẫu cho dân tin và noi theo thì phong trào cách mạng mới phát triển được.
 
    Bí quyết thành công mọi việc đều quy tụ vào một chữ “Dân”, phải ra sức “thực hành dân chủ - dân vận và đoàn kết toàn dân”. Cách mạng phải có sức mạnh tự bảo vệ. Ấy là di huấn của Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn, cách mạng lấy sức mạnh trong lòng dân.
 
    Làm cho dân hiểu, dân giác ngộ, dân tin tưởng, dân yêu mến, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ thì Đảng và Nhà nước mới vững mạnh, chế độ mới vững bền. Những chỉ dẫn như vậy đúng đắn như chân lý và đạo lý, là quy luật của muôn đời. Vào lúc này, những chỉ dẫn đó lại càng cần được ghi nhớ và thực hành, luôn có tính thời sự.
 
    Người cũng căn dặn, lúc bình an phải nghĩ tới sự nguy cấp. Tâm trạng, ý nguyện, thái độ và những phản ứng của dân phải luôn luôn được xem là những sở cứ để định ra đường lối, cân nhắc chủ trương, soát xét lại chính sách, cũng từ dân với những biểu hiện nêu trên mà xem xét lại tổ chức và cán bộ để phát huy cái tốt và ưu điểm, chấn chỉnh cái sai trái, lệch lạc, uốn nắn tổ chức, thay đổi phương pháp, giáo dục cán bộ. Mọi việc lớn nhỏ, việc chính việc phụ, việc gấp việc hoãn đều phải xuất phát từ dân, lắng nghe dân, hành động vì dân.
 
    Như vậy, trong công tác nội chính - cả nội dung hoạt động, cách thức tổ chức đến phương pháp và phong cách chỉ đạo, cho đến cán bộ… đều phải quán triệt và vận dụng tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
    Từ những quan niệm, chỉ dẫn của Người, có thể khái quát lại để hiểu rõ những điểm căn bản, cốt yếu của nội chính và công tác nội chính từ nhiều góc độ, khía cạnh.
 
    - Nội chính là công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Cách hiểu này là phổ biến, trước đây cũng như hiện nay. Nó bao gồm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ và thực chất, sâu xa là bảo vệ dân, quần chúng nhân dân, tạo cho dân cuộc sống bình yên, ổn định, an toàn, ngày nay gọi là an ninh con người. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, trước hết là nội bộ cơ quan tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, từ cơ sở tới Trung ương, từ địa phương tới toàn quốc, toàn Đảng.
 
    - Nội chính còn là nội vụ và nội trị, xét cả về tổ chức (bộ máy) lẫn con người và các quan hệ con người. Nội vụ vừa là việc, là vụ việc bên trong của Nhà nước, của Chính phủ, chính thể, vừa là các hoạt động bảo đảm an toàn, ổn định chính trị - xã hội.
 
    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn liền công việc và hoạt động của nội trị với ngoại giao, đối nội với đối ngoại. Trong cơ cấu nhà nước, để thực thi chức năng quản lý, trong nội các chính phủ có bộ chuyên trách, đó là Bộ Nội vụ.
 
    Ngay từ ngày nước ta được độc lập, ta có chính phủ lâm thời, chính phủ chính thức rồi lại lập ra mô hình chính phủ liên hiệp, đáp ứng yêu cầu, tình hình, bối cảnh đất nước lúc đó. Không phải ngẫu nhiên mà thực sự là cả một cân nhắc sáng suốt để Chủ tịch Hồ Chí Minh giao chức Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên ngay sau khi tuyên bố độc lập cho Võ Nguyên Giáp, sau đó mới đảm trách Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh.
 
    Khi đã có Quốc hội, có Hiến pháp Cộng hòa dân chủ đầu tiên, năm 1946, chức vụ Bộ trưởng Nội vụ, rồi quyền Chủ tịch nước được trao cho một người tài đức, có khí tiết ngay thẳng, cương trực, có uy tín lớn trong nước, trong dân là cụ Huỳnh Thúc Kháng.
 
    - Nội chính còn được hiểu là hoạt động tham chính, cầm quyền, hoạt động của chính quyền, của bộ máy hành chính công quyền, thực thi pháp luật, là điều hành hoạt động chính trị trong nước. Tương ứng với nó là đối ngoại, ngoại giao, bang giao quốc tế. Đối nội và đối ngoại, nội trị và ngoại giao gắn chặt với nhau.
 
    Người đặc biệt quan tâm tới chính quyền, các ủy ban tỉnh, huyện, làng, xã, trong đó đặc biệt chú trọng tới thái độ ứng xử của cán bộ (quan chức, công chức) với dân, với công dân.
 
    - Nội chính còn là hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thi hành chủ trương, chính sách, luật pháp có quan hệ tới lợi ích của quần chúng, tới việc duy trì sự ổn định chính trị - xã hội để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và phát triển đất nước. Công tác nội chính và hoạt động nội chính dựa trên thể chế luật pháp của nhà nước pháp quyền, thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân. Nội chính có vai trò quan trọng để thực hiện dân chủ đoàn kết và đồng thuận xã hội, góp phần cùng với kinh tế, xã hội và văn hóa để kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định, phát triển. Một môi trường xã hội lành mạnh, tích cực bảo đảm cuộc sống bình ổn và có triển vọng cho mọi thành viên trong xã hội, giải quyết sự phát triển hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng do nhiều nhân tố tạo ra, trong đó có công tác nội chính.
 
    Nếu xét theo hàm nghĩa trực tiếp thì nội chính là bảo đảm nhân tố chính trị từ bên trong, ở trong nước, trong Đảng, trong chính quyền, tức là chính thể cho sự phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội vì cuộc sống của người dân. Bảo đảm chính trị này cũng còn tham dự vào hoạt động đối ngoại, vào chính sách ngoại giao trong quan hệ giữa nước ta với các nước, với quốc tế và thế giới.
 
    Nội chính và công tác nội chính xét theo hàm nghĩa gián tiếp (nghĩa rộng) thì nó có quan hệ với tất cả các lĩnh vực hoạt động đối nội, ở trong nước, từ phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, cả xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
    Dù tiếp cận trên bình diện nào, thì nội chính và công tác nội chính đều rất quan trọng. Muốn thực hiện tốt những mục đích và yêu cầu của nội chính thì vấn đề đặt ra là, lãnh đạo chính trị và cầm quyền của Đảng, hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước cùng với các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân tham gia tư vấn, phản biện, giám sát phải thực sự có hiệu quả, trên cơ sở có đường lối, phương hướng chính trị đúng đắn, sáng suốt, có hệ thống luật pháp đồng bộ, có hiệu lực, giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo trong các hoạt động phối hợp, cộng đồng trách nhiệm, cùng hướng vào mục tiêu:
 
    - Giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, bảo vệ vững chắc chế độ, vì độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia - dân tộc.
 
    - Phát triển kinh tế, có thực lực mạnh trong nội trị thì mới phát huy được hiệu quả của hoạt động ngoại giao. Hoạt động đối ngoại cũng hướng vào phục vụ yêu cầu của đối nội, của sự tăng cường nội lực. Vì vậy, nội chính phải phục vụ trực tiếp vào việc phát triển và bảo vệ đất nước theo tinh thần phát triển đất nước là lợi ích cốt lõi của quốc gia, lợi ích và chủ quyền dân tộc là tối cao.
 
    - Bảo đảm sự tồn tại và phát triển của người dân, của cộng đồng dân cư trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Nước ta có kết cấu đa dân tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa. Phải bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa các lĩnh vực, trong cả nước, giữa các vùng miền, bảo đảm lợi ích công bằng, hợp lý cho tất cả cộng đồng dân tộc ở Việt Nam là mối quan tâm thường xuyên của đối nội.
 
    Đủ hiểu vì sao, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đoàn kết, đại đoàn kết là vấn đề chiến lược, là đường lối chính trị nhất quán, lâu dài để phát triển đất nước. Đó là định hướng chính trị tổng quát mà Người nhấn mạnh về công tác nội chính, về nội trị, về đối nội.
 
    Người nhấn mạnh, chính trị cốt ở Đoàn kết và Thanh khiết. Người quan tâm thường xuyên tới bài học kinh nghiệm của ông cha: An dân và khuyến dân, an sinh và an ninh cho cuộc sống của đồng bào, cho tất cả các dân tộc, đa số cũng như thiểu số ở mọi vùng miền. Chăm lo cho dân giàu, nước mạnh, cho quốc thái dân an, cho hòa bình, phấn đấu cho Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của toàn dân. Đó là mục đích cao sâu của nội chính vì phát triển con người và xã hội.
 
    Đối nội, nội chính, nội trị trong tư duy chính trị Hồ Chí Minh gắn liền với Đoàn kết Dân chủ - Dân vận là những trù tính mang đậm tính nhân văn và văn hóa chính trị trong xây dựng và bảo vệ đất nước, trong chăm lo phát triển sức dân, bồi dưỡng sức dân, lại biết tiết kiệm sức dân. Cũng vì thế, trong suốt 24 năm liền là Chủ tịch nước (1945-1969), Người thường xuyên quan tâm giữ cho thể chế, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, liêm khiết, tẩy trừ thói quan liêu, lãng phí, tham ô.
 
    Có biết bao tư liệu, sự kiện đã từng được ghi lại trong biên niên sử về hoạt động của Người từ ngày Người dấn thân tìm đường cứu nước, cứu dân, lập Đảng, lập Nước, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh sóng dữ để rồi “Kháng chiến tất thắng, Kiến quốc tất thành” và “đánh bại cả hai đế quốc to”, để lại cho Đảng, cho dân cơ đồ sự nghiệp như ngày nay.
 
    Ở tầm lãnh tụ và trên cương vị nguyên thủ quốc gia, dấu ấn của Người in đậm vào mỗi bước ngoặt lịch sử của dân tộc ta thời hiện đại. Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt năm 1945-1947, khi nước Cộng hòa non trẻ mới ra đời, Người đã nỗ lực trong xây dựng chính thể, đặt nền móng cho công tác nội chính và nền dân chủ pháp quyền của nước ta.
 
    Những chỉ dẫn của Người về nội chính, nội trị, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, còn thể hiện trong “Quốc lệnh”, ghi rõ thưởng cho người có công thật hậu, phạt kẻ có tội thật nặng, kết hợp đức trị với pháp trị để giáo dục văn trị trong chế độ mới, đem “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đó là những bài học quý trong di sản của Người cần khai thác, vận dụng, phát huy trong tình hình hiện nay.
 
    2. Chủ tịch Hồ Chí Minh với chống tham nhũng, đặt trong một đường lối chiến lược “Ra sức thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu - lãng phí - tham ô, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tu dưỡng, rèn luyện, thực hành đạo đức cách mạng”
 
    Một trong những kiến giải sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan liêu, một căn bệnh cố hữu của Nhà nước xưa - nay là ở chỗ, Người nhìn hiện tượng gây nên sự tha hóa quyền lực này, từ đạo đức, từ sự hư hỏng về đạo đức xảy ra trong bộ máy công quyền và trong đội ngũ công chức. Đó là biến dân chủ thành “quan chủ”, là đầy tớ công bộc của dân mà lại “lên mặt quan cách mạng”.
 
    Quan liêu không chỉ là bệnh hành chính, nạn giấy tờ, hội họp, đầu óc chủ quan, thoát ly thực tế mà do xa dân, khinh dân, không tin dân, ghét dân, sợ dân và không thương dân. Đó là lỗi từ đạo đức, phẩm cách. Muốn chữa, Người chỉ rõ cách chữa, cách trị bệnh. Phải có đạo đức cách mạng, phải siêng năng, tiết kiệm, phải có thái độ khiêm nhường, chớ kiêu ngạo(1). Muốn có đạo đức cách mạng phải có năm điều: Trí Tín - Nhân - Dũng - Liêm… không tham danh vị, không tham sống, không tham tiền, không tham sắc. Người cán bộ đã dám hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa, thì không tham gì hết(2).
 
    Người giải thích: Liêm là trong sạch, không tham lam. Do bất liêm mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp... Để thực hiện chữ liêm, cần có tuyên truyền, kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên(3). Người nhấn mạnh, trước hết là cán bộ các cơ quan, đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Phải thực hành chữ liêm để làm kiểu mẫu cho dân(4).
 
    Người vạch rõ một thực trạng, “quan tham vì dân dại. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra liêm”. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ liêm.
 
    Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Mỗi người phải nhận thấy rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân. Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong dân. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu có về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ(5).
 
    Từ những chỉ dẫn trên đây, ta thấy cả một hệ thống quan điểm, giải pháp chống tham ô, tham nhũng, chống quan liêu, lãng phí của Người, đó là:
 
    - Chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, tác hại.
 
    - Nhấn mạnh trách nhiệm của từng tổ chức, từng người, trong cán bộ, đảng viên, công chức và trong dân.
 
    - Xác định phải dựa vào dân, do dân kiểm soát mới chống được.
 
    - Áp dụng giáo dục, tuyên truyền đi liền với răn đe, trừng phạt thật công tâm, nghiêm túc, nghiêm minh.
 
    - Nêu gương của lãnh đạo; chống quan liêu, lãng phí, tham ô, tham nhũng là một cuộc vận động giáo dục, thực hành văn hóa trong toàn Đảng, toàn dân. Người còn chỉ rõ, phải thực hành dân chủ rộng rãi, dùng sức mạnh dân chủ và luật pháp để tẩy sạch quan liêu tham nhũng.
 
    Lại phải dùng văn hóa để chữa thói phù hoa, xa xỉ, quan liêu, lãng phí, tham ô. Phải áp dụng phương châm xây đi liền với chống. 
 
    3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng hiện nay
 
    Quan liêu tham nhũng đi liền với lãng phí và thói vô trách nhiệm. Về mặt đạo đức, một tình trạng đáng lo ngại là sự suy đồi đạo đức đã trở nên phổ biến, nghiêm trọng, hậu quả nặng nề không chỉ ở chỗ gây tổn hại kinh tế, tổn hại tới lợi ích của dân mà còn đánh mất lòng tin của dân với Đảng, với Nhà nước, với chế độ. Do cán bộ yếu kém, hư hỏng, do lãnh đạo, quản lý bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mà tình trạng quan liêu tham nhũng, nhất là tham nhũng đã thành quốc nạn, vấn nạn từ lâu mà vẫn chưa giải quyết được. Đó là mặt đối lập, tương phản với dân chủ, là một thứ phản dân chủ, lấy cắp quyền và lợi của dân. Nó cũng xa lạ với đạo đức, với văn hóa, biến hình thành một thứ phản văn hóa cản trở phát triển, làm chệch hướng sự phát triển.
 
    Về mặt nội chính, về chính trị nội bộ, quan liêu, tham nhũng làm suy yếu thể chế, làm tổn hại tới nền tảng của chính thể, của chế độ, nhất là làm suy yếu Đảng, làm tha hóa quyền lực Nhà nước, đó là kẽ hở nguy hiểm cho sự phát triển diễn biến hòa bình, thâm nhập vào bên trong, chuyển thành “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà các thế lực chống phá cách mạng đang ra sức thúc đẩy, thâm nhập từ ngoài vào trong, đe dọa trực tiếp tới sự bình yên của chế độ, tới sinh mệnh của Đảng, tới sự tồn vong của chế độ.
 
    Trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, Đảng ta thừa nhận một thực tế là, Đảng chưa thật sự trong sạch vững mạnh. Sở dĩ như vậy, vì quan liêu, tham nhũng, suy thoái vẫn còn tồn tại ở ngay trong Đảng, trong Nhà nước do Đảng lãnh đạo.
 
    Để đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, đặc biệt là chống tham nhũng có hiệu quả, có sự chuyển biến thực sự, lấy lại niềm tin của đảng viên và nhân dân với Đảng, cần phải:
 
    - Không chỉ hoàn thiện thể chế mà phải thi hành thật nghiêm minh luật pháp, xiết chặt kỷ cương, thi hành Điều lệ Đảng như là bộ luật tối cao trong Đảng, không có ngoại lệ. Muốn vậy, phải xác lập, hoàn thiện và nhất là thực hiện các chế tài.
 
    - Công khai, minh bạch, giải trình trách nhiệm và xử lý kịp thời trách nhiệm là đòi hỏi bức xúc, phải làm ngay. Bảo đảm cho toàn Đảng, toàn dân biết sự thật, không có những vùng cấm, vùng trắng bên ngoài hay bên trên luật pháp. Công lý là sức mạnh của quyền lực nhân dân, quyền năng xã hội, phải được bảo đảm, bảo vệ.
 
    - Thay đổi nhanh chóng nhận thức về xây dựng Đảng. Phải đặc biệt coi trọng và đặt lên hàng đầu việc xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng Đảng về văn hóachứ không chỉ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức như trước đây.
 
    - Phải có bộ luật đạo đức xã hội quy phạm, đạo đức trong Đảng, của Đảng cầm quyền. Giáo dục, tuyên truyền, thực hành công phu công cuộc chấn hưng đạo đức trong Đảng và trong xã hội.
 
    - Đề cao giáo dục liêm sỉ, giáo dục lương tâm và trách nhiệm, trọng liêm sỉ, trọng danh dự trong mỗi người, nhất là trong cán bộ lãnh đạo.
 
    Đó là năm điểm cốt yếu cần phải làm ngay trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong chấn chỉnh kỷ cương, nề nếp của Nhà nước, của các cơ quan công quyền và đội ngũ công chức, tạo môi trường xã hội lành mạnh, công khai, dân chủ để dân kiểm soát quyền lực, không để quyền lực do dân ủy thác bị tha hóa.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t.4, tr.102.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.223, 224.

(3,4,5) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.640-642.

GS, TS. Hoàng Chí Bảo
(Hội đồng Lý luận Trung ương)
;
.