Phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 03/05/2016, 06:47 [GMT+7]
    Một trong những biện pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Trong nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tích cực tham gia và có đóng góp quan trọng vào công tác PCTN. 
 
    Kết quả, UBKT Trung ương đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành 31 văn bản liên quan đến công tác PCTN và ban hành 39 văn bản về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, làm cơ sở cho UBKT các cấp thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra đối với 69 cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, trong đó có kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách và mua sắm tài sản công; việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án... Kiểm tra người đứng đầu cơ quan, tổ chức đảng các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo đó, đã kiểm tra hơn 55.000 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 2.957 đảng viên có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng; kiểm tra 263 tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nội dung kiểm tra tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn nổi cộm, bức xúc, dễ phát sinh sai phạm như: quản lý kinh tế, tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, tài sản công; các dự án, chương trình mục tiêu trọng điểm... Qua kiểm tra xử lý kỷ luật 1.143 đảng viên; giải quyết tố cáo 1.303 đảng viên có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái; kiểm tra tài chính hơn 7.800 tổ chức đảng về thu, chi ngân sách, sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản, đề nghị xuất toán, thu hồi vào ngân sách hàng chục tỷ đồng. 
 
    Qua công tác kiểm tra, giám sát, đã góp phần giải quyết các vụ việc nổi cộm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; uốn nắn, chấn chỉnh đối với các hạn chế, khuyết điểm; xử lý kỷ luật hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm; thu hồi tiền, tài sản, đất đai cho Nhà nước. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những chính sách, pháp luật không còn phù hợp hoặc còn thiếu...
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại do một số UBKT tham mưu giúp cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát dàn trải, chưa tập trung vào những nội dung trọng tâm, lĩnh vực phức tạp, dễ phát sinh sai phạm, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm; chưa tập trung vào cán bộ chủ chốt, người đứng đầu ở những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Việc tham mưu giúp cấp ủy kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chủ yếu là kiểm tra chấp hành nên khó phát hiện hành vi tham nhũng, biện pháp xử lý chủ yếu là rút kinh nghiệm, phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh những khuyết điểm, vi phạm, chưa xử lý kỷ luật hoặc xử lý kỷ luật được rất ít tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. 
 
    Nguyên nhân là do UBKT các cấp chưa chủ động, chậm phát hiện các khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua hoạt động của UBKT còn ít; việc thu hồi, xử lý tiền vi phạm qua kiểm tra còn lúng túng. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, sơ hở; khó khăn trong việc thu thập chứng cứ do người vi phạm là người có chức vụ, quyền hạn, thường có hiểu biết chuyên môn sâu, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi vi phạm. 
 
    Để góp phần tích cực hơn cho công tác PCTN, UBKT các cấp cần làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, dễ xảy ra sai phạm. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tổ chức đảng ở các cơ quan nhà nước; nghiên cứu đổi mới cách thức kiểm tra, giám sát của cấp ủy để nâng cao khả năng phát hiện các hành vi tham nhũng; chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cấp ủy viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, trước hết là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước, các Ngân hàng Thương mại cổ phần Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc không để người thân trong gia đình lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, ngân hàng, thuế, hải quan, tư pháp, cấp phép đầu tư, bảo hiểm xã hội./.
Phạm Thái Hà
(Ủy ban Kiểm tra Trung ương)
;
.