Tư duy mới về đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

Thứ Năm, 26/01/2017, 06:44 [GMT+7]
Từ xưa tới nay, với tư tưởng lấy dân làm gốc, khoan dung, hòa hợp, tinh thần đoàn kết, yêu nước, vị tha, nhân ái..., khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành ngọn cờ đại nghĩa, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng kẻ thù. Thực hiện đường lối đổi mới của  Đảng 30 năm nay, để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” vững chắc, việc tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là vấn đề có ý nghĩa chiến lược.
 
 
    Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng. Đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diệu kỳ và những thắng lợi vang dội trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong giai đoạn đổi mới, nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, không ngừng nâng cao vị thế của dân tộc ta trên trường quốc tế. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc”(1). Như vậy, tư duy mới của Đảng ta về đại đoàn kết dân tộc là phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; bởi vậy, nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân mà chúng ta đang tập trung xây dựng hiện nay là nền quốc phòng của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; mang tính toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng vững chắc. Tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải chú ý tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần; tiềm lực quân sự, tiềm lực kinh tế, khoa học - công nghệ, tiềm lực quốc phòng, an ninh; gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân..., đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Yêu cầu đó đòi hỏi phải phát huy cao độ mọi tiềm năng với sự thống nhất cao cả về ý chí, nghị lực, trí tuệ của toàn dân tộc. Vì vậy, để xây dựng được nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, phải phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các địa phương, các thành phần kinh tế... dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước.
 
    Những năm qua, trên cơ sở phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các tỉnh, thành phố của nước ta đã tích cực xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Các cấp, các ngành, các địa phương và lực lượng vũ trang nhân dân đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhận thức đầy đủ hơn về mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong điều kiện mới. Điều đó đã làm cho nhân dân đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết, tích cực thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trọng trách thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mọi cấp, mọi ngành đã chú trọng và kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt các quan điểm của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quốc phòng, an ninh cần được xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp. Các chương trình phối hợp hành động giữa các tổ chức, ban ngành, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ đã chú ý đề cập tới các yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Đồng thời, các cấp, các ngành và địa phương đã chú trọng huy động các nguồn lực kinh tế, khoa học, công nghệ... cho thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện.
 
    Đặc biệt, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã không ngừng chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vững mạnh, theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy, công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; lực lượng nòng cốt, đi đầu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế trong những năm qua cho thấy, trong mọi điều kiện hoàn cảnh, lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có Quân đội và Công an đã hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, Quân đội và Công an luôn là lực lượng có vai trò quan trọng trong xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong tình hình mới. Công tác dân vận của lực lượng vũ trang đã được triển khai rộng khắp trên các địa bàn chiến lược, tới tất cả các khu vực dân cư, từ nông thôn, thành thị, đến vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo các tôn giáo; trong đó, vùng sâu, vùng xa, địa bàn trọng điểm, khó khăn được đặc biệt chú trọng. Có thể khẳng định rằng, nơi nào có bộ đội đóng quân, có lực lượng vũ trang nhân dân làm nhiệm vụ, là nơi đó có các hoạt động công tác dân vận.
 
    Thực hiện phương châm: “Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân”, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần đưa công tác dân vận của Đảng ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, có hiệu quả thiết thực để “thực hành những việc nên làm, những công việc mà Chính phủ và đoàn thể giao”. Thông qua các chương trình phối hợp, quân đội đã phối hợp chặt chẽ với công an và các đoàn thể chính trị - xã hội giữ vững ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội, phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chủ động ngăn chặn và ứng phó có hiệu quả với các tình huống phức tạp xảy ra; xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và “thế trận lòng dân”, an ninh nhân dân vững chắc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và “thế trận lòng dân” gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng được củng cố vững chắc. Những thành tích và tiến bộ đạt được hơn 70 năm qua đã khẳng định: Trong giai đoạn mới, lực lượng vũ trang nhân dân luôn giữ vững bản chất cách mạng, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đi đầu, giải quyết có hiệu quả nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
 
    Hiện nay, đất nước ta đã bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng ta yêu cầu: “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới”(2). Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có nhiều thời cơ, vận hội to lớn, song cũng có không ít khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch đang đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bằng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng, theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là nhiệm vụ chính trị lâu dài, thường xuyên, cấp bách của cả hệ thống chính trị, của lực lượng vũ trang nhân dân.
 
    Để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới, các cấp ủy đảng, các tỉnh, thành phố và lực lượng vũ trang cần thực hiện tốt một số chủ trương, giải pháp cơ bản sau:
 
    Thứ nhất, cấp ủy các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao nhận thức cho các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân; nhất là trong từng tổ chức đảng, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất là các quan điểm đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là: “Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước”(3). “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ,...(4). Thực hiện tốt công tác này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc nói riêng. Qua đó, làm cho mọi người dân thấy rõ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mọi cấp, mọi ngành, các địa phương và đơn vị. Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động ngoại giao nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
    Thứ hai, các cấp cần gắn chặt giữa phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Thực tế cho thấy, nếu chúng ta giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, khắc phục sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, miền, khu vực, sẽ tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Tăng cường chăm lo xây dựng cơ sở chính trị - xã hội vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc là cơ sở để xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, các cấp phải chú ý kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương và Trung ương, nhất là việc chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng trang bị vũ khí, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 
    Thứ ba, cấp ủy các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; chú ý phát huy mạnh mẽ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chú trọng thể chế hóa các chủ trương, chính sách về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; thực hiện tốt các quy định của luật pháp về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; nhất là trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
 
    Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; mọi sự phát triển, trưởng thành, chiến đấu, chiến thắng của quân đội và công an có nguồn gốc sâu xa từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mọi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa quân với dân, tô thắm bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội và Công an trong giai đoạn mới. Sức mạnh quốc phòng, an ninh là sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cần tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự lực, tự cường, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để biến mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành hiện thực, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb CTQG, H.2016, tr.158.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr.159.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr.159.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.239-240.
Trung tướng, TS. Phan Văn Giang
(Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam,
Thứ tưởng Bộ Quốc phòng)
 
;
.