Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Nêu gương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Thứ Sáu, 15/11/2019, 07:15 [GMT+7]
Bài 2: Khắc phục khó khăn, bền bỉ thực hiện
Thông qua việc nêu gương trách nhiệm người đứng đầu, hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đã tạo ra chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Kết quả đã đạt được khẳng định tính đúng đắn trong thực hiện chủ trương, giải pháp nâng cao trách nhiệm. Mặc dù vậy, thực tiễn cũng cho thấy nhiều hạn chế, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Những vướng mắc ở cơ sở
Tỉnh Bắc Kạn hiện có 1.548 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu. Kết quả đánh giá chất lượng công tác năm 2018 cho thấy, trong số bốn cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có một đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ba đồng chí hoàn thành tốt; cán bộ thuộc diện Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có 16 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 92 đồng chí hoàn thành tốt, một đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ. Trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, các cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị không để xảy ra vi phạm lớn, nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị và người đứng đầu chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thanh tra công vụ, kiểm tra, giám sát; việc triển khai các quy định, quy chế về công tác cán bộ chưa được coi trọng đúng mức, thực hiện chưa thường xuyên, liên tục. Từ năm 2012 tới hết năm 2018, đã có sáu người đứng đầu vi phạm trong thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm, như: buông lỏng công tác lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát...
Tỉnh Bắc Kạn hiện có 1.548 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu |
Những sai phạm liên quan người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu ở nhiều cơ quan, đơn vị cho thấy, vẫn còn biểu hiện thiếu trách nhiệm, dẫn tới sai phạm liên quan rộng, kéo dài mà chưa được xử lý kịp thời. Thí dụ, sai phạm của Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh trong giám định người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học (đi-ô-xin) dẫn tới phải xử lý kỷ luật, chấn chỉnh 12 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau; sai phạm trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn dẫn tới tỉnh phải kỷ luật, chấn chỉnh bốn người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu ở các đơn vị liên quan…
Phó Bí thư Huyện ủy Chợ Đồn (Bắc Kạn) Ma Thị Na cho biết, việc thực hiện công tác đánh giá cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị còn thiếu chuẩn xác, chưa công bằng; chưa phản ánh thực chất quá trình rèn luyện, tu dưỡng, chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo, vẫn còn tình trạng đánh giá chiếu lệ, cảm tính, thiếu tinh thần xây dựng, đang là những rào cản đối với việc nêu gương thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu. Cái khó nhất là chưa có một hướng dẫn cụ thể việc “lượng hóa” các tiêu chí đánh giá cán bộ một cách chi tiết, sát thực nhất.
Trên thực tế, đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, huyện, có trình độ, năng lực cao hơn thì việc thực hiện nêu gương có thuận lợi hơn. Nhưng đối với cấp cơ sở, nhất là các địa phương miền núi còn nghèo, khó khăn như Cao Bằng, Bắc Kạn, đây là điều khó. Hiện tại, có một thực tế là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu ở cơ sở không được hưởng phụ cấp công vụ, chỉ có lương. Trước hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người còn phải phân bổ thời gian, suy nghĩ cho việc lo kinh tế gia đình, ảnh hưởng chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Do trong giai đoạn giao thời, phần lớn người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cấp cơ sở phải dành nhiều thời gian đi học, chuẩn hóa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, ảnh hưởng tới chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo tại địa phương.
Tại Cao Bằng, một số người đứng đầu dù nhận việc khó nhưng lại chưa có giải pháp giải quyết hiệu quả nên công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn, tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn chậm. Sự phối hợp giữa cấp với ngành, ngành với ngành, ngành với địa phương có lúc chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả. Công tác tham mưu, đề xuất về cơ chế chính sách và giải pháp tháo gỡ những khó khăn của các sở, ngành, địa phương còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, kể cả cán bộ chủ chốt, trách nhiệm chưa cao, chưa quyết tâm cho nên nhiều khó khăn, bức xúc của người dân, doanh nghiệp chậm được giải quyết.
Một thí dụ về những bất cập trong công tác đầu tư phục vụ đời sống nhân dân thời gian qua ở Cao Bằng là công trình cấp nước sinh hoạt trung tâm xã Minh Long, huyện Hạ Lang có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng, hoàn thành từ tháng 5-2018 nhưng hiệu quả thấp do công tác quản lý, bảo dưỡng, vận hành yếu kém. Công trình thiết kế cấp nước cho 223 hộ nhưng chỉ có 23 hộ ở xóm Luộc Khiếu có nước. Người dân nhiều lần kiến nghị với xã, huyện nhưng công tác giải quyết chậm do Chủ tịch UBND xã (đồng thời là chủ đầu tư công trình) thiếu trách nhiệm, không trao đổi với đơn vị thi công, tìm giải pháp khắc phục. Thậm chí khi phóng viên trao đổi, Chủ tịch UBND xã Minh Long vẫn khẳng định không hề nhận được phản ánh của người dân. Chỉ khi báo chí vào cuộc, huyện Hạ Lang chỉ đạo, công trình mới được khắc phục.
Đến ngày 30-9, Cao Bằng mới giải ngân được gần 973 tỷ đồng vốn đầu tư, đạt 39% kế hoạch, trong đó, tám chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, bốn chủ đầu tư giải ngân 0%. Một số dự án có tổng mức đầu tư lớn như: Tỉnh lộ 208, cầu đường bộ II Tà Lùng - Thủy Khẩu và dự án kè bờ trái sông Hiến, tỷ lệ giải ngân chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cả tỉnh. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân do chủ đầu tư thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, phối hợp giải quyết khó khăn. Công tác cải thiện môi trường đầu tư còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Vì vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của Cao Bằng chỉ xếp thứ 57 trong cả nước.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn, quá trình triển khai trong thực tiễn đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc cần sớm được khắc phục. Hiện nay, một số văn bản của Đảng, Nhà nước chưa đồng nhất về một số nội dung dẫn tới lúng túng, vướng mắc trong thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, như: thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức hay tuổi bổ nhiệm trong văn bản của Đảng, Nhà nước khác nhau. Hệ thống văn bản về công tác tổ chức và quản lý cán bộ hiện nay chưa thật sự hoàn thiện, chưa kịp thời, như: hướng dẫn một số nội dung sáp nhập về tổ chức bộ máy, một số mô hình điểm theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành T.Ư, dẫn đến việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân một số cơ quan, đơn vị sau sáp nhập còn lúng túng. Mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân cũng như cơ chế phân công trách nhiệm giữa tập thể, cá nhân trong công tác cán bộ chưa thật sự rõ ràng.
Quyết liệt thực hiện
Đồng chí Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết, muốn có người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trách nhiệm, nêu gương thì phải làm tốt ngay từ khâu đào tạo, rèn luyện, bổ nhiệm. Bắc Kạn thống nhất chỉ đạo, khi bổ nhiệm, tiêu chí đầu tiên cần xét tới là đạo đức, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Theo quy định của T.Ư, quy trình bổ nhiệm thực hiện năm bước. Bên cạnh năm bước này, tỉnh quy định thêm bước thứ sáu, là kiểm tra, sát hạch. Bước thứ sáu này để kiểm tra khả năng nắm chỉ thị, nghị quyết của T.Ư, chính sách của tỉnh; kế hoạch triển khai công việc nếu như được bổ nhiệm; khả năng thuyết trình và nhất là chống việc chạy chức, chạy quyền. Theo cách này, từ năm 2016 tới nay, Bắc Kạn đã thành lập 22 hội đồng tư vấn kiểm tra, sát hạch 83 ứng viên, bổ nhiệm 18 lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhưng không có đơn thư khiếu nại, tố cáo nào về trình độ, khả năng, quy trình bổ nhiệm.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu, Bắc Kạn đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh phân công, phân cấp về công tác cán bộ, tạo điều kiện cho người đứng đầu có vai trò, quyền hạn và trách nhiệm nhiều hơn trong công tác cán bộ. Xây dựng các văn bản quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác cán bộ, nhất là quyền giới thiệu, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, đồng thời xác định rõ khi có cán bộ dưới quyền phạm sai lầm, khuyết điểm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới. Quan tâm bồi dưỡng người đứng đầu cả về trình độ chính trị, chuyên môn và năng lực quản lý, trong đó nhấn mạnh “nói phải đi đôi với làm”, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Bắc Kạn cũng kiến nghị T.Ư sớm nghiên cứu, xem xét sửa đổi bất cập để thống nhất thời hiệu xử lý kỷ luật, tuổi bổ nhiệm lần đầu giữa văn bản của Đảng với văn bản của Nhà nước.
Tại Cao Bằng, quyết liệt thực hiện nêu gương và giám sát việc nêu gương, Tỉnh ủy thành lập hai đoàn kiểm tra trách nhiệm nêu gương của cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Qua kiểm tra, các đoàn thẳng thắn chỉ ra ưu điểm, hạn chế, đề xuất phương án khắc phục, tạo chuyển biến tốt. Từ kết quả đạt được, Cao Bằng tiếp tục duy trì các đoàn kiểm tra này. Tỉnh chỉ đạo đánh giá thực chất, nhân rộng những cách làm hay trong nêu gương. Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc (Cao Bằng) Công Văn Hưu cho biết, qua đánh giá huyện thấy rằng, hạn chế lớn nhất còn tồn tại là chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Từ tháng 10-2018, Huyện ủy tổ chức sinh hoạt dưới cờ, chào cờ đầu tuần hằng tháng. Trong buổi chào cờ, lãnh đạo Huyện ủy sẽ đánh giá công tác, tập thể, cá nhân nào làm tốt thì khen, trường hợp làm chưa tốt nhắc nhở công khai. Việc nêu khuyết điểm dưới cờ là một cách “rèn” cán bộ để cán bộ làm tốt hơn, đi đôi với nêu cao tính tự giác của cá nhân, cơ quan, đơn vị. Nhờ vậy, tiến độ giải quyết công việc, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt được nâng cao.
Đồng chí Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền thực hiện công việc cho cán bộ, địa phương, đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc, trách nhiệm nêu gương; khắc phục thái độ thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết thay thế cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm và không hoàn thành nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Tiếp tục thực hiện tốt khâu đột phá trong nêu gương, cán bộ chủ chốt, ngoài phụ trách chung còn nhận một đến hai nhiệm vụ khó, đột phá để thực hiện.
Việc chủ động phát huy tinh thần nêu gương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu tại Cao Bằng và Bắc Kạn đã tạo chuyển biến bước đầu quan trọng trên các lĩnh vực ở hai địa phương. Những va vấp trong thực tiễn cũng đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế là kinh nghiệm quý để hai tỉnh sớm khắc phục, kiến nghị T.Ư điều chỉnh những quy định còn chưa phù hợp, nhằm tiếp tục nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong thời gian tới.
Tuấn Sơn
(Báo Nhân Dân)