Vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong tiến trình cách mạng Việt Nam
Từ sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, các thế lực phản động trong nước và quốc tế ra sức cổ súy, hô hào đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập theo “mô hình” tư bản phương Tây, nhất là trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc các khóa. Chúng ra sức chống phá Đảng và Nhà nước ta, nhằm mục tiêu phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Bài viết dưới đây chứng minh sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
1. Sự lãnh đạo của đảng trong tiến trình cách mạng Việt Nam
Vào những năm đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước. Ngọn cờ cứu nước của giai cấp phong kiến đã lỗi thời, ngọn cờ của giai cấp tư sản cũng không phất cao lên được, điển hình là thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng tiến hành. Cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước thực chất là cuộc khủng hoảng về sự lãnh đạo cách mạng của một giai cấp tiên tiến mà đại biểu là chính đảng cách mạng. Đất nước trong cơn bế tắc, “tình hình đen tối như không có đường ra”, năm 1911, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, Người đã tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để thành lập Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.
Qua một quá trình chuẩn bị, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là kết quả của quá trình vận động cách mạng trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; là sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam từ đó đến nay. Đảng ra đời sớm có Cương lĩnh cách mạng đầu tiên đúng đắn. Cương lĩnh xác định: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản… Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập”(1). Cương lĩnh đáp ứng đúng yêu cầu của cách mạng Việt Nam, bảo đảm cho Đảng giành được quyền lãnh đạo phong trào cách mạng, đồng thời phản ánh vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ngay từ khi mới ra đời. Đánh giá sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”(2).
Vừa mới ra đời, Đảng đã phát động ngay được cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh. Cao trào đã thu hút đông đảo quần chúng công nông cả nước đấu tranh chống ách thống trị của bọn đế quốc, phong kiến. Thành quả lớn nhất của cao trào cách mạng 1930-1931, mà cuộc khủng bố trắng tàn khốc của đế quốc và phong kiến đã không thể nào xóa nổi là ở chỗ, nó khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo duy nhất thuộc về Đảng ta; ở chỗ, nó đem lại cho quần chúng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong khi khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, khả năng cách mạng to lớn của công nông, nó cũng chứng tỏ tính chất phiêu lưu, cải lương của giai cấp phong kiến và tư sản mại bản. Đó là thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển về sau của cách mạng Việt Nam. “Trực tiếp mà nói, không có những trận chiến đấu rung trời chuyển đất những năm 1930-1931, trong đó công nông đã vung ra nghị lực cách mạng phi thường của mình, thì không thể có cao trào những năm 1936-1939”(3). Đây là “cuộc tổng diễn tập đầu tiên” cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Những năm 1936-1939, một thời kỳ đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp kết hợp chặt chẽ với hoạt động bí mật, bất hợp pháp diễn ra ở nước ta. Khi Mặt trận Nhân dân lên cầm quyền ở Pháp, Đảng coi đây là một cơ hội tốt để đưa cách mạng tiến bước. Đảng đề ra mục tiêu cho thời kỳ này là “chống phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình”. Cao trào cách mạng 1936-1939 dưới sự lãnh đạo của Đảng là thời kỳ vận động quần chúng sôi nổi với nhiều hình thức tổ chức và hoạt động linh hoạt, phong phú, kể cả việc lợi dụng các “Viện dân biểu”, các “Hội đồng quản hạt” do thực dân Pháp lập ra. Đảng đã động viên, giáo dục cho hàng triệu quần chúng trong các cuộc đấu tranh chính trị rộng khắp. Sự lãnh đạo của Đảng thời kỳ này đánh dấu bước trưởng thành, thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng ta, chuẩn bị điều kiện để đưa quần chúng vào những trận chiến đấu quyết liệt trong những năm 1940-1945.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp quỳ gối dâng nước ta cho phát xít Nhật, dân ta một cổ hai tròng. Đảng nhận định đây là thời kỳ mà ách áp bức, bóc lột và chiến tranh đế quốc làm cho nhân dân ngày càng cách mạng hóa, cách mạng sẽ bùng nổ. Đảng quyết định lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp rộng rãi các lực lượng dân tộc dân chủ, đồng thời xây dựng các căn cứ địa và những đơn vị vũ trang đầu tiên, phát động phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật sôi nổi, mạnh mẽ. Khi Nhật hất cẳng Pháp, Đảng đã tranh thủ thời cơ, chuyển hướng mau lẹ, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước, tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền nhanh gọn trong cả nước, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa Đảng ta lên vị trí lãnh đạo, cầm quyền. Đánh giá về cuộc Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(4) .
Sau Cách mạng Tháng Tám, khi chính quyền cách mạng còn trứng nước, trước nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng do thù trong giặc ngoài gây ra, tình hình đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”. Với sự lãnh đạo sáng suốt, vừa cứng rắn về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược, Đảng đã lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm trở, lướt sóng đi lên. Lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, lúc thì tạm hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng và quét sạch bọn phản động tay sai, giành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó cho thấy sự lãnh đạo tài ba của Đảng ta và đã “được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược lêninnít”.
Sự lãnh đạo tài ba của Đảng ta còn thể hiện rõ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính” và đã giành được thắng lợi vẻ vang, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu, giải phóng miền Bắc, tạo điều kiện cơ bản để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đảng lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp có ý nghĩa không chỉ với nước ta mà còn đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời, cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và XHCN trên thế giới”(5).
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài ba của Đảng, nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 với tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng và quả cảm, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Giải phóng miền Nam, xây dựng CNXH ở miền Bắc. Với đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, Đảng đã kết hợp sức mạnh của tiền tuyến lớn với hậu phương lớn, động viên đến mức cao nhất lực lượng của toàn dân vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một cuộc kháng chiến đã kết tinh, tổng hợp và phát triển lên trình độ cao những truyền thống cách mạng và năng lực sáng tạo của Đảng ta, dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH trên đất nước ta. “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”(6).
Hơn 30 năm đổi mới là giai đoạn lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt về sự lãnh đạo của Đảng ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện và triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, thể hiện tài năng lãnh đạo của Đảng ta. Đất nước ta đã đạt được những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước được hình thành; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; dân chủ XHCN được phát huy và ngày càng mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Thời gian là hòn đá thử vàng, 90 năm qua là giai đoạn đặc biệt của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, là thời gian mà đất nước và dân tộc vượt qua nhiều thách thức, có lúc hiểm nghèo. Mỗi lần vượt qua thách thức, Đảng và dân tộc ta lại trưởng thành, vươn lên tạo dựng những mốc son mới. Những mốc son chói ngời đó chứng minh rõ tài năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Chỉ điểm qua những kết quả nêu trên, có thể khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
2. Tiếp tục nâng cao vai trò và sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới
Bước sang giai đoạn mới, để nâng cao vai trò và sự lãnh đạo, Đảng cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên. Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm của Việt Nam, tạo bước đột phá để phát triển.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng. Thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương. Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”(7).
Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch.
Thứ tư, nâng cao năng lực lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, đúng với tư cách nền tảng pháp lý cho quyền làm chủ của nhân dân. Ở đó, sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực nhà nước cần rõ ràng, rành mạch, không trùng chéo, tạo ra sự hỗ trợ, tương tác và kiểm tra, giám sát lẫn nhau để vận hành hiệu quả của các cơ quan quyền lực trên cơ sở phát huy cao nhất sức mạnh của Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đó cũng là cơ sở pháp lý nâng cao vai trò và sự lãnh đạo toàn diện hệ thống chính trị nước ta.
Thứ năm, nâng cao năng lực lãnh đạo hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Kiên trì phấn đấu hoàn thiện cơ bản và đồng bộ hệ thống thể chế theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính dự báo được thể hiện trong xây dựng và thực thi thể chế kinh tế, tạo điều kiện ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ sáu, thực hiện tốt mục tiêu mà Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng vừa qua đã đề ra: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ công chức, viên chức”(8).
Thứ bảy, thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu mà các Hội nghị Trung ương khóa XII của Đảng vừa qua đã đề ra: Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền. Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. đi vào chiều sâu. Chuẩn bị thật tốt những vấn đề cơ bản về nội dung và nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thứ tám, cần xác định đấu tranh PCTN, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và của toàn hệ thống chính trị. Là một đảng cầm quyền, Đảng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm về kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức và trách nhiệm công vụ. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong PCTN, lãng phí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, đúng pháp luật hành vi tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất trong nhận thức và sự đồng thuận trong xã hội về PCTN, lãng phí.
Đảng ta khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao vai trò và sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ XHCN, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhân dịp đón Xuân Canh Tý 2020, chúng ta có thể tự hào rằng: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, xứng đáng là Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.3, tr.1.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.406.
(3) Lê Duẩn: Dưới là cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì CNXH, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb
Sự thật, H.1970, tr.37.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.7, tr.25.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.410.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, H.1976, tr.5-6.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.201-202.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb CTQG,
H.2018, tr.45-46.
|
PGS.TS. Lê Văn Yên
(Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật)