Gắn phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên với phòng, chống tham nhũng, giải pháp chủ động phòng ngừa tham nhũng từ sớm, từ xa
Kết luận số 05-KL/TW, ngày 03/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Ban Bí thư đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp nghiên cứu, đề xuất bổ sung nội dung phòng, chống tiêu cực vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN để chỉ đạo PCTN và tiêu cực. Đây là một chủ trương mang tầm chiến lược quan trọng, gắn PCTN với phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên nhằm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước tình hình tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tiếp tục diễn biến phức tạp.
1. Tiêu cực trong cán bộ, đảng viên là nguyên nhân, điều kiện làm gia tăng nguy cơ tham nhũng
Bàn về tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học tại cuộc Hội thảo khoa học “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Vấn đề lý luận và thực tiễn” do Ban Nội chính Trung ương tổ chức tháng 7/2021 đều cho rằng đây là một khái niệm có nội hàm rộng, bao gồm lời nói, hành động, việc làm vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trái với các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra là những tiêu cực nổi lên mà Đảng ta xác định cần phải tăng cường đấu tranh phòng, chống. Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trong mấy năm qua cho thấy 27 biểu hiện suy thoái nêu trên cần phải được tiếp tục cụ thể hóa thành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để làm căn cứ phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả, nhưng rõ ràng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên hiện nay đang xảy ra cả trong tư tưởng chính trị và trong đạo đức, lối sống mà biểu hiện nghiêm trọng nhất là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến người cán bộ, đảng viên dần tự đánh mất phẩm chất, lý tưởng Cộng sản.
“Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống…”. Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ngày 18/3/2021. |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng |
Do vậy, phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên là cuộc đấu tranh có phạm vi bao quát toàn diện, trong đó, PCTN là một bộ phận quan trọng mà Đảng ta đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để ngăn chặn, đẩy lùi một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Như vậy, có thể hiểu PCTN gắn với phòng, chống tiêu cực là hàm ý mở rộng phạm vi đấu tranh phòng, chống những hành vi, biểu hiện tiêu cực khác của cán bộ, đảng viên làm phương hại đến uy tín, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, lợi ích của Nhà nước, quốc gia, dân tộc và của nhân dân. Trong số các biểu hiện, hành vi tiêu cực đó có nhiều nhân tố là nguyên nhân, điều kiện dẫn tới tham nhũng, như buông lỏng quản lý, vi phạm quy định về quản lý kinh tế - xã hội, suy thoái về đạo đức, lối sống...
Như vậy, có thể thấy những vi phạm kỷ luật có liên quan hoặc là nguyên nhân, điều kiện của tham nhũng xảy ra khá phổ biến, cần phải đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống để nâng cao tính chủ động trong thực hiện mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng trong thời gian tới.
2. Đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên gắn với phòng, chống tham nhũng là ngăn ngừa, hạn chế từ sớm, từ xa mầm mống tham nhũng, là chống tham nhũng “cả gốc lẫn ngọn”
Tham nhũng có nguồn gốc sâu xa từ bên trong con người, xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân và lề lối làm việc quan liêu, độc đoán, xa rời quần chúng của cán bộ, đảng viên, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ cách đây hơn nửa thế kỷ, trong đó chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân, lề lối làm việc quan liêu, độc đoán, xa rời quần chúng là điều kiện. Quá trình dẫn tới hành vi tham nhũng là quá trình biến đổi nhân cách, đạo đức, tác phong, lề lối làm việc và nhu cầu hưởng thụ của cá nhân cán bộ, đảng viên từ tích cực sang tiêu cực, chịu sự tác động của điều kiện thực thi chức vụ, quyền hạn được giao, sự giám sát, kiểm soát quyền lực và sự giám sát, quản lý tài sản công. Quá trình này có thể diễn ra dài hoặc ngắn, nhưng đều có những hành vi lệch chuẩn biểu hiện ra bên ngoài qua lời nói, hành động, việc làm, lối sống, quan hệ… của cán bộ, đảng viên, có thể nhận biết được và nếu tác động ngăn ngừa, chấn chỉnh, xử lý kịp thời sẽ không dẫn đến hành vi tham nhũng. Các hành vi, biểu hiện tiêu cực là nguyên nhân, điều kiện tham nhũng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã được Đảng, Nhà nước ta nhận diện khá rõ trong các quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về kỷ luật đảng viên, các quy định về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định của pháp luật hành chính, hình sự. Trên thực tế trong những năm gần đây, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua, Đảng ta đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên, thực hiện phương châm “ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”(1), kết quả đã góp phần quan trọng xiết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong bộ máy nhà nước, từ đó có tác dụng ngăn ngừa tham nhũng.
Từ chiều ngược lại, qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, các cơ quan chức năng cũng phát hiện được những hành vi tiêu cực nổi lên, phổ biến, nghiêm trọng của cán bộ, đảng viên ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương trong từng thời kỳ, giai đoạn nhất định. Từ đó có những kiến nghị, đề xuất với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị xác định đúng trọng tâm và tăng cường các biện pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý. Một số nguyên nhân xuất phát từ tiêu cực của cán bộ, đảng viên dẫn tới tham nhũng được chỉ ra như: “Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác PCTN; còn có tổ chức đảng thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức thờ ơ, ngại đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...; tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, nhất là trong những khâu, quy trình, thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp; việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý có trường hợp chưa thực hiện đúng quy định về quy trình, thủ tục, thậm chí có trường hợp bổ nhiệm “thần tốc“, bổ nhiệm không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thiếu minh bạch... gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận...”(2).
Trên thực tế, khi người cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì hành vi tham nhũng và các hành vi tiêu cực khác xảy ra không có ranh giới, thậm chí trở thành nguyên nhân, điều kiện của nhau, rất dễ dẫn đến “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”. Rõ ràng, PCTN và phòng, chống các biểu hiện, hành vi tiêu cực khác của cán bộ, đảng viên là hai bộ phận của một cuộc đấu tranh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần phải được tiến hành đồng thời, đồng bộ, có sự kết hợp, gắn bó chặt chẽ với nhau để phát huy hiệu quả của từng bộ phận và bảo đảm tính toàn diện của nhiệm vụ này.
3. Nhận diện những hành vi tiêu cực trong cán bộ, đảng viên cần tập trung phòng, chống để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng
Cụ thể hóa và đồng bộ hóa quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên mà trọng tâm là quy định về các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp cần tập trung phòng, chống là yêu cầu cấp thiết để đưa chủ trương gắn PCTN với phòng, chống tiêu cực đi vào cuộc sống. Như đã đề cập, tiêu cực là một phạm trù có nội hàm rộng, vốn là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, dùng để chỉ những biểu hiện, hành vi trái với các chuẩn mực xã hội của một quốc gia, cộng đồng, tập thể. Trong cán bộ, đảng viên thì tiêu cực bao gồm tất cả những gì cán bộ, đảng viên nói và làm trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cần thống nhất nhận thức là để xử lý được tiêu cực của cán bộ, đảng viên phải căn cứ vào các hành vi cụ thể được biểu hiện ra bên ngoài (lời nói, hành động, việc làm) và phải được quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước.
Qua rà soát các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hiện hành, có hàng nghìn hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên đã được thể chế hóa thành các hành vi vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật và phần lớn đã có các chế tài xử lý. Vấn đề đặt ra là cần khoanh vùng, thu hẹp diện tiêu cực để tập trung tăng cường đấu tranh phòng, chống, tránh tràn lan, kém hiệu quả. Một số nghiên cứu đã rà soát các nghị quyết, quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, lựa chọn ra các hành vi cụ thể vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có tính nghiêm trọng, phức tạp hoặc liên quan đến tham nhũng, nhưng khi hợp nhất lại thì thấy cách gọi tên và thuật ngữ sử dụng trong các quy định không có sự thống nhất, đồng bộ với nhau, không ít hành vi chưa có chế tài xử lý. Điển hình như, trong 27 biểu hiện suy thoái nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) có chủ nghĩa cá nhân, bệnh “thành tích”… nhưng khi tham chiếu đến các văn bản quy định những điều đảng viên không được làm, xử lý kỷ luật đảng viên… thì chưa rõ thuộc trường hợp nào để xử lý và cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định về chế tài xử lý những biểu hiện tiêu cực này; trong văn bản của Đảng quy định xử lý các hành vi “chạy” (chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy tội…), nhưng đối chiếu với các quy định pháp luật thì cách hiểu và vận dụng chế tài xử lý vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, trong thực tiễn công tác xây dựng Đảng, các biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên nổi lên và được nhận diện mang tính thời điểm, lịch sử, như trong nhiệm kỳ Đại hội XII nổi lên các biểu hiện “chạy”, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” và gần đây là “tham nhũng chính sách”…
Do đó, cần có một quy định mang tính nguyên tắc giúp định hướng nhận diện các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến tham nhũng để tạo thuận lợi cho việc tham chiếu, áp dụng các văn bản chuyên biệt của Đảng, Nhà nước trong xử lý và có thể sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với những chuyển biến, thay đổi của tình hình thực tiễn. Một vấn đề cần lưu ý là hiện nay trong nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng do tính chất định hướng, bao trùm nên có sử dụng một số thuật ngữ mang tính ước lệ, có nghĩa bóng như “các loại chạy”, “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”…, nếu vẫn được sử dụng nguyên văn trong các văn bản quy định cụ thể thì rất khó áp dụng hoặc phải được giải thích. Do đó, cách sử dụng ngôn ngữ, thuật ngữ trong các quy định để áp dụng vào thực tiễn cần phải nhất quán, rõ ràng, có tính pháp lý cao, không đa nghĩa, nhất là không sử dụng các thuật ngữ có nghĩa bóng. Vận dụng khoa học pháp lý để giải quyết vấn đề này thì thấy có 04 căn cứ để nhận diện các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp của cán bộ, đảng viên: (1) Tính chất quan trọng của khách thể bị xâm hại; (2) Tính chất quan trọng của chủ thể thực hiện; (3) Tính chất nghiêm trọng, phức tạp của hành vi; (4) Mức độ nghiêm trọng của hậu quả, tác hại đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và nhân dân. Đồng thời, cách định danh các hành vi phải thống nhất, phù hợp với các quy định khác của Đảng, Nhà nước, nhất là các văn bản được dẫn chiếu để xử lý vi phạm.
Từ nhận thức trên, theo quan điểm cá nhân người viết, các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp có liên quan đến tham nhũng của cán bộ, đảng viên có thể tập hợp thành các nhóm sau:
(1) Các hành vi vi phạm các nguyên tắc của Đảng dẫn đến sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành có mục đích vụ lợi đến mức phải bị xử lý bằng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước (khách thể bị xâm hại quan trọng);
(2) Các hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước biểu hiện sự suy thoái về đạo đức, lối sống hoặc có mục đích vụ lợi của cán bộ, đảng viên diện trung cấp, cao cấp hoặc người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị (chủ thể vi phạm quan trọng);
(3) Các hành vi phạm tội về kinh tế, chức vụ hoặc các tội khác có tính chất chiếm đoạt, mục đích vụ lợi hoặc gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tập thể, cá nhân (hành vi có tính chất nghiêm trọng);
(4) Các hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước có tính tổ chức hoặc có sự tham gia của nhiều người mà cán bộ, đảng viên là chủ mưu, cầm đầu, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tập thể, cá nhân (hành vi có tính chất phức tạp).
(5) Các hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng về đạo đức, lối sống; về lề lối, quy chế làm việc có mục đích vụ lợi, bị dư luận và nhân dân phản đối, lên án, các thế lực phản động, chống đối lợi dụng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng đến mức phải bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên (hậu quả nghiêm trọng).
Từ những nhóm hành vi có tính định hướng nêu trên, các cơ quan tham mưu cần tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tiêu cực bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, kịp thời và quy định dẫn chiếu áp dụng từ văn bản quy định chung đến các văn bản chuyên biệt để tạo thuận lợi cho các cấp ủy, tổ chức đảng, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng triển khai thực hiện.
(1) Phát biểu kết luận Hội nghị PCTN toàn quốc tháng 6/2018 của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. (2) Báo cáo tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. |
TS. Nguyễn Cảnh Lam
(Ban Nội chính Trung ương)