1. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 05-KL/TW, ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng yêu cầu tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; bổ sung nội dung phòng, chống tiêu cực vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Trên cơ sở đó, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất và toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đối với công tác PCTN, tiêu cực trong phạm vi cả nước; quán triệt, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, PCTN, tiêu cực, ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực (sau đây viết tắt là Quy định số 32), thay thế Quy định số 211-QĐ/TW, ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (sau đây viết tắt là Quy định số 211).
Điểm mới cơ bản trong Quy định số 32 là bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ban Chỉ đạo về chỉ đạo phòng, chống tiêu cực. Những điểm mới trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo).
- Về tên gọi của Ban Chỉ đạo: Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực (bổ sung từ “tiêu cực”). Về bố cục: Quy định số 32 gồm 4 chương, 17 điều, tăng 01 chương, 02 điều so với Quy định số 211. Cụ thể là: Bổ sung Chương I (Những quy định chung), trong đó bổ sung Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng) và Điều 3 (Phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo); chuyển quy định về chức năng (Điều 1) và nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo (Điều 9) của Quy định số 211 thành Điều 2 và Điều 4 của Quy định số 32.
|
Phiên họp 20 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng |
- Bổ sung một Điều về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1, Quy định số 32) như sau: Quy định này quy định về chức năng, phạm vi chỉ đạo, nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo. Quy định này áp dụng đối với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo (viết tắt là Cơ quan Thường trực) và các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.
- Về chức năng của Ban Chỉ đạo (Điều 2, Quy định số 32): Chuyển quy định về chức năng của Ban Chỉ đạo từ Điều 1, Quy định số 211 thành Điều 2, Chương I cho phù hợp với kết cấu của Quy định số 32, đồng thời, bổ sung nội dung về “phòng, chống tiêu cực”, cụ thể như sau: Ban Chỉ đạo do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước.
Phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực: “Chỉ đạo công tác PCTN; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu ham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ,…”. Điều 3, Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị.
|
- Bổ sung một Điều về phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo (Điều 3, Quy định số 32) cho phù hợp với chức năng mới như sau: Chỉ đạo công tác PCTN; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức của hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ (gọi chung hai loại vụ án, vụ việc này là vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm).
- Về nguyên tắc làm việc (Điều 4, Quy định số 32): Chuyển quy định về nguyên tắc làm việc tại Điều 9, Quy định số 211 thành Điều 4, Chương I cho phù hợp với kết cấu của Quy định số 32, cụ thể là: Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện; Ban Chỉ đạo hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuân thủ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tôn trọng, không làm cản trở hoạt động bình thường và không làm thay nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong công tác PCTN, tiêu cực.
- Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo (từ Điều 5 đến Điều 11, Quy định số 32): Để thực hiện chức năng mới của Ban Chỉ đạo (chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực), Quy định số 32 bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn về phòng, chống tiêu cực vào 07 nhóm nhiệm vụ và 05 nhóm quyền hạn của Ban Chỉ đạo, các nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo trong Quy định số 211 theo hướng: Bổ sung từ “tiêu cực” vào sau từ “tham nhũng” thành “tham nhũng, tiêu cực” và viết tắt tên gọi chung “các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm”, “các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ” là “vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm” trong các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Bổ sung nội dung: Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy quản lý thì báo ngay cho Ban Chỉ đạo, cấp ủy quản lý cán bộ để kịp thời chỉ đạo xử lý; đồng thời, chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ủy ban kiểm tra thuộc cấp ủy quản lý cán bộ để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu của tội phạm thì kịp thời chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển (Khoản 5, Điều 6, Quy định số 32).
- Về chế độ báo cáo (Điều 14, Quy định số 32), bổ sung: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương vào diện các cơ quan thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo về việc tổ chức thực hiện các kết luận của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; báo cáo với Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo được phân công chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực (Khoản 2, Điều 14). Đây là các cơ quan có liên quan nhiều đến các vụ việc, hành vi tiêu cực trên các lĩnh vực do từng cơ quan quản lý.
- Ngoài ra, bổ sung một số nội dung quy định về quan hệ công tác; chỉnh sửa một số từ ngữ, cách diễn đạt cho phù hợp, đồng bộ với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mới được bổ sung.
2. Xác định căn cứ, cơ sở, phạm vi, đối tượng lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tiêu cực ở các địa phương hiện nay.
Căn cứ, cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tiêu cực ở địa phương: Trong phạm vi bài viết này, cụm từ “địa phương” được giới hạn là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), từ đó làm hệ quy chiếu, căn cứ các quy định của Đảng, Nhà nước để vận dụng cho các địa phương cấp huyện, quận, cấp xã, phường, thị trấn… Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) nêu rõ: Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương. Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) xác định: Cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định công tác PCTN, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để lãnh đạo, chỉ đạo… Gắn công tác PCTN, lãng phí với việc thực hiện có hiệu quả… Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ). Quy định 42-QĐ/TW, ngày 03/10/2016 của Ban Bí thư quy định về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy (tại Điều 2) và Quy định số 10-QĐi/TW, ngày 12/12/2018 của Bộ Chính trị quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tại Điều 4, Điều 5) đều thể hiện các nội dung về nhiệm vụ PCTN, lãng phí, tiêu cực của cấp ủy cấp tỉnh. Quy định số 32, qua việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban Chỉ đạo (Điều 5, Điều 6), cũng đã gián tiếp đề cập chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn PCTN, tiêu cực của các cấp ủy, tổ chức đảng nói chung, cấp ủy cấp tỉnh nói riêng.
Cụ thể hóa phạm vi, đối tượng lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tiêu cực ở địa phương: Quy định số 32 xác định phạm vi, đối tượng phòng, chống tiêu cực, bao gồm hai nhóm nội dung:
Một là, phòng, chống tiêu cực nói chung, nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước.
Hai là, các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Trên thực tế, nhiều hành vi tiêu cực được thực hiện thường núp dưới hình thức bề ngoài là đúng quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng ẩn khuất đằng sau chính là bản chất tiêu cực, thậm chí là ở mức nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặt biệt nghiêm trọng, mà việc phát hiện, xử lý rất khó khăn, do tính “hợp lý” về mặt quy trình, hình thức thể hiện. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xác định có hiệu quả các hành vi tiêu cực và vận dụng các quy định của Đảng, Nhà nước trong xử lý.
Có ý kiến cho rằng, có 04 căn cứ để nhận diện các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp của cán bộ, đảng viên: Tính chất quan trọng của khách thể bị xâm hại; tính chất quan trọng của chủ thể thực hiện; tính chất nghiêm trọng, phức tạp của hành vi; mức độ nghiêm trọng của hậu quả, tác hại đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và nhân dân; đồng thời, chia các hành vi tiêu cực thành 05 nhóm: Các hành vi vi phạm nguyên tắc của Đảng; các hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các hành vi phạm tội của cán bộ, công chức; các hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước mang tính tổ chức, thiệt hại nghiêm trọng; các hành vi vi phạm đạo đức, lối sống(1). Quan điểm này cũng đã khá rõ ràng, nhưng trên thực tế vận dụng vẫn hết sức khó khăn. Từ góc độ nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, để định vị tính chất tiêu cực trong hành vi của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Một cách chung nhất, đó là các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống được quy định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Nhìn từ góc độ thực hiện nhiệm vụ, có hành vi tiêu cực trong công vụ và hành vi tiêu cực ngoài công vụ; dưới góc độ đạo đức, tiêu cực, có nghĩa là vi phạm các quy phạm đạo đức được xã hội đương thời thừa nhận; dưới góc độ chính trị, pháp lý, tiêu cực, đó là những hành vi vi phạm quy định của Đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và pháp luật của Nhà nước… Tuy nhiên, để nhận diện đúng hành vi tiêu cực và xử lý được thỏa đáng dựa trên các quy định của Đảng, Nhà nước cũng rất khó khăn, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo Quy định số 32, Ban Chỉ đạo chỉ đạo phòng, chống tiêu cực bao gồm các nội dung: Phòng, chống tiêu cực nói chung và phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng nói riêng.
Để xác định các vấn đề này ở địa phương, chúng tôi cho rằng, cần có hướng dẫn có tính chất vừa định hướng chung nhưng cũng cần cụ thể để dễ vận dụng. Có thể theo phương pháp lấy cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đối tượng chính của công tác phòng, chống tiêu cực làm trục chính, từ đó xác định các mối quan hệ khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của họ và mối quan hệ với chính bản thân họ để soi chiếu, phát hiện những biểu hiện tiêu cực, những hành vi tiêu cực đã rõ, có căn cứ (quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…) để xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Về lâu dài, nếu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực hoặc nếu chưa thành lập Ban Chỉ đạo, thì trong cả hai trường hợp, đều cần hướng dẫn rất cụ thể phạm vi, đối tượng lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tiêu cực cần tập trung ở địa phương. Từ góc độ thực tế, chúng tôi xin nêu mấy vấn đề sau:
Về phòng, chống tiêu cực nói chung, trước hết cần tập trung vào cán bộ lãnh đạo, quản lý, với những biểu hiện tiêu cực xoay quanh 06 mối quan hệ chủ yếu của họ gồm:
Một là, trong quan hệ với công việc, những biểu hiện tiêu cực phổ biến là: Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu. Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh. Thao túng trong công tác cán bộ. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Có hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, khen thưởng, phong tặng danh hiệu, đi học, đi nước ngoài. Chủ trì tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác. Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm hình phạt cho người khác.
Hai là, trong quan hệ với cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình, những biểu hiện tiêu cực phổ biến là: Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng. Lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể để thực hiện mục đích cá nhân. Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành. Đe dọa, trù dập, trả thù, không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý; kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo; bao che người bị tố cáo.
Ba là, trong quan hệ với doanh nghiệp, những biểu hiện tiêu cực phổ biến là: Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, thậm chí lập doanh nghiệp “sâu sau” để trục lợi. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đấu giá đất đai, tài sản nhà nước.
Bốn là, trong quan hệ với người dân, những biểu hiện tiêu cực phổ biến là: Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Vi phạm nghiêm trọng các quy định về tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân.
Năm là, trong quan hệ với những người thân thiết (vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh chị em ruột...), những biểu hiện tiêu cực phổ biến là: Để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích. Can thiệp, tác động để con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kinh doanh. Can thiệp, tác động để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) đi du lịch, học tập, chữa bệnh bằng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến ngành, lĩnh vực theo dõi, quản lý.
Sáu là, đối với bản thân mình, những biểu hiện tiêu cực phổ biến là: Báo cáo, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Trong tự phê bình còn giấu giếm, tranh công, đổ lỗi, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân. Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội. Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí. Về các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Xác định phạm vi các vụ án, vụ việc này như thế nào để cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, theo chúng tôi, quy về hai nhóm sau đây:
Thứ nhất, tất cả các vụ án, vụ việc ở mức độ nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm có bị can, bị cáo, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là cán bộ, đảng viên (có một trong các tình tiết như: Gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại; có liên quan đến nhiều địa phương, nhiều cấp; bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng tiến hành các hoạt động chống phá; được các phương tiện truyền thông đưa tin nhiều, đông đảo người dân quan tâm theo dõi, tạo thành các luồng dư luận khác nhau lan truyền trong xã hội).
Thứ hai, các vụ án, vụ việc khác xảy ra tuy không có cán bộ, đảng viên trực tiếp là bị can, bị cáo hoặc người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhưng có quan hệ trực tiếp, nói cách khác, có nguồn gốc, nguyên nhân từ 06 mối quan hệ nêu trên.
Nói tóm lại, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi nêu về những điểm mới trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo phòng, chống tiêu cực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, từ đó, bước đầu bàn về xác định phạm vi, đối tượng lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tiêu cực ở các địa phương hiện nay cần tập trung. Đây là những vấn đề lớn, mới, khó, tiếp tục cần có hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện ở các địa phương. Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc, ngành Nội chính Đảng cần tiếp tục nghiên cứu, nắm vững, xác định rõ phạm vi, đối tượng tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tiêu cực; nâng cao chất lượng nắm tình hình địa bàn để chủ động, kịp thời phát hiện, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực; chủ động kiến nghị việc đưa vào diện chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn của cán bộ ngành Nội chính Đảng trong phòng, chống tiêu cực.
(1) TS. Nguyễn Cảnh Lam: Gắn phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên với PCTN - Giải pháp chủ
động phòng ngừa tham nhũng từ sớm, từ xa, Tạp chí Nội chính, số 91, tháng 8/2021, tr.16.
|
TS. Nguyễn Xuân Trường
(Ban Nội chính Trung ương)