Điểm mới trong Quy định những điều đảng viên không được làm - ý nghĩa lý luận, thực tiễn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nước ta hiện nay
1. Khái quát các quy định của đảng về những điều đảng viên không được làm
Ngày 12/5/1999, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định gồm 19 điều, là chế tài rèn luyện, xử lý kỷ luật đảng viên. Qua một thời gian thực hiện, ngày 03/01/2002, để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, Bộ Chính trị (khóa IX) sửa đổi, bổ sung Quy định số 55 và ban hành Quy định số 19-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm.
Sau hơn 05 năm thực hiện, Bộ Chính trị (khóa X) tiếp tục sửa đổi, bổ sung Quy định số 19, ngày 07/12/2007 ban hành Quy định số 115-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Ban Chấp hành Trung ương đã sửa đổi, bổ sung Quy định số 115 và ban hành Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 về những điều đảng viên không được làm. So với Quy định số 115, Quy định số 47 có nhiều bổ sung, sửa đổi về nội dung và hình thức thể hiện. Quy định số 47 bao hàm thêm nhiều hành vi hơn, nội dung có kết cấu lại vị trí một số điều để phù hợp với logic văn bản, gộp các điều có cùng nội dung điều chỉnh các hành vi; giữ nguyên nội dung các điều dễ áp dụng thức hiện, còn phù hợp tình hình thực tế; biên soạn mới một điều; sửa đổi, bổ sung một số điều theo hướng khắc phục các hạn chế của Quy định số 115 của Bộ Chính trị (khóa X). Như vậy, Quy định số 47 được Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành có tính pháp lý cao nhất, vừa bảo đảm về thẩm quyền ban hành theo quy định của Điều lệ Đảng, vừa có ý nghĩa nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên.
Từ khi ban hành Quy định số 47 đến nay, toàn Đảng có 112.497 đảng viên bị xử lý kỷ luật do vi phạm các quy định về những điều đảng viên không được làm. Trong đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật 272 đảng viên; tổ chức đảng, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trực thuộc Trung ương kỷ luật 111.732 đảng viên. Các vi phạm tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực chính như: Cố ý làm trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (26,23%); vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, quan liêu, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi (16,97%); làm trái quy định trong quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước; huy động vốn và cho vay vốn tín dụng; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án; thực hiện chính sách an sinh xã hội, cứu trợ, cứu nạn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các quy định trong hoạt động tố tụng (9,00%); mê tín, hoạt động mê tín, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi (9,4%); uống rượu, bia đến mức bê tha và các tệ nạn xã hội khác; vi phạm đạo đức nghề nghiệp; vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, sống chung với người khác như vợ chồng... bị xử lý kỷ luật chiếm tỷ lệ cao (41,71%)(1).
Trong nhiệm kỳ XI và XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 2.391.839 đảng viên, trong đó: Kiểm tra việc chấp hành quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ 999.133 đảng viên; việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống 1.054.957 đảng viên; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao 1.427.474 đảng viên; việc thực hiện những điều đảng viên không được làm 1.028.146 đảng viên, chiếm 42,98%. Qua kiểm tra, kết luận thực hiện chưa tốt 61.199 đảng viên, có khuyết điểm, vi phạm 14.664 đảng viên, phải thi hành kỷ luật 3.389 đảng viên. Cấp ủy các cấp đã giám sát 943.288 đảng viên, trong đó giám sát việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng 493.407 đảng viên; việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước 296.696 đảng viên; việc chấp hành quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ công tác 253.702 đảng viên; việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống 366.808 đảng viên; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao 528.593 đảng viên; những điều đảng viên không được làm 211.465 đảng viên, chiếm tỷ lệ 22,41%. Qua giám sát, số đảng viên phát hiện có dấu hiệu vi phạm 10.180 đảng viên; số đảng viên chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 1.757 đảng viên(2).
Số liệu trên cho thấy, Quy định về những điều đảng viên không được làm là căn cứ quan trọng, hiệu quả để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý đảng viên vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, Quy định số 47 đã bộc lộ một số nội dung còn hạn chế, chưa bao quát được đầy đủ các nội dung đảng viên không được làm, chưa theo kịp với thực tiễn phát triển của đời sống xã hội và đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một số nội dung trong Quy định số 47 còn thiếu, chưa cập nhật, bổ sung kịp thời những quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy chuẩn về đạo đức, lối sống; có điểm không còn phù hợp nên khi áp dụng còn vướng mắc. Quy định số 47 còn có những nội dung trùng lắp, chưa thật logic; một số khó khăn, vướng mắc cụ thể khác khó thực hiện khi áp dụng trong thực tiễn.
Vì vậy, Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết định sửa đổi, bổ sung Quy định số 47. Việc sửa đổi, bổ sung Quy định số 47 nhằm góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tha hóa quyền lực đã xảy ra trọng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu cấp ủy các cấp; đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, luôn nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ. Việc xây dựng Quy định về những điều đảng viên không được làm phải bám sát Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, kết thừa Quy định số 47; chỉ sửa đổi những nội dung không còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định mới xây dựng trên cơ sở tiếp thu, cập nhật chủ trương, quan điểm, nguyên tắc của Đảng trong các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, về trách nhiệm nêu gương và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan.
2. Những điểm mới trong Quy định về những điều đảng viên không được làm.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 25/10/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, đã ký Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm (sau đây gọi tắt là Quy định số 37), thay thế Quy định số 47. So với Quy định số 47, Quy định số 37 có những điểm mới chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, chuyển một số nội dung của 02 điều trong Quy định số 47 vào nội dung của các điều khác và từ đó thêm 02 điều mới. Các điều mới đó là, Điều 3 quy định đảng viên không được: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Đây là sự bổ sung rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu để phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đường lối của Đảng. Đại hội XIII của Đảng vừa qua tiếp tục nhấn mạnh điều này. Đồng thời, nội dung Điều này cũng quy định về lập trường, tư tưởng chính trị; cụ thể hóa Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương; quy định bao quát một số hành vi cụ thể, quan trọng, là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bổ sung điều mới tiếp theo là Điều 13, đảng viên không được: “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”. Việc bổ sung những nội dung này trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta đang quyết liệt đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực. Quy định những nội dung trên để phòng, chống và ngăn chặn kịp thời hành vi can thiệp, tác động vào hoạt động của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án và ngăn ngừa các hành vi xâm hại đến hoạt động tư pháp.
Thứ hai, Quy định số 37 đã bổ sung nội dung vào một số điều của Quy định số 47. Chẳng hạn như bổ sung vào Điều 9, đảng viên không được: “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”. Quy định này được bổ sung để phù hợp với những điểm mới trong Bộ luật hình sự và Luật Quốc tịch Việt Nam có liên quan. Bổ sung vào Điều 11 nội dung cấm đảng viên: “Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Việc bổ sung này là rất cần thiết. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”, Bộ Chính trị (khóa XIII) mới ban hành Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là kết luận rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay, đi đôi với khuyến khích, đồng thời phải có bảo vệ.
Quy định số 37 cũng bổ sung quy định một số hành vi mà đảng viên không được làm, như: Không được đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý (Điều 6); không có hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, khen thưởng, phong tặng danh hiệu, đi học, đi nước ngoài, thực hiện chế độ, chính sách cán bộ trái quy định (Điều 12); thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội (Điều 18).
Thứ ba, trong Quy định số 37 đã thay đổi thứ tự một số điều so với Quy định số 47. Chẳng hạn như, Điều 1 quy định không được “Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”. Điều 2: “Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép”; và Điều 3 là quy định mới. Ở đây có sự thay đổi thứ tự cho phù hợp, không theo thứ tự như Quy định số 47; đồng thời, được sắp xếp lại từ việc cấm những điều ảnh hưởng đến sinh mệnh của toàn Đảng, đất nước trước, sau đó đi vào những điều cụ thể.
Thứ tư, về hình thức văn bản và lối diễn đạt, hình thức văn bản trong Quy định số 47, mục thứ nhất (I) về những điều đảng viên không được làm không ghi rõ các điều. Nhưng tại Quy định 37, Mục I: Những điều đảng viên không được làm, đã quy định rất rõ các điều từ Điều 1 đến Điều 19; đồng thời, biên tập lại một số điều cho chặt chẽ hơn. Như tại Điều 1 của Quy định số 47 ghi rõ đảng viên không được nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng... còn trong Quy định số 37 không chỉ cấm đảng viên không được nói và làm trái, mà đảng viên không được viết trái. Nói chung, Quy định số 37 được xác định có tính khoa học, được xây dựng theo nhóm hành vi với các điều khoản chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, rõ nội hàm, rõ hành vi, bảo đảm ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện; đồng thời dễ kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật khi đảng viên có dấu hiệu hoặc vi phạm.
3. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của Quy định về những điều đảng viên không được làm đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay
Một là, Quy định về những điều đảng viên không được làm là một trong những cơ sở, chuẩn mực cho đảng viên phấn đấu, rèn luyện, nâng cao ý thức, trách nhiệm, gương mẫu chấp hành đường lối, quan điểm, Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của đảng viên, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng và các tiêu cực khác của một bộ phạn cán bộ, đảng viên. Nội dung trong Quy định về những điều đảng viên không được làm là một hệ thống chế tài để ngăn chặn hành vi vi phạm trong Đảng, đồng thời, thể hiện chủ trương mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Từ đó, mỗi đảng viên tự nhận thức được bản thân có trách nhiệm nêu gương thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và có nghĩa vụ chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều quy định của pháp luật, công dân được phép làm, song nếu ảnh hưởng đến vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên thì theo Quy định số 37, đảng viên cũng không được phép làm.
Quy định về những điều đảng viên không được làm là điểm rất riêng biệt mà mỗi đảng viên phải chấp hành. Bởi lẽ, mỗi đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích của cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng (Khoản 1, Điều 1, Điều lệ Đảng).
Cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về những điều đảng viên không được làm sẽ góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch. Đảng viên, trước hết là tư cách công dân, phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật đối với công dân. Tuy nhiên, với sứ mệnh là “chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”, các quy định của Đảng dành cho mỗi đảng viên phải nghiêm khắc hơn, đặt ra yêu cầu cao hơn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Quy định về những điều đảng viên không được làm là một trong những căn cứ triển khai thực hiện tự phê bình và phê bình, làm cơ sở để đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên hàng năm. Đồng thời, thực hiện nghiêm Quy định về những điều đảng viên không được làm sẽ từng bước góp phần kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, tha hóa quyền lực trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Hai là, Quy định về những điều đảng viên không được làm là cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra, chi bộ kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện và xử lý vi phạm. Với một hệ thống 19 điều, từ những vấn đề chung nhất liên quan đến sinh mệnh chính trị của Đảng, chế độ, cho đến những quy định cụ thể về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống... của đảng viên, Quy định về những điều đảng viên không được làm bao quát toàn diện các khía cạnh đảng viên cần phấn đấu, rèn luyện. Những nội dung về những điều đảng viên không được làm, nếu vi phạm đều có chế tài xử lý rất cụ thể, được thể chế hóa trong các văn bản khác của Đảng, như Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm; Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm...
Ba là, Quy định về những điều đảng viên không được làm là cơ sở để nhân dân, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và đảng viên giám sát đảng viên. Việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quy định về những điều đảng viên không được làm trong toàn Đảng là cơ sở để nhân dân kiểm tra, giám sát các hoạt động của cán bộ, đảng viên; để đảng viên giám sát các đồng chí của mình, góp phần khắc phục tình trạng phát ngôn vô nguyên tắc, tố cáo sai sự thật, tố cáo mạo danh, nặc danh, khiếu kiện tập thể, hiện tượng cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ. Việc giám sát của nhân dân, giám sát trong nội bộ đối với đảng viên, nhất là đảng viên có chức vụ góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch.
Bốn là, để thực hiện tốt Quy định về những điều đảng viên không được làm, cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy phải có nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quy trọng của Quy định trong các tổ chức đảng và đảng viên đối với việc xây dựng chuẩn mực, tư cách người cán bộ, đảng viên; gương mẫu, quyết liệt, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình chấp hành kỷ luật của cán bộ, đảng viên ở địa phương, đơn vị; tăng cường công tác giám sát đảng viên, nhất là giám sát chuyên đề, tập trung vào những lĩnh vực mà đảng viên hay mắc sai phạm, thông qua hoạt động của đảng viên trong các tổ chức đảng mà phòng ngừa, cảnh báo sai phạm. Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng và Nhà nước về kiểm tra, giám sát, kỷ luật cán bộ, đảng viên theo Điều lệ Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm theo hướng hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi cao, làm căn cứ cho việc xác định vi phạm, tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Việc nêu cao ý thức tự giác, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm và các quy định, nghị quyết, chỉ thị khác của Đảng và Nhà nước, trong đó có các quy định về trách nhiệm nêu gương sẽ hạn chế vi phạm, khuyết điểm của đảng viên.
(1) Nguồn: Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (2) Nguồn: Ủy ban Kiểm tra Trung ương |
TS. Nguyễn Xuân Trường
(Ban Nội chính Trung ương)