Khẳng định quyết tâm mạnh mẽ "không ngừng", "không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Thứ Tư, 09/02/2022, 09:37 [GMT+7]
Theo Báo cáo số 407/BC-CP, ngày 13/10/2021 của Chính Phủ trình Quốc hội khóa XV, công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước, sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn PCTN với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh PCTN. Thể hiện trên các mặt công tác sau:
1. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, quan trọng về quan điểm, đường lối, định hướng; các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng chương trình hành động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII.
Thực hiện Luật PCTN năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện, xử lý những sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng(1); tăng cường kiểm tra việc ban hành các văn bản dưới luật; hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như đầu tư xây dựng, đấu thầu, thu chi ngân sách, quản lý, sử dụng tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan(2)…
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tham gia phối hợp, nghiên cứu, xây dựng các Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và chỉ đạo ban hành như: Quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN; Đề án “Nghiên cứu, mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng”; Đề án “Nghiên cứu vấn đề xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp”; Đề án “Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát tài sản, thu nhập”; Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo (ảnh Thu Huyền) |
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Các cơ quan chức năng kịp thời phổ biến, tổ chức quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú(3); đã xuất bản 656.526 đầu sách, tài liệu tuyên truyền về PCTN; tổ chức 96.393 lớp cho 2.554.800 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... nhằm phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCTN (tăng 72,1% về số lớp so với năm 2020, trong đó có nhiều lớp được tổ chức bằng hình thức trực tuyến).
Thực hiện Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN, các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin kịp thời kết quả các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, kết quả xử lý kỷ luật của Đảng, kết luận thanh tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. Các cơ quan thông tấn, báo chí có nhiều bài viết, chuyên đề, phóng sự tuyên truyền, lan tỏa những kết quả nổi bật về công tác đấu tranh PCTN.
3. Kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng
Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an,Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục được kiện toàn tổ chức, bộ máy, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác quản lý nhà nước về PCTN và phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Cục Phòng, Chống tham nhũng (Cục IV) thuộc Thanh tra Chính phủ đã tích cực tham mưu, giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCTN, góp phần thực hiện các nhiệm vụ, chương trình công tác thanh tra và các nhiệm vụ thanh tra đột xuất được giao(4) . Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thuộc Bộ Công an đã tăng cường công tác phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đã thụ lý điều tra 09 vụ, 27 bị can; trong đó khởi tố mới 05 vụ, 18 bị can; thiệt hại của các vụ án thụ lý trong kỳ và án trước chuyển sang hơn 113 tỷ đồng, tài sản thu hồi hơn 130 tỷ đồng (gồm từ các vụ án trước chuyển sang) và hơn 20.000 cổ phiếu. Kết luận điều tra 03 vụ, 11 bị can; Viện kiểm sát nhân dân tối cao hủy bỏ Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 01 vụ, 01 bị can; chuyển cơ quan khác điều tra theo thẩm quyền 01 vụ, 03 bị can; hiện đang điều tra 04 vụ, 12 bị can.
Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5) thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết 18 tin báo (bằng cùng kỳ năm 2020). Cơ quan điều tra đã giải quyết 14 tin (tỷ lệ giải quyết đạt 77,7%, bằng cùng kỳ năm 2020); hiện đang xác minh 04 tin. Tổng số vụ án Vụ 5 truy tố chuyển Tòa án có thẩm quyền xét xử: 09 vụ/114 bị can (trong đó án mới 07 vụ/96 bị can). Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã xét xử 06 vụ/ 84 bị cáo (tỷ lệ giải quyết đạt 75%, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2020); còn lại 03
vụ/30 bị can (quá hạn 01 vụ/08 bị can).
4. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
- Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 251 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện công khai, minh bạch các khoản kinh phí, sử dụng đúng mục đích trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
- Ban hành 9.955 văn bản; hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.665 văn bản về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Tiến hành 3.927 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 283 vụ việc và 388 người vi phạm (giảm 28,2% số vụ so với năm 2020); đã xử lý hành chính 188 người; kiến nghị thu hồi 50,8 tỷ đồng, đã được thu hồi được 42,7 tỷ đồng.
- Đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 6.890 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (số trường hợp vi phạm giảm 7,3% so với năm 2020). Năm 2021, có 04 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định cho đơn vị, với số tiền 350 triệu đồng; có 02 người bị xử lý do có vi phạm về kinh doanh trong thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ.
- Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 27.316 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 52,5% so với cùng kỳ năm 2020). Việc chuyển đổi vị trí công tác bảo đảm, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét, công khai, công bố, cập nhật thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên. Tính đến ngày 22/6/2021, đã có 4.429 quy định kinh doanh đang có hiệu lực được thống kê, trong đó có 1.971 thủ tục hành chính, 1.782 yêu cầu, điều kiện trong hoạt động kinh doanh, 272 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, 32 quy định kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, 372 quy định về chế độ báo cáo.
- Đã có 1.284.375 người kê khai tài sản, thu nhập(5). Số bản kê khai đã hoàn thành công khai là 1.283.635 bản; đạt tỷ lệ 99% số bản đã kê khai.
- Năm 2021 có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 09 người). Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác PCTN tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách.
5. Phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công khai, minh bạch; thực hiện văn hóa ứng xử, PCTN trong doanh nghiệp; nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN được tăng cường; đã kiểm tra đối với 13 công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội; phát hiện 13 vụ, 19 đối tượng có hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước; 05 đối tượng đã bị xử lý hình sự.
6. Công tác thanh tra, kiểm toán giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng
Toàn ngành đã triển khai 6.712 cuộc thanh tra hành chính(6) và 188.047 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 61.846 tỷ đồng, 7.206 ha đất; kiến nghị thu hồi 16.775 tỷ đồng và 3.497 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 45.071 tỷ đồng, 3.708 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.925 tập thể và 4.286 cá nhân; ban hành 120.504 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 4.103 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 245 vụ, 182 đối tượng (tăng 58% số vụ). Toàn ngành tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.067 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Kết quả các cơ quan đã xử lý, thu hồi 10.072 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 76%), 81 ha đất; xử lý hành chính 2.627 tổ chức, 7.579 cá nhân; khởi tố 14 vụ, 16 đối tượng. Có 330.971 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 21,6% so với năm 2020), với tổng số người được tiếp là 358.661 người (giảm 21,9%) về 274.233 vụ việc (giảm 7,6%), trong đó có 3.439 đoàn đông người (giảm 9,%). Các cơ quan hành chính tiếp nhận 359.339 đơn các loại(7) (bao gồm: Đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh); đã xử lý 336.645 đơn, có 274.988 đơn đủ điều kiện xử lý(8), chiếm 76,5% tổng số đơn đã xử lý. Đã giải quyết 17.272 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 76,3% (giảm 7,2%).
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 13,7 tỷ đồng; 15,6 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 441 tỷ đồng; 41,6 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 51 tổ chức, 1.071 cá nhân; kiến nghị xử lý 571 người (trong đó có 442 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 12 vụ, 17 đối tượng (có 15 cán bộ, công chức). Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 103.208 tỷ đồng, gồm: Tăng thu ngân sách nhà nước 10.957,3 tỷ đồng, giảm chi NSNN 16.687,5 tỷ đồng; kiến nghị khác 75.563,2 tỷ đồng. Số kiến nghị xử lý tài chính trong giai đoạn nêu trên đã thực hiện là 44.973,3 tỷ đồng, gồm: Tăng thu ngân sách nhà nước 4.439,1 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 11.793,2 tỷ đồng; kiến nghị khác 28.741 tỷ đồng.
7. Công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng
Các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 582 vụ án, 1.262 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó, khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can (tăng 20 vụ, 49 bị can so với kỳ báo cáo năm trước). Đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 305 vụ, 804 bị can; tạm đình chỉ điều tra 37 vụ, 58 bị can; đình chỉ điều tra 04 vụ, 03 bị can; xử lý khác (thay đổi tội danh, nhập vụ án...) 10 vụ, 13 bị can; hiện đang điều tra 226 vụ, 384 bị can. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý: trên 800 tỷ đồng, 398.643,83 m2 đất, 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố: Viện kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 402 vụ/1.222 bị can, trong đó án mới 369 vụ/1100 bị can (tăng 29 vụ/363 bị can tương đương 8,2% so với cùng kỳ năm 2020); đã giải quyết 330 vụ/989 bị can (đạt 82%, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó: Truy tố 329 vụ/983 bị can (chiếm 99,6% tổng số án đã giải quyết); đình chỉ 01 vụ/06 bị can. Hiện đang giải quyết 72 vụ/233 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 415 vụ với 1.163 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 254 vụ với 631 bị cáo về các tội tham nhũng (so với cùng kỳ năm trước thụ lý giảm 21vụ và 12 bị cáo, xét xử giảm 15 vụ và 14 bị cáo). Trong số 631 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 06 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 22 bị cáo.
Kết quả công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế: Số việc phải thi hành 4.799 việc; số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc. Tổng số tiền phải thi hành trên 72 nghìn tỷ đồng; đang tổ chức thi hành trên 34 nghìn tỷ đồng; đã thu được trên 4 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nơi, có lúc còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, chưa thật đầy đủ, đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN có mặt còn hạn chế; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ, kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn bất cập. Việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại. Vẫn còn có địa phương trong năm không phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng…
Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nhân dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; tập trung kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để PCTN. Năm 2022, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng, trong đó có việc xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập…
Hai là, chú trọng đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến về PCTN; kịp thời chỉ đạo, định hướng, cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, kết quả công tác PCTN liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước theo Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ba là, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN ở địa phương, cơ sở; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ PCTN trong nội bộ các cơ quan có chức năng PCTN, không để cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực làm nhiệm vụ PCTN; ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm… hoặc lợi dụng hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi.
Bốn là, triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; tăng cường, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ… kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Năm là, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.
Sáu là, tăng cường thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW, ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Bảy là, củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực đơn vị chuyên trách PCTN đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là công tác quản lý nhà nước về PCTN (thể chế, chính sách), công tác kiểm soát tài sản, thu nhập và công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
(1) Trong kỳ báo cáo, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.702 văn bản (gồm 394 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 3.308 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh); phát hiện và kết luận, kiến nghị xử lý 76 văn bản chưa rõ ràng về nội dung, thẩm quyền (gồm 06 văn bản của cơ quan cấp Bộ và 70 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh).
(2) Chính phủ đã ban hành 159 nghị định, 180 nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ ban hành 59 quyết định về quản lý, điều hành. Các Bộ, ngành, địa phương ban hành 10.609 văn bản; sửa đổi, bổ sung 361 văn bản nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực.
(3) Ngày 25/8/2021, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về PCTN”, đối tượng tham dự là cán bộ, công chức, viên chức và người dân; nội dung thi là kiến thức pháp luật về PCTN, gồm các quy định về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng... UBND TP. Hà Nội tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19”. Bộ Tư pháp tổ chức cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi toàn quốc về pháp luật PCTN”, hiện Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1037/QĐ-BTP, ngày 22/6/2021 về Kế hoạch tổ chức cuộc thi. Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch số 1724/KH-BQP, ngày 07/6/2021 tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam”…
(4) Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam; Thanh tra việc sử dụng đất đai tại huyện Hoài Đức; Thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về cải thiện nhà ở.
(5) Chưa bao gồm số liệu của các tỉnh ủy, một số Ban Đảng Trung ương; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
(6) Riêng Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm về kinh tế 6.750 tỷ đồng, 1.205 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 4.082 tỷ đồng, 691 ha đất; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 2.668 tỷ đồng, 514 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính nhiều tổ chức, cá nhân; chuyển Cơ quan điều tra xử lý 16 vụ việc, trong đó có 07 vụ việc chuyển ngay trong quá trình thanh tra, xây dựng dự thảo kết luận (chưa ban hành kết luận thanh tra).
(7) Trong đó có 344.567 đơn tiếp nhận trong kỳ và 14.772 đơn tiếp nhận từ kỳ trước, chưa xử lý chuyển sang.
(8) Đơn đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm 2 Điều 6 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định Quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.
|
ThS. Trịnh Thăng Quyết
(Ban Nội chính Trung ương)
(Ban Nội chính Trung ương)