Mô hình cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc và giá trị tham khảo với Việt Nam

Thứ Bảy, 12/02/2022, 07:47 [GMT+7]

    1. Mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng của Trung Quốc

    Hiện nay, Trung Quốc duy trì mô hình đa cơ quan trong PCTN. Tuy các cơ quan chống tham nhũng tại Trung Quốc tương đối đa dạng, nhưng lấy hệ thống Ủy ban Giám sát làm trung tâm, thống nhất các lực lượng chống tham nhũng trong các cơ quan khác nhau về một mối. Qua nghiên cứu cho thấy, ở Trung Quốc hiện nay có các cơ quan sau đây tham gia và công tác chống tham nhũng:
 
    - Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương
    
    Ủy ban Kiểm tra kỷ luật gồm 04 cấp (Trung ương, tỉnh, châu và huyện) là cơ quan do Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương là 01 thường vụ Bộ Chính trị; 01 Phó Chủ nhiệm đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Nhà nước. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật có khoảng 200.000 cán bộ chuyên trách(1), Ủy ban Kiểm tra kỷ luật cấp dưới chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật cấp trên; có nhân viên thường trực trong các cơ quan của Chính phủ. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật có 03 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Bảo vệ kỷ cương, kỷ luật Đảng; xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và tham gia xây dựng đảng, thiết lập liêm chính trong Đảng, điều phối và thực hiện công tác PCTN. Từ năm 1993, Ủy ban này được sáp nhập với Bộ Giám sát (tương tự như Thanh tra Chính phủ của Việt Nam) và nay là Ủy ban Giám sát, phương thức làm việc là “một nhà hai cửa”, “một đội ngũ hai khối công việc”, “một đầu óc hai cánh tay” và hiệu quả của nó qua thực tiễn đã được mô tả là “1+1>2”.
 
    Trong công tác PCTN, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật có thẩm quyền thụ lý, xử lý các vụ việc tham nhũng. Khi phát hiện có vi phạm kỷ luật Đảng, tham nhũng thì tiến hành thụ lý, giải quyết. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì phối hợp với Ủy ban Giám sát tiến hành điều tra xử lý. Như vậy, có thể nói Ủy ban này có thẩm quyền điều tra ban đầu về tham nhũng đối với các đảng viên vi phạm.
 
Đồng chí Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội (ảnh Đặng Phước)
Đồng chí Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội (ảnh Đặng Phước)
    - Ủy ban Giám sát Nhà nước (NSC)
 
    Ủy ban Giám sát nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập vào tháng 3/2018 theo quy định của Luật Giám sát nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đây là cơ quan do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) thành lập với nhiệm kỳ 05 năm (cùng với nhiệm kỳ của Quốc hội Trung Quốc). Ủy ban Giám sát Nhà nước gồm Chủ nhiệm (do Quốc hội bầu), một số Phó Chủ nhiệm và Ủy viên (do Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm). Ủy ban Giám sát có ở 04 cấp tương tự như Ủy ban Kiểm tra kỷ luật, do Đại hội đại biểu nhân dân cùng cấp bầu. Ủy ban Giám sát Nhà nước do Quốc hội thành lập được ví như một cơ quan “siêu quyền lực” xếp ngang hàng với Quốc vụ viện, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và là đầu mối tập trung thống nhất công tác PCTN của Trung Quốc(2). Về hình thức, Ủy ban này do Quốc hội bầu; nhưng bản chất nó được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Ủy ban này có thẩm quyền giám sát việc chấp hành kỷ luật hành chính của công chức trong các cơ quan Đảng, cơ quan của Quốc hội, cơ quan hành chính, tư pháp, doanh nghiệp nhà nước.
    
    Trong công tác PCTN, Ủy ban này tập trung điều tra các tội phạm tham nhũng nghiêm trọng. Có thẩm quyền như: Xét hỏi, tạm giữ, hạn chế xuất cảnh đối với người vi phạm, phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài sản, quyết định các biện pháp truy nã (do cơ quan Công an ban bố lệnh), khám xét người, nơi ở… của người bị tạm giữ (quyền hạn được quy định tại các điều từ Điều 20 đến Điều 35 của Luật Giám sát).
 
    - Ủy ban Chính pháp Trung ương
 
    Ủy ban Chính pháp Trung ương tên đầy đủ là Ủy ban Chính trị pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) được thành lập năm 1990 và là tiền thân của Ủy ban pháp luật. Ủy ban này gồm Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia, Bộ Tư pháp và Tổng cục Chính trị Quân giải phóng nhân dân. Ủy ban Chính pháp cũng có ở 04 cấp như Ủy ban Kiểm tra kỷ luật, gồm có Bí thư, các phó bí thư và các ủy viên (trong đó có 01 Phó Bí thư là Bộ trưởng Bộ Công an và các ủy viên là thủ trưởng các bộ, ngành nêu trên).
 
    Trong công tác PCTN, Ủy ban Chính pháp có vai trò hết sức quan trọng trong đưa ra đường lối, điều phối các cơ quan tư pháp trong việc điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm tuân thủ pháp luật, giữ vững an ninh chính trị.
 
    - Cục phòng, chống tham nhũng quốc gia
    
    Cục PCTN quốc gia là cơ quan thuộc Chính phủ, được thành lập năm 2007 và cùng với Bộ Giám sát thực hiện cơ chế hợp nhất công việc theo mô hình “hợp thự biện công”(3); được thành lập ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Cục PCTN chịu trách nhiệm: Phụ trách việc tổ chức điều phối, quy hoạch tổng thể, xây dựng chính sách, chỉ đạo giám sát công tác PCTN toàn quốc; điều phối và chỉ đạo công tác PCTN trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể xã hội, tổ chức trung gian và tổ chức xã hội khác; phụ trách hợp tác quốc tế và viện trợ quốc tế về PCTN. Cơ quan này đã giải thể khi Trung Quốc thành lập Ủy ban Giám sát Nhà nước.
 
    - Viện kiểm sát nhân dân và Tổng cục chống tham ô, hối lộ
 
    Trong hệ thống bộ máy PCTN của Trung Quốc thì Viện kiểm sát nhân dân là một trong 3 cơ quan hạt nhân về PCTN và là cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng. Viện kiểm sát được thành lập ở 04 cấp (Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát cấp cao, Viện kiểm sát trung cấp và Viện kiểm sát sơ cấp).
 
    Trong công tác PCTN, Viện kiểm sát có thẩm quyền điều tra tất cả các vụ án liên quan đến tham nhũng(4), trong đó có các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do Ủy ban Kiểm tra kỷ luật hoặc Ủy ban Giám sát Nhà nước chuyển giao. Tổng cục chống tham ô, hối lộ được thành lập năm 1995 và qua nhiều lần cải tổ để bảo đảm tính độc lập trong hoạt đông khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, Tổng cục này đã bị giải thể và sáp nhập vào Ủy ban Giám sát Nhà nước từ năm 2018.
 
    - Các cơ quan khác
 
    Ngoài các cơ quan nêu trên hoạt động khá chuyên trách thì trong công tác PCTN còn có sự tham gia của nhiều chủ thể khác như việc xét xử các vụ án tham nhũng của Tòa án nhân dân, sự tham gia điều tra các vụ án tham nhũng của cơ quan Công an; việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của cơ quan Kiểm toán; sự phối hợp trong hoạt động phát hiện, điều tra án tham nhũng của các cơ quan tài chính, quản lý đất đai, hệ thống giám sát xã hội…
    
    Ưu điểm, hạn chế trong thiết kế mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng của Trung Quốc
 
    Có thể nhận thấy rằng, cơ quan chuyên trách chống tham nhũng của Trung Quốc được thay đổi qua các thời kỳ lãnh đạo khác nhau. Trước năm 2007, hệ thống cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc nằm rải rác ở cả các cơ quan của Đảng, cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan tư pháp; sự phân công nhiệm vụ và cơ chế phối hợp thiếu rõ ràng, tính chuyên nghiệp hóa chưa cao nên công cuộc chống tham nhũng tỏ ra thiếu hiệu quả; việc phát hiện tham nhũng chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý kéo dài, đa số là các vụ án nhỏ lẻ, ở địa phương mà rất ít vụ án tham nhũng do những người giữ chức vụ cao trong bộ máy chính quyền, Đảng Cộng sản bị xem xét, xử lý.
 
    Tuy nhiên, kể từ năm 2012, khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cơ chế hoạt động của cơ quan chuyên trách chống tham nhũng có sự thay đổi đáng kể, theo hướng độc lập hơn thì công cuộc chống tham nhũng của Trung Quốc thực sự phát huy hiệu quả. Sau khi Cục phòng ngừa tham nhũng quốc gia được thành lập năm 2007, tuy là cơ quan nằm trong hệ thống hành chính nhưng thực chất là được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương và thiết kế theo ngành dọc từ Trung ương xuống cơ sở, các cục ở địa phương không chịu sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời, tách Tòa án địa phương độc lập với chính quyền và Ủy ban Chính pháp địa phương thì nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, tồn đọng kéo dài đã được xử lý triệt để, nhiều cán bộ cao cấp trong Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương bị bắt giữ và đưa ra xét xử(5).
 
    Đặc biệt, sau khi Ủy ban Giám sát Nhà nước được thành lập để thống nhất hệ thống cơ quan chống tham nhũng trong hệ thống cơ quan hành chính, tư pháp lại với nhau (hiện nay, các cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc cấp Trung ương chỉ còn Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, Ủy ban Giám sát Nhà nước là cơ quan chống tham nhũng và làm việc theo chế độ “hợp thự biện công”; 01 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Nhà nước; ngoài ra còn có Ủy ban Chính pháp có chức năng điều hòa, phối hợp, lãnh đạo công tác PCTN trong các cơ quan tư pháp) đã cho thấy, Trung Quốc rất chú trọng đến tính độc lập, không thể can thiệp của các chủ thể khác vào hoạt động của cơ quan chuyên trách chống tham nhũng và công tác PCTN ở Trung Quốc đã được nâng lên và đi vào chiều sâu(6). Tuy hai cơ quan này do Đại hội Đảng toàn quốc và Quốc hội bầu, nhưng đều nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và thiết kế theo hệ thống dọc từ Trung ương xuống đến cơ sở. Đồng thời, với cách thiết kế mô hình cơ quan chống tham nhũng này của Trung Quốc, về mặt hình thức thì đây vẫn là 02 cơ quan riêng biệt với tổ chức và biên chế riêng, hoạt động theo quy định riêng (Ủy ban Kiểm tra kỷ luật hoạt động theo Điều lệ Đảng; Ủy ban Giám sát Nhà nước hoạt động theo Hiến pháp và Luật Giám sát); hai cơ quan này hoạt động trong một thể thống nhất. Với chức năng của mình, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức đảng theo Điều lệ Đảng; tiến hành các biện pháp thu thập, chứng cứ, tài liệu ban đầu.
 
    Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng thì chuyển hồ sơ sang Ủy ban Giám sát Nhà nước tiến hành điều tra. Ủy ban Giám sát sẽ tiến hành thu thập chứng cứ, điều tra tội phạm và chuyển sang Viện kiểm sát truy tố theo quy định của pháp luật. Cách thiết kế mô hình chống tham nhũng này còn cho thấy, Trung Quốc vừa dựa vào quyền uy của Đảng (có thể áp dụng các biện pháp thu thập tài liệu, giấy tờ, chứng cứ vượt ra phạm vi quy định của pháp luật (do pháp luật thường có độ trễ so với sự thay đổi của xã hội) để bảo đảm điều tra được tội phạm một cách hiệu quả nhất) và dựa vào các quy định của pháp luật để tối đa hóa hiệu quả hoạt động của các cơ quan chống tham nhũng mà vẫn bảo đảm pháp chế.
 
    Tuy nhiên, việc giao quá nhiều quyền năng đặc biệt cho các cơ quan này, nếu không kiểm soát chặt  chẽ việc sử dụng quyền lực cũng đồng nghĩa với việc lạm quyền, tham nhũng ngay trong chính các cơ quan chống tham nhũng(7).
 
    2. Giá trị tham khảo cho Việt Nam
 
    Nhìn chung, hệ thống cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc và Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng, rõ nét nhất là cùng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất và toàn diện của Đảng Cộng  sản. Sự lãnh đạo của Đảng chính là tiền đề, cơ sở quan trọng cho việc tổ chức thực hiện công tác PCTN trong phạm vi cả nước. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc tổ chức hệ thống chính trị và điều kiện, hoàn cảnh hiện nay của hai nước. Đảng Cộng sản lãnh đạo công tác PCTN thông qua nhiều phương thức khác nhau, như: Quyết định đường lối, chủ trương, chính sách PCTN; lãnh đạo công tác xây dựng pháp luật về công tác PCTN, công tác xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN; theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về công tác PCTN…
 
    Thực tiễn thời gian qua cho thấy, với những chỉ đạo quyết liệt, đột phá của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là của Đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, công cuộc đấu tranh PCTN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, giúp củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của Đảng Cộng sản, sự đúng đắn trong xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện công tác PCTN ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Đồng thời, cả Trung Quốc và Việt Nam đều đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác PCTN và công tác phối hợp giữa các cơ quan chống tham nhũng. Theo đó, các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, cơ quan tài chính, quản lý đất đai… và cơ quan tố tụng đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng như chuyển vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng… Thông qua hoạt động phối hợp đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; giúp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhất là trong thực hiện các biện pháp tố tụng. Đồng thời, qua đó giúp phát hiện các quy định chưa phù hợp, còn chồng chéo về nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan chống tham nhũng.
 
    Qua nghiên cứu mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng của Trung Quốc cho thấy một số gợi mở có thể thành công cho việc hoàn thiện các cơ quan PCTN ở Việt Nam như sau:
 
    Một là, sự độc lập của cơ quan chống tham nhũng được xác định là yếu tố căn bản để bảo đảm tính hiệu quả và cho phép cơ quan này tránh được những ảnh hưởng tiêu cực từ các cá nhân hay các yếu tố có quyền lực trong hoạt động của mình. Sự độc lập ở đây chủ yếu là độc lập với bộ phận điều tra của lực lượng cảnh sát hoặc độc lập với cơ quan truy tố, sự độc lập với chính phủ thể hiện ở mức độ thấp hơn. Sự độc lập đó, không ngoại trừ còn cần được thực hiện bởi các chính sách về bổ nhiệm người đứng đầu và ngân sách hoạt động, trong đó, việc thoát ly khỏi sức ảnh hưởng, quyền lực của nhánh hành pháp là một khẳng định mạnh mẽ để bảo đảm được sự độc lập thực sự, thể hiện ở việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng không phụ thuộc vào nhánh hành pháp và nguồn ngân sách đủ mạnh và không phụ thuộc vào cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, để tránh việc lạm quyền của cơ quan chống tham nhũng, cần có các cơ quan kiểm soát hoạt động của các cơ quan này.
 
    Hai là, sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực từ bên trong. Đảng Cộng sản với vai trò là lực lượng lãnh đạo cần phải tiếp tục hoàn thiện điều lệ Đảng, nguyên tắc hoạt động của Đảng thích ứng với tình hình mới của đất nước. Thể chế hóa các phương thức kiểm soát quyền lực, cơ chế kiểm tra và giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên theo hướng đơn giản, minh bạch và hiệu quả. Sự gương mẫu và quyết tâm của lãnh đạo Đảng, của mỗi đảng viên là nhân tố cực kỳ quan trọng góp phần vào sự thành công của chính sách chống tham nhũng. Cùng với đó là phát huy hiệu quả hoạt động của Ủy ban Kiểm tra  Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Bối cảnh cụ thể Việt Nam không phù hợp với sự phân tách quyền lực, song giữa các cơ quan quyền lực nhà nước vẫn cần duy trì sự kiểm soát và giám sát hành chính; phân định rõ vai trò, chức năng của mỗi cơ quan; chịu sự kiểm tra và giám sát của Quốc hội và nhân dân. 
 
    Ba là, thực tiễn tốt từ Trung Quốc đã chứng minh uy tín của các cơ quan này đối với công chúng cũng là một điều kiện quan trọng bảo đảm sự thành công của họ. Uy tín và niềm tin chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở công chúng cảm nhận về tính liêm chính, về năng lực của các cán bộ, công chức làm việc tại đây cũng như về khả năng các cơ quan đó đại diện được cho nhiều lợi ích trong xã hội. Muốn xây dựng uy tín cho cơ quan chống tham nhũng thì trước hết cần phải để người dân biết đến sự tồn tại của cơ quan đó và vai trò của nó (thông qua tuyên truyền, giới thiệu thông tin, đặc biệt là qua kênh truyền thông và tổ chức hội cơ sở). Quan trọng hơn là cơ quan chống tham nhũng phải khẳng định được vai trò của mình qua các hoạt động cụ thể (thực hiện các chiến dịch truyền thông, giáo dục về ý thức PCTN và đặc biệt là có những thành tích cụ thể trong xử lý tham nhũng). Công tác giáo dục và nâng cao nhận thức về chống tham nhũng có vai trò trọng yếu trong mỗi chiến lược chống tham nhũng. Việc chú trọng công tác này vừa làm giảm bớt nguy cơ tham nhũng vừa tranh thủ được sự ủng hộ của công chúng trong đấu tranh chống tham nhũng. Để thực hiện tốt chức năng giáo dục, truyền thông, các cơ quan này đã tiến hành hiệu quả công tác nghiên cứu để xây dựng thông tin, dữ liệu đầy đủ và một chuỗi công cụ truyền thông khác tới mọi đối tượng, lĩnh vực ngành nghề trong xã hội.
 
    Bốn là, việc có nhiều cơ quan tham gia vào công tác chống tham nhũng, trong đó có những đơn vị chuyên biệt về điều tra tội phạm tham nhũng thuộc cơ quan thực thi pháp luật, hợp tác và điều phối luôn là vấn đề trọng tâm, đòi hỏi những giải pháp thể chế đặc biệt.
 
    Năm là, mô hình “hợp thự biện công” đã chứng tỏ tính hiệu quả và kết quả công tác chống tham nhũng thời gian qua ở Trung Quốc. Tuy nhiên, xét đến cùng thì mô hình này vẫn là tồn tại hai cơ quan riêng rẽ, biệt lập cùng hợp lại để làm một số công việc chung, nhằm tránh trùng lặp, chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để nhiều vấn đề nội tại, như Ủy ban Kiểm tra kỷ luật là một cơ quan của Đảng có được chính danh xử lý cán bộ, công chức cao cấp không phải là đảng viên hay không? Hay vấn đề bất cập giữa giám sát trong Đảng với giám sát ngoài Đảng; vấn đề lực lượng phân tán, chức năng, nhiệm vụ chồng chéo; các kẽ hở trong quy trình điều tra án tham nhũng, từ phát hiện, xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính cho đến xử lý hình sự và các chế tài dân sự (thu hồi tài sản tham nhũng); cơ quan giám sát vẫn thuộc hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, thì có tránh được tình trạng can thiệp của chính quyền cùng cấp và tình trạng “tự làm tự giám sát” hay không?... Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.
 
    Những kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc có giá trị tham khảo hữu ích đối với Việt Nam trong việc xây dựng mô hình cơ quan chống tham nhũng. Với sự tương đồng về chế độ hệ thống chính trị, việc vận dụng có chọn lọc và sáng tạo từ cách làm trên chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả tốt trong đấu tranh PCTN ở nước ta. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát quyền lực đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp mới nhằm phòng, ngừa rủi ro mà Trung Quốc đã từng gặp phải, đó là phải có cơ chế kiểm soát quyền lực của chính các cơ quan PCTN, ngăn chặn sớm tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về kỷ luật Đảng. Việc áp dụng mô hình “hợp thự biện công” cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng.
 
    Việc lựa chọn mô hình cơ quan chống tham nhũng nào cho phù hợp, hiệu quả còn phụ thuộc nhiều vào thể chế chính trị và đặc điểm, tình hình của mỗi nước, phụ thuộc vào trình độ quản lý, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, dư luận xã hội và sự ảnh hưởng của hành vi tham nhũng lên xã hội đó. Đồng thời, phụ thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo quốc gia đó và sự đồng thuận của toàn xã hội luôn là những nhân tố quan trọng quyết định mạnh mẽ hiệu quả công tác chống tham nhũng. Từ đó mà mô hình bộ máy cơ quan chống tham nhũng sẽ được thiết lập để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ.
 
    (1) Ban Nội chính Trung ương: Kinh nghiệm PCTN của Trung Quốc từ đại hội Đảng cộng sản lần thứ 18 đến nay - Giá trị tham khảo với Việt Nam, Đề tài khoa học cấp Bộ.
    (2) Thanh tra Chính phủ: Báo cáo kết quả nghiên cứu, học tập về PCTN tại Trung Quốc, tháng 6/2018.
    (3) Theo Từ điển mạng “Hữu Đạo” của Trung Quốc, “Hợp thự biện công” là một loại hình thức tổ chức hoạt động biên chế đặc biệt trong cơ quan Đảng Cộng sản và Chính quyền Trung Quốc. Hai cơ quan biên chế khác nhau, chức trách khác nhau, do bởi đối tượng công việc, tính chất công việc tương cận hoặc do nguyên nhân khác mà cùng hợp nhất địa điểm, cùng làm chung một loại công việc nào đó; nhân viên hai cơ quan, tài nguyên hai bên có thể do cấp trên thống nhất chỉ huy điều động, tùy theo yêu cầu công việc mà linh hoạt vận dụng.
    (4) Điều 18, Luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
    (5) Theo số liệu chính thức, từ tháng 12/2012 đến tháng 5/2021, cơ quan kỷ luật, kiểm tra, giám sát Trung Quốc đã lập hồ sơ và điều tra đối với 392 cán bộ lãnh đạo từ cấp bộ/tỉnh trở lên, 22.000 cán bộ cấp vụ/cục, hơn 170.000 cán bộ cấp quận/huyện và 616.000 cán bộ cấp phường/xã. Ngoài ra, kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, các cơ quan kỷ luật, kiểm tra, giám sát ở nước này đã lập hồ sơ và điều tra hơn 3,8 triệu vụ việc, xử lý 4.089.000 người, kỷ luật đảng và chính quyền 3.742.000 người. Điển hình như vụ án Chu Vĩnh Khang, Thường vụ Bộ Chính trị bị xét xử về các tội danh tham nhũng năm 2015; vụ án Lệnh Kế Hoạch, nguyên Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Chính hiệp bị xét xử về các tội danh tham nhũng năm 2015…
    (6) Chỉ tính riêng tháng 4/2018, ngay sau khi Ủy ban Giám sát Nhà nước được thành lập thì ở Trung Quốc đã có gần 6.000 quan chức bị phạt hành chính vì vi phạm quy định về tiết kiệm, chống lãng phí.
    (7) Trong nhiệm kỳ Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có 09 thành viên của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương bị khởi tố về các tội danh nhận hối lộ. Điển hình như vụ Chu Vĩnh Khang, Nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp quốc gia; Vụ Khúc Thục Huy, Tổ trưởng Tổ kiểm tra kỷ luật thuộc Ủy ban Kiểm tra kỷ luật vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng…

TS. Hoàng Nam Hải 
(Văn phòng Quốc hội)

.