Một số vấn đề lý luận về bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Thứ Năm, 10/02/2022, 10:42 [GMT+7]
Pháp nhân chỉ là chủ thể của trách nhiệm hình sự (TNHS) hay là chủ thể của tội phạm? Đây là vấn đề bản chất của việc quy định TNHS pháp nhân và là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Việc trả lời được câu hỏi này là vấn đề then chốt để xây dựng hay không xây dựng hệ thống lý luận đặc thù trong khoa học pháp lý hình sự cho pháp nhân; cũng như có xây dựng các quy định pháp luật hình sự đặc thù cho pháp nhân không, hay chỉ sử dụng các quy định pháp luật hình sự hiện hành đang áp dụng cho thể nhân (cá nhân) để áp dụng cho pháp nhân.
1. Quan điểm xác định pháp nhân chỉ là chủ thể của trách nhiệm hình sự
Quan điểm xác định pháp nhân chỉ là chủ thể của trách nhiệm hình sự dựa trên cơ sở thực tế “không có” hay “không thể nói đến” hành vi phạm tội của pháp nhân và khi đã không có hành vi phạm tội của pháp nhân, thì cũng không thể nói đến lỗi của pháp nhân. Không có lỗi, cũng không có hành vi, và như vậy, pháp nhân không thể (bị coi) là chủ thể của tội phạm(1). Một cách ngắn gọn hơn, pháp nhân không phải chủ thể tội phạm vì pháp nhân không thực hiện hành vi phạm tội và không có lỗi. GS. TS. Nguyễn Ngọc Hòa trong bài viết “Khái niệm tội phạm và việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015” khẳng định pháp nhân thương mại chỉ là chủ thể của TNHS về tội phạm (do cá nhân thực hiện) mà không phải là chủ thể tội phạm như cá nhân và tội phạm chỉ có một nhưng chủ thể phải chịu TNHS về tội phạm đó có thể là hai - cá nhân thực hiện và pháp nhân của cá nhân thực hiện.
Việc pháp nhân bị chịu TNHS là xuất phát từ việc pháp nhân đó có mối quan hệ với cá nhân người phạm tội và với tội phạm mà người này thực hiện; khác với cơ sở TNHS của cá nhân chính là việc người này thực hiện hành vi được quy định là tội phạm trong Bộ luật hình sự (BLHS). Tác giả kết luận việc BLHS năm 2015 ghi nhận “pháp nhân thương mại phạm tội” chỉ có nghĩa là pháp nhân thương mại (PNTM) phải chịu TNHS về tội phạm do cá nhân thực hiện khi thỏa mãn các điều kiện nêu tại Điều 75 và Điều 76 của BLHS thì bị coi là “phạm tội”(2).
Đồng nhất với quan điểm nêu trên, tác giả Nguyễn Văn Hương trong bài viết “Trách nhiệm hình sự của PNTM theo BLHS năm 2015” khẳng định PNTM không phải là chủ thể của tội phạm và chủ thể của tội phạm chỉ có thể là con người. Tác giả cho rằng hành vi phạm tội “nhân danh pháp nhân”, “vì lợi ích của pháp nhân”, “có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân” chỉ có thể là hành vi của cá nhân. PNTM phải chịu TNHS là vì đã chỉ đạo, điều hành, cho phép,... và được lợi từ hành vi phạm tội của cá nhân. Cơ sở buộc pháp nhân thương mại chịu TNHS chính là mối quan hệ đặc biệt giữa pháp nhân với cá nhân và tội phạm mà người này thực hiện khi có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận và vì lợi ích của pháp nhân(3). Tức là PNTM “được coi”, “bị quy kết” là phạm tội khi có hành vi của con người được PNTM ủy quyền, giao nhiệm vụ (đã thực hiện hành vi phạm tội). Quy định có tính chất bắc cầu này cho thấy, PNTM chỉ là đối tượng bị “coi”, bị “quy kết”, bị “áp đặt” là phạm tội và phải chịu TNHS do hành vi phạm tội của cá nhân trong pháp nhân thực hiện(4).
2. Quan điểm xác định pháp nhân là chủ thể của tội phạm
PSG. TS. Trịnh Quốc Toản trong “Chương 18. Những quy định đối với PNTM phạm tội” Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung) của Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định “PNTM là chủ thể của tội phạm”(5). Tác giả cho rằng, pháp nhân hưởng ý chí độc lập chứ không phải chỉ là con số cộng ý chí tâm lý của cá nhân các thành viên trong tổ chức được pháp nhân hóa, nó có thể tự quyết định một cách tự do và theo đuổi những mục tiêu cụ thể của mình và độc lập với những lợi ích của cá nhân tạo nên pháp nhân đó(6). Pháp nhân có thể “được so sánh với con người. Nó có bộ não, có hệ thần kinh trung ương kiểm tra những gì nó làm. Nó cũng có tay để cầm công cụ và hành động theo các mệnh lệnh của hệ thần kinh trung ương”(7).
Do vậy, pháp nhân là một thực thể có ý chí, có mong muốn riêng của mình, được xử sự tự do và hưởng quyền tự chủ của cá nhân con người cụ thể và chính vì thế nó có năng lực thực hiện tội phạm một cách có lỗi(8). Trong bài viết khác, tác giả Trịnh Quốc Toản cho rằng, về bản chất các pháp nhân hoàn toàn có khả năng phạm tội thông qua các hoạt động và ý chí tập thể của các thành viên. Đó là những người lãnh đạo, đại diện của pháp nhân, người vạch ra, người chỉ đạo hoặc người thực hiện chính sách của pháp nhân, thì tội phạm được coi là do chính pháp nhân thực hiện(9).
PGS. TS. Trần Văn Độ trong bài viết “Trách nhiệm hình sự của PNTM” không đề cập đến việc PNTM là chủ thể của tội phạm hay chỉ là chủ thể của TNHS nhưng khẳng định rằng, nói đến TNHS của PNTM là nói đến pháp nhân đó với tư cách là “một chủ thể độc lập”, phải chịu TNHS trước nhà nước về hành vi phạm tội do mình gây ra(10).
PGS. TS. Trịnh Tiến Việt trong bài viết “Mối liên hệ giữa quy định pháp nhân phạm tội với quy định thủ tục truy cứu TNHS pháp nhân và một số kiến nghị” cho rằng, việc PNTM được xác định là chủ thể của tội phạm trong BLHS năm 2015 là căn cứ cho việc xác định chủ thể tham gia thủ tục tố tụng hình sự truy cứu TNHS của pháp nhân. Pháp nhân là chủ thể của tội phạm nên tư cách bị can, bị cáo và nghĩa vụ gánh chịu TNHS thuộc về “bản thân pháp nhân” bị truy cứu TNHS. Về việc pháp nhân thực hiện tội phạm, tác giả dẫn chiếu các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: “Khi xác định dấu hiệu tội phạm do pháp nhân thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự...” (Điều 432) và “Khi có đủ căn cứ xác định pháp nhân đã thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm thì cơ quan có thẩm
quyền ra quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân” (Khoản 1, Điều 433)(11).
3. Một số kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam
Vấn đề bản chất của việc quy định TNHS pháp nhân hay trả lời câu hỏi pháp nhân là chủ thể của tội phạm hay chỉ là chủ thể của TNHS cũng là vấn đề cơ bản được các học giả nước ngoài quan tâm, tranh luận từ lâu. Luận án tiến sỹ “Corporate Criminal Liability: An Analytical Study with Special Reference to Penal Laws in India” của Abhinandan Bassi đã đưa ra các câu hỏi nghiên cứu cơ bản: Pháp nhân có năng lực thực hiện tội phạm không? Các nguyên tắc nào để quy lỗi nhằm xác định TNHS của pháp nhân? Có cần xây dựng các tội phạm của pháp nhân (corporate crimes) một cách riêng rẽ (với các tội phạm của cá nhân)? Về mặt lý luận cơ bản, có hợp lý hay không khi sử dụng hệ thống tư pháp hình sự của cá nhân để áp dụng cho pháp nhân?(12). Tác giả Markus Wagner trong bài viết “Corporate Criminal Liability: National and International Responses”(13) nêu lên nội dung cơ bản về TNHS của tổ chức tại Anh. Ghi nhận TNHS của pháp nhân bắt đầu vào năm 1842 bởi các tòa án của Anh. Ban đầu, pháp nhân chỉ chịu TNHS đối với các tội phạm không đòi hỏi yếu tố ý chí (mens rea).
Theo án lệ của Anh, có ba loại tội phạm này là các tội gây mất an toàn cho cộng đồng, tội phỉ báng và tội xúc phạm tòa án. Tiếp theo, xác lập TNHS của pháp nhân đối với các tội phạm đòi hỏi yếu tố ý chí (mens rea): Năm 1915, từ phán quyết một vụ án dân sự(14), Thượng nghị viện đã đề ra một nguyên tắc chung để quy yếu tố ý chí cho pháp nhân, đó là nguyên tắc “ý chí điều hành”. Phán quyết của vụ án đó cho rằng, một công ty là một thực thể trừu tượng và không có ý thức. Người ta chỉ có thể nhận thức được về hoạt động và ý chí chỉ đạo của công ty thông qua hành vi và ý chí của một người cụ thể được xem là người thực sự có khả năng thể hiện tư tưởng chỉ đạo và ý chí của công ty, yếu tố thể hiện bản ngã và đặc tính của công ty. Theo nguyên tắc ý chí điều hành, các hành vi và ý chí một số vị trí lãnh đạo cấp cao trong pháp nhân (những người thực hiện các chức năng chỉ đạo, điều hành) bị xem như hành vi và ý chí của pháp nhân. Trong một án lệ khác, Thượng nghị viện đã nhận định rằng một công ty không thể có các nhận thức và ý chí để kiểm soát nhận thức như con người, công ty đó chỉ có thể hành động thông qua con người, con người đó nói và làm không phải với tư cách cá nhân mà với tư cách của công ty và tư tưởng chỉ đạo hoạt động của người đó là ý chí của công ty(15).
Ngược lại, đồng tác giả Fisse và Braithwaite trong bài viết “The Allocation of Responsibility for Corporate Crime: Individualism, Collectivism and Accountability” đã đưa ra các quan điểm, lập luận dựa trên cơ sở phương pháp toàn thể luận (methodological holism hay collectivism) để trả lời, phản bác lại giả thuyết dựa trên nền tảng phương pháp cá thể luận (methodological individualism). Phương pháp cá thể luận cho rằng, chỉ có các cá nhân thực hiện hành vi và chỉ có các cá nhân chịu trách nhiệm; hành vi hoặc trách nhiệm của pháp nhân chỉ là sự tập hợp các hành vi hoặc trách nhiệm của các cá nhân; nói cách khác, phương pháp này tin rằng “các pháp nhân không thực hiện tội phạm; chỉ con người thực hiện”.
Ngược lại, phương pháp toàn thể luận cho rằng, các pháp nhân được xem như cấu trúc đưa ra quyết định (decision-making structure). Các pháp nhân phải chịu trách nhiệm đối với một quyết định khi và bởi vì quyết định này thể hiện chính sách của pháp nhân (corporate policy) và thể hiện một tiến trình đưa ra quyết định của pháp nhân mà tự thân pháp nhân lựa chọn. Đồng thời, chỉ có thể nói pháp nhân không sở hữu một ý chí giống như ý chí của bộ não con người, nhưng pháp nhân thể hiện một loại ý chí đặc biệt “chính sách của pháp nhân”. Chính sách này không phản ánh đơn giản ý chí của các lãnh đạo, giám đốc hoặc cán bộ quản lý của pháp nhân mà nó thể hiện ý tưởng về một chiến lược đặc thù của pháp nhân.
Pháp nhân giống như con người cá nhân có thể đưa ra các lý do hợp lý cho các quyết định của nó; cũng như có năng lực để thay đổi các mục tiêu, chính sách và thay đổi các tiến trình ra quyết định trực tiếp liên quan đến các mục tiêu, chính sách này(16). Tác giả John Braithwaite nhận định “Khoa học hình sự và tội phạm học vẫn trong khuôn khổ các lý thuyết cá thể hóa [TNHS] đã tồn tại trong thời kỳ dài”. Brent Fisse xem việc không đủ năng lực để giải quyết vấn đề lỗi của pháp nhân là “lỗ hổng lớn nhất trong lý thuyết luật hình sự về TNHS của pháp nhân”. Do vậy, đã đề xuất một lý thuyết/ tiêu chuẩn về TNHS của pháp nhân sử dụng một mô hình nhận thức mới để xác định và chứng minh ý chí của pháp nhân. Lý thuyết này cho rằng, mỗi một pháp nhân có một đặc tính xác định và khác biệt (ethos). Nhà nước có thể buộc tội một pháp nhân theo lý thuyết này nếu chứng minh được rằng “ethos” của pháp nhân đã khuyến khích các nhân viên của pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội. Cốt lõi của cách tiếp cận này là việc cho rằng pháp nhân sở hữu một đặc tính có tính độc lập với các cá nhân cụ thể - người lãnh đạo, quản lý hay làm việc cho pháp nhân đó(17).
Từ các phân tích trên, có thể nói, nếu dựa trên cở sở các lý thuyết truyền thống(18) thì pháp nhân chịu TNHS bởi “được coi”, “bị quy kết” từ hành vi phạm tội và lỗi của cá nhân; pháp nhân không thực hiện hành vi phạm tội và không có ý chí phạm tội (không có lỗi); do vậy, pháp nhân chỉ là chủ thể chịu TNHS. Ngược lại, nếu xây dựng TNHS của pháp nhân trên cơ sở các lý thuyết mới thì pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội thông qua cấu trúc [tự] đưa ra quyết định (decision-making structure) và pháp nhân có ý chí bởi pháp nhân có có một đặc tính xác định và khác biệt (ethos) đã khuyến khích các nhân viên của pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội; do vậy, pháp nhân là chủ thể của tội phạm.
Quay trở lại pháp luật hình sự của Việt Nam, khi nghiên cứu, rà soát các quy định của BLHS năm 2015 về TNHS của pháp nhân, chúng ta thấy rằng, chưa có sự rõ ràng trong việc xác định bản chất của việc quy định TNHS của pháp nhân hay xác định pháp nhân là chủ thể tội phạm hay chỉ là chủ thể TNHS. Trên cơ sở so sánh giữa luật hình sự Anh và Việt Nam, tác giả Đào Lệ Thu cho rằng “luật hình sự Việt Nam chưa thể hiện bản chất TNHS của pháp nhân thương mại trong một cách rõ ràng”. Cụ thể, một số quy định cho thấy, đó là loại hình TNHS phát sinh trên cơ sở hành vi phạm tội của thể nhân; một số quy định khác lại khiến pháp nhân thương mại bị biến thành một chủ thể của tội phạm độc lập, tách biệt khỏi người phạm tội và chịu TNHS trên cơ sở tội phạm do chính mình thực hiện(19). Điều này cũng được PGS. TS Nguyễn Ngọc Chí chia sẻ: Trên cơ sở tiếp cận PNTM là chủ thể tội phạm, các quy định của BLHS năm 2015 tạo ra “cảm giác” có hai bộ luật ở cùng một bộ luật, trong đó một bộ luật quy định về cá nhân phạm tội và một bộ luật quy định về pháp nhân phạm tội,... Ngược lại, nếu quan niệm pháp nhân là chủ thể của TNHS chứ không phải là chủ thể tội phạm sẽ khắc phục được “cảm giác” hai trong một nêu trên và những mẫu thuẫn của BLHS năm 2015 như gán các khách thể tội phạm cho pháp nhân không thể xâm hại hoặc phải xác định dấu hiệu lỗi của pháp nhân khi phạm tội(20).
“Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại
Khoản 2 và Khoản 3, Điều 27 của Bộ luật này. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”.
Điều 75, Bộ luật hình sự năm 2015.
|
Do vậy, để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong các quy định của BLHS về TNHS của pháp nhân, chúng ta cần xác định rõ bản chất của việc quy định TNHS của pháp nhân; tức là trả lời rõ ràng câu hỏi pháp nhân chỉ là chủ thể chịu TNHS hay pháp nhân là chủ thể của tội phạm. Nếu xác định pháp nhân chỉ là chủ thể chịu TNHS thì về cơ bản chúng ta sẽ không phá vỡ tính ổn định của những quy định nền tảng vốn có về tội phạm và TNHS; các lý thuyết truyền thống về hình sự và các quy định về tội phạm do cá nhân/thể nhân thực hiện được áp dụng trực tiếp cho pháp nhân; chỉ bổ sung một số lý thuyết và quy định pháp luật đặc thù cho TNHS của pháp nhân. Ngược lại, nếu xác định pháp nhân là chủ thể của tội phạm thì chúng ta cần phải nghiên cứu, xây dựng một hệ thống lý thuyết về TNHS của pháp nhân với sự “thoát ly” ở mức độ nhất định với các lý thuyết truyền thống về tội phạm và TNHS của thể nhân; song song với đó là cần có một hệ thống quy định pháp luật hình sự tương đối riêng rẽ, độc lập áp dụng cho pháp nhân.
Nhưng có một lựa chọn “khôn ngoan” hoặc khả thi hơn như hầu hết các quốc gia có truyền thống lâu đời về TNHS của pháp nhân áp dụng; đó là ban đầu vận dụng các hệ thống lý thuyết và pháp luật hình sự của thể nhân để áp dụng cho pháp nhân. Sau đó, nếu có những hạn chế, vướng mắc nào thì sẽ nghiên cứu, xây dựng và phát triển một số lý thuyết và quy định pháp luật đặc trưng cho pháp nhân. Chẳng hạn, Anh quốc, xây dựng TNHS của pháp nhân trên nền tảng lý thuyết đồng nhất hóa. Theo đó, TNHS của pháp nhân phụ thuộc vào việc chứng minh hành vi trái pháp luật và ý định của một đại diện cấp cao của pháp nhân. Đây là thách thức, bởi các công ty đa quốc gia có các cấu trúc ra quyết định phức tạp, thường khó để xác định người ra quyết định riêng lẻ trong một chuỗi quản lý. Cơ quan chống gian lận nghiêm trọng của Anh (SFO) đã công nhận hạn chế này của lý thuyết đồng nhất hóa(21). Để khắc phục một phần hạn chế nêu trên, Điều 7 của Đạo luật hối lộ của Anh quy định một tội phạm mới (Thất bại của tổ chức thương mại trong ngăn chặn hối lộ công chức nhà nước). Theo đó, pháp nhân chịu TNHS khi lãnh đạo quản lý cấp cao nhất thất bại trong việc ngăn chặn những nhân viên cấp thấp hơn thực hiện hành vi hối lộ công chức nhà nước, gồm thất bại trong giám sát nhân viên hoặc thất bại trong thực hiện kiểm soát nội bộ, các chương trình tuân thủ và quy tắc đạo đức(22). Điều 7 của Đạo luật hối lộ của Anh không dựa trên lý thuyết đồng nhất hóa mà theo lý thuyết tiệm cận với lý thuyết về lỗi của pháp nhân và quan trọng nữa là chỉ pháp nhân chịu TNHS về tội phạm này, còn thể nhân thì không. Như vậy, có thể nói, theo Điều 7 của Đạo luật hối lộ của Anh thì pháp nhân là chủ thể của tội phạm; chứ không đơn thuần chỉ là chủ thể chịu TNHS.
(1) Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên): Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại - Nhận thức cần thống nhất?, Nxb Tư pháp, H.2020, tr.145.
(2) Nguyễn Ngọc Hòa: Khái niệm tội phạm và việc quy định TNHS của pháp nhân trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015, Tạp chí Luật học, số 2/2016, tr.7-8.
(3) Nguyễn Văn Hương: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo Bộ luật hình sự năm 2015, Tạp chí Luật học, số 4/2016, tr.62-63.
(4) Nguyễn Văn Hương: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại - Quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 và những vấn đề pháp lý phức tạp, Sách chuyên khảo “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại - Nhận thức cần thống nhất?” do GS. TS. Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên, Nxb Tư pháp, H.2020, tr.343-344.
(5) Trịnh Quốc Toản: Chương 18. Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội, Giáo trình Luật hình sự (Phần chung), Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội - 2020, tr.580.
(6) Trịnh Quốc Toản: tlđd, tr.574.
(7) Trịnh Quốc Toản: tlđd, tr.574. Xem thêm: H.L Bolton (Eningeering) Company Ltd. V. T.J. Graham & Son Ltd, 1957, I.Q.B.159, p. 172.
(8) Trịnh Quốc Toản: tlđd, tr.574.
(9) Trịnh Quốc Toản: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong pháp luật hình sự, Nxb CTQG, H.2011, tr.248.
(10) Trần Văn Độ: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, Triển khai thi hành Bộ luật hình sự năm 2015, Nxb Tư pháp, H.2018, tr.33.
(11) Trịnh Tiến Việt: Mối liên hệ giữa quy định pháp nhân pháp tội với quy định thủ tục truy cứu TNHS pháp nhân và một số kiến nghị, ), trong Nguyễn Ngọc Chí (chủ biên) Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật tố tụng hình sự (hiện hành), Nxb CTQGST, H.2019, tr.73-76.
(12) Abhinandan Bassi (2016), Corporate Criminal Liability: An Analytical Study with Special Reference to Penal Laws in India, the Degree of Doctor of Philosophy (Ph.D.) in Law, Rajiv Gandhi National University of Law, Punjab.
(13) Markus Wagner (1999), Corporate Criminal Liability: National and International Responses, Commonwealth Law Bulletin, page 600, 601, truy cập tại https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3415253
(14) Vụ Lennard’s Carrying Company Ltd. V. Asiatic Petroleum Company Ltd., (1915) AC 705.
(15) Vụ Tesco Supermakets v. Nattrass (1972) AC 153.
(16) B.Fisse & J. Braithwaite (1988), The Allocation of Responsibility for Corporate Crime: Individualism, Collectivism and Accountability, Sydney Law Review Vol.11, p. 468-513.
(17) Bucy, Pamela H. (1991), Corporate Ethos: A Standard for Imposing Corporate Criminal Liability,
Minnesota Law Review Vol. 75:1095, p. 1095-1183.
(18) - Lý thuyết trách nhiệm thay thế (respondeat superior hay vicarious) được phát triển cơ bản (thông qua án lệ) bởi các tòa án liên bang và được chấp nhận tại một số tòa án bang. Cơ sở phát triển là dựa trên các nguyên tắc của tort law (luật trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng), quy định rằng một pháp nhân có thể chịu TNHS nếu đáp ứng điều kiện (1) hành vi của bất cứ nhân viên nào của pháp nhân đó thực hiện một tội phạm (2) trong phạm vi công việc của họ (3) với ý định mang lại lợi ích cho pháp nhân.
- Lý thuyết đồng nhất (indentification) hóa coi tất cả những hành vi đúng luật hay trái luật được thực hiện bởi một số cán bộ quản lý cấp cao được đồng nhất với hành vi của pháp nhân; các tội phạm buộc tội chống lại những người quản lý cấp cao này cũng tự động quy cho pháp nhân. Nói cách khác, pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm bởi hành vi của những người được xem là đại diện cho ý chí (directing mind) của pháp nhân gồm ban lãnh đạo, giám đốc quản lý, cán bộ quản lý cấp cao.
(19) TS. Đào Lệ Thu: Trách nhiệm hình sự của tổ chức trong luật hình sự Anh - So sánh và đề xuất với luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 02+03 (402+403), tháng 2/2020, truy cập ngày ngày 12/05/2020 tại http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210492
(20) Nguyễn Ngọc Chí (Chủ biên): Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và những vấn đề đặt ra khi thi hành Bộ luật tố tụng hình sự (hiện hành), Nxb CTQGST, H.2019, tr.19-20.
(21) OECD Working Group on Bribery (2012), Phase 3 Report on Implementing the OECD Anti-Bribery Covention in the United Kingdom, page 14, 15, available at https://www.oecd.org/daf/anti-bribery/UnitedKingdomphase3reportEN.pdf
(22) OECD Working Group on Bribery, tlđd, page 14, 15.
|
ThS. Nguyễn Hà Thanh
(Ban Nội chính Trung ương)