Mùa xuân mới mang theo làn gió mới

Thứ Ba, 01/02/2022, 00:57 [GMT+7]

    Không khí của mùa xuân mới đang tràn về, nhìn lại chặng đường của năm 2021 đã qua với những “buồn, vui” xen lẫn, vẫn còn nhiều điều canh cánh trong lòng mà không ai không thấy, nhưng bước vào năm 2022, cả dân tộc Việt Nam lại có thêm động lực mới, quyết tâm mới, tiếp tục cố gắng phát huy những thành công của năm 2021 với những sự kiện lớn: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, để lại dấu ấn đậm nét về một Đại hội “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

    Cũng trong năm 2021, nhiều “Hội nghị Diên Hồng” đã được tổ chức để quán triệt, cụ thể hóa, triển khai các nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trên các lĩnh vực như: Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với đó, nhiều văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được ban hành: Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, Kết luận số 14-KL/TW về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và Quy định số 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
 
Mừng xuân Nhâm Dần 2022 (ảnh Đặng Phước)
Mừng xuân Nhâm Dần 2022 (ảnh Đặng Phước)
    Điều này cho thấy sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Với những cách làm rất bài bản, khoa học, hiệu quả, với từng bước đi chắc chắn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam tiếp tục tỏa sáng giúp chúng ta vững vàng vượt qua sóng to, gió lớn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu cơ bản của năm 2021, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19, bước vào trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt để phát triển kinh tế - xã hội.
 
    Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào thời điểm cả nước đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nghị quyết nhấn mạnh một trong những đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2030 là: Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội. Để phát triển đất nước không chỉ là tăng trưởng kinh tế bằng mọi cách, mà phải đi song hành giữa chính trị, kinh tế và văn hóa. Sau Hội nghị này, chắc chắn các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn cũng như các ý kiến tâm huyết sẽ được nhanh chóng thể chế hóa, giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
 
    Chúng ta có có quyền tin tưởng vào điều đó, bởi văn hóa Việt Nam được xác lập từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sự phát triển của xã hội Việt Nam hiện đại dù tiến triển như thế nào vẫn chắc chắn sẽ đi theo quỹ đạo của một xã hội tiến bộ, dân chủ, công bằng, văn minh, với những con người nhân văn, thông minh, có đủ sức mạnh và trí tuệ xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
 
    Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong những năm vừa qua là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Cụm từ “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”; ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường xuyên được nhắc đến trong các bài phát biểu quan trọng hay trên các phương tiện thông tin đại chúng - đó vừa là phương châm hành động, vừa là mục đích hướng tới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và cái đích cuối cùng là để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân được tốt hơn.
 
    Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi, thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực… làm cơ sở đưa ra những giải pháp tập trung lãnh đạo thực hiện trong thời gian tới. Đối với những cán bộ có khuyết điểm mà không biết “tự soi, tự sửa mình”, đã “nhúng tràm” mà không có đủ lòng tự trọng để lắng nghe phê bình, tự nguyện rời bỏ vị trí thì Đảng đã kiên quyết loại bỏ theo tinh thần “quân pháp bất vị thân”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Những cán bộ hư hỏng tiếp tục bị trừng phạt dưới thanh bảo kiếm kỷ luật Đảng. Họ lần lượt bị kỷ luật, bị khởi tố, bắt giam hoặc bị kỷ luật tước hết các chức vụ. Từ chủ trương, cách làm đúng đắn của Đảng, đã tạo ra được sức mạnh lòng dân với sự đồng thuận, ủng hộ ngày càng cao.
 
    Để đột phá, vươn lên được thì dứt khoát phải thay thế những “mắt xích” yếu, tiềm ẩn những nguy cơ hỏng hóc, tha hóa, biến chất... Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Theo đó, có 6 căn cứ xem xét miễn nhiệm và 4 căn cứ xem xét đối với cán bộ xin từ chức. Đó là chủ động xin từ chức, lại có cả sự “thụ động” của đối tượng chịu sự tác động của quy định. Nếu anh không tự giác, tổ chức cũng sẽ “gợi ý” để anh từ chức và hơn thế nữa là miễn nhiệm anh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc khi chưa hết thời hạn bổ nhiệm và có cả căn cứ để một cán bộ lãnh đạo, quản lý từ chức hoặc bị miễn nhiệm khi phiếu tín nhiệm thấp... Quy định này nhằm vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải tự đánh giá và nhìn nhận lại mình. Điều quan trọng nhất là việc miễn nhiệm, từ chức không còn là “lối thoát an toàn” của người sai phạm.
 
    Để tạo nên những cú hích cho sự sáng tạo, tạo động lực cho bước bứt phá, thay đổi về chất đối với nguồn nhân lực của đất nước, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận nêu rõ, nếu việc thí điểm có kết quả không đạt hoặc xảy ra thiệt hại, các cơ quan chức năng phải đánh giá công tâm, xem xét nếu thực hiện có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm…
 
    Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo; chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế; phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm… Quy định này khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng đối với cơ chế đề cao sự năng động, sáng tạo của cán bộ vì lợi ích chung. Muốn xây dựng và phát triển đất nước, thì mỗi lời nói, mỗi hành động đưa ra phải có trăm, nghìn lời nói, hành động hưởng ứng theo thì mới thành công được. Chính vì vậy, trong các buổi họp quan trọng của Đảng, Chính phủ và trong buổi tiếp xúc cử tri Thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với Nhân dân “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, thực hiện phương châm “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” thì đất nước ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không sợ kẻ thù nào, ngay cả giặc nội xâm là tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
 
    Người dân tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào mục đích rất tốt đẹp. Dẫu đã có lúc trong dư luận vẫn còn có những nghi ngại là liệu có làm được như nói. Vì ai cũng biết, từ chủ trương tới hiện thực, từ lời nói đến việc làm là một quãng đường rất dài và đầy gian truân. Nhưng những nghi ngại đó đang dần tan đi khi một loạt các quyết định, các biện pháp được Đảng, Nhà nước triển khai thực hiện quyết liệt trong năm qua. Lịch sử thăng trầm của dân tộc Việt Nam cho thấy “Dân là gốc” và niềm tin, tinh thần đoàn kết là yếu tố căn bản trong các giá trị. Lúc nào Đảng, Nhà nước, Quốc hội hiểu được lòng dân, nói cho dân hiểu để nhận thức rằng vận mệnh của dân tộc chính là vận mệnh của mình, của gia đình mình, dòng họ mình, dân tin Đảng, tin ở khả năng và cách ứng xử, tin ở chính sách cởi mở và nhân văn… thì lúc đó sẽ huy động được mọi nguồn lực và trí tuệ trong nhân dân.
 
    Cùng với sự phát triển của đất nước sẽ luôn là những khó khăn, thách thức trực chờ, nhưng dù xã hội Việt Nam có biến động theo phương thức nào vẫn chắc chắn sẽ đi theo quỹ đạo của một xã hội tiến bộ, dân chủ, công bằng, văn minh, với những con người nhân văn, thông minh, có đủ sức mạnh và trí tuệ xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Và điều quan trọng hơn cả chính là đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam, đó chính là mục tiêu then chốt và thiết thực nhất, mà Đảng, Nhà nước luôn hướng tới.
 
    Nhân dân Việt Nam có thêm hy vọng và tin tưởng rằng tương lai đất nước đang được tạo thêm động lực và khí thế mới sẽ đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong năm 2022. Đây chính là lúc để truyền thống đoàn kết của dân tộc được khơi dậy mạnh mẽ trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Mỗi tấm lòng, mỗi sự sẻ chia sẽ giúp cho chúng ta có thêm niềm hy vọng, sự lạc quan và để khắp muôn nơi, những nụ cười ấm áp sẽ tỏa sáng trong mùa Xuân mới.

Cù Tất Dũng
(Ban Nội chính Trung ương)

.