Ngày xuân nghĩ về văn hóa, đạo đức môi trường Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 02/02/2022, 02:11 [GMT+7]

    Chúng ta lại sống trong những ngày tháng của mùa Xuân đất nước, dân tộc. Mỗi độ Tết đến, Xuân về trong mỗi chúng ta không nguôi nỗi nhớ và biết ơn Bác Hồ kính yêu, nhớ những vần thơ Xuân chúc Tết của Người. Có những vần thơ gắn bó với từng mùa Xuân cụ thể, có những câu thơ là lời hiệu triệu toàn quân, toàn dân ta đồng loạt đứng lên chiến đấu và chiến thắng tay sai, kẻ thù xâm lược. Nhưng cũng có những vần thơ trở thành ca dao, tục ngữ, thành phong tục tập quán mới của đất nước dân tộc. 

    Đặc biệt là câu thơ: “Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” Câu thơ trên là một biểu hiện trong muôn vàn ví dụ về văn hóa, đạo đức môi trường Hồ Chí Minh. Một tài sản vô cùng quý báu mà Bác Hồ đã để lại cho dân tộc, đất nước và nhân dân ta, nhưng cho đến nay, chúng ta chưa khai thác, phát huy một cách có hiệu quả.
 
    1. Nhận thức về văn hóa, đạo đức môi trường Hồ Chí Minh
 
    Hiện nay, ở nước ta khái niệm văn hóa, đạo đức môi trường còn chưa được phổ biến, ngay cả trong các từ điển, văn bản chính quy của Đảng và Nhà nước. Vấn đề văn hóa, đạo đức môi trường cũng còn ít được nghiên cứu, đề cập. Trong khi đó, Bác Hồ kính yêu của chúng ta là “nhà văn hóa kiệt xuất” của đất nước và của thế giới, đồng thời, ở đạo đức của Người là tấm gương mẫu mực, sáng ngời để chúng ta học tập, noi theo. Tuy văn hóa, đạo đức môi trường là vấn đề mới, tuy nhiên, từ rất sớm, trong văn hóa, đạo đức nói chung của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nổi lên văn hóa, đạo đức môi trường. Văn hóa, đạo đức môi trường Hồ Chí Minh có một số cơ sở lý luận và thực tiễn sau đây:
 
    Thứ nhất, dựa vào chủ nghĩa Mác. Từ vào giữa thế kỷ XIX, trong tác phẩm “Phép biện chứng của tự nhiên”, Ăngghen đã cảnh báo về sự “trả thù” của tự nhiên đối với con người khi con người coi mình là “kẻ thống trị” tự nhiên, từ đó dẫn đến hành động “bóc lột” một cách thái quá đối với tự nhiên. Còn Các-Mác đã cảnh báo khía cạnh phản đạo đức, phản văn hóa trong quá trình con người tác động vào tự nhiên, ông cho rằng, nếu để văn hóa phát triển một cách tự phát, không được hướng dẫn một cách tự giác thì nó sẽ “để lại đằng sau những hoang mạc”; 
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát động
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Kỷ Hợi 2019
    Thứ hai, khi ra đi tìm đường cứu nước, trong dòng máu của mình, người thanh niên Nguyễn Tất Thành mang đậm dòng máu Lạc Hồng với những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc như tình yêu quê hương, đất nước, gắn kết cộng đồng, truyền thống văn hiến, nhân văn... Đồng thời, trong suốt 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận biết, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại kết tinh bởi các giá trị: Cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ... làm nên cốt cách của chính mình;
 
    Thứ ba, từ thực tiễn của các dân tộc thuộc địa bị áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận ra sự tàn phá môi trường tự nhiên và tố cáo, lên án các chính sách bóc lột, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Ở nhiều bài viết, bài nói trong giai đoạn này, Nguyễn Ái Quốc còn lên án sự bóc lột lao động, nhân dân ở các nước thuộc địa về thể xác và về văn hóa bằng nhà tù, thuốc phiện và rượu cồn. Mục đích của đế quốc, thực dân là làm nhân dân ở các nước đó ngu muội, lao vào con đường rượu chè mà quên ý chí đấu tranh; 
 
    Thứ tư, đối chiếu các tiêu chí về văn hóa, đạo đức môi trường mà các nhà khoa học, tổ chức quốc tế đưa ra trong những năm gần đây thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này, đặc biệt, Người còn đi trước nhân loại về nhiều vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Tháng 6/1997, Tuyên bố Soul đã công bố về đạo đức môi trường, đánh dấu bước tiến bộ quan trọng về nhận thức công tác BVMT. Tuyên bố Soul đưa ra các nguyên tắc của đạo đức môi trường, bao gồm: (1) Nguyên tắc xây dựng nền văn hóa tinh thần như một đòi hỏi về sự cân bằng giữa các mục tiêu vật chất và mục tiêu tinh thần mà loài người phấn đấu cho sự sinh tồn của mình; (2) Bình đẳng về môi trường giữa các quốc gia, các dân tộc, các nhóm cộng đồng, mọi người và các thế hệ hiện tại và tương lai; (3) “Xanh hóa” lĩnh vực khoa học và công nghệ; (4) Chia sẻ trách nhiệm trong BVMT trong ứng xử với thiên nhiên và giữa các quốc gia, lĩnh vực, nhóm xã hội; (5) Thực hiện các nguyên tắc này là thước đo quan trọng hàng đầu đối về văn hóa, đạo đức môi trường(1). Trong môn học văn hóa, đạo đức môi trường, người ta lấy 3 tiêu chí phẩm cách để làm thước đo xác định con người có văn hóa, đạo đức môi trường. Đó là: Có tri thức về môi trường và vận dụng nó vào đời sống hằng ngày; có khả năng hành động cụ thể để tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục mọi người cùng xây dựng, giữ gìn, BVMT nhằm phát triển bền vững; có ý thức, thái độ và thực sự sống thân thiện, hòa hợp với môi trường.
 
    2. Một số biểu hiện nổi bật về văn hóa, đạo đức môi trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
    Từ rất sớm, ở Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hòa quyện cả về tri thức, sự nêu gương sống hòa nhập, thân thiện với môi trường và cả khả năng lãnh đạo, khởi xướng, giáo dục, tuyên truyền, vận động và đi tiên phong trong nhiều hoạt động BVMT. Trong nhiều bài viết trong giai đoạn từ năm 1920 đến 1930, Nguyễn Ái Quốc đã lên án chính sách khai thác thuộc địa ở Đông Dương, ở châu Phi, châu Mỹ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Những chính sách khai thác này làm lãng phí, kiệt quệ các mỏ khoáng sản thiên nhiên, chặt phá các cánh rừng để lập các đồn điền và mất cân bằng sinh thái, sa mạc hóa ở nhiều vùng khi nắn các dòng chảy của sông cho để tập trung nguồn nước vào một số nơi. Vào chiều 13/10/1923, Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu tại phiên họp lần thứ bảy tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, trong đó có đoạn: “Các đồng chí đều biết rằng trong các nước ven biển, nhất là trong những nước ở Viễn Đông, thường xảy ra giông bão và lụt lội làm cho mùa màng thất bát; các nhà truyền đạo lợi dụng những dịp đó để ứng trước tiền cho nông dân với những tỷ suất lãi rất nặng và một thời hạn rất ngắn”(2).
 
    Sau khi tìm được con đường cứu nước, chuẩn bị lực lượng sáng lập một đảng cách mạng, năm 1941, Hồ Chí Minh về nước cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho dân ta, làm cuộc kháng trường kỳ chống thực dân Pháp. Tuy mục tiêu quan trọng nhất của cách mạng nước ta giai đoạn này là độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước, tự do, ấm no, hạnh phúc cho người dân, nhưng Bác Hồ luôn luôn ý thức sự cần thiết giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái nơi công tác, nơi ở, nơi làm việc, coi đó làm cơ sở, bảo đảm sức khỏe cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Trong thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã sống hòa hợp với thiên nhiên, rất quý trọng thiên nhiên, cây cỏ, giữ gìn môi trường, cảnh quan, sinh thái mà vẫn bảo đảm an toàn cho bản thân và đồng chí, đồng bào. Một cảnh an nhàn, thư thái thanh tao của một lãnh tụ cách mạng được Bác Hồ thể hiện qua những vần thơ: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Chính vì rất ý thức về tình yêu quê hương, đất nước, giá trị, vị trí của thiên nhiên, môi trường quanh mình, cho nên Bác Hồ đã có những áng văn thơ rất lãng mạn, đầy lạc quan, tin tường. Bác Hồ rất chú ý yếu tố địa lý, địa điểm nơi trú chân, hoạt động và nêu gương sáng, nhắc nhở, giáo dục cán bộ, chiến sĩ ổn định, bắt tay vào giữ gìn vệ sinh, môi trường, tăng gia, sản xuất, trồng cây, BVMT sinh thái.
 
    Bác Hồ đã đúc kết thành nguyên tắc rất đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa mỗi khi tìm và bố trí nơi làm việc, sinh hoạt: “Trên có núi/Dưới có sông/Có đất ta trồng/Có bãi ta vui/Tiện đường sang Bộ Tổng/Thuận lối tới Trung ương/Nhà thoáng, ráo, kín, mát/Gần dân, không gần đường”. Có rất nhiều câu chuyện cảm động kể về trong những năm Người cùng đồng chí, đồng bào chiến đấu, sống, làm việc ở ATK, về những chi tiết cảm động về Bác Hồ là người nêu gương trong việc giữ gìn môi trường nơi ở, bảo vệ rừng, tăng gia sản xuất, trồng cây rau màu và giáo dục, rèn luyện, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ phương pháp tăng gia, sản xuất, tự túc lương thực, thực phẩm sao cho vừa năng suất, hiệu quả, vừa BVMT sinh thái cho hiện tại và cho những người đến sau.
 
    Ngày 20/3/1947, ngay trong lúc kháng chiến cứu quốc bắt đầu cam go, với bút danh Tân Sinh, Bác Hồ đã viết quyển “Đời sống mới”, trong đó yêu cầu “chúng ta phải đồng thời kiến quốc, thực hành đời sống mới là điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”. Bác Hồ chủ trương “đồng bào ta mỗi người có một quyển Đời sống mới để xem, để hiểu, để thực hành”(3). Với hình thức hỏi - đáp rất ngắn gọn, nhưng đa dạng, phong phú cho từng tầng lớp, đối tượng cụ thể, rất thiết thực, hiệu quả trong công tác vệ sinh, giữ gìn sức khỏe, BVMT cho kháng chiến, kiến quốc.
 
    Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, trong các cuộc tiếp xúc với cán bộ, bộ đội, nhân viên các cơ quan Đảng, Chính phủ, Bác Hồ rất chú ý căn dặn mọi người chú ý giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chọn nơi ở là Phủ toàn quyền Đông Dương cũ cao sang mà chọn một ngôi nhà sàn khiêm nhường được xây dựng trên nền nhà cũ của thợ điện và Bác sống cuộc sống thanh bạch chăm chút vườn cây, ao cá, luống rau, thể dục thể thao sau giờ làm việc. Hành động mấu mực của Bác Hồ là yếu tố vô cùng quan trọng về đạo đức môi trường, là có khả năng tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục mọi người cùng xây dựng, BVMT, bảo đảm phát triển bền vững. Điều này ở Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ và đậm nét. Năm 1972, tại Hội nghị thế giới lần thứ nhất về môi trường họp tại StocKholm, Thụy Điển, ra lời kêu gọi các quốc gia cần quan tâm đến vấn đề giữ rừng, trồng cây, BVMT. Thế nhưng từ trước đó rất lâu, nghĩa là từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động, kêu gọi đồng bào ta BVMT trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó có phát động toàn dân thực hiện Tết trồng cây, với câu thơ đã đi vào tâm can của mỗi người dân Việt Nam: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”; “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Mặc dù trong thời kỳ từ năm 1960 đến năm 1969, Bác Hồ bận trăm công nghìn việc, lo toan cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN trước sự tàn phá rất khốc liệt của kẻ thù, nhưng Người vẫn dành nhiều thời gian viết bài Tết trồng cây và đích thân Người trồng cây ở nhiều nơi và quan tâm nhiều hơn nữa đến các vấn đề BVMT, phòng, chống lụt bão, hạn hán, tu bổ đê điều...
 
    Riêng về đề tài Tết trồng cây, ngoài việc quan tâm nhắc nhở, kiểm tra, trực tiếp trồng cây ở nhiều nơi, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi và viết 7 bài báo đăng trên Báo Nhân dân. Đó là các bài viết vào các số báo ra ngày 06/01/1960; 19/01/1960; 25/3/1960; 28/01/1961; 27/01/1963; 01/01/1965 và 05/02/1969. Đặc biệt, cách ngày “đi xa” không lâu, vào 11 giờ trưa ngày 16/02/1969 (tức Mồng một Tết năm Kỷ Dậu), Bác đến thăm và chúc Tết nhân dân xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây. Người đã cùng nhân dân khai Xuân, trồng cây trên quả đồi tại xã. Buổi trưa, dưới bóng cây trên đồi xã Vật Lại, Bác Hồ thân mật nói chuyện với nhân dân địa phương. Người nói: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng cháu ngày nay thì biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”. Sau đó mấy hôm, vào ngày 19/02/1969, Bác Hồ kính yêu của chúng ta lên cơn đau ngực và người phái thở bằng bình ô xy và làm điện tâm đồ. Tuy nhiên Vào ngày 23/02/1969, tuy sức khỏe còn yếu, vẫn phải thở bằng bình ô xy, nhưng Bác vẫn nhớ gửi thưởng Huy hiệu của Người cho 4 cụ già có thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây gây rừng. Đến nay Tết trồng cây đã trở thành phong tục tập quán, thành truyền thống tốt đẹp của đất nước ta, dân tộc ta.
 
    Có rất nhiều những câu chuyện cảm động kể về tấm gương mẫu mực trong ý thức BVMT, sống hòa hợp thân thiện với thiên nhiên, lãnh đạo, vận động đồng chí, đồng bào làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta là một biểu tượng mẫu mực hiếm thấy trên thế giới về lối sống hòa hợp với thiên nhiên. Sống hòa hợp với thiên nhiên đã trở thành truyền thống quý báu, tốt đẹp của dân tộc ta hàng nghìn năm qua. Bác Hồ đã kế thừa, phát triển truyền thống này của dân tộc. Ở khía cạnh này, chỉ xin được nhấn mạnh rằng, suốt cả cuộc đời của mình dù bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ở vị trí hoạt động, công tác ra sao, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn sống hòa nhập với thiên nhiên, đồng thời giáo dục, nhắc nhở động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào làm theo. Đúng như Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác sống như trời đất của ta/Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa”; “Bác vui như mỗi buổi bình minh/Vui mỗi mầm non, trái chín cành/Vui tiếng ca chung hòa bốn biển/Nâng nưu tất cả chỉ quên mình”.
 
    3. Học tập, làm theo tấm gương văn hóa, đạo đức môi trường Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay
 
    Trong Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã đưa ra nhiều quan điểm chỉ đạo, trong đó có “Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hoá, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hòa với tự nhiên của ông cha ta” đại hoá đất nước”(4).
 
    Trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra một số nhiệm vụ quan trọng, trong đó có “chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh PCTN, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh...”.
 
    Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tấm gương sáng về đạo đức môi trường. Việc học tập, làm theo lối sống giản dị, tiết kiệm, hòa hợp với thiên nhiên của Bác Hồ sẽ chính là những yếu tố rất cơ bản, quan trọng, cụ thể về văn hóa, đạo đức môi trường. Do vậy, cần có những chuyên đề nghiên cứu sâu về văn hóa, đạo đức môi trường Hồ Chí Minh để đưa vào chương trình học tập, làm theo. Vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, BVMT, chống biến đổi khí hậu đang là vấn đề sống còn của đất nước. Trong những năm qua, tài nguyên thiên nhiên vẫn bị sử dụng lãng phí, quản lý lỏng lẻo, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn phổ biến, môi trường tự nhiên vẫn tiếp tục bị xuống cấp, rừng ở nhiều nơi tiếp tục bị triệt hạ không thương tiếc, nhiều khu công nghiệp, làng nghề và nhiều hộ gia đình vì lợi ích nhóm, chạy theo đồng tiền, nhiều khi chỉ vì “miếng cơm manh áo mà họ bất chấp những tổn thất vô cùng to lớn về thiên nhiên, môi trường cho hôm nay và các thể hệ mai sau. Một trong những nguyên nhân cơ bản, mấu chốt liên quan đến trách nhiệm quản lý, đến nhận thức, thói quen, nếp sống văn hóa, đạo đức môi trường cùa cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là của những người đứng đầu tổ chức, địa phương, đơn vị, nơi môi trường sống đang bị ô nhiễm, bị tàn phá nặng nề.
 
    Nếu như công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” thì từ lâu, Bác Hồ coi đạo đức là “gốc” của người cán bộ cách mạng. Người có đạo đức cách mạng thì có lối sống, cách cư xử, ứng xử giữa người với người và giữa con người với thiên nhiên sẽ rất khác đối với những người không được giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Phẩm chất đạo đức là tiêu chí chính để phân biệt giữa con người với các sinh vật khác cùng chung sống trong hành tinh xanh của chúng ta. Do vậy, nói đến văn hóa, đạo đức môi trường tức là cách ứng xử của những người có văn hóa (khác với học vấn) với môi trường thiên nhiên, với các sinh vật xung quanh. Điều này có thế chưa hình dung cụ thể rõ ràng, nhưng dứt khoát, nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ là nền tảng, có tác động tích cực, hiệu quả đến công tác BVMT để đất nước phát triển bền vững.
 
    Giữ gìn, phát huy những giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, sống hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chính là một biện pháp xây dựng, nâng cao đạo đức môi trường cho cán bộ, đảng viên, cộng đồng xã hội. Cũng cần lưu ý rằng, người có trình độ văn hóa sẽ có ý thức tốt hơn trong tác phong, lối sống giữ gìn, BVMT.
 
    Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có rất nhiều quy định về trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, gương mẫu trong giữ gìn phầm chất đạo đức, lối sống, quy định những điểu đảng viên không được làm, quy định miễn nhiệm, cho từ chức đối với những người đứng đầu để cấp dưới sai phạm, vi phạm kỷ luật, công tác kiểm tra, giám sát, v.v… Tuy nhiên, lại chưa có quy định rõ ràng, cụ thể trong những sai phạm, khuyết điểm, tắc trách về công tác lãng phí tài nguyên thiên nhiên, BVMT cũng như về thực hiện văn hóa BVMT. Do vậy, trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước, nhất là khi các cơ quan chức năng ban hành các quy định thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, cần quan tâm hơn nữa, ban hành các quy định về văn hóa, đạo đức, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiết kiệm tài nguyên, BVMT. Bổ sung văn hóa, đạo đức môi trường là cần thiết, trở thành một nội dung của đạo đức của cán bộ, đảng viên.
 
    Việc nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hoá. Một trong những khâu quan trọng trong quản lý, BVMT là “văn hóa”, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tình trạng ô nhiễm, hủy hoại môi trường, quản lý, bảo vệ rừng đáp ứng nhu cầu thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ nhận thức về công tác BVMT, trong đó có văn hóa môi trường, đạo đức môi trường cho đông đảo cán bộ, công chức, đảng viên, người dân.
 
    Trong quá trình triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các cơ quan chức năng quan tâm quán triệt, vận dụng các quan điểm của Đảng ta, nội dung kết luận Hội nghị văn hóa toàn quốc vào công tác BVMT. Cho đến nay càng khẳng định, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và văn hóa, đạo đức môi trường nói riêng, chính là góp phần làm cho “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” theo ước vọng của Người.
 
    (1) TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Thay đổi cung cách ứng xử với thiên nhiên, xây dựng văn hóa môi trường tiên tiến hướng tới phát triển bền vững đất nước, Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015.
    (2) Hồ Chí Minh: Về tài nguyên thiên nhiên, Nxb CTQG, H.2010, tr.37.
    (3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, t.5, tr.93.
    (4) Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hệ thống tư liệu - văn kiện Đảng.
Vũ Lân
(Thành phố Hà Nội)
.