Bắc Ninh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ Bảy, 23/04/2022, 07:26 [GMT+7]
    Thực hiện kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ chính trị khóa Xii về tiếp tục thực hiện nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PcTn, lãng phí (sau đây gọi tắt là kết luận số 10-KL/TW), trong 05 năm qua, Tỉnh ủy Bắc ninh đã nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực. những kết quả đó góp phần kiềm chế các hành vi tham nhũng, lãng phí trên nhiều lĩnh vực, nhằm cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.
 
    1. Một số kết quả đạt được trong công tác PCTN, lãng phí.
 
    (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện
 
    Ngày 11/4/2017, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận số 10-KL/TW tới toàn thể lãnh đạo của tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức quán triệt, triển khai các nội dung Kết luận số 10-KL/TW đến cán bộ, đảng viên thông qua nhiều hình thức.
 
    Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 10-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 27-KH/TU, ngày 28/3/2017 nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp PCTN, lãng phí trên địa bàn tỉnh. Sau 05 năm, cấp ủy các cấp đã xây dựng 527 văn bản phù hợp với đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ áp dụng tại cơ quan, địa phương, đơn vị. Nhằm đánh giá đúng thực chất trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 10-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác PCTN, lãng phí của các chi, đảng bộ trên địa bàn tỉnh; Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra theo Điều 30 Điều lệ Đảng đối với các tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong đó có việc thực hiện Kết luận số 10-KL/TW (trong kỳ báo cáo đã kiểm tra, giám sát, đôn đốc 135 cuộc). Thông qua công tác kiểm tra, giám sát đã giúp tổ chức đảng và đảng viên thấy được ưu điểm để phát huy, đồng thời nhận rõ khuyết điểm, hạn chế để sửa chữa, khắc phục.
 
    (2) Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp PCTN, lãng phí
    
    - Các cấp ủy, người đứng đầu đã bám sát Nghị quyết, đề ra các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, ngăn ngừa và phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm; thực hiện việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... qua đó, vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng cao; tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, người đứng đầu được phát huy tích cực.
 
    - Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, chấp hành nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm, gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện dân chủ, công khai, đề cao đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật nhà nước đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm là một trong những biện pháp được Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác kiểm tra chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Kịp thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật chính quyền.
 
    Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã bố trí chức danh lãnh đạo các huyện, thị xã và thành phố là 10 đồng chí và lãnh đạo các xã, phường, thị trấn là 100 đồng chí không phải người địa phương; đồng thời, thực hiện nghiêm túc không bố trí những người có quan hệ gia đình làm việc cùng một nơi, cùng một công việc dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí. 
 
    - Thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập, từ năm 2017 đến năm 2020, toàn tỉnh có tổng số 21.896 người phải kê khai, trong đó, 21.892 người đã thực hiện kê khai, có 04 người không thực hiện việc kê khai (do đến thời điểm kê khai nghỉ hưu theo chế độ và chuyển công tác). Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, qua đó, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin, thuận lợi trong việc giao dịch hành chính cũng như giám sát kết quả tổ chức thực hiện.
 
    - Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí thực hiện tốt công tác giám định và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã công khai trên Trang thông tin điện tử của tỉnh địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin 24/24 giờ qua hộp thư công vụ, hoặc qua số điện thoại di động trong trường hợp cần xử lý nhanh; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
 
    Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; bảo vệ người tố cáo, tạo lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước; khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong đấu tranh PCTN, lãng phí theo các quy định của pháp luật nhằm khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân tham gia phản ánh, tố giác và đấu tranh PCTN.
 
    - Đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; nhất là việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
 
    + Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy đảng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời vụ việc có dấu hiệu tham nhũng ở tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo, tin báo tố giác tội phạm, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng trong phát hiện, tố giác tham nhũng; bảo vệ và khen thưởng xứng đáng, kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân tố cáo hành vi tham nhũng... Đối với các trường hợp có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư phải chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định; chấn chỉnh kịp thời các vi phạm trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, kinh tế; khắc phục tình trạng hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng chỉ xử lý kỷ  luật về hành chính, kinh tế; xử lý nghiêm đối với những cán bộ có hành vi tiêu cực, bao che trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; kịp thời có các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng, vi phạm về quản lý kinh tế mà có...
 
    Đối với những vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các vụ việc, vụ án thuộc diện cấp ủy theo dõi, chỉ đạo xử lý hoặc trong quá trình điều tra, xử lý gặp khó khăn, vướng mắc, kéo dài, còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để chủ động trao đổi theo quy chế phối hợp, kịp thời báo cáo, tham mưu xin ý kiến Thường trực cấp ủy về chủ trương, đường lối xử lý. Ủy ban kiểm tra các cấp hàng năm đã xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch đề ra. Đã kiểm tra theo Điều 30 Điều lệ Đảng được 2.354 lượt tổ chức đảng và 13.300 lượt đảng viên. Qua kiểm tra đã phát hiện: 04 tổ chức đảng và 19 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm. Qua công tác kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hoặc tham mưu để cấp ủy thi hành kỷ luật 14 tổ chức đảng và 163 đảng viên có sai phạm.
 
    + Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong 05 năm qua, toàn ngành Thanh tra đã thực hiện 1.103 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 12.231 đơn vị, doanh nghiệp. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền tăng cường quản lý, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nhiều quy định, chính sách có liên quan đến nội dung thanh tra và kiến nghị xử lý về kinh tế 370.93l triệu đồng, trong đó thu hồi về ngân sách 74.630 triệu đồng và xử phạt vi phạm hành chính 22.322 triệu đồng, giảm trừ 34.124 triệu đồng, kiến nghị khác 239.855 triệu đồng; kiến nghị xử lý về đất là 86.966m2, đã phát hiện, chuyển Cơ quan điều tra 06 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến các sai phạm trong quản lý đất đai và thu chi tài chính. Tiếp nhận, thụ lý giải quyết 91 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 306 triệu đồng và 3.180 m2 đất, trả lại cho công dân 2.427 triệu đồng và 425 m2 đất; chuyển Cơ quan điều tra xem xét khởi tố 09 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
 
    + Công tác điều tra, truy tố, xét xử được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Các vụ án được đưa ra xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong kỳ báo cáo, đã khởi tố 40 vụ/127 bị can; Truy tố 25 vụ/90 bị can; Xét xử 20 vụ/63 bị cáo. Đưa 20 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, đôn đốc xử lý của Ban Nội chính Tỉnh ủy.
 
    + Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, tạm giữ tài sản, phong tỏa tài khoản và xử lý tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng để được xem xét áp dụng chính sách khoan hồng theo quy định của pháp luật. Có cơ chế giải quyết, xử lý nhanh các tài sản liên quan đến tham nhũng, bảo đảm lợi ích chính đáng của những chủ thể liên quan và xã hội. Qua báo cáo tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát do tham nhũng là hơn 241,189 tỷ đồng; đã thu hồi được hơn 35,268 tỷ đồng. 
 
    Bên cạnh các nhiệm vụ nói trên, Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và nhân dân trong PCTN; kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN; mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN; đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
 
    Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong quá trình triển khai, thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của tỉnh Bắc Ninh vẫn còn một số hạn chế tồn tại: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN còn thiếu tính hệ thống, thiếu sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; nội dung tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa thật sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn; việc tuyên truyền kết quả về PCTN chưa kịp thời. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.
 
    Việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp chưa được thường xuyên; công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự được quan tâm, trong một số trường hợp còn chậm; việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập còn ít, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...
 
    2. Để tiếp tục triển khai, thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, trong đó đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác PCTN, lãng phí, Tỉnh ủy Bắc Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực thiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
 
    - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập Nghị quyết Trung ương 3, Luật PCTN và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Kết luận số 10-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng  đối với công tác PCTN, lãng phí; các quy định của pháp luật về PCTN gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo.
 
    - Chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Thực hiện tốt các nội dung trong Chương trình cải cách hành chính nhà nước của tỉnh; triển khai thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ... 
 
    - Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản về quản lý kinh tế, xã hội tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí như tài chính, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản... Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước chú trọng vào việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại phục vụ nhiệm vụ PCTN, lãng phí.
 
    - Nâng cao, xây dựng, củng cố và kiện toàn các cơ quan chuyên trách làm công tác PCTN; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, kỷ cương, liêm chính; phát huy vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức.
 
    - Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa như xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức tiêu chuẩn; công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, đơn vị; xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác; minh bạch tài sản, thu nhập; cải cách thủ tục hành chính, coi việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa là nội dung quan trọng trong công tác PCTN.
 
    - Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN, lãng phí, trong việc thực hiện các quyết định, kết luận sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
 
    - Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, lãng phí, nhất là các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm. 
 
    - Phát huy vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các cơ quan báo chí và quần chúng nhân dân trong công tác PCTN, lãng phí; phát động phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng khu dân cư vững mạnh...
Bùi Thị Thu Hà
(Ban Nội chính Trung ương)
.